TIÊU CHUẨN NGÀNH 04TCN 129:2006 VỀ QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG RỪNG LÁT MÊXICO DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BAN HÀNH

Hiệu lực: Không xác định Ngày có hiệu lực: 29/12/2006

TIÊU CHUẨN NGÀNH

04TCN 129:2006

QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG RỪNG LÁT MÊXICO

1. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Nội dung, mục tiêu

Quy trình này quy định những nội dung yêu cầu và kỹ thuật trồng Lát Mêxico (Cedrela odorata) từ khâu xác định điều kiện gây trồng, nguồn giống, tạo cây con, trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ đến khi rừng khép tán với mục tiêu kinh doanh gỗ lớn, chu kỳ kinh doanh 15 – 20 năm.

1.2. Phạm vi áp dụng.

Quy trình này áp dụng cho trồng rừng Lát Mêxico thuần loài, hỗn giao hay trồng cây phân tán bằng cây con từ hạt tạo bầu hoặc rễ trần.

1.3. Đối tượng áp dụng.

Quy trình áp dụng cho tất cả các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế trong cả nước có điều kiện gây trồng phù hợp với loài cây Lát Mêxico.

2. ĐIỀU KIỆN GÂY TRỒNG

2.1. Khí hậu

Bảng 1

TT

Nhân tố khí hậu

Điều kiện thích hợp

Điều kiện mở rộng

1

Nhiệt độ trung bình năm ( oC )

25 – 26

20 – 24 và 27 – 28

2

Tổng lượng mưa bình quân năm (mm/năm)

1500 – 2000

1000 – 1400 và 2100 – 2500

3

Độ ẩm không khí (% )

80 – 85

70 – 80

2.2. Địa hình

Bảng 2

TT

Nhân tố địa hình

Điều kiện thích hợp

Điều kiện mở rộng

1

Độ cao tuyệt đối ( m)

400 – 500

<100 và 500 – 700

2

Địa hình

Bằng phẳng

Chân, sườn đồi, núi

3

Độ dốc, độ

nhỏ hơn 15

15 – 30

 

2.3. Đất đai

Bảng 3

TT

Nhân tố đất đai

Điều kiện thích hợp

Điều kiện mở rộng

1

Loại đất Đất dốc tụ núi đá vôi, đất đỏ Bazan, đất phù sa sông suối, đất vườn quanh nhà, đất bồi đắp do san ủi Đất đồi núi hoặc nương rẫy bỏ hoá còn giữ được nhiều tính chất đất rừng.

2

Thành phần cơ giới

Trung bình

nhẹ

3

Độ dày tầng đất (cm)

Lớn hơn 50

30 – 50

4

PH KCL

6,5 – 7

5 – 6

2.4. Thực bì

Trảng cỏ cây bụi đang phục hồi, rừng thưa, rừng tự nhiên nghèo kiệt. Không trồng trên đất có thực bì nhiều ràng ràng sim mua.

3. NGUỒN GIỐNG VÀ KỸ THUẬT HẠT GIỐNG.

3.1. Nguồn giống

– Nguồn giống nhập nội: Chỉ được nhập và sử dụng hạt giống từ các xuất xứ đã được khảo nghiệm và công nhận.

– Nguồn giống trong nước: Phải lấy hạt giống và vật liệu sinh dưỡng từ các cây mẹ, rừng giống, vườn giống đã được công nhận. Nghiêm cấm sử dụng giống không rõ nguồn gốc xuất xứ. Không lấy giống trên cây mới bói năm thứ nhất, chỉ lấy giống trên cây có vụ ra hoa kết quả từ năm thứ 2 trở đi.

– Tuổi cây mẹ lấy hạt giống phải đạt trên 10 năm. Cây sinh trưởng tốt, phát triển cân đối, thân thẳng, tán tròn đều, không sâu bệnh.

3.2. Thu hái quả

– Thời gian thu hái từ cuối tháng 4 đến trung tuần tháng 5 tuỳ thuộc thời tiết hàng năm, khi cánh hạt đã ngả mầu nâu.

– Phương pháp thu hái: Trèo lên cây, dùng cù nèo hái từng chùm quả, không được bẻ và chặt cành làm ảnh hưởng đến mùa vụ năm sau.

3.3. Chế biến, bảo quản hạt giống

– Thu hái xong cần tập trung quả hoặc chùm quả vào nơi mát mẻ, không chất đống cao quá 50 cm, để quả tiếp tục chín đều cho tới khi thấy tế bào biểu bì vỏ quả đã chết.

– Quả chín được phơi nắng cho quả tự nổ.

– Sau khi tách hạt cần tiếp tục hong khô dưới nắng nhẹ 2-3 ngày và sàng sảy hết tạp vật.

– Hạt lát Mêxico sau khi chế biến gieo ngay tỷ lệ nảy mầm sẽ cao. Hạt chưa gieo cần bảo quản khô lạnh như hạt thông, ở nhiệt độ 3 – 5 C, thời gian bảo quản không quá 6 tháng.

4. KỸ THUẬT TẠO CÂY CON

4.1. Chọn và lập vườn ươm

Chọn và lập vườn ươm theo quy định của tiêu chuẩn ngành về vườn ươm cây Lâm nghiệp (04 TCN 52 – 2002).

4.2. Thời vụ gieo ươm

Sau khi thu hái, chế biến hạt giống gieo ngay (tháng 5-6) để trồng cây vụ thu.

Trồng cây vụ xuân năm sau thì gieo ươm tháng 10 năm trước.

4.3. Xử lý và gieo hạt

4.3.1. Xử lý hạt

Ngâm hạt trong nước ấm 2 sôi 3 lạnh (khoảng 45 – 500C ) từ 10 – 12 giờ để hạt hút no nước, vớt ra để ráo nước. Ngâm hạt trong thuốc tím nồng độ 0,1% (1g/1 lít nước) trong một giờ, sau đó tráng rửa bằng nước sạch từ 2-3 lần cho đến khi nước hết màu tím. Vớt hạt ra để ráo rồi ủ trong túi vải thúc mầm. Hàng ngày rửa chua 1 lần, sau 2-3 ngày hạt nứt nanh đều thì đem gieo.

4.3.2.Gieo hạt

4.3.2.1. Gieo hạt trên luống xây nền cứng

Dùng cát sạch và hơi thô phủ dày 12-15 cm, luống gieo được xử lý bằng dung dịch thuốc tím 0,1% để diệt nấm khuẩn. Sau 36 giờ, dùng nước sạch tưới đẫm mặt luống để đẩy tầng thuốc tím xuống lớp cát phía dưới. Công việc này cần chuẩn bị trước để đảm bảo gieo ngay sau khi xử lý hạt.

Khi gieo trộn hạt với tro bếp, gieo vãi rải đều hạt trên mặt luống (bao nhiêu hạt/m2). Gieo xong sàng phủ hạt bằng 1 lớp cát dày 1cm. Phun mù hoặc tưới ẩm bằng vòi hoa sen mỗi ngày 1-2 lần.

Phủ vòm ni lông màu trắng đục tới rạch luống, lấp đất kín mép ngoài để ngăn chặn chuột, sâu, ốc sên…phá hoại cây mầm.

Thường xuyên giữ độ ẩm cho luống gieo, tránh mưa xối đất. Khoảng 8-10 ngày sau khi gieo, cây mầm ra 2-4 lá thì nhổ cấy vào bầu.

4.3.3.2. Gieo trên luống đất

Đất gieo hạt phải làm nhỏ, nhặt sạch cỏ rồi đánh thành luống. Mặt luống rộng 1m, cao 0,2 m, đảm bảo tiêu thoát nước tốt.

Tưới đẫm mặt luống rồi phủ 1 lớp cát mịn (đã được xử lý bằng thuốc tím 0,1% và tráng rửa bằng nước sạch) dày 3cm. Nên sàng phủ thêm một lớp vôi bột mỏng trên bề mặt luống gieo để phòng chống ốc sên.

Gieo hạt như cách gieo trên nền cứng.

Phủ vòm ni lông trắng đục tới rạch luống, lấp đất kín mép ngoài để ngăn chặn chuột, sâu, ốc sên…phá hoại cây mầm.

Thường xuyên giữ độ ẩm cho luống gieo, nếu thấy khô trên mặt luống, dùng bình hoa sen tưới qua vòm ni lông hoặc xả nước vào rãnh luống cho tự thấm.

4.4. Tạo bầu

4.4.1.Vỏ bầu

Vỏ bầu loại PE màu trắng đục hoặc đen, bầu không đáy, kích thước bầu 9 x13 cm.

4.4.2. Thành phần hỗn hợp ruột bầu (Phần trăm tính theo thể tích)

– Đất mặt vườn ươm 80%

– Phân chuồng hoai 18%

– Super lân 1%

– Vôi bột 1%.

Đất ruột bầu phải đập nhỏ và sàng bỏ sỏi đá, rễ cây.

Trộn đều hỗn hợp ruột bầu theo tỷ lệ quy định, theo nguyên tắc: nguyên liệu nhiều đổ trước, nguyên liệu ít đổ sau, tạo thành đống hình chóp nón.

Dùng xẻng đảo hỗn hợp 2-3 lần để hỗn hợp được trộn đều. Trong quá trình đảo trộn, nếu đất khô, phun nước vào hỗn hợp, độ ẩm từ 50-60% là phù hợp.

4.4.3. Đóng bầu

Khi đóng bầu cần lèn chặt đất phần đáy bầu khoảng 2cm để định hình bầu và giữ đất trong bầu không bị rơi vãi ra ngoài, sau đó tiếp tục cho đất đầy tới miệng túi bầu và xếp bầu vào luống, xếp sít nhau. Luống bầu có chiều rộng thông thường là 1 m, được khử trùng bằng thuốc tím 0,1- 0,2 % sau đó tưới đẫm nước, để qua đêm.

4.5. Cấy cây

Tiêu chuẩn cây mầm đem cấy cao 3-4 cm, có từ 2-4 lá.

Tưới nước đủ ẩm vào luống gieo, dùng bay bứng cây mầm, không để giập nát và đứt rễ. Cây mầm sau khi nhổ được đặt trong khay hoặc bát con có nước, đặt bộ rễ cây mầm tiếp xúc với nước để cây không bị héo.

Tưới nước cho luống bầu trước khi cấy 2 giờ để hỗn hợp ruột bầu đủ ẩm.

Cấy cây mầm vào bầu sao cho hệ rễ ở tư thế tự nhiên, tiếp xúc với đất, đặt cây ngay ngắn ở giữa bầu, ép đất, lấp kín cổ rễ.

Cấy xong dùng bình hoa sen lỗ nhỏ tưới nhẹ mặt luống. Cắm ràng ràng hoặc làm giàn che 30 – 40% ánh sáng để chống nắng nóng cho cây mầm mới cấy. Sau 5 ngày phải kiểm tra và cấy dặm cây chết.

4.6. Ươm cây rễ trần

4.6.1. Chuẩn bị đất

Đất ươm cây có độ pH dưới 6 cần được xử lý bằng vôi bột với liều lượng 0,4 – 0,5 kg/m2 rải đều diện tích ươm cây và vành đai chung quanh. Bón lót 4-5 kg phân chuồng hoai cho 1 m2 mặt luống.

Sau 1-2 tuần, cầy hoặc cuốc, đập nhỏ, làm sạch cỏ và rễ cây rồi đánh thành luống. Mặt luống rộng 1m, cao 0,3 m.

4.6.2. Đánh chuyển cây mầm

Khi cây mầm gieo ở luống gieo phần lớn đã xuất hiện 1-2 lá kép lông chim, chiều cao đạt trên 5 cm là đủ tiêu chuẩn đánh chuyển để ươm cây rễ trần.

Chọn ngày mưa ẩm hoặc râm mát để đánh chuyển.

Cự ly ươm cây: hàng cách hàng 30cm, cây cách cây 20cm (khoảng 16-17 cây/1m2 mặt luống) áp dụng với cây con rễ trần nuôi ở vườn ươm 1-2 năm tuổi đạt chiều cao trên 2m. Khi cần xuất vườn sớm (cây con rễ trần 5-6 tháng tuổi), mật độ ươm cây dày hơn theo cự ly 25 x 20cm (20 cây/m2 mặt luống).

4.7. Chăm sóc cây con

– Thường xuyên tưới nước đủ ẩm cho cây con, tưới vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát, số lần tưới tuỳ thuộc vào điều kiện thời tiết và tình hình sinh trưởng của cây con, song về nguyên tắc phải luôn giữ độ ẩm đất trong bầu.

– Ươm cây rễ trần phải kịp thời làm sạch cỏ và xới xáo đảm bảo mặt luống luôn thông thoáng. Tưới ẩm đều và đảm bảo tiêu nước tốt. Giải pháp tích cực là đưa nước làm ngập rãnh luống 2-3cm, sau 1 đêm tháo kiệt ngay.

– Tưới phân: Khi cây con được 1 tháng tuổi, tưới thúc bằng nước pha phân tổng hợp NPK theo tỷ lệ 1:2:1 nồng độ 0,5% (1kg/200lít nước). Tưới phân xong cần tưới rửa toàn bộ cây con bằng nước sạch đề phòng táp lá. Không tưới nước phân vào ngày nắng nóng, chọn ngày râm mát hoặc có mưa phùn để tưới.

– Tạo cây có bầu từ tháng thứ thứ 3 phải tiến hành đảo bầu, kết hợp đảo bầu và phân loại cây để chăm sóc. Chỉ được đảo bầu vào những ngày râm mát có mưa nhỏ.

4.8. Phòng trừ sâu bệnh hại

Khi thấy xuất hiện bệnh lở cổ rễ phải hạn chế tưới nước, loại bỏ cây bệnh ra khỏi vườn ươm, tăng cường xới đất, làm cỏ phá váng, kịp thời diệt trừ bằng dung dịch Boóc đô 1% như đối với bệnh rơm lá thông hoặc dùng Benlát 0,1%, liều lượng 1 lít/3 m2, mỗi tháng phun 1 lần, liên tục trong 2-3 tháng đầu kể từ sau khi cấy. Phun cả nơi đã bị nhiễm và nơi chưa bị nhiễm bệnh.

Dùng vôi bột rắc xung quanh rãnh luống thậm chỉ cả trên mặt luống để phòng ốc sên.

4.9. Tiêu chuẩn cây con xuất vườn

Cây con xuất vườn phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau :

4.9.1. Tạo cây con có bầu

– Tuổi cây : Phải đạt 6 tháng tuổi trở lên

– Chiều cao bình quân: 35 – 40 cm

– Đường kính gốc : 0,5 – 0,6 cm

– Cây xanh tốt, phát triển cân đối, không cụt ngọn, không sâu bệnh.

4.9.2. Tạo cây con rễ trần

– Tuổi cây : Phải đạt 12 tháng tuổi trở lên.

– Chiều cao bình quân: 100 cm trở lên

– Đường kính gốc : 1 cm trở lên

– Cây xanh tốt, phát triển cân đối, không cụt ngọn, không sâu bệnh.

4.10. Hãm, đánh cây, vận chuyển

4.10.1. Hãm cây

– Cây con tạo bầu trước khi xuất cây đem trồng 1 tháng phải ngừng tưới phân và giảm lượng nước tưới, tiến hành đảo bầu lần 2 và phân loại cây con.

– Cây con rễ trần, trước khi đánh cây15-20 ngày giảm hoặc ngừng tưới nước tuỳ thuộc vào mức độ khô nóng của thời tiết và độ ẩm đất ươm cây. Trước khi đánh cây 10 ngày cần kéo nhổ cây về một phía nhằm làm đứt một phần rễ bàng, phần còn lại để duy trì cân bằng nước.

4.10.2. Thời vụ đánh cây

– Chọn ngày râm mát, mưa ẩm để đánh cây. Sau khi đánh cây, phải ngắt phần lá sắp rụng, hồ rễ, xếp ngay ngắn và buộc thành từng bó có số lượng bằng nhau. Tưới ẩm hoặc phun mù lên phần thân, lá rồi xếp lên phương tiện vận tải.

4.10.3. Vận chuyển

– Khi vận chuyển phải phủ bạt hoặc bao tải, tưới ẩm cho cây con.

– Cây con đưa ra khỏi vườn tốt nhất là trồng ngay. Nếu thời tiết chưa thuận lợi phải xếp bầu nơi khô ráo, râm mát, cây rễ trần cần đào hố trồng tạm thời từng bó, tưới ẩm thường xuyên không để bầu hoặc rễ bị khô. Thời gian lưu cây không quá 10 ngày.

5. KỸ THUẬT TRỒNG RỪNG

5.1. Thiết kế trồng rừng

Thực hiện thiết kế trồng rừng theo tiêu chuẩn ngành 04-TCN-46-2001 về quy trình thiết kế trồng rừng ban hành kèm theo Quyết định số 516/QĐ-BNN-KHCN ngày 18-2-2002 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn.

5.2. Thời vụ trồng

Mùa trồng thích hợp với các tỉnh phía Bắc và Bắc trung bộ là đầu xuân, với các tỉnh Nam bộ và Tây nguyên là đầu mùa mưa.

Chọn ngày râm mát, lặng gió, có mưa phùn để trồng cây. Không trồng vào lúc nắng nóng, lạnh giá hay gió bão.

5.3. Phương thức trồng và mật độ trồng

Tuỳ điều kiện cụ thể mà áp dụng các phương thức trồng sau đây :

5.3.1. Trồng thuần loài

Trồng bằng cây con có bầu hoặc rễ trần.

Mật độ trồng : 1000 cây/ha (4 x 2,5m hoặc 3,3 x 3m)

5.3.2. Trồng hỗn loài theo hàng

Cây hỗn giao phải có tán lá phát triển, khống chế cỏ dại, không rụng lá trong mùa khô, chịu lửa, hạn chế được sâu đục ngọn, có giá trị cải tạo đất. Một số loài có thể chọn như: Keo tai tượng, Keo lai, Mỡ, những loài cây trong họ đậu mọc nhanh, những cây trong họ xoan như Xoan ta, Xoan nhừ, Lát hoa…

Trồng bằng cây con có bầu hoặc rễ trần.

Mật độ trồng : Lát Mêxico 888 cây/ha, cây hỗn giao 444 cây/ha. Hỗn giao theo hàng, 1 hàng lát Mêxico, 1 hàng cây hỗn giao, cự ly hàng 3m. Cự ly cây trong hàng lát Mêxico là 4m, cự ly cây trong hàng cây hỗn giao là 2-4m.

5.3.3.Trồng theo phương thức nông lâm kết hợp

Thực hiện phương thức nông lâm kết hợp với ngô, đậu, lạc….trong 1 – 2 năm đầu. Mật độ trồng lát Mêxico là 1100 cây/ha (4 x 2,5m hoặc 3,3 x 3m).

Trồng bằng cây con có bầu hoặc cây rễ trần.

5.3.4. Trồng cây phân tán

Trồng phân tán bằng cây con rễ trần cao trên 1 m.

Cự ly cây 4-5 m.

5.4. Chuẩn bị đất trồng rừng

– Phát đốt dọn toàn diện thực bì .

– Cuốc hố, bón lót, lấp hố:

+ Làm đất cục bộ theo hố, hàng cây bố trí theo đường đồng mức. Kích thước hố trồng: 50 x 50 x50 cm áp dụng cho trồng cây rễ trần. Kích thước hố trồng: 30 x 30 x 30 cm áp dụng trồng cây có bầu. Khi cuốc hố phải để lớp đất mặt sang một bên.

+ Bón lót và lấp hố: Bón lót 100 g NPK loại 17:17:17 cho một hố. Bón lót vào lúc lấp hố bằng cách trộn đều với lớp đất mặt ở độ sâu giữa hố sau đó lấp đất lên trên cho đầy miệng hố theo hình mui rùa. Nơi đất có độ pH dưới 6, phải tăng cường lượng vôi bột (bón thêm 200g vôi bột cho 1 cây).

Công việc cuốc hố, bón lót và lấp hố phải thực hiện xong trước khi trồng cây từ 5-7 ngày.

5.5. Trồng cây

Chọn những ngày mưa phùn, mưa nhỏ, tiết trời râm mát để trồng cây.

+ Trồng cây rễ trần : Đất trong hố phải tơi xốp, đủ ẩm, phải đặt cây thẳng đứng, bộ rễ trải đều trong hố rồi lấp nhẹ bằng lớp đất tơi xốp cho đất tiếp xúc với bộ rễ, sau đó lấp đầy đất và dẫm đều chung quanh sao cho mặt đất trong hố cao hơn mặt đất bên ngoài 2 – 3 cm.

+ Trồng cây có bầu : Dùng cuốc nhỏ hoặc bay moi một hốc giữa hố đã lấp có độ sâu hơn chiều cao của bầu cây từ 2-3 cm, xé vỏ bầu, không làm vỡ bầu, đặt cây ngay thẳng ở giữa hố, lấp đất và lèn chặt, vun thêm đất cao hơn mặt đất bên ngoài 2-3 cm.

5.6. Trồng cây phân tán

Lát Mêxico thích hợp trồng phân tán quanh nhà, cơ quan, trường học, đường phố, ven kênh mương, đường làng. Thích hợp trồng phân tán làm cây che bóng cho chè, cà phê, ca cao, trồng cải tạo vườn tạp…

Trồng bằng cây con rễ trần có chiều cao trên 1 m (điểm 5..2.)

Quy cách hố: 60 x 60 x 60 cm. Bón lót mỗi hố 5 kg phân chuồng hoai trộn đều với đất mùn tơi xốp. Nếu đất có độ pH dưới 6 trộn thêm 0,5 kg vôi bột. Lấp hố trước khi trồng 7-10 ngày.

Trồng vào đầu xuân nhân dịp tết trồng cây hoặc trước mùa mưa 1 tháng.

Khi trồng phải đặt cây thẳng đứng giữa hố, trải đều bộ rễ, lấp đất và lèn chặt. Trồng xong tưới nước ngay, cắm cọc và buộc dây giữ cho cây không bị lay chuyển khi gió thổi.

6. CHĂM SÓC, QUẢN LÝ, BẢO VỆ

6.1. Chăm sóc rừng trồng

Rừng trồng phải được chăm sóc 3 năm liên tục, đặc biệt trong 2 năm đầu phải kiểm tra trồng dặm cây chết.

Năm thứ nhất: Nếu trồng vụ xuân, chăm sóc 2 lần vào tháng 8 và tháng 11, nội dung chủ yếu là phát dọn thực bì toàn diện, xới vun gốc, đường kính 1m. Nếu trồng vụ thu thì chỉ chăm sóc 1 lần vào tháng 11 hoặc 12.

Năm thứ hai: Chăm sóc 2 lần, lần 1 vào tháng 4-5, nội dung như năm đầu và bón thúc mỗi gốc cây 100g NPK (loại 17:17:17). Chăm sóc lần 2 vào tháng 9-10.

Năm thứ ba: Chăm sóc 1 lần vào tháng 4-5, chủ yếu là phát dọn thực bì, cây bụi chèn ép cây trồng.

6.2. Nghiệm thu

Thực hiện theo quyết định số 162/1999/QĐ/BNN/PTLN ngày 10/12/1999 và văn bản số 46/XDPTR ngày 25/1/2000 (hiệu đính quy trình nghiệm thu số 162).

6.3. Quản lý rừng trồng

Các đơn vị quản lý rừng trồng phải có hồ sơ theo dõi, đánh giá tình hình sinh trưởng, tình hình sâu bệnh hại, biến đổi mật độ, hiệu quả của chăm sóc rừng qua các năm.

Sau 4 năm trồng rừng (hết thời kỳ chăm sóc) rừng chuẩn bị khép tán, các đơn vị chủ quản cần tổ chức nghiệm thu với sự tham gia của cơ quan cấp trên để đánh giá chất lượng rừng trồng và xây dựng phương án tác động cho giai đoạn 2 (Nuôi dưỡng).

6.4. Bảo vệ.

– Cần chú ý mọi biện pháp tích cực để phòng chống lửa rừng. Giải pháp chủ yếu là làm tốt các đai phòng lửa, thực hiện giao khoán bảo vệ rừng hàng năm, xây dựng các biển báo cấm chặt phá và chăn thả gia súc trong rừng.

– Trong điều kiện cho phép, khuyến khích thực hiện Nông Lâm kết hợp trồng xen ngô, đậu, lạc, dong riềng… sẽ hạn chế phát triển của thực bì cỏ dại và mầm mống gây bệnh.

– Rừng mới trồng thường xuất hiện sâu bệnh hại, đặc biệt là sâu đục ngọn phá đỉnh sinh trưởng gây ảnh hưởng xấu đến phẩm chất gỗ. Giải pháp tích cực là áp dụng phương thức trồng hỗn giao hợp lý, chặt bỏ những cây bị sâu bệnh để tránh lây lan.

Một số chỉ tiêu kỹ thuật

stt

Chỉ tiêu kỹ thuật

Đơn vị

Chỉ tiêu định mức được quy định

Ghi chú

1

Tuổi cây lấy hạt giống Năm > 10

2

Chất lượng hạt giống

– Độ thuần

– Hàm lượng nước

– Tỷ lệ nảy mầm

– Số hạt trên 1 kg

 

%

%

%

Hạt

 

80 – 85

7 – 8

> 75%

20.000 – 40.000

3

Bảo quản hạt giống

– Phương pháp: lạnh, khô

– Thời gian

 

 

Tháng

 

nhiệt độ 3-50C

không quá 6

 

 

4

Tuổi cây con đem trồng

– Cây con tạo bầu

– Cây con rễ trần

 

Tháng

Năm

 

5 – 6

1 – 2

5

Tiêu chuẩn cây con

– Chiều cao bình quân

 

– Đường kính gốc

 

cm

cm

cm

cm

 

35 – 40

> 100

0.5 – 0.6

>1

 

Cây tạo bầu

Cây con rễ trần

Cây tạo bầu

Cây con rễ trần

6

Mật độ trồng

Trồng phân tán

cây/ha 1.000

cự li cây 4-5 m

(4 x 2.5m) hoặc (3.3 x 3m)

7

Quy cách hố 30 x 30 x 30 cm

50 x 50 x 30 cm

60 x 60 x 60 cm

Trồng cây có bầu

Trồng cây rễ trần

Trồng cây phân tán

8

Bón lót

– Phân NPK

– Vôi bột

 

Gam/cây

Gam/cây

 

100

200

 

 

Nơi trồng có độ pH < 6

9

Tỷ lệ trồng dặm % 15

10

Thời vụ trồng rừng Tháng 4 – 5 hoặc

Tháng 7 – 8

11

Tỷ lệ sống sau 1 tháng % > 90

12

Chăm sóc

– Thời gian

– Kỹ thuật

 

Năm

 

4

Phát toàn diện, cuốc xới quanh gốc 1 m

 

Mỗi năm 2 lần

 

TIÊU CHUẨN NGÀNH 04TCN 129:2006 VỀ QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG RỪNG LÁT MÊXICO DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 04TCN129:2006 Ngày hiệu lực 29/12/2006
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Nông nghiệp - Nông thôn
Ngày ban hành 29/12/2006
Cơ quan ban hành Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn
Tình trạng Không xác định

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản