TIÊU CHUẨN NGÀNH 04TCN 126:2006 VỀ HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT TRỒNG CÂY GỖ LÁ RỘNG DƯỚI TÁN RỪNG TRỒNG ĐỂ CUNG CẤP GỖ LỚN DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BAN HÀNH
04TCN 126:2006
HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT TRỒNG CÂY GỖ LÁ RỘNG DƯỚI TÁN RỪNG TRỒNG ĐỂ CUNG CẤP GỖ LỚN
1. QUI ĐỊNH CHUNG
1.1. Nội dung, mục tiêu
Bản hướng dẫn kỹ thuật này qui định những nguyên tắc, nội dung, yêu cầu và kỹ thuật từ khâu tạo môi trường ban đầu, xác định điều kiện gây trồng, giống, tạo cây con, trồng rừng, chăm sóc nuôi dưỡng và bảo vệ rừng trồng một số loài cây gỗ lá rộng bản địa theo phương thức trồng rừng dưới tán rừng để cung cấp gỗ lớn cho hai nhóm loài cây:
– Nhóm loài cây chịu bóng nhẹ, sinh trưởng tương đối nhanh có chu kỳ kinh doanh từ 15 – 20 năm (Tham khảo ở Phụ lục 1).
– Nhóm loài cây chịu bóng, sinh trưởng chậm có chu kỳ kinh doanh lớn hơn 20 năm (Tham khảo ở Phụ lục 2).
1.2. Phạm vi áp dụng
– Bản hướng dẫn kỹ thuật này khuyến khích áp dụng cho tất cả các đơn vị sản xuất kinh doanh, các chủ thể thuộc mọi thành phần kinh tế… để trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ và có thể vận dụng cho rừng đặc dụng ở những phân khu phục hồi sinh thái hay vùng đệm theo những nội dung thích hợp.
– Bản hướng dẫn kỹ thuật này là cơ sở để xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng cho trồng một số loài cây gỗ lá rộng bản địa đã được thử nghiệm ở các địa phương trên cả nước bước đầu thành công theo phương thức trồng dưới tán rừng.
– Trồng cây gỗ lá rộng, bản địa dưới tán rừng tự nhiên không thuộc phạm vi áp dụng của bản hướng dẫn kỹ thuật này.
1.3. Giải thích thuật ngữ, định nghĩa
– Cây bản địa là loài cây có nguồn gốc địa phương. Các loài cây dẫn giống từ các vùng sinh thái khác đến đã được khảo nghiệm và cấp có thẩm quyền công nhận không thuộc phạm vi hướng dẫn này.
– Cây trồng chính là những cây gỗ bản địa, lá rộng được trồng để cung cấp gỗ lớn khi khai thác.
– Cây phù trợ là những loài cây được trồng trên những lập địa xấu hoặc những lập địa không thích hợp với cây mục đích nhằm cải tạo điều kiện hoàn cảnh cho phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây mục đích. Trong bản hướng dẫn kỹ thuật này, rừng cây phù trợ tạo môi trường là rừng thuần loài, đều tuổi.
– Cây chịu bóng nhẹ, sinh trưởng tương đối nhanh là những loài cây chịu bóng ở giai đoạn cây mạ và cây con trước khi xuất vườn đem trồng; có nhu cầu che bóng từ 25% đến dưới 50%. Sau khi khép tán có thể sinh trưởng và phát triển trong điều kiện chiếu sáng hoàn toàn.
– Cây chịu bóng, sinh trưởng chậm là loài cây đòi hỏi điều kiện che bóng ở giai đoạn cây mạ và cây con từ 50% đến 75%, khi chưa khép tán đòi hỏi độ che bóng 30-40% và sau khi khép tán có thể sinh trưởng phát triển bình thường trong điều kiện chiếu sáng hoàn toàn.
– Gỗ lớn trong bản hướng dẫn kỹ thuật này được hiểu là sản phẩm gỗ tròn khi khai thác cây mục đích, có đường kính từ 25 centimét trở lên và chiều dài sản phẩm tối thiểu là 3 mét.
– Tiểu hoàn cảnh rừng là hoàn cảnh do lớp phù trợ tạo ra và thường thể hiện rõ sau thời điểm khép tán. Tiểu hoàn cảnh rừng bao gồm tiểu khí hậu rừng và đất rừng có những đặc điểm khí tượng và thổ nhưỡng khác biệt so với điều kiện hoàn cảnh trước khi trồng cây phù trợ có lợi cho cây mục đích sinh trưởng và phát triển.
1.4. Một số tiêu chuẩn trích dẫn
Các tiêu chuẩn trích dẫn thuộc “Văn bản tiêu chuẩn kỹ thuật lâm sinh” các tập I, II, Nhà xuất bản Nông nghiệp năm 2001và tập III, Nhà xuất bản Nông nghiệp năm 2002 gồm QTN 27-87, 04 TCN 24-2001, QTN 20-80, 04 TCN 31-2001, 04 TCN 32-2001.
2. KỸ THUẬT TRỒNG CÂY PHÙ TRỢ
2.1. Lựa chọn loài cây phù trợ
Việc lựa chọn cây phù trợ cần đáp ứng được những yêu cầu sau:
– Là cây thân gỗ, không phân biệt cây nhập nội hay cây địa phương, nhưng phải có khả năng sống và sinh trưởng tốt với điều kiện lập địa hiện tại nơi trồng rừng.
– Là những loài cây ưa sáng, khép tán sớm, sinh trưởng càng nhanh càng tốt.
– Là những loài cây có tác dụng cải tạo đất như cây họ Đậu, có nấm cộng sinh, không thải ra các Phitonxit hay các chất tiết gây độc trong đất, nước và không khí… tốt nhất là những loài thường xanh, không rụng lá mùa khô hay mùa đông.
– Là những loài cây có thể tận thu được sản phẩm gỗ, củi hay các dạng sản phẩm ngoài gỗ khác trong quá trình tỉa thưa hoặc trong quá trình nuôi dưỡng cây mục đích để tạo thu nhập trước mắt.
– Là những loài cây ít sâu bệnh hại, tốt nhất là các loài chủ rừng đã có kinh nghiệm gây trồng, chăm sóc và bảo vệ
2.2. Tạo môi trường trồng rừng cho cây trồng chính
2.2.1. Kỹ thuật trồng cây phù trợ
Trong trường hợp phải trồng rừng cây phù trợ, tạo môi trường ban đầu, tuỳ theo điều kiện lập địa có thể lựa chọn loài cây trồng và vận dụng theo một trong số Qui phạm kỹ thuật sau:
– Qui phạm kỹ thuật tạm thời trồng rừng keo lá tràm (Acacia auriculiformis), QPN 19-96.
– Qui phạm kỹ thuật trồng rừng keo lá to (Acacia mangium), QPN 9-89.
– Qui trình kỹ thuật trồng rừng mỡ (Manglietia glauca), QTN-86.
– Qui trình kỹ thuật trồng rừng thông đuôi ngựa (Pinus massoniana Lamb), 04-TCN-63-2002. Thông nhựa (Pinus merkusii),QPN 18-96, thông ba lá (Pinus kesiya), QPN 04 TCN-65-2003.
2.2.2.Lợi dụng rừng trồng đã có
Trường hợp rừng trồng đã có sẵn có thể lợi dụng rừng của những loài cây trên hoặc một số loài cây khác đáp ứng được những yêu cầu tại mục 2.1.
3. ĐIỀU KIỆN GÂY TRỒNG CÂY TRỒNG CHÍNH
3.1. Trường hợp chưa có cây phù trợ
Khi chưa có cây phù trợ, phải tiến hành trồng để tạo môi trường theo các yêu cầu sau:
3.1.1. Điều kiện đất đai, địa hình
– Chỉ được trồng trên những loại đất còn giữ được tính chất đất rừng, tầng đất tối thiểu dày trên 40cm, không có tầng đá ong kết cứng. Đất còn tầng A, pH từ 4,0 trở lên.
– Độ dốc dưới 300 và chỉ được trồng từ 2/3 sườn giông trở xuống.
3.1.2.Đặc điểm thực bì
– Chỉ trồng cây theo phương thức này cho các trạng thái thực bì IA, IB. Có thể trồng ở các lập địa có thực bì lau, chít, chè vè hay sim, mua, cỏ tranh và các loại cỏ sống một năm.
3.2. Trường hợp đã có cây phù trợ
Trong trường hợp đã có cây phù trợ tạo môi trường là rừng đã có sẵn như mục 2.2.2, điều kiện gây trồng các loài cây mục đích phải đảm bảo các yêu cầu sau:
3.2.1.Điều kiện đất đai
Theo qui định ở mục 3.1.1 nhưng mặt đất đã có tầng thảm mục của cây tạo môi trường hoặc có thảm tươi đủ duy trì độ ẩm tầng đất mặt. Tầng A đã có lớp mùn có thể quan sát được bằng mắt thường. Không có hiện tượng xói mòn tầng mặt hay rửa trôi các chất dinh dưỡng.
3.2.2. Độ tàn che của cây phù trợ
– Đối với nhóm loài cây sinh trưởng tương đối nhanh có thể đưa vào trồng khi cây tạo môi trường có độ tàn che từ 0,3-0,4.
– Nhóm loài cây sinh trưởng chậm, tính chịu bóng cao chỉ được đưa vào trồng khi rừng trồng cây phù trợ có độ tàn che từ 0,5-0,6 trở lên.
4. NGUỒN GIỐNG VÀ KỸ THUẬT HẠT GIỐNG
4.1. Nguồn giống
– Giống cây tạo môi trường và cây mục đích đưa vào trồng rừng phải có nguồn gốc, lý lịch đầy đủ, rõ ràng, tốt nhất là nguồn giống đã được tiêu chuẩn hoá hoặc được lấy từ những cây mẹ đủ tiêu chuẩn tại các rừng giống chuyển hoá đã được đầu tư xây dựng.
– Trường hợp không có rừng giống, nguồn giống phải được lấy từ các cây mẹ mọc tại địa phương hay những nơi có điều kiện sinh thái tương tự như nơi trồng rừng. Cây mẹ phải bảo đảm có hình thái thân và tán cân đối, không có khuyết tật, sâu bệnh và ít nhất đã ra hoa kết quả được từ 2-3 vụ.
4.2. Kỹ thuật hạt giống
4.2.1. Thu hái, chế biến, bảo quản hạt giống
Tuỳ theo từng loài cây, kỹ thuật thu hái, chế biến và bảo quản có những qui định riêng đã được ban hành trong các tập Văn bản tiêu chuẩn kỹ thuật lâm sinh. Trường hợp chưa có những tiêu chuẩn kỹ thuật cấp Ngành có thể xem xét áp dụng những kinh nghiệm địa phương hay hướng dẫn kỹ thuật của các Dự án, các cơ quan khuyến lâm… trong lĩnh vực này.
4.2.2.Tiêu chuẩn chất lượng hạt giống
Tiêu chuẩn chất lượng hạt giống được vận dụng theo các tiêu chuẩn ban hành theo Quyết định số 3918/QĐ-BNN-KHCN ngày 22 tháng 8 năm 2001 (04-TCN-34-2001 đến 04-TCN-45-2001) và Quyết định số 3497/QĐ-BNN-KHCN ngày 27 tháng 8 năm 2002 (04-TCN-46-2001 đến 04-TCN-50-2001) của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về chất lượng sinh lý hạt giống cây trồng Lâm nghiệp.
Một số loài cây khác không có trong các tiêu chuẩn trên có thể vận dụng các tiêu chuẩn này để xem xét, đánh giá chất lượng hạt giống.
5. KỸ THUẬT TẠO CÂY CON CÁC LOÀI CÂY MỤC ĐÍCH
5.1. Chọn và lập vườn ươm
Chọn và lập vườn ươm được thực hiện theo tiêu chuẩn vườn ươm giống cây lâm nghiệp được ban hành kèm theo Quyết định số 3588/QĐ-BNN-KHCN ngày 03 tháng 9 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (Tiêu chuẩn 04-TCN-52-2002).
5.2. Chuẩn bị đất gieo ươm
– Đất gieo ươm phải được cày hoặc cuốc, phơi ải kỹ sau đó đập nhỏ, nhặt sạch cỏ và rễ cây trong đất.
– Mặt luống gieo rộng 01 mét, chân luống rộng 1,2 mét, cao từ 10 đến 15 centimét và chiều dài luống từ 5 đến 10 mét.
– Trước khi gieo hạt giống từ 5 đến 7 ngày, đất phải được xử lý bằng cách phun Benlat có nồng độ 0,5% với liều lượng 01 lít/m2 để phòng nấm bệnh hại.
5.3. Thời vụ gieo ươm
Thời vụ gieo ươm đối với các loài cây mục đích trong bản hướng dẫn kỹ thuật này được chia làm hai nhóm:
a. Nhóm loài hạt giống chứa nhiều chất bột và tinh dầu thường mất sức nảy mầm nhanh như re gừng, giẻ đỏ, giổi xanh, dầu nước, sao đen, huỷnh, lõi thọ, … Hạt giống của những loài này cần được gieo ươm ngay sau khi thu hái và chế biến.
b. Nhóm loài hạt giống có vỏ cứng hoặc hoá gỗ có thể bảo quản lâu hoặc phải qua xử lý cơ học hay xử lý nhiệt độ cao như lim xanh, trám trắng, lim xẹt, lát hoa… Thời vụ gieo ươm của nhóm loài này là vụ Đông-Xuân.
5.4. Xử lý hạt
5.4.1.Nhóm hạt giống phải gieo ngay sau khi thu hái và chế biến
– Rửa sạch hạt giống, loại bỏ hạt thối, hạt lép; ngâm hạt trong nước ấm 30 độ C đến 35 độ C trong khoảng 2-3 giờ, vớt ra để ráo nước; sau đó ngâm tiếp trong dung dịch thuốc tím nồng độ 0,01% trong vòng 15 phút hoặc dung dịch Boocđô nồng độ 1% từ 3-4 phút.
– Tãi hoặc hong hạt cho ráo nước, sau đó đem gieo;
5.4.2.Nhóm hạt giống có vỏ cứng
a. Một số loài có dạng quả hạch như trám, sấu.., khi xử lý hạt được ngâm trong nước nóng từ 60 độ C đến 80 độ C đến khi nguội; rửa sạch hạt để ráo nước đem trộn đều với cát có độ ẩm 20% (dùng tay nắm cát, thấy khối cát không vữa rời, không có nước lọt qua kẽ tay), tỷ lệ “một hạt hai cát” theo thể tích. Vun hạt và cát đã trộn thành luống cao 10 centimét trên nền cứng ngoài trời; phía trên phủ một lớp cát dày 3 centimét. Dùng bao tải cũ sau khi đã sát trùng bằng nước vôi trong phủ lên trên hoặc dưới giàn che kín ánh sáng. Kiểm tra, tưới ẩm hàng ngày, sau hai tuần, hạt bắt đầu nảy mầm. Lấy cây mầm cấy trực tiếp vào bầu, không qua khâu gieo hạt.
b. Nhóm loài cây có vỏ hạt cứng như lim xanh, lim xẹt, ràng ràng mít…hạt được ngâm trong nước sôi. Khi nước nguội, những hạt đã trương lên được vớt ra để riêng; những hạt còn lại tiếp tục ngâm trong nước sôi để hạt tiếp tục trương nước. Cuối cùng, loại bỏ những hạt lép, hạt không có khả năng nảy mầm.
Những hạt trương nước đem ủ trong thời gian từ 3-5 ngày, hàng ngày rửa chua thông thường. Chọn những hạt nứt nanh đem gieo. Riêng hạt lim xanh, trước khi ủ phải bóc bỏ lớp màng nhầy và rửa sạch hạt.
Đối với nhóm hạt này còn có thể xử lý bằng biện pháp cơ học; cắt hoặc mài phần đầu nhọn của hạt đủ để tạo khe hở cho nước ngấm vào hạt. Không cắt hay mài quá sâu làm phôi hạt bị tổn thương, mất sức nảy mầm.
5.5. Gieo hạt
Hạt được gieo đều trên mặt luống tuỳ theo từng loại hạt có kích thước khác nhau. Sau khi gieo, phủ một lớp cát hoặc sàng đất nhỏ mịn trên mặt luống sao cho phủ kín hạt từ 0,2 đến 0,5 centimét tuỳ theo kích thước hạt. Thường xuyên tưới phun để duy trì độ ẩm cho hạt giống nảy mầm
Khi hạt giống nảy mầm dài 1-2 centimét đem cấy vào bầu.
5.6. Tạo bầu cây con
5.6.1.Vỏ bầu
– Dùng vỏ bầu Polyetylen (PE) màu trắng đục hay đen.
– Kích thước bầu 9 14 centimét. Dùng loại bầu không có đáy và được đục lỗ xung quanh.
5.6.2.Thành phần hỗn hợp ruột bầu
Thành phần hỗn hợp ruột bầu, theo tỷ lệ khối lượng gồm: đất 88%; phân chuồng hoai 10% và supe lân (Lâm Thao) 2%. Cụ thể:
a. Đất tầng A và B dưới tán rừng. Đất được đập nhỏ, sàng loại bỏ đá, rễ cây bằng loại sàng có mắt sàng nhỏ dưới 4 milimét. Yêu cầu tối thiểu đất có hàm lượng mùn trên 2%, thành phần cơ giới thịt nhẹ (có hàm lượng sét vật lý từ 20 đến 25%). Đất sau khi sàng được vun thành đống cao 15-20 centimét, phun ẩm và dùng nilon phủ kín ủ từ 4-5 ngày ngoài nắng để diệt mầm bệnh và ấu trùng các loài sâu hại.
b. Phân chuồng ủ hoai, tuyệt đối không được dùng phân hữu cơ còn tươi. Khi ủ cần kết hợp trộn 1% vôi bột (so với khối lượng phân chuồng). Chỉ nên dùng loại phân chuồng là phân lợn hoặc phân trâu, bò.
c. Supelân Lâm Thao có hàm lượng P2O5 tổng số 14%.
d. Đất và phân chuồng sau khi được xử lý trộn đều với supelân theo tỷ lệ trên (định lượng bằng cách đong bằng thúng hoặc sảo); sau đó tưới nước đủ ẩm, đóng bầu theo phương pháp thông thường.
5.6.3. Kỹ thuật xếp bầu
Bầu sau khi đóng đầy, chặt theo qui định được xếp trên luống rộng 1 mét, dài từ 5-10 mét. Yêu cầu mặt bầu trên luống phải phẳng. Bầu được xếp theo khối 10 hoặc 20 hàng sao cho tổng số bầu trong khối là một số chẵn để tiện khi kiểm kê.
Lấp đất xung quanh luống bằng mặt bầu, rải đất mịn vào các kẽ hở giữa các bầu và khối bầu để giữ bầu luôn thẳng đứng.
5.7. Cấy cây mầm
Cây mầm được lấy từ các luống gieo hạt. Khi cấy cây mầm, luống bầu phải được tưới nước đủ ẩm trước đó từ 1-2 giờ. Kỹ thuật nhổ và cấy cây mầm theo các qui định hiện hành.
Mỗi bầu chỉ cấy một cây mầm. Thời điểm cấy cây mầm tốt nhất là những ngày râm mát hoặc có mưa nhỏ. Tuyệt đối không cấy cây mầm vào những ngày có nhiệt độ cao hơn 330C, những ngày có gió hại như gió mùa Đông Bắc hay gió Lào hay những ngày có mưa bão.
5.8. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cho cây con
5.8.1. Che bóng cho cây
a. Nhóm loài cây chịu bóng nhẹ, sinh trưởng tương đối nhanh
Nhóm loài này cần được che bóng 100% trong khoảng 20 ngày đầu sau khi cấy cây mầm. Sau đó, giảm độ che bóng xuống còn 50%. Ở một số loài có sự biến đổi hình thái lá ở giai đoạn cây mạ và cây con có thể quan sát thấy khi cây con có từ 2-3 lá thật hoặc những loài không có sự biến đổi hình thái lá thì sau khoảng 40-50 ngày giảm độ che bóng xuống còn 25%. Duy trì độ che bóng này trong khoảng từ 1-3 tháng, sau đó chọn ngày râm mát dỡ bỏ hoàn toàn giàn che trước khi đưa cây đi trồng tối thiểu là 3 tháng.
b. Nhóm loài cây chịu bóng, sinh trưởng chậm
Nhóm loài cây này cần được che bóng 100% tối thiểu trong 30 ngày đầu sau khi cấy cây mầm. Sau đó duy trì độ che bóng từ 50%-75% trong khoảng thời gian từ 4-6 tháng tuổi. Sau đó, giảm độ che bóng xuống còn 25%. Trước khi xuất vườn 30 ngày, giàn che được dỡ bỏ vào ngày râm mát.
Nguyên liệu làm giàn che tốt nhất là lưới nilon có tỷ lệ che bóng như trên, trường hợp không có lưới phải dùng phên nứa đan theo tỷ lệ che bóng đã qui định.
5.8.2.Làm cỏ, tưới nước, phá váng
Trong 15 ngày đầu sau khi cấy cây con vào bầu hàng ngày cần phải tưới nước; sau đó hai ngày tưới ẩm một lần. Lượng nước tưới tuỳ theo thời tiết nhưng yêu cầu luôn bảo đảm đủ ẩm cho cây con. Chỉ ngừng tưới nước trước khi cây con xuất vườn khoảng một tháng.
Định kỳ một tháng một lần tiến hành nhổ cỏ, phá váng kết hợp điều chỉnh cây con sao cho luôn đứng thẳng, không xiêu vẹo.
Tại các tỉnh miền núi phía Bắc có sương muối sáng sớm phải tưới rửa lá bằng nước lã. Các tỉnh miền Trung và Tây Bắc vào mùa có gió Lào cần chú ý bảo vệ cây con không bị cháy lá non và tuyệt đối không tưới nước khi có gió Lào thổi.
5.8.3.Bón phân
Sau khi cây con có chiều cao 10 centimét trở lên phải bón thúc cho cây bằng phân NPK (tỉ lệ 2:1:3) theo liều lượng 10 lít nước hoà với 0,2kg phân, tưới 3 lít cho một mét vuông. Sau khi tưới phải rửa lá bằng nước sạch. Mỗi tháng tưới phân một lần và ngừng tưới phân trước khi cây con xuất vườn từ 1-2 tháng.
5.8.4.Phòng trừ sâu bệnh hại
Đối với thời gian ủ hạt, hàng ngày phải kiểm tra đề phòng kiến cắn cây mầm. Nếu phát hiện kiến hại, cần phun xịt thuốc diệt côn trùng hoặc tưới dầu hoả xung quang luống ủ hạt.
Để đề phòng bệnh lở cổ rễ hoặc tuyến trùng, trước khi gieo hạt hay cấy cây 1 tuần cần phun Benlát nồng độ 3-5%; lượng phun 10 lít cho 100mét vuông luống bầu.
Khi phát hiện có bệnh lở cổ rễ hay nấm bệnh ở lá phải dừng ngay việc tưới nước, có thể dùng Benlát có nồng độ 3-5% phun cho 50 mét vuông luống bầu hoặc Boocđô nồng độ 0,5-1% phun 1lít /4mét vuông.
Đề phòng các loại côn trùng như bọ hung nâu nhỏ, bọ xít, dế mèn …hoặc sâu non ăn lá và nõn cây. Khi phát hiện có sâu hại, có thể bắt trực tiếp bằng tay hoặc dùng Melathion 0.1% phun 1 lít/5mét vuông.
5.8.5.Đảo bầu
Hai tháng sau khi cấy cây phải tiến hành đảo bầu lần đầu. Nếu cây con của những loài sinh trưởng tương đối nhanh (6-9 tháng tuổi tại vườn ươm) chỉ cần đảo bầu lần hai trước khi cây con xuất vườn từ một đến một tháng rưỡi. Đối với cây sinh trưởng chậm, có thể đảo bầu 3-4 lần kết hợp dùng dao hoặc kéo sắc cắt rễ cọc cho cây con và chỉ được cắt rễ cọc ở lần đảo bầu thứ 2 trở đi.
Đảo bầu phải được tiến hành vào ngày trời râm mát hay có mưa nhỏ, cần che nắng và tưới nước sau khi đảo bầu.
Kết hợp việc đảo bầu với phân loại cây, chọn lọc các cây sinh trưởng kém xếp riêng một luống để tiện chăm sóc. Khi đảo bầu cần giãn cự ly giữa các bầu từ 5-10cm để cây phát triển cân đối.
5.9. Tiêu chuẩn cây con xuất vườn
a. Đối với nhóm loài cây sinh trưởng tương đối nhanh:
+ Có chiều cao tối thiểu là 50 cm
+ Đường kính cổ rễ tôí thiểu 0,5 cm
+ Tuổi từ 12 đến 18 tháng
b. Đối với nhóm loài cây sinh trưởng chậm:
+ Chiều cao tối thiểu 80 cm
+ Đường kính cổ rễ tối thiểu 0,5 cm
+ Tuổi tối thiểu từ 12 đến 24 tháng
c. Tiêu chuẩn chung cho cả hai nhóm loài này là cây con có sinh lực tốt (qua quan sát ngoại hình), sinh trưởng bình thường, không cụt ngọn, hai thân hoặc nhiễm sâu bệnh hại.
6. TRỒNG RỪNG CÂY MỤC ĐÍCH
6.1. Thiết kế trồng rừng
Trước khi trồng cây mục đích nhất thiết phải có thiết kế theo các qui định hiện hành. Thiết kế trồng cây mục đích theo kỹ thuật này là thiết kế “trồng rừng dưới tán rừng”, do đó có thể vận dụng những qui định trong QPN 21-98.
6.2. Phương thức và mật độ trồng rừng
6.2.1. Phương thức trồng
Có hai phương thức trồng cây mục đích:
a. Phương thức 1: Trồng hỗn loài theo hàng với cây phù trợ đã có bằng cách mở rạch. Có hai loại rạch, rạch hẹp có chiều rộng nhỏ hơn hay bằng chiều cao bình quân của cây phù trợ, chiều dài rạch phụ thuộc vào điều kiện địa hình cho phép nhưng phải song song với đường đồng mức. Loại rạch này chỉ trồng một hàng cây trồng chính. Rạch rộng là rạch có chiều rộng nhỏ dưới hai lần chiều cao bình quân của lớp cây phù trợ. Đối với rạch rộng, cây trồng chính được trồng hai hàng. Băng chừa lại để duy trì hoàn cảnh rừng đối với rạch hẹp bằng hai lần chiều cao cây phù trợ, băng chừa cho rạch rộng bằng ba lần chiều cao cây phù trợ. Phương pháp tạo rạch cho phương thức này là chặt bỏ cây phù trợ trên các rạch đã được xác định, giữ lại những cây tái sinh tự nhiên hiện có. Phương thức này có thể áp dụng cho cả hai nhóm loài cây được xác định tại Mục 1.1.
b.Phương thức 2: Trồng hỗn loài với cây phù trợ theo đám. Có hai kiểu hỗn loài theo đám.
+ Kiểu hỗn loài theo đám dựa vào các khoảng trống có sẵn (vi hoàn cảnh), áp dụng trong trường hợp rừng có các khoảng trống tự nhiên với chiều rộng hay đường kính khoảng trống đó lớn hơn hoặc bằng hai lần chiều cao cây phù trợ. Trong khoảng trống đó, cây trồng chính được trồng thuần loài.
+ Kiểu hỗn loài theo đám bằng cách chặt bỏ một đám cây phù trợ tạo các khoảng trống theo nguyên tắc đường kính các khoảng trống không lớn hơn hai lần chiều cao của rừng và các đám phân bố đều. Khoảng cách giữa các đám không nhỏ dưới ba lần chiều cao bình quân toàn rừng. Trong đám, cây trồng chính được trồng thuần loài.
6.2.2.Mật độ trồng
Mật độ trồng cây trồng chính, tuỳ lập địa được qui định như sau:
Nhóm loài cây chịu bóng nhẹ, sinh trưởng tương đối nhanh mật độ trồng từ 600-800 cây/ha.
Nhóm loài cây chịu bóng sinh trưởng chậm, mật độ trồng từ 500-600 cây/ha.
6.3. Thời vụ trồng rừng
Thời vụ trồng được xác định theo nguyên tắc sau:
a. Trồng vào mùa mưa ở các địa phương có khí hậu phân mùa rõ rệt hoặc trồng vào những tháng có lượng mưa cao ở các địa phương không có khí hậu phân mùa rõ rệt. Thông thường, trồng vào vụ Xuân hoặc vụ Thu.
b. Cần tính toán thời gian sao cho mùa gieo ươm khớp với thời gian nuôi cây trong vườn ươm và thời vụ trồng, không để lệch pha để tránh cây con chưa đủ tuổi hoặc cây quá già khi vào thời vụ trồng.
6.4. Kỹ thuật làm đất và bón phân
Trong tất cả các trường hợp, kỹ thuật làm đất đều là làm đất cục bộ sau khi đã dọn và xử lý thực bì theo các qui định hiện hành. Hố trồng cây trồng chính đều phải có kích thước tối thiểu là 40x40x40 cm. Khi cuốc hố, để riêng lớp đất tốt (đất mặt, tơi xốp) sang một bên, một bên là lớp đất còn lại.
Sau khi cuốc hố được 15-20 ngày phải tiến hành lấp hố. Lớp đất tốt được lấp xuống trước sau đó lấp lớp đất còn lại, chú ý loại bỏ đá hoặc rễ cây lẫn trong đất. Khi lấp hố kết hợp bón lót bằng phân vi sinh hữu cơ; lượng phân tối thiểu 100gram/hố. Đất và phân được trộn đều, vun hình mui rùa cao hơn mặt hố từ 2-3 cm. Công việc lấp hố phải hoàn thành trước khi trồng từ 15-20 ngày.
6.5. Kỹ thuật trồng
Trồng cây vào những ngày có thời tiết râm mát hoặc có mưa nhỏ. Không được trồng vào những ngày nắng nóng hoặc có gió hại. Phải tiến hành theo trình tự từ trên đỉnh xuống chân đồi nơi có địa hình dốc. Khi trồng, dùng cuốc hoặc xẻng tạo một lỗ giữa hố đã lấp có độ sâu bằng chiều cao của bầu; xé túi bầu, đặt cây ngay ngắn giữa lỗ mới tạo, dùng tay vun đất nhỏ xung quanh bàu cho tới khi kín mặt bầu. Khi vun đất kết hợp dùng tay hoặc chân ấn nhẹ sao cho đất xung quanh bầu được nén chặt, đảm bảo cây đứng vững nhưng không làm vỡ bầu.
7. CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG VÀ BẢO VỆ RỪNG
7.1. Chăm sóc rừng
7.1.1. Chăm sóc năm thứ nhất
Năm thứ nhất chăm sóc hai lần (nếu trồng vụ Xuân) và một lần (nếu trồng vụ Thu).
+ Lần 1: Sau khi trồng cây trồng chính từ 1-2 tháng (vào tháng 5-6 với cây trồng vụ Xuân và tháng 11-12 đối với cây trồng vụ Thu)
+ Lần 2: Vào tháng 11-12.
Nội dung chăm sóc bao gồm: i) Trồng dặm những cây bị chết, ii) Phát dọn dây leo, cây bụi, cỏ dại nếu có, iii) Xới đất xung quanh gốc với đường kính khoảng từ 40-50cm, iv) Bảo vệ cây không cho gia súc phá hoại, v) Xử lý chồi gốc của cây tạo môi trường sau khi chặt; những công việc trên được áp dụng cho cả những cây tái sinh tự nhiên có sẵn.
7.1.2. Chăm sóc năm thứ hai
Năm thứ hai, chăm sóc hai lần theo thời gian và nội dung được qui định như năm thứ nhất. Trong điều kiện cho phép, cần bón bổ sung phân cho cây mục đích theo liều lượng: Phân NPK (tỷ lệ 5-10-3) và phân vi sinh hữu cơ trộn đều tỷ lệ 1:1, mỗi gốc bón 100gram bằng cách tạo rạch xung quanh gốc, kết hợp khi vun gốc cho lần chăm sóc thứ nhất trong năm.
7.1.3. Chăm sóc năm thứ ba
Năm thứ ba, lặp lại các công việc trên nhưng không có nội dung trồng dặm.
7.1.4.Chăm sóc năm thứ tư và thứ năm
Mỗi năm, tiến hành chăm sóc một lần vào tháng 5-6. Nội dung chăm sóc là phát dọn cỏ dại, dây leo quanh gốc; xới và vun xung quanh gốc với đường kính từ 60-80cm. Không loại bỏ cây bụi, thảm tươi ngoài cự ly này.
7.2. Nuôi dưỡng rừng
7.2.1. Xử lý tầng cây tạo môi trường
Khi cây phù trợ khép tán tạo độ tàn che cao, cây trồng chính sinh trưởng bị thiếu ánh sáng, cây có hiện tượng bị “vóng”…cần tiến hành xử lý tầng cây này. Mục đích xử lý là nhằm đáp ứng nhu cầu ánh sáng cho cây trồng chính, không phải cho yêu cầu sinh trưởng của lớp cây phù trợ.
7.2.2. Số lần xử lý
Trong quá trình nuôi dưỡng rừng cây trồng chính, có hai lần xử lý tầng cây phù trợ:
Xử lý lần đầu khi rừng có các đặc điểm như mục 7.2.1 và độ tàn che từ 0,5 trở lên (đối với nhóm cây chịu bóng nhẹ) và từ 0,8 trở lên (đối với nhóm cây chịu bóng). Nội dung xử lý là tỉa thưa và/ hoặc tỉa cành sao cho độ tàn che của lớp cây phù trợ duy trì từ 0,3-0,5 cho nhóm cây chịu bóng nhẹ, sinh trưởng tương đối nhanh và từ 0,6-0,8 đối với nhóm cây chịu bóng sinh trưởng chậm. Trường hợp phải tỉa cành, chỉ cắt bỏ những cành phía dưới 1/3 chiều dài tán lá.
Xử lý lần thứ hai khi cây phù trợ đã khép tán trở lại, cây trồng chính có hiện tượng tỉa cành tự nhiên. Nội dung xử lý tương tự như lần đầu nhưng duy trì độ tàn che cho nhóm cây chịu bóng nhẹ, sinh trưởng nhanh từ 0,2-0,3 và nhóm cây chịu bóng sinh trưởng chậm có độ tàn che từ 0,3-0,4.
Kỹ thuật tỉa thưa và tỉa cành cây phù trợ áp dụng theo các qui định hiện hành cho những loài cây thuộc mục 2.2.1.
7.2.3. Chặt nuôi dưỡng cho cây trồng chính
Chặt nuôi dưỡng cho cây trồng chính được tiến hành khi cây có sự phân hoá rõ. Chỉ chặt bỏ những cây còi cọc, hình thân xấu; dùng dao sắc chặt sát gốc để tận dụng tái sinh chồi của những cây này.
Đối với những trường hợp còn lại, nội dung chặt nuôi dưỡng đối với cây trồng chính chủ yếu là tỉa cành, tạo hình thân, hình tán để cây có chiều cao dưới cành lớn, sinh trưởng cân đối. Dùng dao sắc hoặc kéo tỉa cành cắt bỏ những cành đã và đang chết hoặc những cành quá lớn so với thân chính. Khi cắt, vết cắt phải sát thân cây, không làm giập nát phần vỏ cây và nên cắt cành vào những ngày không có mưa ở lần chăm sóc thứ hai hàng năm.
7.3. Bảo vệ rừng
7.3.1. Phòng chống cháy rừng
Phòng chống cháy rừng là nội dung quan trọng đặc biệt là cho những nơi cây trồng chính dưới tán rừng thông. Việc triển khai công tác phòng chống cháy rừng được thực hiện theo Qui phạm phòng chống cháy rừng hiện hành.
7.3.2. Phòng chống sâu, bệnh hại
a. Đối với các loài cây trồng chính được trồng dưới tán rừng chủ yếu tập trung phòng chống sâu đục ngọn của các loài thuộc họ Xoan (Meliaceace), họ Trám (Burseraceae) bằng phương pháp theo dõi, bắt trực tiếp bằng tay.
b. Một số loài khác, kể cả cây phù trợ và cây trồng chính cần có theo dõi định kỳ để phát hiện sâu hại có khả năng phát dịch như sâu róm thông, bọ nẹt, mối, bệnh vàng lá, nấm phấn trắng… để có những biện pháp xử lý kịp thời theo các qui định hiện hành.
c. Khi có triệu chứng phát dịch sâu hoặc bệnh hại phải kịp thời báo cáo cho các cơ quan chức năng. Nếu phát hiện những cây bị bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng của toàn rừng phải chặy bỏ, đưa ra khỏi rừng và đốt cả cây.
d. Trong quá trình tỉa cành phải tuân thủ đúng kỹ thuật đã hướng dẫn nhằm tránh tạo ra các tổn thương trên thân cây để hạn chế các loài nấm bệnh xâm nhiễm.
7.3.3. Phòng chống gia súc hay người phá hoại
Một số loài cây trồng chính thường bị trâu, bò, dê hay các loại gia súc khác phá hoại như ăn lá non, ngọn hoặc giẫm đạp gãy…; do đó, cần phải có những qui định cụ thể hoặc có các biện pháp kiểm tra thường xuyên để ngăn chặn.
Ngăn chặn con người vào rừng để cắt cây bụi, thảm tươi hay quét cành khô lá rụng về làm chất đốt, làm phân xanh…và chặt phá cây trồng.
8. NGHIỆM THU RỪNG TRỒNG
Theo Quyết định số 06/2005/QĐ-BNN ngày 24/01/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc ban hành qui định nghiệm thu rừng trồng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, chăm sóc rừng trồng, bảo vệ rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên
9. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Bản hướng dẫn kỹ thuật này được áp dụng cho mọi thành phần kinh tế, các chủ thể trồng rừng cây cung cấp gỗ lớn bằng phương pháp trồng rừng dưới tán rừng.
Do đối tượng trồng là các loài cây có khả năng cung cấp gỗ lớn có nguồn gốc bản địa tương đối rộng; vì vậy, khi áp dụng cần có sự tham khảo thêm những kinh nghiệm địa phương đã được người dân tổng kết ở mỗi loài cây cụ thể.
PHỤ LỤC 1
DANH MỤC NHÓM LOÀI CÂY CHỊU BÓNG NHẸ SINH TRƯỞNG TƯƠNG ĐỐI NHANH CÓ CHU KỲ KINH DOANH TỪ 15 ĐẾN 20 NĂM
TT |
Tên Việt Nam |
Tên khoa học |
Tên khác |
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 |
Trám trắng
Trám đen Lim xẹt Lõi thọ Vạng trứng Sồi phảng Ràng ràng mít Xoan đào Lát hoa Xoan mộc Gội nếp Quyếch Vối thuốc Mỡ Đinh thối |
Canarium album
Canarium nigrum Peltophorum tonkinensis Gmelina arborea Endospermum chinensis Castanopsis cerebrina Ormosia balansaePrunus arborea Chukrasia tabularis Toona surenii Aglaia gigantea Chisocheton paniculatus Schima wallichii Manglietia glauca Hernandia brilltti |
Lithocarpus fissus
Pigeum arboreum
Fernandoa serrata |
PHỤ LỤC 2
DANH MỤC NHÓM LOÀI CÂY CHỊU BÓNG, SINH TRƯỞNG CHẬM CÓ CHU KỲ KINH DOANH LỚN HƠN 20 NĂM
TT |
Tên Việt Nam |
Tên khoa học |
Tên khác |
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 |
Giẻ đỏ
Giổi xanh Lim xanh Gõ đỏ Giáng hương Re gừng Kiền kiền Vên vên Sến mật Sấu Dầu con rái Táu mật Chò xanh Huỷnh Sao đen |
Lithocarpus ducampii
Michelia mediocris Erythrophloeum fordii Afzelia xylocarpa Pterocarpus macrocapus Cinnamomum iners Hopea siamensis Anisoptera costataMadhuca pasquieri Dracontomelum dao Dipterocarpus alatus Vatica ordorata Terminalia myriocarpa Tarrietia javanica Hopea odorata |
Gõ Càte
Cinnamomum ilicioides H. pierrei A. cochinchinensis
D. subequalis |
TIÊU CHUẨN NGÀNH 04TCN 126:2006 VỀ HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT TRỒNG CÂY GỖ LÁ RỘNG DƯỚI TÁN RỪNG TRỒNG ĐỂ CUNG CẤP GỖ LỚN DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 04TCN126:2006 | Ngày hiệu lực | 06/04/2023 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Nông nghiệp - Nông thôn |
Ngày ban hành | |
Cơ quan ban hành |
Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn |
Tình trạng | Không xác định |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |