TIÊU CHUẨN NGÀNH 28TCN 215:2004 VỀ QUY TRÌNH KỸ THUẬT SẢN XUẤT GIỐNG CÁ BỖNG DO BỘ THỦY SẢN BAN HÀNH

Hiệu lực: Không xác định Ngày có hiệu lực: 30/12/2004

TIÊU CHUẨN NGÀNH

28 TCN 215:2004

QUY TRÌNH KỸ THUẬT SẢN XUẤT GIỐNG CÁ BỖNG

The procedure for seed production of Spinibarbus denticulatus

1 Ðối tương và phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định trình tự, nội dung và yêu cầu kỹ thuật để sản xuất giống loài cá Bỗng (Spinibarbus denticulatus Oshima, 1926) áp dụng cho các cơ sở có điều kiện sản xuất giống nhân tạo cá Bỗng.

2 Mùa vụ sản xuất giống

2.1 Các tỉnh phía Bắc từ Thanh Hoá trở ra, hàng năm cho cá đẻ hai vụ là vụ xuân hè (vụ chính) và vụ thu.

2.1.1 Vụ xuân hè

2.1.1.1 Thời gian nuôi vỗ cá bố mẹ cho đẻ vụ xuân hè khoảng 5 tháng, từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 3 năm sau, gồm hai giai đoạn:

a. Giai đoạn nuôi vỗ tích cực từ tháng 11 đến đầu tháng 2.

b. Giai đoạn nuôi vỗ thành thục từ tháng 2 đến tháng 3.

2.1.1.2 Thời gian cho cá đẻ bắt đầu từ cuối tháng 3 đến hết tháng 4.

2.1.2 Vụ thu

2.1.2.1 Thời gian nuôi vỗ cá bố mẹ cho đẻ vụ thu khoảng 4 tháng, từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 9, gồm hai giai đoạn:

a. Giai đoạn nuôi tích cực từ tháng 6 đến tháng 7.

b. Giai đoạn nuôi vỗ thành thục từ tháng 8 đến tháng 9.

2.1.2.2 Thời gian cho cá đẻ bắt đầu từ cuối tháng 9 đến hết tháng 10.

2.2 Các địa phương khác, căn cứ vào nhiệt độ nước phù hợp cho cá đẻ (23 – 280C) có thể cho cá Bỗng đẻ quanh năm sau thời gian nuôi vỗ khoảng từ 3 đến 4 tháng.

3 Ðiều kiện áp dụng

3.1 Yêu cầu đối với ao nuôi vỗ cá bố mẹ

3.1.1 Ao nuôi vỗ cá Bỗng bố mẹ phải theo đúng những yêu cầu kỹ thuật quy định tại Tiêu chuẩn Ngành 28 TCN 55 – 79 (Cá nước ngọt – Ao nuôi – Yêu cầu kỹ thuật).

3.1.2 Môi trường nước của ao nuôi trong quá trình nuôi vỗ phải đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng sau đây:

a. Nhiệt độ nước từ

b. Ðộ pH trong khoảng từ 6,5 đến 8,0.

c. Ðộ trong từ 25 đến 30 cm.

d. Hàm lượng oxy hoà tan lớn hơn 4 mg/l.

3.2 Yêu cầu kỹ thuật các công trình phục vụ sinh sản nhân tạo giống

3.2.1 Bể cho cá đẻ

Bể cho cá đẻ phải theo đúng những quy định tại Tiêu chuẩn Ngành 28 TC 56 -79 (Cá nước ngọt – Công trình và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho cá đẻ nhân tạo – Yêu cầu kỹ thuật).

3.2.2 Dụng cụ ấp trứng

3.2.2.1 Bể ấp trứng

Bể ấp trứng được xây bằng gạch, láng bằng xi măng cho nhẵn. Diện tích bể 1 – 2 m2, cao 0,5 m. Trong quá trình ấp trứng, bể phải được thay nước thường xuyên và cho máy sục khí hoạt động.

3.2.2.2 Khung ấp trứng

Khung ấp trứng hình vuông hoặc chữ nhật, kích thước 35 x 40 cm hoặc 45 x 50 cm. Khung ấp trứng được làm bằng gỗ hoặc ống nhựa, đáy khung căng bằng lưới có kích thước mắt lưới 2a = 3 mm.

3.3 Yêu cầu kỹ thuật đối với ao ương

3.3.1 Ao ương nuôi cá bột thành cá hương và ương nuôi cá hương thành cá giống phải theo đúng những yêu cầu kỹ thuật quy định tại Tiêu chuẩn Ngành 28 TCN 55 – 79.

3.3.2 Môi trường nước của ao trong quá trình ương nuôi cá bột và cá hương phải đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng như với ao nuôi vỗ cá bố mẹ được quy định tại Ðiều 3.1.2 của Tiêu chuẩn này.

4 Nội dung quy trình

4.1 Nuôi vỗ cá bố mẹ

4.1.1 Tuyển chọn cá bố mẹ

Tuyển chọn những cá thể đẻ tốt ở vụ trước để nuôi vỗ nhằm đảm bảo chất lượng cá bố mẹ cho đẻ vụ sau. Hàng năm, tuyển chọn bổ sung cá hậu bị từ các đàn cá thịt nuôi thương phẩm.

Chất lượng cá Bỗng bố mẹ tuyển chọn để nuôi vỗ cho đẻ phải theo đúng những quy định tại Bảng 1, Tiêu chuẩn Ngành 28TCN 216 : 2004 (Cá nước ngọt – Cá Bỗng bố mẹ – Yêu cầu kỹ thụât).

4.1.2 Chuẩn bị ao nuôi vỗ

Nội dung, trình tự các công đoạn chuẩn bị ao nuôi vỗ phải theo đúng những quy định tại các Ðiều 5 (Tẩy dọn và tu bổ ao), Ðiều 6 (Trừ tạp trong ao), Ðiều 7 (Bón lót) và Ðiều 8 (Lấy nước vào ao) của Tiêu chuẩn Ngành 28 TCN 62 – 79 (Cá nước ngọt – Ao nuôi – Phương pháp chuẩn bị).

4.1.3 Mật độ nuôi vỗ 3 kg cá bố mẹ/10 m2 ao; tỷ lệ cá đực/cái nuôi vỗ từ 1/2 đến 1/1.

4.1.4 Chăm sóc và quản lý ao nuôi vỗ cá bố mẹ

4.1.4.1 Thức ăn của cá

a. Thức ăn thời kỳ nuôi vỗ tích cực gồm các loại như:

– Thức ăn tổng hợp dạng viên có hàm lượng đạm tổng số không nhỏ hơn 25%; lượng cho ăn khoảng 3 – 4 % khối lượng cá nuôi trong ao. Hoặc thức ăn tự chế biến (gồm bột cá, bột đậu tương, ngô, sắn, cám gạo ), có hàm lượng đạm tổng số 20 – 25%; lượng cho ăn khoảng 3 – 4% khối lượng cá nuôi trong ao.

– Thức ăn xanh gồm: rau, bèo tấm, lá cây ngô non, cỏ ráp (lá ráp), mỗi lần cho ăn khoảng 10 -15% khối lượng cá nuôi. Ngày cho cá ăn 1 lần.

b. Thức ăn thời kỳ thời kỳ nuôi vỗ thành thục gồm các loại như:

– Thức ăn tổng hợp dạng viên hàng ngày cho cá ăn 1 lần, mỗi lần khoảng 1 – 2% khối lượng cá nuôi.

– Thức ăn xanh hàng ngày cho cá ăn 1 lần, mỗi lần khoảng 15 – 20% khối lượng cá nuôi.

– Thức ăn tinh giàu vitamin E (thóc, ngô, đậu ngâm nảy mầm) hàng ngày cho cá ăn 2 lần, mỗi lần khoảng từ 1 đến 2% khối lượng cá nuôi.

4.1.4.2 Cách cho cá ăn

Hàng ngày cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều: buổi sáng cho cá ăn thức ăn tổng hợp dạng viên vào lúc 9 giờ; buổi chiều cho cá ăn thức ăn xanh và lúc 3 giờ. Thức ăn tinh cho vào sàn ăn, cho cá ăn 2 lần vào 9 giờ sáng và 15 giờ chiều.

4.1.4.3 Kiểm tra, quản lý ao nuôi

Trong quá trình nuôi vỗ cá bố mẹ phải tiến hành các nội dung công việc sau đây:

a. Hàng ngày, tiến hành kiểm tra ao vào buổi sáng, quan sát hoạt động của cá và màu nước ao nuôi, phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường của cá và môi trường để có biện pháp xử lý thích hợp .

b. Ðịnh kỳ 1 tháng kiểm tra cá 1 lần để xác định độ béo, tình hình bệnh tật và sự phát dục của cá bố mẹ để điều chỉnh chế độ nuôi vỗ cho phù hợp.

c. Nếu có điều kiện, thay nước thường xuyên hoặc thay nước theo định kỳ giữ cho môi trường ao nuôi trong sạch bằng các biện pháp sau:

– Mùa hè thay nước 3 ngày/lần, mỗi lần thay từ 20 đến 30% lượng nước trong ao.

– Mùa đông thay nước 7 ngày/lần, mỗi lần thay từ 20 đến 30% lượng nước trong ao.

d. Nếu sử dụng thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật và hoá chất để phòng trị bệnh cho cá nuôi vỗ phải theo đúng những quy định của Bộ Thuỷ sản. Không sử dụng các loại thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật và hoá chất thuốc và hóa chất đã bị cấm sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản. Khi sử dụng thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật và hoá chất để phòng trị bệnh cho cá phải lưu trữ hồ sơ về tình hình sử dụng. Hồ sơ phải ghi rõ ngày sử dụng, loại sử dụng; cách điều trị và kết quả điều trị.

đ. Thường xuyên vệ sinh ao nuôi: vớt cỏ rác, bã thức ăn thừa, … đảm bảo ao nuôi vỗ cá không bị nhiễm bẩn.

4.2 Cho cá đẻ

4.2.1 Yêu cầu nhiệt độ nước thích hợp cho cá Bỗng đẻ khoảng 230 – 280 C.

4.2.2 Yêu cầu chọn cá bố mẹ cho đẻ

Chất lượng cá Bỗng bố mẹ tuyển chọn để cho đẻ phải theo đúng những quy định tại Tiêu chuẩn Ngành 28TCN216:2004 (Cá nước ngọt – Cá Bỗng bố mẹ – Yêu cầu kỹ thuật).

4.2.3 Tỷ lệ cá đực/cá cái cho đẻ: 1/1 hoặc 1/2

4.2.4 Tiêm kích dục tố

4.2.4.1 Loại kích dục tố

Sử dụng một số loại kích dục tố và chất bổ sung sau đây để tiêm cho cá đẻ

a. Não thuỳ thể cá chép.

b. HCG (Human Chorionic Gonadotropin).

c. LRH – A (Luteotropin Releasing Hormoned Analog).

d. Chất bổ sung là DOM (Dompamine).

4.2.4.2 Liều lượng kích dục tố

a. Ðối với cá cái có thể dùng 1 trong 3 cách sau:

– 30 – 40 mg não thuỳ cá chép ngâm aceton để khô cho 1 kg cá cái.

– Phối hợp gồm 4 – 6 mg/não thuỳ cá chép và 4000 UI HCG cho 1 kg cá cái.

– Phối hợp gồm 45 – 50 mg LRH-A, 1 – 2 viên DOM và 6 – 9 mg não cá chép cho 1 kg cá.

b. Số lần tiêm

– Cá cái được tiêm 2 lần; lượng tiêm lần 1 bằng 1/3 tổng liều lượng tiêm cho cá, lần 2 tiêm cách lần 1 từ 5 đến 7 giờ với lượng kích dục tố còn lại.

– Cá đực tiêm 1 lần cùng với lần tiêm thứ 2 cho cá cái. Liều lượng kích dục tố bằng 1/3 tổng liều lượng tiêm cho cá cái.

c. Vị trí tiêm ở gốc vây ngực hoặc cơ lưng của cá.

d. Cách tiêm cho cá phải theo đúng những quy định tại Tiêu chuẩn Ngành 28 TCN 66 – 79 (Cá nước ngọt – Kỹ thuật sản xuất giống bằng phương pháp nhân tạo).

4.2.5 Thời gian cá đẻ

Trong điều kiện nhiệt độ nước 23– 280C, thời gian hiệu ứng thuốc sau khi tiêm lần thứ 2 từ 12 đến 20 giờ.

4.2.6 Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo

4.2.6.1 Thu sản phẩm sinh dục

Khi cá cái có hiện tượng rụng trứng, tiến hành thu sản phẩm sinh dục của cá cái và cá đực theo trình tự như sau:

a. Bắt cá cái đặt nhẹ nhàng trong vải mềm rồi dùng ngón tay cái bịt lỗ sinh dục cá.

b. Lấy vải mềm quấn thân cá chỉ để hở lỗ sinh dục rồi thấm hết nước ở bụng và đuôi cá. Sau đó, giữ đầu cá hướng lên phía trên, đuôi chúc xuống phía dưới, mở ngón tay bịt lỗ sinh dục cá rồi vuốt nhẹ vào thành bụng để trứng chảy từ từ vào bát khô sạch đã chuẩn bị sẵn. Ðể thuận tiện theo dõi, trứng của mỗi cá cái cho vào 1 bát riêng.

c. Ngay sau khi vuốt trứng phải vuốt sẹ vào bát đã có trứng. Thao tác giữ cá đực để vuốt sẹ tương tự như đối với vuốt trứng của cá cái.

Ðể hạn chế cá quẫy trong lúc thao tác thu sản phẩm sinh dục, có thể gây mê cá trước khi đặt cá vào trong vải mềm bằng nước gây mê quy định trong Phụ lục.

4.2.6.2 Thụ tinh

Lấy lông gà quấy đều trứng và tinh dịch trong khoảng thời gian 2 – 3 phút. Sau đó, rửa sạch chất bẩn và chất dính của trứng bằng nước sạch rồi lọc bỏ dần các chất bẩn ra ngoài; thay 2 – 3 lần nước để trứng rời ra trước khi đưa trứng vào khung ấp.

4.3 ấp trứng nở thành cá bột

4.3.1 Mật độ trứng ấp là 4 – 6 trứng/cm2 của khung ấp.

4.3.2 Phương pháp ấp trứng

Trứng được rải đều trên khung ấp. Cho nước chảy nhẹ vào bể kết hợp với sục khí. Nước ấp trứng phải qua lọc bằng vải valide hoặc lọc cát để hạn chế sinh vật, rác vào bể. Trong quá trình ấp trứng phải thường xuyên dùng ống xiphông để hút loại bỏ ra ngoài vỏ trứng và trứng ung hoặc cá chết.

4.3.3 Thu cá bột sau khi trứng nở

ở nhiệt độ nước 230 – 280C, sau khi ấp khoảng 75 – 78 giờ trứng sẽ nở thành cá bột. Cá bột mới nở lọt qua lưới của khung ấp trứng xuống bể. Trong 3 ngày đầu, cá bột nằm sát đáy bể ấp sống bằng noãn hoàng; từ ngày thứ 4, cá bột có bóng hơi ngoi lên mặt nước và di chuyển quanh thành bể tìm mồi ăn.

4.4 ương cá bột lên cá hương

Quá trình ương cá bột lên cá hương phải qua 3 giai đoạn sau:

4.4.1 Giai đoạn ương cá bột trong bể

4.4.1.1 Thời gian ương cá bột trong bể kéo dài trong 4 ngày sau khi cá bột đã tiêu hết noãn hoàng trước khi đưa cá bột ra ương bằng giai.

4.4.1.2 Thức ăn dùng để ương cá gồm: lòng đỏ trứng luộc có bổ sung động vật phù du. Cho cá ăn bằng cách bóp lòng đỏ trứng luộc lọc qua vải màn hai lớp rồi hoà tan trong nước để rải đều trên mặt bể ương.

4.4.1.3 Lượng cho ăn như sau:

a. Trong 2 ngày đầu, cứ 1 lòng đỏ trứng sử dụng cho khoảng 25 000 – 30 000 cá bột; ngày cho cá ăn 2 lần.

b. Trong 2 ngày cuối, cứ 1 lòng đỏ trứng sử dụng cho khoảng 20 000 – 25 000 cá bột; ngày cho cá ăn 2 lần.

4.4.2 Giai đoạn ương cá bột trong giai

4.4.2.1 Thời gian ương cá bột trong giai kéo dài trong 10 ngày. Mật độ ương cá bột trong giai khoảng 1 000 – 1 500 con/ m2.

4.4.2.2 Giai ương cá bột làm bằng lưới xăm nilon, kích thước giai ương: 1 x 2 x 1 m, có mắt lưới 2a = 0,3 mm. Giai ương được đặt ngập dưới nước 0,8 m.

4.4.2.3 Thức ăn dùng để ương cá gồm: lòng đỏ trứng luộc và động vật phù du được rải đều trên mặt giai cho cá ăn. Lượng cho ăn như sau:

a. Cứ 1 lòng đỏ trứng sử dụng cho 2 vạn cá bột/ngày, ngày cho cá ăn 2 lần.

b. Nếu có điều kiện, cho 1 vạn cá bột ăn 1 chén (30 ml) động vật phù du/ngày.

4.4.3 Giai đoạn ương cá bột trong ao

4.4.3.1 Chuẩn bị ao ương

Nội dung, trình tự các công đoạn chuẩn bị ao ương cá bột lên cá hương phải theo đúng những quy định tại các Ðiều 10 và Ðiều 11 của Tiêu chuẩn Ngành 28 TCN 62 – 79.

4.4.3.2 Mật độ và thời gian ương

a. Mật độ ương khoảng 150 – 200 con/m2 ao.

b. Thời gian ương trong 40 – 50 ngày.

4.4.3.3 Thả cá

a. Thời gian thả cá bột xuống ao ương vào buổi sáng hoặc chiều mát. Không được thả cá vào lúc trời đang nắng, mưa to hoặc vừa mưa xong.

b. Khi thả cá phải để cho nước ao chảy từ từ vào túi hoặc thùng, chậu chứa cá bột rồi giữ yên trong khoảng 10 -15 phút. Sau đó, mở rộng miệng túi hoặc nghiêng thùng, chậu cho cá tự bơi ra ao.

4.4.3.4 Quản lý ao ương

a. Cho cá ăn.

– Tuần đầu cho cá ăn bằng đậu tương rang khô được nghiền nhỏ rồi rải đều mặt ao. Lượng thức ăn là 100 g/1 vạn cá/ngày; cho cá ăn 2 lần/ngày.

– Tuần thứ 2 cho cá ăn bằng thức ăn tổng hợp có hàm lượng protein 25 – 30%. Lượng cho ăn là 200 g/1 vạn cá/ngày; cho ăn 2 lần/ngày.

– Từ tuần thứ 3 trở đi, tiếp tục cho cá ăn loại thức ăn tổng hợp như trên; kết hợp cho ăn thêm rau xanh được băm nhỏ với lượng 0,5 – 0,6 kg rau/1 vạn cá/ngày.

b. Bón phân cho ao ương cá

Trong quá trình ương cá bột trong ao, sử dụng các loại phân sau đây để bón gây màu nước cho ao:

– Phân NPK, mỗi tuần bón 1 lần với lượng 1 – 2 kg/100 m2.

– Phân xanh, mỗi tuần bón 1 lần với lượng 5 – 6 kg/100m2.

Mỗi lần bón phải điều chỉnh lượng phân bón sao cho nước có màu xanh lá chuối non. Ðảm bảo môi trường nước ao ương đạt các chỉ tiêu sau: oxy hoà tan lớn hơn 3mg/l, độ pH dao động trong khoảng 7- 9, độ trong của nước 20 – 30 cm.

c. Các công tác quản lý chăm sóc khác đối với ao ương cá như: diệt trừ mầm bệnh và địch hại, quấy dẻo, bổ sung nước cho ao và kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá phải theo đúng những quy định tại các Ðiều 7 và 8 của Tiêu chuẩn Ngành 28 TCN 68 – 79 (Cá nước ngọt – Kỹ thuật ương nuôi).

4.4.3.5 Thu hoạch cá hương

a. Yêu cầu cỡ cá khi thu hoạch

Cá hương khi thu hoạch phải đạt yêu cầu về chất lượng theo quy định tại Tiêu chuẩn Ngành 28TCN218:2004 (Cá nước ngọt – Cá Bỗng hương – Yêu cầu kỹ thuật).

b. Phương pháp thu hoạch cá hương phải theo quy định tại Ðiều 9 của Tiêu chuẩn Ngành 28 TCN 68 – 79.

4.5 ương cá hương lên cá giống

4.5.1 Chuẩn bị ao ương

Nội dung, trình tự các công đoạn chuẩn bị ao ương cá hương lên cá giống phải theo đúng những quy định tại các Ðiều 10 và Ðiều 11 của Tiêu chuẩn Ngành 28 TCN 62 – 79.

4.5.2 Mật độ và thời gian ương

4.5.2.1 Mật độ ương khoảng 25 – 30 con/m2 ao.

4.5.2.2 Thời gian ương 50 – 60 ngày. Sau giai đoạn này, nếu muốn nuôi tiếp đến cỡ cá giống lớn phải thả nuôi với mật độ 10 -15 con/m2, nuôi trong thời gian 30 ngày.

4.5.3 Thả cá

Thời gian và kỹ thuật thả cá hương vào ao ương nuôi thành cá giống phải theo quy định như với thả cá bột tại Ðiều 4.4.3.3 Tiêu chuẩn này.

4.5.4 Quản lý ao ương

4.5.4.1 Cho cá ăn

a. Sử dụng các loại thức ăn sau đây để ương cá: thức ăn tổng hợp có hàm lượng đạm tổng số 20 – 25% và thức ăn xanh.

b. Cách cho ăn:

– Thức ăn tổng hợp, ngày cho ăn 2 lần, lượng thức ăn theo quy định trong Bảng 1. Hàng ngày, khi cho ăn phải theo dõi khả năng sử dụng thức ăn của cá để điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo có hiệu quả và giữ vệ sinh môi trường ao nuôi.

– Thức ăn xanh, ngày cho ăn 1 lần, lượng thức ăn là 5 kg/100mao.

Bảng 1 – Lượng thức ăn tổng hợp để ương cá giống

Thời gian ương (tuần)

Lượng thức ăn cho một vạn cá/ngày (kg)

1 – 2

0,8

3 – 4

1,0

5 – 8

1,2

9 – 10

1,4

4.5.4.2 Theo dõi kiểm tra

Trong quá trình ương cá phải thực hiện các công việc sau đây:

a. Buổi sáng hàng ngày, chú ý quan sát, theo dõi hoạt động của cá, màu nước của ao để có có những biện pháp kịp thời như: điều tiết nước cho ao, điều chỉnh lượng thức ăn và phân bón, …

b. Ðịnh kỳ 15 ngày tiến hành 1 lần kiểm tra sinh trưởng của cá để điều chỉnh chế độ chăm sóc cho phù hợp.

c. Thường xuyên kiểm tra môi trường nước ao, tình hình phát sinh bệnh cá trong ao để có biện pháp phòng trị kịp thời, đảm bảo chất lượng nước ao nuôi đúng yêu cầu quy định.

d. Các công tác quản lý chăm sóc khác đối với ao ương cá như: diệt trừ mầm bệnh và địch hại, quấy dẻo, bổ sung nước cho ao phải theo đúng những quy định tại Ðiều 7 của Tiêu chuẩn Ngành 28 TCN 68 – 79 (Cá nước ngọt – Kỹ thuật ương nuôi).

4.5.4.3 Thu hoạch cá giống

a. Yêu cầu cỡ cá khi thu hoạch

Cá giống khi thu hoạch phải đạt yêu cầu về chất lượng theo quy định tại Tiêu chuẩn Ngành 28TCN219: 2004 (Cá nước ngọt – Cá Bỗng giống – Yêu cầu kỹ thuật).

b. Phương pháp thu hoạch cá Bỗng giống phải theo quy định tại Ðiều 9 của Tiêu chuẩn Ngành 28 TCN 68 – 79.

 

PHỤ LỤC

(tham khảo)

A Một số chỉ tiêu kỹ thuật quy trình sản xuất giống cá Bỗng

A.1 Tỷ lệ cá bố mẹ thành thục khi nuôi vỗ là: 85 – 90%.

A .2 Tỷ lệ cá đẻ so với cá đã thành thục là: 75 – 80%.

A .3 Tỷ lệ trứng thụ tinh là: 80 – 85%.

A.4 Tỷ lệ trứng nở so với trứng đã thụ tinh là: 75 – 80%.

A.5 Năng suất cá bột bình quân/1 kg cá cái là: 2.500 – 3.000 cá bột.

A.6 Tỷ lệ sống của cá cá hương 2,5 – 3,0 cm là: 65 – 75%.

A.7 Tỷ lệ sống của cá giống 5,0 – 7,0 cm là: 80 – 85 %

B Cách gây mê cá Bỗng trong sinh sản nhân tạo

B.1 Có thể dùng 1 trong 2 loại thuốc gây mê cho cá sau đây:

a. Benzocaine (tên dược học là Ethyl aminobenzoate)

– Cách sử dụng: ngâm cá trong nước có pha Benzocaine với nồng độ 30 mg/l ở nhiệt độ 20 – 300C.

– Thời gian cá bắt đầu mê: sau 1- 5 phút khi ngâm cá vào nước gây mê. Thời gian cá bắt đầu tỉnh lại: sau 1 – 5 phút khi ngâm cá vào nước bình thường.

b. Quinaldine sulfate (tên dược học là 2-methylquinoline sulphate

– Cách sử dụng: ngâm cá trong nước có pha Quinaldine sulfate với nồng độ 20 mg/l ở nhiệt độ 20 – 300C.

– Thời gian cá bắt đầu mê: sau1 – 5 phút khi ngâm cá vào nước gây mê. Thời gian cá bắt đầu tỉnh lại: sau 1 – 5 phút khi ngâm cá vào nước bình thường.

B.2 Cách chuẩn bị thuốc gây mê.

Cả 2 loại thuốc gây mê cho cá đều ít tan trong nước. Do đó, pha thuốc làm 2 bước:

a. Bước 1 pha nước gây mê đậm đặc trong cồn.

b. Bước 2 pha nước gây mê thường dùng.

B.2.1 Nước gây mê dùng Benzocaine

Lấy 10 g Benzocaine pha trong 100 ml cồn 96rồi lắc đều cho tan sẽ được nước gây mê đậm đặc với nồng độ 100 mg/ml. Sau đó, pha loãng nước gây mê đậm đặc này với nước bình thường để được nước gây mê thường dùng với nồng độ 30 mg/l:

– Benzocaine nguyên chất cần: 301 x 30 mg/l = 900 mg

– Benzocaine đậm đặc cần: 900 mg/100mg/ml = 9 ml

– Nước gây mê thường dùng: hoà 9 ml Benzocaine đậm đặc trong 30 lít nước bình thường sẽ được 30 lít nước gây mê thường dùng.

B.2.2 Nước gây mê dùng Quinaldine sulfate

Cách pha và tính các bước tiến hành tương tự như đối với nước gây mê dùng Benzocaine.

TIÊU CHUẨN NGÀNH 28TCN 215:2004 VỀ QUY TRÌNH KỸ THUẬT SẢN XUẤT GIỐNG CÁ BỖNG DO BỘ THỦY SẢN BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 28TCN215:2004 Ngày hiệu lực 30/12/2004
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo 15/12/2004
Lĩnh vực Nông nghiệp - Nông thôn
Ngày ban hành 17/11/2004
Cơ quan ban hành Bộ Thủy sản
Tình trạng Không xác định

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản