TIÊU CHUẨN NGÀNH 14 TCN 550:2002 VỀ XỬ LÝ MỘT SỐ GIỐNG CÂY ĂN QUẢ NHẬP NỘI BẰNG THUỐC METHYL BROMIDE DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BAN HÀNH
TIÊU CHUẨN NGÀNH
14 TCN 550:2002
QUY TRÌNH
XỬ LÝ MỘT SỐ GIỐNG CÂY ĂN QUẢ NHẬP NỘI BẰNG THUỐC METHYL BROMIDE
Fumigation procedure of some imported fruit plant varieties by using Methyl bromide
1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
Quy trình này áp dụng cho việc xử lý khử trùng xông hơi một số giống cây ăn quả nhập nội trên phạm vi cả nước.
2. Thuật ngữ và định nghĩa
Trong quy trình này các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
– Xử lý xông hơi là một trong những biện pháp diệt trừ sinh vật hại bằng hơi độc của thuốc hoá học hoặc các loại hơi khác mà không ảnh hưởng đến chất lượng của vật thể đưa vào xử lý xông hơi.
– Thuốc xông hơi là những hợp chất hoá học mà ở điều kiện nhiệt độ và áp suất không khí thông thường biến thành thể khí, tồn tại trong không khí và gây tác động diệt sinh vật hại ở thể khí.
– Sinh vật hại bao gồm vi sinh vật gây bệnh, côn trùng, cỏ dại, chuột và các sinh vật khác gây hại tài nguyên thực vật.
– Độ kín khí của xử lý xông hơi: Là mức độ kín không cho khí độc từ phạm vi xử lý thoát ra ngoài.
– Phạm vi xử lý: Là khoảng không gian kín khí, chứa những vật thể cần được xử lý xông hơi.
– Thời gian xử lý: Là thời gian được tính từ lúc hoàn thành việc cho thuốc vào phạm vi xử lý đến khi bắt đầu xả thuốc thông thoáng.
– Liều lượng thuốc: Là lượng thuốc xông hơi hay lượng hoạt chất hơi độc dùng xử lý cho 1 đơn vị thể tích (dung tích) không gian hay đơn vị vật thể khử trùng. Đơn vị thường sử dụng là: g/m3, mg/l, g/ tấn .
– Nồng độ thuốc: Là lượng hơi thuốc xác định tại một thời điểm ở một vị trí nhất định trong phạm vi không gian xử lý. Đơn vị tính là: ppm hay % theo thể tích.
– Chỉ số C.T: Là tích số của nồng độ thuốc và thời gian xử lý để diệt trừ một loài sinh vật hại trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ nhất định.
– Ngưỡng an toàn: Là nồng độ thuốc có trong không khí cho phép con người có thể tiếp xúc thường xuyên tại đó mà không bị một tác hại.
3. Yêu cầu kỹ thuật của quá trình xử lý xông hơi
Quy định các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc cho quá trình xử lý xông hơi:
– Trừ được sinh vật hại mà không gây ảnh hưởng xấu đến vật thể xử lý (cây giống, hom giống, gốc ghép).
– An toàn cho người, động vật và môi trường sinh thái.
3.1. Vật tư, trang thiết bị
– Thuốc Methyl bromide 99,4 % ( không chứa Clopicrin).
– Bạt khử trùng.
– Vật liệu làm kín (giấy dán, hồ, keo dán, băng dính…).
– Cân thuốc, dụng cụ lấy thuốc, ống dẫn thuốc và máy đo nồng độ thuốc.
– Thiết bị kiểm tra thuốc rò rỉ.
– Mặt nạ chuyên dùng với các trang thiết bị bảo hộ lao động.
– Thiết bị thông thoáng (quạt đảo khí, máy hút khí).
– Máy đo độ ẩm, nhiệt kế, đồng hồ kiểm tra thời gian.
– Biển cảnh giới.
3.2. Các bước xử lý xông hơi
3.2.1. Kiểm tra trước xử lý
+ Vật thể xử lý: Bao gồm chủng loại giống, số lượng, mẫu mã, nguồn gốc xuất xứ, nơi và thời gian sản xuất, bao bì đóng gói, kích thước và quy cách sắp xếp giống cây xử lý.
+ Xác định các loài sinh vật hại có trên giống cây cần xử lý và xung quanh phạm vi xử lý để có biện pháp xử lý và ngăn ngừa sự lây lan.
+ Xác định nhiệt độ và ẩm độ nơi xử lý.
+ Khảo sát những địa điểm và điều kiện xử lý như phương tiện chứa giống cây xử lý, cách thức làm kín và thông thoáng sau xử lý, hệ thống điện, nước có liên quan đến xử lý.
+ Kiểm tra việc hoạt động của các trang thiết bị và dụng cụ bảo hộ lao động.
+ Xác định vệ sinh an toàn cho người và động vật trong phạm vi xử lý.
+ Tính toán việc lấy mẫu đại diện của lô vật thể và lập biên bản lấy mẫu.
3.2.2. Lập kế hoạch xử lý
Dựa vào các yếu tố đã kiểm tra, khảo sát để xác định:
+ Bố trí sắp xếp giống cây cần xử lý.
+ Lập sơ đồ đặt ống dẫn hơi thuốc.
+ Tính liều lượng thuốc: Căn cứ vào loài sinh vật hại; chủng loại giống cần xử lý; chất liệu bao bì đóng gói, quy cách sắp xếp; nhiệt độ, ẩm độ và thời gian xử lý.
+ Tính thời gian xử lý: Căn cứ vào chủng loại giống, loại sinh vật hại và nhiệt độ nơi xử lý.
+ Thời gian đảo khí: Tuỳ thuộc không gian xử lý, chủng loại giống và bố trí thiết bị đảo khí nhằm bảo đảm thuốc phân bố đều và an toàn cho giống cây sau xử lý.
+ Phương pháp làm kín: Tuỳ theo trang thiết bị chứa vật thể xử lý để có các phương pháp làm kín phù hợp như: trùm bạt, rải cát, dán giấy các buồng xử lý sao cho đảm bảo bịt kín khí tất cả các khe, kẽ hở, các lỗ thông thoáng.
3.2.3. Các bước tiến hành
+ Đảo khí trước và trong quá trình cho thuốc vào phạm vi không gian xử lý.
+ Đưa thuốc vào: Tuỳ theo loại buồng xử lý hay không gian xử lý và cách sắp xếp giống cây xử lý để bố trí đường thuốc vào cho phù hợp.
+ Cảnh giới: Có ít nhất 2 người am hiểu kỹ thuật với đủ phương tiện cảnh giới để kiểm tra xử lý các sự cố kỹ thuật cũng như an toàn khi cần thiết như: kiểm tra rò rỉ của thuốc ra ngoài, các sự cố cháy nổ, ngộ độc.
+ Thông thoáng: Khi xử lý xong cần thiết phải tiến hành thông thoáng ngay để giải phóng giống cây xử lý. Dùng các thiết bị như quạt, máy hút khí, hệ thống thông gió. Thời gian thông thoáng phụ thuộc công suất của thiết bị thông thoáng, thể tích của phạm vi xử lý, lượng thuốc xử lý và sự hấp thụ thuốc của vật thể xử lý. Đo để kiểm tra dư lượng thuốc trong không khí sau khi đã thông thoáng(yêu cầu phải đạt nồng độ cho phép là nhỏ hơn hoặc bằng 5 ppm).
4. Kết thúc xử lý
+ Lấy mẫu đại diện của vật thể đã xử lý theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4731 – 89.
+ Nghiệm thu kết quả xử lý.
5. Ngưỡng xử lý một số giống cây ăn quả nhập nội bằng thuốc Methyl bromide.
– Cây giống, hom giống, gốc ghép nhập nội khi phát hiện thấy có côn trùng hại trên bề mặt của giống.
5.1. Nhóm cây có múi
Methyl bromide:
Liều lượng 48 – 56 g/m3 trong thời gian 1,5 – 3 giờ ở nhiệt độ 8 – 15oC
40 g/m3 trong thời gian 1,5 – 3 giờ ở nhiệt độ 16 – 20oC
32 g/m3 trong thời gian 1,5 – 3 giờ ở nhiệt độ 21 – 25oC
24 g/m3 trong thời gian 1,5 – 3 giờ ở nhiệt độ 26 – 30oC
16 – 20 g/m3 trong thời gian 1,5 – 3 giờ ở nhiệt độ 31 – 36oC
5.2. Nhóm cây quả hạch (Đào, mận)
Methyl bromide:
Liều lượng 48 – 56 g/m3 trong thời gian 1 – 2,5 giờ ở nhiệt độ 8 – 15oC
40 g/m3 trong thời gian 1 – 2,5 giờ ở nhiệt độ 16 – 20oC
32 g/m3 trong thời gian 1 – 2,5 giờ ở nhiệt độ 21 – 25oC
24 g/m3 trong thời gian 1 – 2,5 giờ ở nhiệt độ 26 – 30oC
16 – 20 g/m3 trong thời gian 1 – 2,5 giờ ở nhiệt độ 31 – 36oC
5.3. Nhóm cây ăn quả khác (Xoài, nho, vải, nhãn, ổi)
Methyl Bromide:
Liều lượng 48 – 56 g/m3 trong thời gian 1,5 – 3 giờ ở nhiệt độ 8 – 15oC
40 g/m3 trong thời gian 1,5 – 3 giờ ở nhiệt độ 16 – 20oC
32 g/m3 trong thời gian 1,5 – 3 giờ ở nhiệt độ 21 – 25oC
24 g/m3 trong thời gian 1,5 – 3 giờ ở nhiệt độ 26 – 30oC
16 – 20 g/m3 trong thời gian 1,5 – 3 giờ ở nhiệt độ 31 – 36oC
PHỤ LỤC
MỘT SỐ ĐẶC TÍNH LÝ, HOÁ HỌC CỦA THUỐC XÔNG HƠI
Methyl bromide (CH3Br).
Tên hoá học: Metyl bromua
Công thức hoá học : CH3Br
Phân tử lượng: 94,94
Tỷ trọng ở thể lỏng: 1,732 (ở 0oC)
Tỷ trọng ở thể khí: 3,270 (ở 0oC)
Ẩn nhiệt bay hơi: 61,52 cal/g
– Ở điều kiện nhiệt độ và áp suất bình thường thuốc ở thể khí không màu và không mùi vị, ở áp suất cao( nén trong bình thép) thuốc ở dạng lỏng. Thuốc tan trong nước(13,4g/kg) và trong hầu hết dung môi hữu cơ; bền vững dưới tác động của nhiệt độ và ánh sáng; không bốc cháy nhưng ăn mòn nhôm, magê và hợp kim của chúng. CH3Br thuộc nhóm độc I, LD50 : 214 mg/kg; ADI: 1mg/kg và hít thở phải không khí chứa 20-100ppm CH3Br sẽ có biểu hiện thần kinh và 1000 ppm trong 30-60 phút thì bị tử vong. Nồng độ cho phép nơi làm việc là 5 ppm (tiếp xúc thường xuyên) và 15 ppm (nếu tiếp xúc ngắn).
– Thuốc CH3Br được nén trong bình thép (từ 2,25-816 kg/bình, thông thường 23-45 kg/bình) hoặc nén trong hộp sắt tây (0,45-0,68 kg/hộp) hay đựng trong ampun thuỷ tinh 20 ml. Thuốc thoát ra ngoài ống dẫn khuyếch tán trong không khí thành khí CH3Br. Khí CH3Br nặng hơn không khí nên lắng dần xuống phía dưới do đó cần phải đảo khí.
– CH3Br rất độc và ở nồng độ thấp rất khó nhận biết (thuốc không có mùi) nên thuốc thường chứa 2-3% Clopicrin là chất báo hiệu nguy hiểm (gây kích thích niêm mạc và cay mắt ngay ở nồng độ rất thấp). Khi thông thoáng đối với kho kín, hầm tàu … phải dùng máy hút khí độc thải ra ngoài kết hợp với thông gió tự nhiên.
– Hàng hoá có chứa các hợp chất muối iốt, muối natri hyposunfit, các hợp chất sunfua, natri hydrocabonat, các vật liệu bằng cao su tự nhiên, cao su nhân tạo, da, len, dạ, sợi nhân tạo chế từ cacbon-disunfua, than hoạt tính, xenlophan, hoá chất ảnh, giấy ảnh, giấy bạc, đậu tương bị hư hỏng và phá huỷ khi tiếp xúc với thuốc CH3Br.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
A. Tài liệu tiếng Việt:
[1]. Bộ Nông nghiệp và PTNT, Quy trình kỹ thuật khử trùng bằng phương pháp xông hơi – 10TCN; 335 – 98.
[2]. Cục nông nghiệp Thái Lan, Xử lý xông hơi Kiểm dịch thực vật ở Thái Lan, BangKok , 1997, 392 tr.
[3]. Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Thuốc xông hơi và biện pháp phòng trừ dịch hại trong kho, Hà Nội, 1991, 56 tr.
[4]. Lê Đức Đồng, Vũ Mạnh Trí và Ctv, Xử lý một số giống cây xanh, cành ghép, mắt ghép bằng CH3Br, Báo cáo khoa học, Hà Nội, 1995;1996, 32 ;29 tr.
[5]. Tổng cục nông nghiệp Thái Lan, Khuyến cáo về khử trùng xông hơi hoa lan trừ Thirps palmi, BangKok, năm 1997, 32 tr.
B. Tài liệu tiếng Anh:
[6]. APPPC, Manual of plant quantine treatment schedules and inspection procedures. Thai Lan, 1992 Vol. 16(3), p.81.
[7]. Australia Plant Quarantine Treatment of Health. Plant quarantine treatment schedules Camberra,1982. Vol. 19(7), p.11.
[8]. Cornwell P. B. , Health monitoring experience of fumigators using Methyl bromide, Rev. of Appl. Entomol. ser. A,Vol. 69(5), 1981, p. 319.
[9]. Gaunce A. P. , Madsen H. F. , Mc Mullen R. D. , Hall J. W. , Dosage response of the Stages of Codling moth, Laspeyresia pomonella (Lepidoptera: Olethreutidae) to fumigation with Methyl bromide, Rev. of Appl. Entomol. ser. A, Vol. 69(8), 1981, p. 595.
[10]. Plant Protection Division – Agricultural Production Bureau. Textbook of Plant quarantine treatments of Japan. 1997, Vol.17(8), p. 74.
TIÊU CHUẨN NGÀNH 14 TCN 550:2002 VỀ XỬ LÝ MỘT SỐ GIỐNG CÂY ĂN QUẢ NHẬP NỘI BẰNG THUỐC METHYL BROMIDE DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 14TCN550:2002 | Ngày hiệu lực | 21/12/2002 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | 20/02/2003 |
Lĩnh vực |
Nông nghiệp - Nông thôn |
Ngày ban hành | 06/12/2002 |
Cơ quan ban hành |
Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn |
Tình trạng | Hết hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |