TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 6631:2000 VỀ KÍP NỔ VI SAI PHI ĐIỆN – PHƯƠNG PHÁP THỬ

Hiệu lực: Còn hiệu lực

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 6631 : 2000

KÍP NỔ VI SAI PHI ĐIỆN – PHƯƠNG PHÁP THỬ

Non-electric milisecond delay detonator – Test methods

Lời nói đầu

TCVN 6631 : 2000 do Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn TCVN/TC 27/SC 1 “Vật liệu nổ công nghiệp” biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) ban hành.

Tiêu chuẩn này được chuyển đổi năm 2008 từ Tiêu chuẩn Việt Nam cùng số hiệu thành Tiêu chuẩn Quốc gia theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

 

KÍP NỔ VI SAI PHI ĐIỆN – PHƯƠNG PHÁP THỬ

Non-electric milisecond delay detonator – Test methods

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định các phương pháp thử áp dụng cho kíp nổ vi sai phi điện.

2. Tiêu chuẩn trích dẫn

TCVN 6174 : 1997 Vật liệu nổ công nghiệp – Yêu cầu an toàn về sản xuất nghiệm thu thử nổ.

TCVN 6630 : 2000 Kíp nổ vi sai phi điện – Yêu cầu kỹ thuật.

TCVN 6421 :1998 Vật liệu nổ công nghiệp – Xác định khả năng sinh công – Phương pháp đo sức nén trụ chì.

3. Quy định an toàn khi tiến hành thử

3.1. Khi tiến hành thử phải tuân theo quy định về an toàn trong TCVN 6174:1997.

4. Kiểm tra mặt ngoài, kích thước

4.1. Mẫu: Rút lấy mẫu ngẫu nhiên từ thùng kíp được phép sử dụng.

4.2. Dụng cụ

– thước cặp: đo đến 124 mm;

– thước cuộn: chiều dài 2m.

4.3. Tiến hành

Kiểm tra mặt ngoài, đo kích thước từng cái bằng thước.

CHÚ THÍCH

1/ Khi kiểm tra chỉ được cầm một kíp, không được va đập hoặc để kíp rơi xuống đất.

2/ Khi kiểm tra không được xoay vặn nhiều lần làm cho dây nổ bị gập, dập, gãy hoặc bị tuột khỏi kíp.

4.4. Đánh giá kết quả

Từng kíp phải đạt các yêu cầu quy định tại các điều 5.1 và 5.2 của TCVN 6630:2000.

5. Thử khả năng chịu chấn động

5.1. Mẫu

Mẫu lấy từ lô đã kiểm tra mặt ngoài và kích thước hợp cách.

5.2. Thiết bị, dụng cụ

– máy (hòm) chấn động: biên độ dao động 150 mm ± 2 mm, tần số dao động 60 min-1;

– thước lá, mỏ lết, bìa cáctông.

5.3. Tiến hành

5.3.1. Cuộn kíp theo kích thước đường kính trong của hòm chấn động rồi vặn thành cuộn số 8. Cặp kíp ở giữa cuộn, dùng dây sợi nhỏ buộc lại, đặt vào chính giữa hòm. Kíp không được tiếp xúc với đáy hòm. Khoảng trống trong hòm cũng dùng bìa cáctông chèn chặt, cho cao hơn miệng hòm 0,5 mm.

5.3.2. Đậy kín nắp hòm. Dùng mỏ lết vặn chặt bulông. Kéo puli cho cam quay tấm trên của máy chấn động. Sau khi nâng tới vị trí quy định, nhân viên ra khỏi buồng thử, đóng chặt cửa buồng.

5.3.3. Đóng nguồn điện máy chấn động. Sau khi chấn động được 5 phút thì ngừng máy. Chờ máy dừng hẳn mới được vào buồng thử.

CHÚ THÍCH:

1/ Khi chạy máy thử chấn động, nhân viên không được vào buồng, có thể quan sát tình hình chấn động qua lỗ quan sát.

2/ Khi thử, nếu mất điện máy ngừng chấn động. Khi có điện, cho phép thử bù thời gian để đủ 5 phút.

5.3.4. Mở hòm chấn động, lấy kíp ra.

5.3.5. Trong khi thử chấn động, nếu xảy ra nổ hoặc có hiện tượng khác thường, phải bảo vệ hiện trường và báo cáo ngay cho bộ phận có liên quan.

5.4. Đánh giá kết quả

Kíp phải đạt yêu cầu theo điều 5.3 của TCVN 6630 : 2000

6 Thử cường độ nổ (thử xuyên tấm chì)

6.1 Mẫu

Mẫu thử cường độ nổ được lấy từ kíp đạt yêu cầu sau khi thử khả năng chịu chấn động

6.2. Thiết bị, dụng cụ

– thiết bị gợi nổ chuyên dụng (máy phát hỏa);

– đồ gá thử nổ chuyên dụng;

– dao xén;

– dây cháy chậm;

– tấm chì đường kính từ 35 mm ¸ 40 mm, dày 6 mm ± 0,1 mm. Chất lượng chì theo TCVN 6421 : 1998;

– hương không lõi.

6.3. Tiến hành

6.3.1. Lần lượt đặt các kíp thử thẳng đứng, miệng hướng lên trên.

6.3.2. Lấy các tấm chì, đặt từng tấm lên trên bệ gá thử nổ chuyên dụng. Kíp được đặt ở giữa tấm chì sao cho dây cháy chậm không được cong, kíp không được lệch.

6.3.3. Dùng hương không lõi đốt cháy dây cháy chậm, lần lượt và nhanh chóng mồi cháy kíp rồi lập tức về ngay địa điểm an toàn. Mở quạt gió, chờ kíp nổ hết và 2 phút sau mới được vào nơi thử.

CHÚ THÍCH:

1/ Khi cắm dây cháy chậm vào miệng kíp phải làm từng cái trong chụp phòng hộ.

2/ Khi mồi cháy dây cháy chậm, mỗi người một lần liên tục không được quá 5 cái. Trong quá trình mồi cháy, nếu xảy ra tắt hoặc hỏng, phải dừng mồi cháy, phải tránh ra ngay, không được dừng lại quá lâu.

3/ Hương không được để gần kíp.

6.3.4. Kiểm tra xem có hiện tượng kíp bị tịt hoặc nổ không hết không. Nếu có, phải giữ lại tấm chì sau đó kiểm tra đường kính lỗ xuyên tấm chì.

6.4. Đánh giá kết quả

Kíp hợp cách là kíp nổ hoàn toàn và đường kính lỗ xuyên tấm chì không nhỏ hơn đường kính ngoài của kíp.

7. Thử khả năng chịu nước

7.1. Mẫu

Mẫu thử khả năng chịu nước phải lấy từ kíp đã thử chấn động hợp cách.

7.2. Thiết bị, dụng cụ

– máy nén khí kèm áp kế

– bình nước hoặc thùng ngâm nước có áp kế và van xả nước;

– mỏ lết.

7.3. Tiến hành

7.3.1. Kiểm tra máy nén khí phải bình thường, mở máy thử 1 phút, quan sát độ nhạy của kim chỉ áp kế. Kiểm tra bình nước cao áp không dò nước, không dò khí, áp kế trên bình phải tốt.

7.3.2. Lấy kíp thử cuộn theo độ lớn đường kính trong của bình nước. Lấy dây sợi nhỏ buộc lại và kiểm tra phần đuôi dây dẫn nổ xem có bịt kín không.

7.3.3. Cho đầy nước vào bình

Cho kíp thử vào bình nước. Đậy nắp và vặn chặt bulông ép.

7.3.4. Nạp áp suất cho bình bằng máy nén khí, khi áp kế của bình chỉ 20 N/mm² thì ngừng nạp khí và bắt đầu tính thời gian.

Sau 8 giờ ngâm, lấy kíp thử khỏi bình. Đầu tiên mở van xả hết nước, nới lỏng bulông ép, mở nắp trên bình và nhấc kíp khỏi bình.

CHÚ THÍCH:

1/ Trong quá trình ngâm, tiến hành kiểm tra áp suất 1giờ/lần, áp suất không đủ, phải nạp bổ sung cho đủ.

2/ Không được nạp áp suất quá trị số quy định.

7.3.5. Kíp vi sai phi điện sau khi ngâm nước, lấy ra trong vòng 4 giờ, thử đo thời gian giữ chậm.

7.4. Đánh giá kết quả

Nếu kíp nổ tốt thì kíp thử là hợp cách.

8. Thử độ bền mối ghép miệng (thử lực kéo tĩnh)

8.1. Mẫu

Mẫu thử độ bền mối ghép miệng lấy từ kíp đạt yêu cầu sau khi thử khả năng chịu chấn động.

8.2. Thiết bị, dụng cụ

– máy thử kéo;

– mỏ lết.

8.3. Tiến hành

8.3.1. Kiểm tra máy thử lực kéo, máy đặt thăng bằng, tạo thành trạng thái thẳng đứng,

8.3.2. Đưa đáy kíp (phần trụ thuốc) vào đúng vị trí cơ cấu gá. Cố định chắc kíp trên cơ cấu gá. Theo chiều cao của giá đỡ, buộc nút thắt dây dẫn nổ.

8.3.3. Treo quả cân có khối lượng 2 kg (tạo lực kéo tĩnh 19,6 N) vào móc, móc lên nút buộc dây dẫn nổ. Quả cân ở vị trí thẳng đứng, không đung đưa.

Sau 1 phút, nhả bạc, tháo quả cân, lấy kíp và kiểm tra tình trạng kíp.

CHÚ THÍCH:

1/ Khi cố định kíp vào gá cần phải cắm đúng vị trí, không được cố định phần giữa hoặc phần miệng kíp.

2/ Thao tác phải nhẹ, gọn.

8.4. Đánh giá kết quả

Kíp hợp cách phải đạt yêu cầu quy định trong TCVN 6630 : 2000.

9. Thử độ tin cậy gây nổ và đo thời gian giữ chậm

9.1. Mẫu

9.1.1. Kíp vi sai số 1 chỉ thử độ tin cậy gây nổ. Kíp vi sai có số lớn hơn 1 thì thử độ tin cậy gây nổ và đo thời gian giữ chậm. Thử độ tin cậy gây nổ và đo thời gian giữ chậm của kíp vi sai thực hiện kết hợp trên cùng mẫu thử.

9.1.2. Mẫu thử độ tin cậy gây nổ và đo thời gian giữ chậm lấy từ lô kíp đã thử qua các hạng mục thử ngâm nước hợp cách, nếu không đủ, có thể lấy bù từ lô đã thử lực kéo tĩnh hợp cách.

9.2. Thiết bị, dụng cụ

– máy đo thời gian quang điện;

– bộ ổn áp xoay chiều;

– dụng cụ gây nổ

– thiết bị phòng nổ;

– băng dính, kéo;

– dây dẫn tín hiệu nổ.

9.3. Tiến hành

9.3.1. Điều kiện thử

– nhiệt độ môi trường thử quy định từ 15°C đến 30°C;

– khoảng cách từ đầu gợi nổ đến bia không quá 1m;

– kíp có dây dẫn tín hiệu nổ dài đến 3 m, lấy thời gian theo kết quả đo thực tế. Kíp có dây dẫn tín hiệu nổ dài hơn 3 m phải trừ lượng thời gian vốn có của bản thân dây dẫn tín hiệu nổ.

9.3.2. Chuẩn bị thử

9.3.2.1 Kiểm tra bộ ổn áp và máy đo thời gian quang điện theo hướng dẫn sử dụng máy. Mở máy ủ nóng trong thời gian 15 đến 30 phút.

Thử với hai dây dẫn tín hiệu nổ dài 1m, quan sát máy bình thường, xác định thời gian cháy chậm đạt 0,51 ms đến 0,53 ms. Nếu phát hiện máy không nhạy hoặc thời gian cháy chậm nằm ngoài khoảng này, phải báo cho nhân viên liên quan, sửa chữa xong mới đưa thử với kíp.

9.3.2.2. Lấy cuộn dây dẫn nổ, cắt thành sợi dài 800 mm ± 50 mm để dùng cho bia.

9.3.3. Lần lượt thử gây nổ và đo thời gian giữ chậm từng kíp.

9.3.3.1. Lấy một kíp đem thử, dùng kéo cắt bỏ phần đầu bịt kín của dây dẫn nổ. Dùng băng dính cuốn nối kíp với dây dẫn nổ.

9.3.3.2. Lắp kíp thử vào thiết bị phòng nổ, luồn dây dẫn tín hiệu nổ vào đồ gá (hình 2)

Hình 2 – Sơ đồ nguyên lý đo thời gian giữ chậm của kíp vi sai phi điện.

9.3.3.3. Gây nổ kíp bằng dụng cụ gợi nổ. Đọc kết quả thời gian giữ chậm trên máy.

CHÚ THÍCH – Nếu sau khi gây nổ mà dây dẫn không nổ thì dùng kéo cắt bỏ 10 mm phần đầu. Tiếp tục gây nổ lại, nếu kíp nổ, đo thời gian không nhạy thì không tính kết quả của kíp đó.

9.4. Đánh giá kết quả

Kíp được coi là hợp cách khi thử kíp nổ tốt, có thời gian giữ chậm cho phù hợp với quy định trong điều 5.7 của TCVN 6630 : 2000.

 

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 6631:2000 VỀ KÍP NỔ VI SAI PHI ĐIỆN – PHƯƠNG PHÁP THỬ
Số, ký hiệu văn bản TCVN6631:2000 Ngày hiệu lực
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Công nghiệp nặng
Ngày ban hành
Cơ quan ban hành Bộ khoa học và công nghê
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản