TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 8653-4:2024 VỀ SƠN TƯỜNG DẠNG NHŨ TƯƠNG – PHƯƠNG PHÁP THỬ – PHẦN 4: XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN RỬA TRÔI CỦA MÀNG SƠN

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 31/05/2024

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 8653-4:2024

SƠN TƯỜNG DẠNG NHŨ TƯƠNG – PHƯƠNG PHÁP THỬ
PHẦN 4: XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN RỬA TRÔI CỦA MÀNG SƠN

Wall emulsion paints – Test methods – Part 4: Determination of scrub resistance of paint film

Lời nói đầu

TCVN 8653-4:2024 thay thế TCVN 8653-4:2012

TCVN 8653-4:2024 do Viện Vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Bộ TCVN 8653:2024, Sơn tường dạng nhũ tương – Phương pháp thử, bao gồm các tiêu chuẩn sau:

– TCVN 8653-1:2024, Sơn tường dạng nhũ tương – Phương pháp thử – Phần 1: Xác định trạng thái sơn trong thùng chứa, đặc tính thi công, độ n định ở nhiệt độ thấp và ngoại quan màng sơn;

– TCVN 8653-2:2024, Sơn tường dạng nhũ tương – Phương pháp thử – Phần 2: Xác định độ bền nước của màng sơn;

– TCVN 8653-3:2024, Sơn tường dạng nhũ tương – Phương pháp thử – Phần 3: Xác định độ bền kiềm của màng sơn;

– TCVN 8653-4:2024, Sơn tường dạng nhũ tương – Phương pháp thử – Phần 4: Xác định độ bền rửa trôi của màng sơn;

– TCVN 8653-5:2024, Sơn tường dạng nhũ tương – Phương pháp thử – Phần 5: Xác định độ bền chu kỳ nóng lạnh của màng sơn.

 

SƠN TƯỜNG DẠNG NHŨ TƯƠNG – PHƯƠNG PHÁP THỬ – PHẦN 4: XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN RỬA TRÔI CỦA MÀNG SƠN

Wall emulsion paints – Test methods – Part 4: Determination of scrub resistance of paint film

1  Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định phương pháp xác định độ bền rửa trôi của màng sơn tường dạng nhũ tương.

2  Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau đây là cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).

TCVN 2090 (ISO 15528), Sơn, vecni và nguyên liệu cho sơn và vecni-Lấy mẫu;

TCVN 4851 (ISO 3696), Nước để phân tích trong phòng thí nghiệm;

TCVN 5668 (ISO 3270), Sơn vecni và nguyên liệu của chúng nhiệt độ và độ ẩm để điều hòa và thử nghiệm;

TCVN 5669 (ISO 1513), Sơn và vecni – Kiểm tra và chuẩn bị mẫu thử;

TCVN 5720, Bột giặt tổng hợp gia dụng;

TCVN 7218, Kính xây dựng – Kính nổi – Yêu cầu kỹ thuật;

TCVN 8653-1, Sơn tường dạng nhũ tương – Phương pháp thử – Phn 1: Xác định trạng thái sơn trong thùng chứa, đặc tính sử dụng, độ ổn định ở nhiệt độ thấp và ngoại quan màng sơn;

TCVN 10102-2 (ISO 11833-2), Chất dẻo – Tấm Poly (Vinyl Clorua) không hóa dẻo – kiểu loại, kích thước và đặc tính – Phần 2: Tấm có độ dày nhỏ hơn 1 mm.

3  Lấy mẫu và chuẩn bị mẫu thử

3.1  Lấy mẫu thử

Lấy mẫu đại diện của sản phẩm thử theo TCVN 2090 (ISO 15528).

3.2  Chuẩn bị và kiểm tra mẫu thử

Theo quy định trong TCVN 5669 (ISO 1513).

4  Điều kiện về vị trí thử nghiệm và nguồn sáng để quan sát

Điều kiện về vị trí thử nghiệm và nguồn sáng để quan sát theo Điều 4 của TCVN 8653-1.

5  Thiết bị, dụng cụ

5.1  Thước kéo màng sơn

Có khe hở 150 μm và chiều rộng khe hở tối thiểu 60 mm.

5.2  Thiết bị thử độ rửa trôi

Là một máy thử nghiệm có thể gắn được bàn chải theo yêu cầu của tiêu chun và có thể điều khiển sự di chuyển của bàn chải với chiều dài hành trình 600 mm/ chu kỳ với tốc độ di chuyển khoảng (37 ± 2) chu kỳ/ min. Máy phải có bộ đếm để ghi lại số chu kỳ chà trong đó bộ đếm phải có 4 chữ số trở lên. Xem ví dụ về thiết bị tại Hình 1.

CHÚ DN:

1. Chốt siết giữ tấm mẫu thử

2. Giá đỡ thùng chứa chất lỏng

3. Thùng chứa dung dịch chất lỏng

4. Van điều chỉnh nhỏ giọt

5. Bàn chải

6. Tải trọng bàn chải

7. Giá giữ bàn chải

8. Cống thoát nước

9. Khay đựng mẫu

10. Máy đếm

11. Công tắc nguồn

Hình 1: Ví dụ về máy thử độ rửa trôi

5.3  Bình phun dung dịch rửa;

5.4  Bàn chải

Bàn chải phù hợp theo tiêu chuẩn ASTM D 2486.

Trên tẩm đế có kích thước (90 × 38) mm, có các lỗ nhỏ có đường kính 3 mm với khoảng cách đều nhau, được cấy những sợi nylon có chiều dài khoảng 19 mm trong mỗi lỗ sao cho góc cấy vuông góc với mặt phẳng. Đế là loại gỗ cứng có độ dày 25 mm, hoặc làm từ nhôm có độ dày 13 mm. Tổng khối lượng bàn chải khi khô là (450 ± 10) g.

Trường hợp khi lông bàn chải có chiều dài nhỏ hơn 15 mm thì phải thay bằng bàn chải mới.

Kích thước tính bằng milimet

Hình 2: Ví dụ bản vẽ ngang của bàn chải cấy lông

5.5 Dung dịch xà phòng

Dung dịch nước xà phòng 0,5 %, được điều chế bằng cách hòa tan xà phòng theo TCVN 5720 vào nước khử ion phù hợp loại 3 theo TCVN 4851 (ISO 3696).

5.6  Tấm kính

Tấm kính nổi phù hợp theo TCVN 7218, có kích thước (430 × 170 × 3) mm.

6  Chuẩn bị tấm mẫu thử

6.1  Tấm thử

Sử dụng tấm hoặc màng poly vinyl clorua cứng không có chất hóa dẻo theo quy định trong TCVN 10102-2 (ISO 11833-2), bề mặt phẳng và có kích thước danh nghĩa khoảng (430 × 170 × 0,25) mm.

Trường hợp mẫu thử sáng màu thì dùng tấm thử có màu đen và nếu mẫu thử tối màu thì sử dụng tấm thử có màu trắng

6.2  Gia công màng sơn

Sử dụng thước kéo màng sơn như tại 5.1, tiến hành gia công mẫu sơn đã chuẩn bị lên phần trung tâm của tấm thử và chiều dài sơn khoảng 400 mm. Đặt tấm mẫu thử trên mặt phẳng nằm ngang hướng mặt được sơn lên phía trên và làm khô tự nhiên trong vòng 7 ngày trước khi tiến hành thí nghiệm. Gia công hai tấm mẫu thử.

CHÚ THÍCH 1: Cố định tấm hoặc màng poly vinyl clorua cứng vào tấm kính có kích thước khoảng (430 × 170 × 3) mm, … bằng băng dính chịu nước để ngăn không khí hoặc vật lạ lọt vào giữa. Sau đó sử dụng thước kéo màng sơn (5.1) để gia công màng sơn.

7  Cách tiến hành

7.1  Xử lý bàn chải

Trước khi dùng, bàn chải được ngâm ngập trong nước 30 min, sau đó ngâm tiếp vào dung dịch xà phòng 15 min.

7.2  Trình tự thao tác

Đặt cố định tấm mẫu vào khay đựng mẫu của máy, bề mặt phủ sơn được hướng lên phía trên. Đặt bàn chải đã được xử lý lên phía trên bề mặt được phủ sơn. Đảm bảo bàn chải di chuyển song song với bề mặt tấm mẫu thử. Đặt số chu kỳ theo mức quy định phù hợp cho từng loại sơn.

Bật công tắc cho máy chạy. Trong quá trình máy hoạt động, phải chú ý đến máy bơm hoặc dụng cụ cung cấp dung dịch xà phòng xuống bề mặt tấm mẫu thử, đảm bảo giữ cho bề mặt tấm mẫu thử phải luôn luôn ướt, đồng thời phải quan sát bề mặt của tấm mẫu thử thông qua mức độ mài mòn của màng sơn. Nếu màng sơn có hiện tượng bị bong rách màng sơn hoặc bị mài mòn lộ nền tấm thử thì tắt công tắc cho máy dừng hoạt động và ghi lại số chu kỳ đạt được tại thời điểm đó. Nếu màng sơn không thấy hiện tượng như vậy thì khi độ rửa trôi đạt đến số chu kỳ quy định, dừng máy lại, đem tấm mẫu thử ra rửa lại bằng nước sạch và để khô

8  Đánh giá kết quả

Quan sát màng sơn trong phạm vi 100 mm (xem Hình 3), tính từ tâm trên bề mặt di chuyển của bàn chải bằng mắt thường dưới ánh sáng tự nhiên, nếu một trong hai tấm mẫu thử không có hiện tượng bị bong rách màng sơn hoặc bị mài mòn lộ nền tấm thử thì sẽ kết luận là màng sơn “đạt” yêu cầu.

Kích thước tính bằng milimet

CHÚ DẪN :

1 – Bề mặt tấm mẫu.

2 – Vùng dịch chuyển bàn chải.

3 – Vùng quan sát đánh giá

Hình 3 – Vùng cọ rửa và vùng quan sát

 

Thư mục tài liệu tham khảo

1. JIS K 5663:2021, Synthetic resin emulsion paint and sealer (Sơn nhựa nhũ tương tổng hợp và sơn lót);

2. JIS K 5600-5-11:2014, Testing methods for paints Part 5: Mechanical property of film – Section 11: Wash ability (Phương pháp thử cho sơn – Phần 5: Tính chất cơ học của màng sơn – Mục 11: Khả năng chà rửa).

 

Mục lục

Lời nói đầu

1  Phạm vi áp dụng

 Tài liệu viện dẫn

 Lấy mẫu và chuẩn bị mẫu thử

 Điều kiện về vị trí thử nghiệm và nguồn sáng để quan sát

5  Thiết bị và dụng cụ

 Chuẩn bị tấm mẫu thử

 Cách tiến hành

 Đánh giá kết quả

Thư mục tài liệu tham khảo

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 8653-4:2024 VỀ SƠN TƯỜNG DẠNG NHŨ TƯƠNG – PHƯƠNG PHÁP THỬ – PHẦN 4: XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN RỬA TRÔI CỦA MÀNG SƠN
Số, ký hiệu văn bản TCVN 8653-4:2024 Ngày hiệu lực 31/05/2024
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Xây dựng
Ngày ban hành 31/05/2024
Cơ quan ban hành Bộ khoa học và công nghê
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản