TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 13980:2024 VỀ THIẾT BỊ KHAI THÁC THỦY SẢN – CÂU TAY CÁ NGỪ ĐẠI DƯƠNG – THÔNG SỐ KÍCH THƯỚC CƠ BẢN
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 13980:2024
THIẾT BỊ KHAI THÁC THỦY SẢN – CÂU TAY CÁ NGỪ ĐẠI DƯƠNG – THÔNG SỐ KÍCH THƯỚC CƠ BẢN
Fishing gears – Oceanic tuna pole-and-line – Basic dimensional paramesters
Lời nói đầu
TCVN 13980:2024 do Viện nghiên cứu Hải sản biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
THIẾT BỊ KHAI THÁC THỦY SẢN – CÂU TAY CÁ NGỪ ĐẠI DƯƠNG – THÔNG SỐ KÍCH THƯỚC CƠ BẢN
Fishing gears – Oceanic tuna pole-and-line – Basic dimensional paramesters
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định thông số kích thước cơ bản của câu tay cá ngừ đại dương.
CHÚ THÍCH: Cá ngừ đại dương trên thế giới thường bắt gặp 6 loài bao gồm cá ngừ vây xanh (Thunnus thynnus và Thunnus thynnus maccoyii), cá ngừ vây vàng (Thunnus albacares), cá ngừ vằn (Katsuwonus pelamis), cá ngừ mắt to (Thunnus obesus), cá ngừ vây ngực dài (Thunnus alalunga) và cá ngừ đuôi dài (Thunnus tonggol) nhưng ở vùng biển Việt Nam nghề câu thường bắt gặp 03 loài bao gồm cá ngừ vây vàng (Thunnus albacares), cá ngừ mắt to (Thunnus obesus), và cá ngừ vây ngực dài (Thunnus alalunga).
2 Thuật ngữ, định nghĩa và chữ viết tắt
2.1 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa như sau:
2.1.1
Lưỡi câu vòng (Circle hook)
Là lưỡi câu mà góc mũi phải nhỏ hơn 90°, góc mặt phải nhỏ hơn 20° và tỷ lệ chiều dài mặt lưỡi câu so với tổng chiều dài lưỡi câu nên bằng từ 70 % đến 80 %.
2.1.2
Nghề câu tay cá ngừ đại dương (Oceanic tuna pole-and-line fishery)
Là nghề khai thác cá ngừ đại dương bằng cách sử dụng cần câu cố định trên tàu, thả dây câu theo chiều thẳng đứng từ đầu cần câu và có kết hợp với nguồn sáng nhân tạo được phát ra từ tàu.
2.2 Chữ viết tắt
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các chữ viết tắt như sau:
Chữ viết tắt |
Diễn giải |
PA |
Polyamid |
PE |
Polyethylen |
PP |
Polypropylen |
PES |
Polyester |
R |
Bán kính |
3 Yêu cầu kỹ thuật
3.1 Cấu tạo tổng thể (xem Hình 1)
CHÚ DẪN:
1 Cần câu | 6 Chì |
2 Dây câu chính | 7 Dây mồi |
3 Dây câu nhánh | 8 Dây nối |
4 Lưỡi câu vòng | 9 Dây liên kết |
5 Phao | 10 Dây kéo |
Hình 1 – Cấu tạo tổng thể câu tay cá ngừ đại dương
3.2 Thông số kích thước cơ bản
Thông số kích thước cơ bản của câu tay cá ngừ đại dương được quy định trong Bảng 1.
Bảng 1 – Thông số kích thước cơ bản
Tên gọi |
Kích thước cơ bản |
1. Cần câu, bằng tre tự nhiên hoặc vật liệu khác thân thiện môi trường |
|
– Chiều dài, không lớn hơn |
0,5 lần chiều dài lớn nhất tàu |
– Đường kính đầu cần, tính bằng milimét |
Từ 39,0 đến 49,0 |
2. Dây câu chính, bằng PA và hoặc PES sợi đơn |
|
– Chiều dài, tính bằng mét |
Từ 100,0 đến 220,0 |
– Đường kính, tính bằng milimét |
Từ 2,1 đến 2,3 |
3. Dây câu nhánh, bằng PA và hoặc PES sợi đơn |
|
– Chiều dài, tính bằng mét |
Từ 10,0 đến 15,0 |
– Đường kính, tính bằng milimét |
Từ 1,6 đến 1,8 |
– Số lượng, tính bằng dây |
Từ 2,0 đến 3,0 |
4. Lưỡi câu vòng, bằng thép không gỉ |
|
– Đường kính thân lưỡi câu, tính bằng milimét |
Từ 4,3 đến 4,7 |
– Chiều dài mặt lưỡi câu, tính bằng milimét |
Từ 53,0 đến 63,0 |
– Chiều dài lưỡi câu, tính bằng milimét |
Từ 33,0 đến 39,0 |
5. Phao, ví dụ bằng polyvinylclorua (PVC) |
|
– Lực nổi, tính bằng kilôgam lực, không nhỏ hơn |
16,0 |
6. Chì, bằng plumbum (Pb) dạng dây |
|
– Trọng lượng, tính bằng kilôgam, không nhỏ hơn |
2,57 |
7. Dây mồi, bằng PE sợi đơn hoặc PA sợi đơn |
|
– Chiều dài, tính bằng milimét |
Từ 200,0 đến 250,0 |
– Đường kính, tính bằng milimét |
Từ 0,7 đến 1,0 |
8. Dây nối, bằng PE bện tết |
|
– Chiều dài, tính bằng milimét |
Từ 400,0 đến 500,0 |
– Đường kính, tính bằng milimét |
6,0 |
9. Dây liên kết, bằng PE bện tết |
|
– Chiều dài, tính bằng milimét |
Từ 250,0 đến 400,0 |
– Đường kính, tính bằng milimét |
6,0 |
10. Dây kéo, bằng PP 3 tao xe xoắn |
|
– Chiều dài, tính bằng mét |
Từ 20,0 đến 30,0 |
– Đường kính, tính bằng milimét |
12,0 |
Thông số một số phụ tùng kèm theo của câu tay cá ngừ đại dương được quy định trong Bảng 2.
Bảng 2 – Thông số một số phụ tùng kèm theo
Tên gọi |
Kích thước cơ bản |
1. Khóa xoay đơn, bằng thép không gỉ |
|
– Chiều dài, tính bằng milinét |
30,0 |
– Đường kính thân, tính bằng milimét |
2,0 |
2. Khóa xoay kép, bằng thép không gỉ |
|
– Chiều dài, tính bằng milimét |
60,0 |
– Đường kính thân, tính bằng milimét |
2,0 |
3. Khóa bấm, bằng thép không gỉ |
|
– Chiều dài, tính bằng milimét |
120,0 |
– Đường kính thân, tính bằng milimét |
2,0 |
4. Dây phao ganh, bằng PE bện tết |
|
– Chiều dài, tính bằng mét |
0,5 |
– Đường kính, tính bằng milimét |
6,0 |
5. Ống dập dây chính, bằng nhôm, tính bằng milimét |
L18: 18 x 4 x 6 |
6. Ống dập dây nhánh, bằng nhôm, tính bằng milimét |
L18: 18 x 3 x 5 |
7. Đệm lót, bằng PE dệt, tính bằng milimét |
L30: 30 x 3 |
3.3 Hình vẽ chi tiết
Dưới đây là ví dụ về hình vẽ chi tiết của các bộ phận câu tay cá ngừ đại dương.
3.3.1 Hình vẽ cần câu (xem Hình 2)
Hình 2 – Cần câu tay cá ngừ đại dương
3.3.2 Hình vẽ dây câu chính (xem Hình 3)
3.3.3 Hình vẽ dây câu nhánh (xem Hình 4)
Kích thước tính bằng mét
Hình 4 – Chi tiết một dây câu nhánh
3.3.4 Hình vẽ phao, chì (xem Hình 5)
Kích thước tính bằng milimét
3.3.5 Hình vẽ lưỡi câu vòng (xem Hình 6)
Kích thước tính bằng milimét
Hình 6 – Lưỡi câu vòng
3.3.6 Hình vẽ các phụ tùng (xem các Hình 7, 8, 9 và 10)
Kích thước tính bằng milimét
Kích thước tính bằng milimét
Hình 10 – Chi tiết khóa bấm, khóa xoay
Phụ lục A
(Tham khảo)
Kỹ thuật lắp ráp và kỹ thuật khai thác câu tay cá ngừ đại dương
A.1 Kỹ thuật lắp ráp
A.1.1 Quy trình kỹ thuật lắp ráp
Quy trình kỹ thuật lắp ráp câu tay cá ngừ đại dương được thực hiện theo các bước sau:
Hình A.1 – Sơ đồ quy trình kỹ thuật lắp ráp câu tay cá ngừ đại dương
A.1.2 Diễn giải quy trình kỹ thuật lắp ráp
A.1.2.1 Chuẩn bị
A.1.2.1.1 Địa điểm thi công
Dọn dẹp, rửa sạch, để khô ráo khu vực thi công trong nhà xưởng hoặc trên tàu. Trường hợp thi công trên tàu, kéo bạt che nắng không gian phía trước buồng lái.
A.1.2.1.2 Kiểm tra, xử lý vật tư
Kiểm tra và sắp xếp theo từng nhóm vật tư riêng biệt, đảm bảo đủ số lượng.
A.1.2.1.3 Dụng cụ thi công
Chuẩn bị dao, kéo, kìm, bật lửa, cờ lê, thước, bàn dập, găng tay, rổ đựng dây câu, ghế ngồi, và dùi nhọn.
A.1.2.2 Lắp ráp cần câu
Lắp ráp dây kéo: Cắt một đoạn dây thừng 3 tao vật liệu PP, đường kính 12,0 mm có chiều dài bằng 02 lần chiều dài cần câu. Các bước lắp ráp dây kéo và lắp dây mồi được mô tả trên Hình A.2.
Hình A.2 – Lắp ráp dây kéo và kẹp dây mồi
Buộc ròng rọc vào đầu cần và vòng khuyên vào gốc cần thẳng hàng nhau hướng dọc theo chiều dài cần câu (xem Hình A.3).
Kích thước tính bằng milimét
Hình A.3 – Vị trí, hướng ròng rọc và vòng khuyên trên cần câu
Cố định đầu cần câu: Cắt 2 đoạn dây PP đường kính 12,0 mm đến 24,0 mm với chiều dài 15,0 m và 20,0 m, sau đó buộc dây có chiều dài 20,0 m vào đầu cần, dây có chiều dài 15,0 m vào giữa cần. Tiếp tục buộc 2 đầu dây còn lại vào điểm treo cần trên trụ hải hoặc trên nóc buồng lái tùy theo vị trí đặt cần câu và điều chỉnh độ căng giữa hai dây đảm bảo đồng đều.
Cố định gốc cần câu: Các bước thực hiện được mô tả như trên Hình A.4
Hình A.4 – Các bước cố định gốc cần câu
A.1.2.3 Lắp ráp dây câu chính
A.1.2.3.1 Thi công dây nối
Cắt dây bện tết thành những đoạn bằng độ dài dây nối cần thiết cộng thêm 140,0 mm. Hơ lửa cho săn đầu dây. Các bước thi công dây nối thực hiện được mô tả như trên Hình A.5.
Hình A.5 – Thi công tạo dây nối
A.1.2.3.2 Lắp ráp dây nối vào dây câu chính
Thi công đoạn dây câu chính: Từ cuộn dây vật liệu PA sợi đơn đường kính 2,2 mm cắt thành 3 đoạn có chiều dài 30,054 m, 33,054 m và 35,054 m (0,054 m hai đầu dây luồn vào ống dập dây câu và khóa xoay).
Liên kết dây nối vào dây câu chính: Tạo khuyết tại các đầu dây cước liên kết với các khóa xoay, khóa bấm trên dây nối (xem Hình A.6).
Kích thước tính bằng mét
Hình A.6 – Vị trí lắp dây nối, khóa bấm và lắp dây cước câu chính vào khóa xoay
A.1.2.3.3 Lắp ráp phao
Cắt một đoạn dây bện tết có chiều dài 1,3 m, đường kính 6,0 mm và hơ lửa cho săn hai đầu dây. Tạo đầu khuyết dây phao và liên kết dây phao với phao: Các bước thực hiện mô tả như trên Hình A.7.
Hình A.7 – Lắp ráp phao
A.1.2.3.4 Lắp ráp chì
Từ cuộn dây vật liệu PA sợi đơn, đường kính 2,2 mm, cắt một đoạn dây có chiều dài 5,0 m. Các bước tạo dây chì được mô tả như trên Hình A.8.
A.1.2.4 Lắp ráp dây câu nhánh
A.1.2.4.1 Tạo dây liên kết
Từ cuộn dây vật liệu PE bện tết, đường kính 6,0 mm, cắt thành từng đoạn dây có chiều dài 90,0 cm và hơ lửa để săn các đầu dây. Các bước tạo dây liên kết được mô tả như trên Hình A.9.
Kích thước tính bằng milimét
Hình A.9 – Tạo dây liên kết
A.1.2.4.2 Lắp ráp một dây câu nhánh
Cắt một đoạn dây vật liệu PA sợi đơn, đường kính 1,8 mm có chiều dài 11,72 m. Liên kết lưỡi câu vào dây câu và dây câu với khóa xoay trên dây liên kết: Các bước thực hiện như mô tả trên Hình A.10.
Hình A.10 – Lắp ráp lưỡi câu và dây liên kết vào dây câu nhánh
A.1.2.5 Nghiệm thu câu
Kiểm tra các mối nối trên dây câu chính và dây câu nhánh.
Kiểm tra các đầu dây trên cần câu và gốc cần câu.
Đo chiều dài dây câu nhánh, khoảng cách giữa hai dây câu nhánh và khoảng cách từ điểm gắn dây phao đến dây câu nhánh đầu tiên đảm bảo yêu cầu.
A.2 Kỹ thuật khai thác
A.2.1 Sơ đồ bố trí nhân lực trên tàu câu tay cá ngừ đại dương
Hình A.11 – Bố trí nhân lực trên tàu câu tay cá ngừ đại dương
A.2.2 Quy trình kỹ thuật khai thác bằng câu tay kết hợp ánh sáng
Hình A.12 – Sơ đồ quy trình kỹ thuật khai thác cá ngừ đại dương bằng câu tay
A.2.3 Diễn giải quy trình kỹ thuật khai thác cá ngừ đại dương bằng câu tay kết hợp ánh sáng
A.2.3.1 Chuẩn bị chuyến biển và hành trình ra ngư trường
Chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước ngọt, đá lạnh và các đồ dùng cần thiết khác cho chuyển biển và hành trình ra ngư trường. Đến ngư trường, thuyền trưởng cho tàu neo, các thủy thủ tiến hành lắp ráp cần câu và dây câu vào vị trí.
A.2.3.2 Chong đèn và khai thác mồi
a) Chong đèn: Khoảng từ 17 giờ 30 phút đến 18 giờ thuyền trưởng tiến hành khởi động máy phát điện, bật lần lượt các bóng đèn xen kẽ giữa hai mạn tàu và tiến hành khai thác mồi câu.
b) Khai thác mồi câu:
– Khai thác mồi mực: Sau khi chong đèn được khoảng 10 phút thì các thủy thủ trên tàu tiến hành câu mực để làm mồi câu. Mực sau khi câu lên boong được giữ sống trong quá trình ngâm câu.
– Khai thác mồi cá: Dùng lưới rê cước để khai thác cá chuồn làm mồi câu. Mồi cá sau khi khai thác lên được bảo quản lạnh trong hầm bảo quản.
c) Gom đèn: Khi mồi câu đã đủ cho một đêm thì bắt đầu gom đèn. Số lượng bóng giảm bớt tùy thuộc vào thời tiết và độ trong nước biển và việc tắt bóng không thực hiện đồng thời. Mỗi lần tắt 1 bóng và khoảng cách giữa hai lần tắt là 5 phút, các bóng tắt xen kẽ.
A.2.3.3 Móc mồi và thả câu
Bước 1: Tay trái hoặc tay phải nắm phần đầu và lật ngửa thân mồi câu, tay còn lại cầm lưỡi câu hướng mặt lưỡi câu xuống dưới và móc vào phần đuôi lệch trái hoặc lệch phải của thân mồi câu (đối với mồi câu là mực) hoặc móc vào phần lưng cách đầu khoảng 30 % chiều dài thân mồi câu và cách vây lưng khoảng 30 % chiều cao thân mồi câu (đối với mồi câu là cá).
Hình A.13 – Vị trí móc lưỡi câu trên thân mồi câu
Bước 2: Thả lưỡi câu cùng với mồi theo hướng xuôi dòng chảy để kéo căng dây câu nhánh.
Bước 3: Sử dụng dây kéo đưa dây câu chính ra đầu cần và cố định dây kéo.
A.2.3.4 Ngâm câu, theo dõi và thay mồi câu
a) Thời gian ngâm câu: Từ lúc trời tối đến sáng ngày hôm sau.
b) Tần suất kiểm tra mồi câu: 5 phút một lần. Nếu phát hiện hỏng hoặc mất mồi câu thì thay mồi câu.
A.2.3.5 Thu câu và bắt cá
a) Dụng cụ, máy, thiết bị hỗ trợ
Găng tay, máy gây tê cá ngừ, máy thu câu, móc, đệm mút lót sàn, 1 cuộn dây thừng 3 tao vật liệu PP đường kính 12,0 mm đã được tạo khuyết đầu dây liên kết với khóa bấm xoay.
b) Nhân lực yêu cầu
Tối thiểu 2 người cho trường hợp thu một con cá.
c) Các bước thực hiện
Khi một lưỡi câu mắc cá thì thu hết các dây câu ở các cần câu còn lại lên tàu.
Bật công tắc nguồn máy thu câu tại vị trí cần có cá cắn câu (thu câu bằng máy) hoặc tiến hành thu câu bằng tay với vận tốc thu dây dao động từ 12,0 mét mỗi phút đến 15,0 mét mỗi phút. Theo dõi máy thu câu và tách các dây câu nhánh không có cá ra khỏi dây câu chính và thu lên tàu. Trường hợp cá phản ứng bỏ chạy mạnh thì thực hiện rê câu.
Khi đến đầu dây câu nhánh có cá cắn câu, móc vòng xung vào dây câu nhánh và thả xuống đến đầu cá. Bấm nút phát xung điện 5 đến 10 lần, mỗi lần giữ 3 giây và tiếp tục thu dây câu nhánh đưa cá lên mặt nước. Giữ dây câu nhánh cố định sát be tàu, dùng khẩu móc vào mang cá và kéo cá lên boong tàu. Trường hợp có hai con cá cùng mắc ở một dây câu chính: Tách dây câu nhánh 1 ra khỏi dây câu chính, gắn vào một dây câu phụ và tiến hành thu dây câu nhánh 1. Trong quá trình thu dây câu nhánh 1, thực hiện rê câu nhánh 2 để giữ cá.
Phụ lục B
(Tham khảo)
Thông số trang thiết bị hỗ trợ khai thác
B.1 Thông số máy thu câu (xem Bảng B.1)
Bảng B.1 – Thông số máy thu câu
Chỉ số |
Đơn vị tính |
Giá trị |
Công suất mô tơ |
Oát |
Từ 746,5 đến 1 118,4 |
Vận tốc thu dây tối đa |
Mét trên giây |
0,50 |
Điện áp nguồn |
Vôn |
220 |
Đường kính tang chứa dây |
Mét |
Từ 0,35 đến 0,50 |
B.2 Thông số máy gây tê cá ngừ đại dương (xem Bảng B.2)
Bảng B.2 – Thông số máy gây tê cá ngừ đại dương
Chỉ số |
Đơn vị |
Giá trị |
Điện áp nguồn |
Vôn |
220 |
Điện áp xung |
Vôn |
Từ 35 đến 40 |
Tần số |
Héc |
Từ 50 đến 60 |
Dòng điện xung |
Ampe |
Từ 15 đến 40 |
B.3 Thông số hệ thống ánh sáng tập trung cá (xem Bảng B.3)
Bảng B.3 – Thông số hệ thống ánh sáng tập trung cá
Loại đèn |
Số lượng, bóng |
Công suất, W/bóng |
Màu sắc ánh sáng |
Cấu trúc |
Vị trí treo đèn |
Độ cao, m |
Đèn cao áp |
16 |
1 000 |
Vàng, vàng mỡ gà, trắng |
Không chóa |
Nóc cabin tàu |
4 |
Đèn LED, diot phát sáng |
8 |
200 |
Vàng, vàng mỡ gà, trắng |
Có Chóa |
4 |
Phụ lục C
(Tham khảo)
Bố trí cần câu và trang thiết bị hỗ trợ khai thác trên tàu câu tay cá ngừ đại dương
CHÚ DẪN:
1 Máy gây tê | 3 Máy thu câu | 5 Cần câu | 7 Dây mồi |
2 Bóng đèn | 4 Khu vực lên cá | 6 Dây kéo | 8 Phao ganh |
Hình C.1 – Bố trí cần câu và các thiết bị hỗ trợ khai thác
Phụ lục D
(Tham khảo)
Phòng tránh và khắc phục sự cố trong nghề câu tay cá ngừ đại dương
D.1 Quá trình thu câu
a) Rơi người xuống biển do quá trình kéo câu có cá trong điều kiện biển sóng lớn, trời mưa.
– Phòng tránh: Khi có cá cần ít nhất 2 người hỗ trợ thu câu. Trong quá trình thu câu, các thủy thủ đứng ở be tàu cần phải có trụ để tựa vào. Hạn chế sử dụng áo mưa quá rộng. Không sử dụng ủng, giày, dép đế cao.
– Cách khắc phục: Thả phao cứu sinh và đưa nạn nhân lên tàu.
b) Đứt tay do dây cước tuột trong khi đang thu dây bằng tay.
– Phòng ngừa: Các thủy thủ đều phải đeo găng tay chuyên dụng trong quá trình thực hiện công việc.
– Cách khắc phục: Đưa nạn nhân vào khu vực cabin, sát trùng, băng bó và cho nạn nhân nghỉ ngơi.
c) Rối dây gây ngã xuống boong tàu hoặc xuống biển.
– Phòng ngừa: Trong quá trình thu dây, thu đến đâu thì xếp gọn dây vào rổ hoặc cuốn vào tang thu dây.
– Cách khắc phục: Trường hợp bị rơi xuống biển thì thả phao cứu sinh đưa nạn nhân vào khu vực cabin, nếu bị thương nhẹ thì cần sơ cứu và cho nạn nhân nghỉ ngơi.
d) Ngã xuống sàn hoặc bị cá kéo rơi xuống biển do cá phản ứng bỏ chạy kéo theo dây.
– Phòng ngừa: Trong quá trình thu dây, tuyệt đối không đạp chân lên dây hoặc để dây cuốn vào chân, tay, đầu hoặc bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Luôn giữ khoảng cách giữa dây câu với cơ thể.
– Cách khắc phục: Trường hợp bị rơi xuống biển thì thả phao cứu sinh đưa nạn nhân vào khu vực cabin, nếu bị thương nhẹ thì cần sơ cứu và cho nạn nhân nghỉ ngơi.
e) Tay kẹt vào thang thu dây.
– Phòng ngừa: Phân công một thủy thủ chuyên vận hành máy thu câu. Thủy thủ vận hành máy thu câu phải được tập luyện trước. Trường hợp phải sử dụng người thay thế thì cần cẩn thận, không đặt tay vào tang thu dây. Trong quá trình thu dây, không cầm dây câu khi đang chạy vào máy. Khi gặp sự cố thì dừng máy trước khi cầm nắm dây câu. Ngoài ra, tất cả thủy thủ đều phải đeo găng tay chuyên dụng để đảm bảo an toàn trong quá trình thu câu.
– Cách khắc phục: Khi bị tang thu dây cuốn tay vào thì bình tĩnh tắt máy, thủy thủ khác hỗ trợ cắt dây câu và nhả dây từ từ bằng tay, sơ cứu cho nạn nhân và đưa vào khu vực cabin nghỉ ngơi.
f) Lưỡi câu móc vào tay, chân hoặc bộ phận cơ thể.
– Phòng ngừa; Trong quá trình móc mồi câu cần giữ mồi chặt trong lòng bàn tay và cách xa điểm móc lưỡi câu. Trường hợp lấy lưỡi câu trong miệng cá, tuyệt đối không lấy lưỡi câu khi cá đang còn dãy dụa. Trong quá trình thu câu cần sắp xếp gọn gàng dây câu.
– Cách khắc phục: Nếu ngạnh chưa lọt vào bên trong da hoặc lọt vào nhưng dễ dàng gỡ ra thì tiến hành gỡ lưỡi câu ra khỏi tay, sát trùng, băng bó và cho nạn nhân nghỉ ngơi. Trường hợp ngạnh lưỡi câu đã lọt vào bên trong da nghiêm trọng thì cố định lưỡi câu tại vị trí bị thương và chuyển nạn nhân vào bờ.
D.2 Quá trình buộc cần câu vào vị trí làm việc
a) Cần câu va đập vào đầu, tay, chân hoặc một bộ phận cơ thể.
– Phòng ngừa: Trong quá trình vận chuyển, lắp vào vị trí cần quan sát kỹ càng. Trong điều kiện mưa gió, sóng biển lớn các thủy thủ cần có điểm tựa khi di chuyển cần câu. Khi lắp đặt vào vị trí nên cố định ốc vít cẩn thận, chắc chắn.
– Cách khắc phục: Nạn nhân bị thương nhẹ thì sơ cứu và cho nạn nhân nghỉ ngơi.
b) Rơi xuống biển do buộc, tháo cần câu trong điều kiện mưa gió, sóng biển lớn.
– Phòng ngừa: Không nên buộc cần câu trong điều kiện mưa gió, sóng biển lớn. Trường hợp bắt buộc phải thực hiện trong điều kiện thời tiết bất thường thì cần thực hiện cẩn thận. Chọn hướng, vị trí đứng phù hợp, tránh đứng ở bệ tàu. Làm việc trong điều kiện thời tiết bất thường phải có từ 2 người trở lên cho một công việc.
– Cách khắc phục: Thả phao cứu sinh đưa nạn nhân lên tàu.
D.3 Quá trình thi công dây câu trên tàu
a) Bàn dập dập vào tay.
– Phòng ngừa: Giữ khoảng cách giữa tay với bàn dập tối thiểu 2,0 cm. Không thi công dây câu trong điều kiện thời tiết bất thường trên biển.
– Cách khắc phục: Sơ cứu cho nạn nhân và cho nghỉ ngơi.
b) Lưỡi câu móc vào chân, tay hoặc một bộ phận cơ thể trong quá trình thi công.
– Phòng ngừa: Hạn chế đi lại trong khu vực thi công dây. Sau khi thi công dây nào thì khoanh tròn lại gọn gàng và sắp xếp ở một vị trí phù hợp, tránh lối đi.
– Cách khắc phục: Nạn nhân bị thương nhẹ thì sơ cứu và cho nạn nhân nghỉ ngơi. Trường hợp bị thương nặng thì phải tìm cách đưa nạn nhân vào bờ.
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2007), Thuật ngữ trong khai thác thủy sản. Tiêu chuẩn ngành TCN-01-2005.
[2] Hiệp hội cá ngừ Việt Nam (2021), Assessment of the use and current status of circle hooks in Vietnam tuna fisheries, Technical report of the Vietnam Yellowfin Tuna Fishery Improvement Project (FIP).
[3] Huỳnh Hữu Lịnh, Nguyễn Duy Dân, Trần Ngọc Sơn (2013), Giáo trình mô đun sử dụng dây và dụng cụ liên kết dây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
[4] Huỳnh Hữu Lịnh, Nguyễn Duy Dân, Trần Ngọc Sơn (2013), Giáo trình mô đun thi công vàng câu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
[5] ISO 2307:2019 (E), Fibre ropes – Determination of certain physical and mechanical properties.
[5] Joseph E Serafy and et al (2012), Circle hooks in commercial, recreational, and artisanal fisheries: research status and needs for improved conservation and management, Bulletin Of Marine Science VOL 88, NO 3.
[7] Nguyễn Long (2007), Nghiên cứu cải tiến và ứng dụng công nghệ mới trong nghề câu cá ngừ đại dương ở vùng biển miền Trung và Đông Nam Bộ, Viện Nghiên cứu hải sản.
[8] Nguyễn Quốc Khánh và đông tác giả (2019), A comparison of catch efficiency and bycatch reduction of tuna pole-and-line fisheries using Japan tuna hook (JT-hook) and circle-shaped hook (C-hook), Marine and freshwater Research, CSIRO Publishing.
[9] Nguyễn Trọng Lương (2020), Công nghệ khai thác cá ngừ đại dương (công nghệ câu cá ngừ và công nghệ bảo quản cá ngừ), Trường Đại học Nha Trang.
[10] Nguyễn Trọng Lương và Vũ Kế Nghiệp (2019), Hiện trạng khai thác cá ngừ đại dương trên tàu câu tay kết hợp ánh sáng tại khánh hòa, Tạp chí Khoa học – Công nghệ thủy sản, trường đại học Nha Trang. [11] Phan Đăng Liêm (2015), Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương trên tàu câu tay, Viện Nghiên cứu hải sản.
[12] Pingguo He and et all (2021), Classification and illustrated definition of fishing gears, Technical Paper, FAO.
[13] Prado.J and Claude Nesdelec (1999), Definition and classification of fishing gear categories, Fisheries Technical Paper, Fishery Industries Division, FAO.
[14] Southeast Asian Fisheries Development Center, Training Department (2003), Pelagic Longline, ISBN 974-9509-45-5.
[15] Vũ Việt Hà và Hoàng Ngọc Sơn (2019), Đánh giá rủi ro sinh thái của nghề khai thác cá ngừ đại dương ở biển việt nam đối với các loài khai thác thứ cấp, Tạp chí Khoa học và công nghệ Biển Việt Nam.
MỤC LỤC
1 Phạm vi áp dụng
2 Thuật ngữ, định nghĩa và chữ viết tắt
2.1 Thuật ngữ và định nghĩa
2.2 Chữ viết tắt
3 Yêu cầu kỹ thuật
3.1 Cấu tạo tổng thể (xem Hình 1)
3.2 Thông số kích thước cơ bản
3.3 Hình vẽ chi tiết
Phụ lục A_(Tham khảo)_Kỹ thuật lắp ráp và kỹ thuật khai thác câu tay cá ngừ đại dương
Phụ lục B_(Tham khảo)_Thông số trang thiết bị hỗ trợ khai thác
Phụ lục C_(Tham khảo)_Bố trí cần câu và trang thiết bị hỗ trợ khai thác trên tàu câu tay cá ngừ đại dương
Phụ lục D_(Tham khảo)_Phòng tránh và khắc phục sự cố trong nghề câu tay cá ngừ đại dương
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 13980:2024 VỀ THIẾT BỊ KHAI THÁC THỦY SẢN – CÂU TAY CÁ NGỪ ĐẠI DƯƠNG – THÔNG SỐ KÍCH THƯỚC CƠ BẢN | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN13980:2024 | Ngày hiệu lực | |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Nông nghiệp - Nông thôn |
Ngày ban hành | |
Cơ quan ban hành | Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |