Báo cáo tình hình sử dụng chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung chi tiết tại Nghị định 65/2013/NĐ-CP, Thông tư 37/2010/TT-BTC, Thông tư 111/2013/TT-BTC, Thông tư 92/2015/TT-BTC, Thông tư 176/2016/TT-BTC.
1. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân
1.1. Khái niệm
Người nộp thuế là cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 2 Nghị định 65/2013/NĐ-CP, có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định 65/2013/NĐ-CP (Điều 2 Nghị định 65/2013/NĐ-CP, Điều 2 Thông tư 119/2014/TT-BTC sửa đổi Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC).
1.2. Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của người nộp thuế (Điều 2 Nghị định 65/2013/NĐ-CP, Điều 2 Thông tư 119/2014/TT-BTC sửa đổi Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC)
– Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập;
– Đối với cá nhân là công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định với Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và là cá nhân cư trú tại Việt Nam thì nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân được tính từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam (được tính đủ theo tháng) không phải thực hiện các thủ tục xác nhận lãnh sự để được thực hiện không thu thuế trùng hai lần theo Hiệp định tránh đánh thuế trùng giữa hai quốc gia.
– Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập
Lưu ý:
– Căn cứ tính thuế đối với cá nhân không cư trú được hướng dẫn bởi Chương 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
1.3. Cá nhân cư trú
Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây (khoản 1 Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC):
– Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam, trong đó ngày đến và ngày đi được tính là một (01) ngày. Ngày đến và ngày đi được căn cứ vào chứng thực của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trên hộ chiếu (hoặc giấy thông hành) của cá nhân khi đến và khi rời Việt Nam. Trường hợp nhập cảnh và xuất cảnh trong cùng một ngày thì được tính chung là một ngày cư trú.
Cá nhân có mặt tại Việt Nam theo hướng dẫn tại điểm này là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam.
– Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau:
- Có nơi ở thường xuyên theo quy định của pháp luật về cư trú:
– Đối với công dân Việt Nam: nơi ở thường xuyên là nơi cá nhân sinh sống thường xuyên, ổn định không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú.
– Đối với người nước ngoài: nơi ở thường xuyên là nơi ở thường trú ghi trong Thẻ thường trú hoặc nơi ở tạm trú khi đăng ký cấp Thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp.
- Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế, cụ thể như sau:
– Cá nhân chưa hoặc không có nơi ở thường xuyên theo hướng dẫn tại điểm b.1 khoản 1 Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC nhưng có tổng số ngày thuê nhà để ở theo các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế cũng được xác định là cá nhân cư trú, kể cả trường hợp thuê nhà ở nhiều nơi.
– Nhà thuê để ở bao gồm cả trường hợp ở khách sạn, ở nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, ở nơi làm việc, ở trụ sở cơ quan,… không phân biệt cá nhân tự thuê hay người sử dụng lao động thuê cho người lao động.
Trường hợp cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo quy định tại khoản này nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế mà cá nhân không chứng minh được là cá nhân cư trú của nước nào thì cá nhân đó là cá nhân cư trú tại Việt Nam.
Việc chứng minh là đối tượng cư trú của nước khác được căn cứ vào Giấy chứng nhận cư trú. Trường hợp cá nhân thuộc nước hoặc vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định thuế với Việt Nam không có quy định cấp Giấy chứng nhận cư trú thì cá nhân cung cấp bản chụp Hộ chiếu để chứng minh thời gian cư trú.
1.4. Cá nhận không cư trú
Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện nêu tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC (khoản 2 Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC).
2. Khấu trừ thuế và chứng từ khấu trừ thuế
2.1. Khấu trừ thuế
Khấu trừ thuế là việc tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người nộp thuế trước khi trả thu nhập, cụ thể như sau (khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC và khoản 1, khoản 2 Điều 20 Thông tư 92/2015/TT-BTC):
2.1.1. Thu nhập của cá nhân không cư trú
Tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập chịu thuế cho cá nhân không cư trú có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi trả thu nhập. Số thuế phải khấu trừ được xác định theo hướng dẫn tại Chương III (từ Điều 17 đến Điều 23) Thông tư này.
2.1.2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
– Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần, kể cả trường hợp cá nhân ký hợp đồng từ ba (03) tháng trở lên tại nhiều nơi.
– Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên nhưng nghỉ làm trước khi kết thúc hợp đồng lao động thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập vẫn thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần.
– Đối với cá nhân là người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập căn cứ vào thời gian làm việc tại Việt Nam của người nộp thuế ghi trên Hợp đồng hoặc văn bản cử sang làm việc tại Việt Nam để tạm khấu trừ thuế theo Biểu lũy tiến từng phần (đối với cá nhân có thời gian làm việc tại Việt Nam từ 183 ngày trong năm tính thuế) hoặc theo Biểu thuế toàn phần (đối với cá nhân có thời gian làm việc tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế).
– Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm khấu trừ thuế đối với khoản tiền phí tích lũy tương ứng với phần người sử dụng lao động mua cho người lao động bảo hiểm nhân thọ (không bao gồm bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Số thuế khấu trừ được xác định theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 92/2015/TT-BTC.
Tổ chức, cá nhân trả thu nhập có trách nhiệm khấu trừ thuế trên khoản tiền phí bảo hiểm đã mua hoặc đóng góp trước khi trả lương cho người lao động đối với khoản bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm không thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được phép bán bảo hiểm tại Việt Nam mà tổ chức, cá nhân trả thu nhập mua cho người lao động. Số thuế khấu trừ được xác định theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 92/2015/TT-BTC
– Số thuế phải khấu trừ đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú được xác định theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC; của cá nhân không cư trú được xác định theo Điều 18 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
2.1.3. Thu nhập từ làm đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, bán hàng đa cấp; thu nhập từ hoạt động cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thuê tài sản.
– Công ty xổ số, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp, trả tiền hoa hồng cho cá nhân làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp với số tiền hoa hồng trên 100 triệu đồng/năm có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi trả thu nhập cho cá nhân. Số thuế khấu trừ được xác định theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 9 Thông tư số 92/2015/TT-BTC.
– Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thuê tài sản của cá nhân có trách nhiệm khấu trừ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân trước khi trả thu nhập trên 100 triệu đồng/năm cho cá nhân cho thuê tài sản nếu trong hợp đồng thuê có thoả thuận bên đi thuê là người nộp thuế thay. Số thuế khấu trừ được xác định theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 8 Thông tư số 92/2015/TT-BTC.
2.1.4. Thu nhập từ đầu tư vốn
Tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ đầu tư vốn theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi trả thu nhập cho cá nhân trừ trường hợp cá nhân tự khai thuế theo hướng dẫn tại khoản 9 Điều 26 Thông tư 111/2013/TT-BTC. Số thuế khấu trừ được xác định theo hướng dẫn tại Điều 10 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
2.1.5. Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán
Mọi trường hợp chuyển nhượng chứng khoán đều phải khấu trừ thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng trước khi thanh toán cho người chuyển nhượng. Cụ thể việc khấu trừ thuế được thực hiện như sau:
– Đối với chứng khoán giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán:
- Công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại nơi cá nhân mở tài khoản lưu ký chứng khoán có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng trước khi thanh toán tiền cho cá nhân. Số thuế khấu trừ được xác định như hướng dẫn tại điểm b.2 khoản 2 Điều 11 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
- Công ty quản lý quỹ nơi cá nhân ủy thác quản lý danh mục đầu tư chứng khoán có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân ủy thác danh mục đầu tư chứng khoán theo bảng phân bổ của công ty gửi ngân hàng lưu ký mà công ty mở tài khoản lưu ký.
– Đối với chứng khoán chuyển nhượng không qua hệ thống giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán:
- Đối với chứng khoán của công ty đại chúng đã đăng ký chứng khoán tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán:Công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại nơi cá nhân mở tài khoản lưu ký chứng khoán khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng trước khi làm thủ tục chuyển quyền sở hữu chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán.
- Đối với chứng khoán của công ty cổ phần chưa là công ty đại chúng nhưng tổ chức phát hành chứng khoán ủy quyền cho công ty chứng khoán quản lý danh sách cổ đông: Công ty chứng khoán được ủy quyền quản lý danh sách cổ đông khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng trước khi làm thủ tục chuyển quyền sở hữu chứng khoán.Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán phải xuất trình hợp đồng chuyển nhượng với Công ty chứng khoán khi làm thủ tục chuyển quyền sở hữu chứng khoán.
2.1.6. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp của cá nhân không cư trú
Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng vốn góp của cá nhân không cư trú có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng vốn góp.
2.1.7. Thu nhập từ trúng thưởng
Tổ chức trả tiền thưởng có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi trả thưởng cho cá nhân trúng thưởng. Số thuế khấu trừ được xác định theo hướng dẫn tại Điều 15 Thông tư này.
2.1.8. Thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại
Tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi trả thu nhập cho cá nhân. Số thuế khấu trừ được xác định bằng phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng theo từng hợp đồng chuyển nhượng nhân (×) với thuế suất 5%. Trường hợp hợp đồng có giá trị lớn thanh toán làm nhiều lần thì lần đầu thanh toán, tổ chức, cá nhân trả thu nhập trừ 10 triệu đồng khỏi giá trị thanh toán, số còn lại phải nhân với thuế suất 5% để khấu trừ thuế. Các lần thanh toán sau sẽ khấu trừ thuế thu nhập tính trên tổng số tiền thanh toán của từng lần.
2.1.9. Khấu trừ thuế đối với một số trường hợp khác
– Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.
Lưu ý:
– Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết (theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.
– Căn cứ vào cam kết của người nhận thu nhập, tổ chức trả thu nhập không khấu trừ thuế. Kết thúc năm tính thuế, tổ chức trả thu nhập vẫn phải tổng hợp danh sách và thu nhập của những cá nhân chưa đến mức khấu trừ thuế (vào mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) và nộp cho cơ quan thuế. Cá nhân làm cam kết phải chịu trách nhiệm về bản cam kết của mình, trường hợp phát hiện có sự gian lận sẽ bị xử lý theo quy định của Luật quản lý thuế.
– Cá nhân làm cam kết theo hướng dẫn tại điểm này phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.
2.2. Chứng từ khấu trừ
2.2.1. Tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập đã khấu trừ thuế theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC phải cấp chứng từ khấu trừ thuế theo yêu cầu của cá nhân bị khấu trừ. Trường hợp cá nhân ủy quyền quyết toán thuế thì không cấp chứng từ khấu trừ (khoản 2 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC).
2.2.2. Cấp chứng từ khấu trừ trong một số trường hợp cụ thể như sau (khoản 2 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC):
– Đối với cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng: cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân trả thu nhập cấp chứng từ khấu trừ cho mỗi lần khấu trừ thuế hoặc cấp một chứng từ khấu trừ cho nhiều lần khấu trừ thuế trong một kỳ tính thuế.
Ví dụ: Ông Q ký hợp đồng dịch vụ với công ty X để chăm sóc cây cảnh tại khuôn viên của Công ty theo lịch một tháng một lần trong thời gian từ tháng 9/2013 đến tháng 4/2014. Thu nhập của ông Q được Công ty thanh toán theo từng tháng với số tiền là 03 triệu đồng. Như vậy, trường hợp này ông Q có thể yêu cầu Công ty cấp chứng từ khấu trừ theo từng tháng hoặc cấp một chứng từ phản ánh số thuế đã khấu trừ từ tháng 9 đến tháng 12/2013 và một chứng từ cho thời gian từ tháng 01 đến tháng 04/2014.
– Đối với cá nhân ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên: tổ chức, cá nhân trả thu nhập chỉ cấp cho cá nhân một chứng từ khấu trừ trong một kỳ tính thuế.
Ví dụ: Ông R ký hợp đồng lao động dài hạn (từ tháng 9/2013 đến tháng hết tháng 8/2014) với công ty Y. Trong trường hợp này, nếu ông R thuộc đối tượng phải quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế và có yêu cầu Công ty cấp chứng từ khấu trừ thì Công ty sẽ thực hiện cấp 01 chứng từ phản ánh số thuế đã khấu trừ từ tháng 9 đến hết tháng 12/2013 và 01 chứng từ cho thời gian từ tháng 01 đến hết tháng 8/2014.
3. Chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân tự in trên máy tính
3.1. Đối tượng và điều kiện áp dụng
Tổ chức trả các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân có khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, có đủ các điều kiện sau đây được tự in chứng từ khấu trừ để cấp cho cá nhân bị khấu trừ thuế (Điều 1 Thông tư 37/2010/TT-BTC):
– Có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật;
– Đã đăng ký thuế và có mã số thuế;
– Có trang thiết bị máy tính và phần mềm bảo vệ (hướng dẫn bởi Công văn 1980/TCT-TNCN năm 2010);
– Trong thời gian 01 năm trở về trước không bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế từ 02 lần trở lên.
3.2. Mẫu chứng từ khấu trừ tự in
Căn cứ theo Điều 2 Thông tư 37/2010/TT-BTC:
– Nội dung chứng từ khấu trừ phải có đủ các chỉ tiêu theo mẫu chứng từ khấu trừ chuẩn đính kèm Thông tư này.
– Chứng từ khấu trừ phải có ký hiệu và ký hiệu được sử dụng các chữ cái trong 20 chữ cái tiếng Việt in hoa (A, B, C, D, E, G, H, K, L, M, N, P, Q, R, S, T, U, V, X, Y), ký hiệu gồm 02 chữ cái và năm in phát hành. (Ví dụ: AB/2010/T, trong đó AB là ký hiệu; 2010 là năm phát hành chứng từ; T là chứng từ tự in).
– Chứng từ khấu trừ được đánh số thứ tự liên tục theo dãy số tự nhiên, tối đa không quá 07 chữ số trong 01 ký hiệu.
– Mỗi số chứng từ khấu trừ gồm 02 liên:
Liên 1: Lưu tại tổ chức trả thu nhập.
Liên 2: Giao cho người bị khấu trừ tiền thuế.
– Những nội dung đặc thù, biểu tượng của đơn vị có thể được đưa vào mẫu chứng từ khấu trừ.
Lưu ý:
– Trường hợp tổ chức trả thu nhập cần sử dụng chứng từ khấu trừ in song ngữ thì in tiếng Việt trước, tiếng nước ngoài sau.
3.3. Sử dụng chứng từ khấu trừ tự in
Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 37/2010/TT-BTC:
– Tổ chức trả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của người nhận thu nhập tại đơn vị theo quy định và cấp chứng từ khấu trừ cho người nhận thu nhập có số thuế đã bị khấu trừ.
– Chứng từ khấu trừ phải sử dụng theo đúng thứ tự, từ số nhỏ đến số lớn (từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 năm dương lịch), không được dùng bỏ cách số thứ tự, trùng số liệu, trùng ký hiệu.
– Trường hợp chứng từ khấu trừ lập sai nội dung nhưng chưa giao cho người nộp thuế cần hủy bỏ chứng từ khấu trừ thì gạch chéo để huỷ bỏ và phải lưu đầy đủ các liên của số chứng từ khấu trừ.
– Trường hợp lập lại chứng từ khấu trừ:
Những trường hợp chứng từ khấu trừ đã được lập và giao cho người nộp thuế, sau đó phát hiện sai phải lập lại chứng từ khấu trừ thay thế thì tổ chức trả thu nhập phải lập biên bản ghi rõ nội dung sai, số, ngày chứng từ khấu trừ đã lập sai có chữ ký xác nhận của người nhận thu nhập, đồng thời yêu cầu người có thu nhập nộp lại liên chứng từ đã lập sai (liên giao cho người bị khấu trừ) cho tổ chức trả thu nhập để lưu cùng với biên bản. Sau khi đã thu hồi chứng từ khấu trừ lập sai, tổ chức trả thu nhập lập chứng từ khấu trừ mới thay thế để giao cho người nộp thuế và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về số chứng từ khấu trừ huỷ bỏ.
3.4. Báo cáo về việc sử dụng chứng từ khấu trừ tự in
Tổ chức trả thu nhập sử dụng chứng từ khấu trừ tự in trên máy vi tính thực hiện báo cáo về việc sử dụng chứng từ như sau (Điều 5 Thông tư 37/2010/TT-BTC):
– Hàng quý thực hiện báo cáo tình hình sử dụng chứng từ khấu trừ (theo phụ lục đính kèm Thông tư này) chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau.
– Tổ chức trả thu nhập sử dụng chứng từ khấu trừ khi sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chuyển đổi hình thức sở hữu, phá sản, ngừng hoạt động, phải báo cáo quyết toán sử dụng chứng từ khấu trừ đã phát hành với cơ quan thuế nơi đăng ký sử dụng chứng từ khấu trừ trong thời hạn chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chuyển đổi hình thức sở hữu, phá sản, ngừng hoạt động.
3.5. Trách nhiệm của tổ chức trả thu nhập đã được phép sử dụng chứng từ khấu trừ tự in
Căn cứ theo Điều 6 Thông tư 37/2010/TT-BTC:
– Khi thay đổi hình thức chứng từ khấu trừ tự in, tổ chức trả thu nhập phải thông báo cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý tổ chức trả thu nhập mẫu chứng từ khấu trừ mới (đính chính bởi khoản 3 điều 1 Quyết định 814/QĐ-BTC).
– Thực hiện mở sổ sách theo dõi, bảo quản, lưu giữ chứng từ khấu trừ đã in, đã sử dụng theo quy định của pháp luật về Thuế và pháp luật về Kế toán – thống kê.
– Xuất trình chứng từ khấu trừ đã sử dụng cho cơ quan thuế và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi kiểm tra.
– Báo cáo sử dụng chứng từ khấu trừ theo quy định.
– Lưu giữ dữ liệu về chứng từ khấu trừ theo quy định của Luật giao dịch điện tử và Luật kế toán.
4. Đối với chứng từ khấu trừ được cơ quan thuế cấp
Doanh nghiệp thực hiện báo cáo tình hình sử dụng chứng từ khấu trừ thuế theo quý chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau.
Doanh nghiệp trả thu nhập báo cáo tình hình sử dụng chứng từ khấu trừ thuế phải nộp các hồ sơ sau:
– Bảng kê thanh toán biên lai (theo mẫu CTT25/AC ban hành kèm theo Quyết định số 747/QĐ-TCT);
– Báo cáo số lượng tồn chứng từ cuối kỳ chưa sử dụng (theo mẫu BK04/AC ban hành kèm theo Quyết định số 747/QĐ-TCT).
Nơi nộp hồ sơ: Cơ quan thuế nơi đăng ký sử dụng chứng từ khấu trừ.
Cơ sở pháp lý:
– Điều 5 Thông tư 37/2010/TT-BTC hướng dẫn về phát hành, sử dụng, quản lý chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân tự in trên máy tính do Bộ Tài chính ban hành
– Khoản 1, Mục V, Phần II Quyết định 747/QĐ-TCT năm 2015 về Quy trình quản lý ấn chỉ do Tổng cục Thuế ban hành
– Khoản 1, Mục VII, Phần II Quyết định 747/QĐ-TCT năm 2015 về Quy trình quản lý ấn chỉ do Tổng cục Thuế ban hành
– PHỤ LỤC I CÁC MẪU BIỂU CHỨNG TỪ, SỔ QUẢN LÝ, BÁO CÁO ẤN CHỈ Quyết định 747/QĐ-TCT năm 2015 về Quy trình quản lý ấn chỉ do Tổng cục Thuế ban hành
5. Xử phạt vi phạm hành chính
Căn cứ theo Khoản 7 Điều 1 Thông tư 176/2016/TT-BTC:
– Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lập sai hoặc không đầy đủ nội dung của báo cáo theo quy định gửi cơ quan thuế.
– Trường hợp tổ chức, cá nhân tự phát hiện sai sót và lập lại báo cáo thay thế đúng quy định gửi cơ quan thuế trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền ban hành Quyết định thanh tra thuế, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế thì không bị phạt tiền.
– Đối với hành vi vi phạm về nộp báo cáo gửi cơ quan thuế:
- Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp báo cáo gửi cơ quan thuế từ ngày thứ 1 đến hết ngày thứ 10 kể từ ngày hết thời hạn theo quy định.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng chậm sau 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn theo quy định.
– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng với hành vi không nộp thông báo gửi cơ quan thuế. Hành vi không nộp báo cáo gửi cơ quan thuế được tính sau 20 ngày kể từ ngày hết thời hạn theo quy định.
– Biện pháp khắc phục hậu quả: Tổ chức, cá nhân vi phạm khoản 1 Điều này phải lập và gửi lại cơ quan thuế báo cáo đúng quy định.
Kết luận: Khi tiến hành thủ tục Báo cáo tình hình sử dụng chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, các tổ chức, cá nhân cần lưu ý các quy định tại Nghị định 65/2013/NĐ-CP, Thông tư 37/2010/TT-BTC, Thông tư 111/2013/TT-BTC, Thông tư 92/2015/TT-BTC, Thông tư 176/2016/TT-BTC.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Báo cáo tình hình sử dụng chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân