Cam kết hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ (Cấp tỉnh). Vấn đề cam kết hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP được Dữ Liệu Pháp Lý tổng hợp dựa trên các căn cứ pháp lý như sau: Nghị định 50/2016/NĐ-CP, Nghị định 57/2018/NĐ-CP, Thông tư 04/2018/TT-BKHĐT, Quyết định 1397/QĐ-BKHĐT.
1. Dự án được hỗ trợ đầu tư theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP
Khoản 1 Điều 2 Nghị định 57/2018/NĐ-CP quy định các dự án hỗ trợ đầu tư theo Nghị định này bao gồm các dự án sau đây:
– Dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư là dự án thuộc danh mục ngành, nghề quy định tại Phụ lục I Nghị định 57/2018/NĐ-CP thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định pháp luật về đầu tư.
– Dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư là dự án thuộc danh mục ngành, nghề quy định tại Phụ lục I Nghị định 57/2018/NĐ-CP thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn theo quy định pháp luật về đầu tư.
– Dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư là dự án thuộc danh mục ngành, nghề quy định tại Phụ lục I Nghị định 57/2018/NĐ-CP thực hiện tại vùng nông thôn, không thuộc địa bàn đã quy định tại 02 nhóm dự án trên.
2. Hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Các nội dung hỗ trợ có yêu cầu điều kiện hỗ trợ quy định tại Nghị định 57/2018/NĐ-CP bao gồm:
2.1 Hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng (khoản 1 Điều 9 Nghị định 57/2018/NĐ-CP):
– Điều kiện hỗ trợ:
+ Doanh nghiệp có doanh thu năm trước tối thiểu bằng 10 lần mức hỗ trợ.
+ Các bản quyền, công nghệ doanh nghiệp đề xuất mua phải phù hợp với định hướng phát triển sản xuất của doanh nghiệp đã đăng ký.
+ Trường hợp đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng trong thực tế thì được thanh toán bằng mức hỗ trợ; trường hợp không được áp dụng trong thực tế thì được thanh toán bằng 50% mức hỗ trợ.
– Mức hỗ trợ: Đối với trường hợp này, doanh nghiệp được hỗ trợ 80% kinh phí thực hiện, nhưng không quá 300 triệu đồng/đề tài/bản quyền/công nghệ.
2.2. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm phục vụ áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao, sản xuất sản phẩm mới (khoản 2 Điều 9 Nghị định 57/2018/NĐ-CP):
– Đối tượng áp dụng: Khoản hỗ trợ thực hiện dự án theo quy định này ưu tiên cho doanh nghiệp tham gia, chủ trì các dự án, nhiệm vụ (sau đây gọi là dự án) khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.
+ Doanh nghiệp được mời tham gia phối hợp thực hiện các nội dung của dự án khoa học công nghệ hoặc xây dựng mô hình thuộc nhiệm vụ khoa học công nghệ triển khai tại địa phương doanh nghiệp đăng ký kinh doanh;
+ Đề xuất đặt hàng dự án của doanh nghiệp được xem xét ưu tiên phê duyệt triển khai thực hiện theo hình thức xét chọn hoặc giao trực tiếp;
+ Doanh nghiệp có nguồn gen quý hiếm được ưu tiên thực hiện dự án quỹ gen cấp quốc gia để phát triển thành sản phẩm thương mại.
– Mức hỗ trợ:
+ Đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư được hỗ trợ 70% kinh phí thực hiện nhiệm vụ;
+ Đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư và dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư được hỗ trợ 50% kinh phí nhưng không quá 01 tỷ đồng.
– Điều kiện hỗ trợ:
+ Dự án sản xuất sản phẩm thử nghiệm, sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm mới có văn bản thống nhất của cơ quan quản lý khoa học thuộc cấp bộ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
+ Nhiệm vụ đề xuất hỗ trợ có nội dung phù hợp với định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
2.3. Hỗ trợ doanh nghiệp được giao toàn bộ quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ sau khi các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được nghiệm thu và ưu tiên triển khai sản phẩm khoa học công nghệ (khoản 3 Điều 9 Nghị định 57/2018/NĐ-CP):
– Doanh nghiệp chủ trì đề tài khoa học và công nghệ, dự án có sử dụng ngân sách nhà nước chọn, tạo được giống cây trồng, vật nuôi, khi kết thúc dự án nghiệm thu từ mức đạt trở lên được phép triển khai nhân rộng trong thời gian 03 năm kể từ khi kết thúc dự án nghiệm thu.
– Doanh nghiệp chủ trì đề tài khoa học và công nghệ, dự án có sử dụng ngân sách nhà nước tạo ra các sản phẩm mới được thị trường chấp nhận, khi kết thúc nhiệm vụ nghiệm thu từ mức đạt trở lên được phép triển khai nhân rộng trong thời gian 02 năm kể từ khi kết thúc dự án nghiệm thu.
– Doanh nghiệp chủ trì đề tài khoa học và công nghệ, dự án có sử dụng ngân sách nhà nước, có phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025, các kết quả kiểm nghiệm về tiêu chuẩn sản phẩm của doanh nghiệp được chấp nhận khi đăng ký lưu hành sản phẩm tại các cơ quan chức năng theo chuyên môn.
2.4. Hỗ trợ doanh nghiệp có dự án nhân giống cây trồng bằng công nghệ nuôi cấy mô của doanh nghiệp (khoản 4 Điều 9 Nghị định 57/2018/NĐ-CP):
– Điều kiện hỗ trợ: Quy mô từ 01 triệu cây/năm trở lên. Trường hợp quy mô dự án tăng thì mức hỗ trợ tăng tương ứng nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án.
– Mức hỗ trợ: 80% kinh phí đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị và xử lý môi trường, nhưng không quá 05 tỷ đồng/dự án.
2.5. Hỗ trợ Doanh nghiệp có dự án sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, trồng thử nghiệm cây trồng mới có giá trị kinh tế cao (khoản 5 Điều 9 Nghị định 57/2018/NĐ-CP):
– Điều kiện hỗ trợ: được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
– Mức hỗ trợ: hỗ trợ 70% chi phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị và xử lý môi trường, cây giống nhưng không quá 03 tỷ đồng/dự án.
2.6. Hỗ trợ 50% chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh; 50% kinh phí tham gia triển lãm hội chợ trong nước, ngoài nước (điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 57/2018/NĐ-CP):
– Điều kiện hỗ trợ: Nội dung hỗ trợ được cấp thẩm quyền phê duyệt.
– Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 50% chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh; 50% kinh phí tham gia triển lãm hội chợ trong nước, ngoài nước.
2.7. Hỗ trợ một doanh nghiệp xây dựng và quản lý một trang thông tin điện tử “Chợ nông sản quốc gia” (khoản 3 Điều 10 Nghị định 57/2018/NĐ-CP):
– Điều kiện hỗ trợ:
+ Doanh nghiệp có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử và có tài sản đảm bảo tối thiểu 10 tỷ đồng.
+ Trang thông tin điện tử “Chợ nông sản quốc gia” được xây dựng ít nhất bằng 03 ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung) và cam kết duy trì hoạt động tối thiểu 10 năm. Thông tin sản phẩm của các doanh nghiệp được duy trì ít nhất 03 năm.
+ Nhà nước bắt đầu hỗ trợ khi có tối thiểu 500 doanh nghiệp đã đăng sản phẩm lên trang thông tin điện tử.
– Mức hỗ trợ: Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp có trang thông tin điện tử quốc gia là 05 triệu đồng/doanh nghiệp có sản phẩm đã đăng lên trang thông tin điện tử quốc gia. Tổng mức hỗ trợ không quá 05 tỷ đồng.
Lưu ý: Trường hợp có nhiều doanh nghiệp cùng muốn tham gia xây dựng trang thông tin điện tử giao dịch nông sản quốc gia, thì việc lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu.
2.8. Hỗ trợ Doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở chế biến nông sản; cơ sở giết mổ; cơ sở chế tạo thiết bị, linh kiện, máy nông nghiệp; cơ sở sản xuất sản phẩm phụ trợ (điểm c khoản 1 Điều 11 Nghị định 57/2018/NĐ-CP):
– Hỗ trợ cơ sở chế biến nông sản, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm: 60% kinh phí đầu tư và không quá 15 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án.
– Hỗ trợ cơ sở sản xuất nhà máy cơ khí chế tạo thiết bị, linh kiện, máy nông nghiệp và nhà máy sản xuất sản phẩm phụ trợ: 60% kinh phí đầu tư và không quá 05 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án.
– Các dự án đầu tư chế biến nông sản phải bảo đảm các điều kiện giá trị sản phẩm sau chế biến tăng ít nhất 1,5 lần so với giá trị nguyên liệu thô ban đầu.
2.9. Hỗ trợ Doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở bảo quản nông sản (gồm sấy, chiếu xạ, khử trùng, đông lạnh, bảo quản sinh học) (khoản 2 Điều 11 Nghị định 57/2018/NĐ-CP):
– Điều kiện hỗ trợ:
+ Công suất cơ sở sấy lúa, ngô, khoai, sắn, lâm sản phải đạt tối thiểu 100 tấn sản phẩm/ngày; sấy phụ phẩm thủy sản đạt tối thiểu 50 tấn sản phẩm/ngày.
+ Bảo quản rau, hoa quả tươi, chè, hạt tiêu, hạt điều đạt 1.000 tấn kho; bảo quản lưu trữ giống cây trồng đạt công suất 100 tấn kho.
– Mức hỗ trợ: 70% chi phí đầu tư nhưng không quá 02 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, xử lý chất thải, nhà xưởng và mua thiết bị.
3. Xử lý vi phạm
Căn cứ Điều 8 Nghị định 50/2016/NĐ-CP, hành vi vi phạm quy định về sử dụng vốn đầu tư công bị xử lý như sau:
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng hoặc vượt tiêu chuẩn, định mức đã được phê duyệt.
– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi về ngân sách Nhà nước số vốn đầu tư công đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.
Kết luận: Vấn đề cam kết hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật sau: Nghị định 50/2016/NĐ-CP, Nghị định 57/2018/NĐ-CP, Thông tư 04/2018/TT-BKHĐT, Quyết định 1397/QĐ-BKHĐT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Cam kết hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ (Cấp tỉnh).