CẦN THỐNG NHẤT QUY ĐỊNH XỬ LÝ TÀI SẢN CỦA NGƯỜI PHẢI THI HÀNH ÁN TRONG KHỐI TÀI SẢN CHUNG

Hiện nay, việc xác định và xử lý tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung của hộ gia đình và của vợ chồng còn nhiều cách áp dụng pháp luật khác nhau. Từ đó gây ra những lúng túng cho cơ quan THADS khi tổ chức thi hành án.

Khó xác định công sức đóng góp của vợ chồng

Cụ thể, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Công văn hướng dẫn số 1987/TCTHADS-NV1 ngày 6/6/2018 của Tổng cục THADS, trước khi thực hiện việc xử lý tài sản, Chấp hành viên tiến hành phân chia tài sản của hộ gia đình, của vợ chồng. Sau khi phân chia, nếu các đương sự không đồng ý thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Thực tiễn tổ chức thi hành các vụ việc đặc biệt là các vụ án tham nhũng kinh tế lớn thì việc áp dụng pháp luật để kê biên xử lý tài sản chung của vợ chồng; tài sản chung của hộ gia đình còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro xảy ra cho Chấp hành viên, cơ quan THADS. Tài sản trong các vụ việc này thường là tài sản chung của người phải thi hành án với nhiều người khác và là những tài sản giá trị lớn ở nhiều địa phương khác nhau như quyền sử dụng nhà đất, cổ phần, cổ phiếu… Bởi vậy, việc Chấp hành viên tự xác định và phân chia tài sản còn gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, việc phân chia tài sản chung của vợ chồng, được thực hiện theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Theo đó, tại Điều 38 của Luật này quy định việc phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân dựa trên nguyên tắc thỏa thuận giữa vợ chồng hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết. Đồng thời, theo khoản 2 Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì khi ly hôn tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng phải tính đến các yếu tố: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ chồng; công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập… 

Tuy nhiên, việc xác định công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung là vấn đề không đơn giản. Đặc biệt, đối với tài sản là bất động sản thì việc xác minh, làm rõ nguồn gốc tài sản càng khó khăn hơn. Bởi vậy, việc Chấp hành viên xác định, phân chia tài sản chung của vợ chồng do đó cũng dễ tiềm ẩn những thiếu sót, rủi ro.

Lúng túng xác định thành viên hộ gia đình

Còn đối với việc phân chia tài sản của hộ gia đình, Chấp hành viên còn gặp khó khăn trong việc xác định các thành viên của hộ. Hiện nay, khái niệm hộ gia đình được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau như: Bộ luật dân sự năm 2015; Luật đất đai năm 2013 cùng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường… 

Theo đó, tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan. Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Về vấn đề này, theo hướng dẫn của Tổng cục THADS tại Công văn số 1987/TCTHADS-NV1 ngày 6/6/2018, căn cứ xác định thành viên của hộ gia đình là hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ có liên quan. Tuy nhiên, việc xác định thành viên hộ gia đình theo hồ sơ gặp một số khó khăn như: Trên hồ sơ không thể hiện đầy đủ thành viên hộ gia đình; một số thành viên có tên trong hồ sơ nhưng trên thực tế xác minh thì thời điểm cấp giấy chứng nhận một số thành viên còn nhỏ, mới sinh… chưa có đóng góp vào tài sản chung của hộ gia đình… 

Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, nếu việc nào cũng đề nghị Tòa án giải quyết thì sẽ dẫn đến việc thi hành án kéo dài, không được giải quyết dứt điểm. Do đó, điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62 quy định cho Chấp hành viên có quyền tự phân chia tài sản chung và thông báo cho đương sự về kết quả phân chia. Nếu đương sự không đồng ý thì có quyền khởi kiện tại Tòa án. Quy định này không làm mất đi quyền tự định đoạt của đương sự đối với quyền sở hữu tài sản của họ, đồng thời rút ngắn thời gian tổ chức thi hành trên vụ việc cụ thể.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các cơ quan THADS phải tổ chức thi hành ngày càng nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn thì việc phân chia tài sản chung của vợ chồng trong các loại việc này vô cùng phức tạp và khó khăn. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật trong trường hợp này. Theo đó, đối với các vụ việc kinh tế, tham nhũng lớn; vụ việc có giá trị thi hành lớn nên áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật THADS năm 2014 để thi hành. 

Ngoài ra cũng cần tiếp tục nghiên cứu quy định rõ ràng và cụ thể hơn về tiêu chí xác định các loại tài sản chung; có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý kê biên với tài sản chung không chia được và tài sản chung chia được nhưng không làm giảm giá trị của tài sản và ảnh hưởng tới quyền sở hữu chung của các chủ thể khác…

Theo baophapluat.vn

Liên quan