Tổ chức, cá nhân trong phải thực hiện đăng ký tàu cá để được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật Thủy sản 2017, Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT.
1. Khái niệm
Đăng ký tàu cá là việc thực hiện quản lý Nhà nước đối với tàu cá nhằm xác lập quyền sở hữu và nghĩa vụ của chủ tàu. (theo khoản 8 điều 3 Thông tư 23/2018)
Thẩm quyền đăng ký tàu cá: Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh cấp đăng ký tàu cá trên địa bàn (theo khoản 1 Điều 21 Thông tư 23/2018)
2. Cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá
2.1 Đăng ký tàu cá
Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét trở lên phải được đăng ký vào sổ đăng ký tàu cá quốc gia và cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá theo quy định. Tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 06 mét do Ủy ban nhân dân cấp xã thống kê phục vụ công tác quản lý. (theo khoản 1 Điều 71 Luật Thủy sản 2017)
– Trong cùng một thời gian, mỗi tàu cá, tàu công vụ thủy sản chỉ được đăng ký tại một cơ quan đăng ký và chỉ được cấp một giấy chứng nhận đăng ký. (theo khoản 2 Điều 19 Thông tư 23/2018)
– Cơ quan đăng ký tàu cá có trách nhiệm ghi vào Sổ đăng ký tàu cá quốc gia trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản. (theo khoản 3 Điều 19 Thông tư 23/2018)
2.2 Điều kiện cấp
Tàu cá được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá khi đáp ứng các điều kiện sau đây: (khoản 3 Điều 71 Luật Thủy sản 2017)
+ Có giấy tờ chứng minh về sở hữu hợp pháp tàu cá;
+ Có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đối với tàu cá quy định phải đăng kiểm;
+ Có giấy chứng nhận tạm ngừng đăng ký tàu cá đối với trường hợp thuê tàu trần; giấy chứng nhận xóa đăng ký tàu cá đối với trường hợp nhập khẩu, mua bán, tặng cho hoặc chuyển tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
+ Chủ tàu cá có trụ sở hoặc nơi đăng ký thường trú tại Việt Nam.
– Có 5 trường hợp đăng ký tàu cá. Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ tùy vào trường hợp (theo khoản 2,3,4,5,6 Điều 21 Thông tư 23/2018)
2.3 Thời hạn của Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá được quy định như sau (khoản 2 Điều 71 Luật Thủy sản 2017):
– Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá được cấp không thời hạn đối với tàu cá đóng mới, cải hoán, nhập khẩu, mua bán, tặng cho, viện trợ;
– Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá được cấp có thời hạn bằng thời hạn thuê đối với trường hợp thuê tàu trần.
3. Cấp lại giấy chứng nhận đăng ký tàu cá
– Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá được cấp lại trong các trường hợp sau đây: (theo khoản 1 Điều 22 Thông tư 23/2018)
+ Bị mất, bị rách nát, hư hỏng;
+ Thay đổi tên tàu, hô hiệu (nếu có) hoặc các thông số kỹ thuật của tàu;
+ Thay đổi thông tin của chủ sở hữu trong Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;
+ Tàu cá hết thời hạn cho tổ chức cá nhân nước ngoài thuê.
Lưu ý:
Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản được cấp lại phải giữ nguyên số đăng ký đã được cấp và ghi rõ lần cấp.(theo khoản 4 Điều 22 Thông tư 23/2018)
4. Xóa đăng ký tàu cá
– Tàu cá bị xóa đăng ký thuộc một trong các trường hợp sau đây:(theo khoản 1 Điều 72 Luật Thủy sản 2017)
+ Tàu cá bị hủy, phá dỡ hoặc chìm đắm không thể trục vớt;
+ Tàu cá bị mất tích sau 01 năm kể từ ngày thông báo chính thức trên phương tiện thông tin đại chúng;
+ Tàu cá được xuất khẩu, bán, tặng cho, viện trợ;
+ Theo đề nghị của chủ tàu cá.
– Khi xóa đăng ký, cơ quan có thẩm quyền đăng ký thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, xóa tên tàu cá trong sổ đăng ký tàu cá quốc gia và cấp Giấy chứng nhận xóa đăng ký tàu cá cho chủ tàu.(theo khoản 2 Điều 72 Luật Thủy sản 2017)
5. Xử phạt vi phạm hành chính
Điều 21 Nghị định 103/2013 đã quy định như sau:
– Mức phạt đối với một trong các hành vi: không viết số đăng ký tàu cá; viết số đăng ký tàu cá không đúng quy định hoặc không mang theo bản chính hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký tàu cá khi tàu cá đang hoạt động có thể lên đến 3.000.000 đồng.
– Mức phạt đối với hành vi không đăng ký tàu cá hoặc không đăng ký lại tàu cá theo quy định từ 200.000 đồng và lên đến 7.000.000 đồng
– Mức phạt đối với hành vi sử dụng giấy chứng nhận đăng ký tàu cá hoặc giấy xác nhận đăng ký tàu cá tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung, làm giả hoặc sử dụng biển số, số đăng ký tàu cá giả từ 500.000 đồng và lên đến 12.000.000 đồng.
– Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Tịch thu giấy chứng nhận đăng ký tàu cá hoặc giấy xác nhận đăng ký tàu cá làm giả hoặc biển số đăng ký tàu cá giả đối với hành vi sử dụng giấy chứng nhận đăng ký tàu cá hoặc giấy xác nhận đăng ký tàu cá làm giả hoặc sử dụng biển số, số đăng ký tàu cá giả;
+ Tịch thu giấy chứng nhận đăng ký tàu cá hoặc giấy xác nhận đăng ký tàu cá tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi sử dụng giấy chứng nhận đăng ký tàu cá hoặc giấy xác nhận đăng ký tàu cá tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.
+ Đình chỉ hoạt động của tàu cá từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi sử dụng giấy chứng nhận đăng ký tàu cá hoặc giấy xác nhận đăng ký tàu cá làm giả hoặc sử dụng biển số, số đăng ký tàu cá giả.
– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xóa biển số, số đăng ký tàu cá giả đối với hành vi sử dụng biển số, số đăng ký tàu cá giả
Kết luận: Người thực hiện đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá cần tuân thủ quy định của Luật Thủy sản 2017, Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện xem tại đây:
Cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá