CẤP LẠI, SỬA ĐỔI, HỦY BỎ, PHỤC HỒI HIỆU LỰC, ĐÌNH CHỈ HIỆU LỰC BẰNG BẢO HỘ GIỐNG CÂY TRỒNG

Posted on

Bằng bảo hộ giống cây trồng được cấp lại, sửa đổi, bị hủy bỏ hiệu lực, phục hổi hiệu lực và đình chỉ hiệu lực thông qua các thủ tục cấp lại, sửa đổi, hủy bỏ, phục hồi hiệu lực, đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung trên theo quy định tại Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, Nghị định 31/2016/NĐ-CP, Nghị định 88/2010/NĐ-CP

1. Khái niệm

Văn bằng bảo hộ là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân nhằm xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; quyền đối với giống cây trồng (khoản 25 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005).

Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu (khoản 5 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005).

2. Quyền đối với giống cây trồng

2.1. Căn cứ xác lập

Quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật sở hữu tri tuệ (khoản 4 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005).

2.2. Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng (Điều 157 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009):

– Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng là tổ chức, cá nhân chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng hoặc đầu tư cho công tác chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng hoặc được chuyển giao quyền đối với giống cây trồng.

Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 157 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009 bao gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc nước có ký kết với Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thoả thuận về bảo hộ giống cây trồng; tổ chức, cá nhân nước ngoài có trụ sở, địa chỉ thường trú tại Việt Nam hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có trụ sở, địa chỉ thường trú hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại nước có ký kết với Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thoả thuận về bảo hộ giống cây trồng.

2.3. Điều kiện chung đối với giống cây trồng được bảo hộ (Điều 158 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005):

Giống cây trồng được bảo hộ là giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển, thuộc Danh mục loài cây trồng được Nhà nước bảo hộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp.

2.4. Đăng ký quyền đối với giống cây trồng (Điều 164 Luật sở hữu tí tuệ năm 2005):

Để được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng, tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc nộp đơn đăng ký bảo hộ cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng.

Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng (sau đây gọi là người đăng ký) bao gồm:

– Tác giả trực tiếp chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng bằng công sức và chi phí của mình;

– Tổ chức, cá nhân đầu tư cho tác giả chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp có thoả thuận khác;

– Tổ chức, cá nhân được chuyển giao, thừa kế, kế thừa quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng.

Giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển do sử dụng ngân sách nhà nước hoặc từ dự án do Nhà nước quản lý thì quyền đối với giống cây trồng đó thuộc về Nhà nước. Chính phủ quy định cụ thể việc đăng ký quyền đối với giống cây trồng quy định tại khoản này.

3. Bằng bảo hộ giống cây trồng

3.1 Bằng bảo hộ giống cây trồng và Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ (Điều 168 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005):

– Bằng bảo hộ giống cây trồng ghi nhận tên giống và loài cây trồng, tên chủ sở hữu quyền đối với giống cây trồng (sau đây gọi là chủ bằng bảo hộ), tên tác giả giống cây trồng và thời hạn bảo hộ quyền đối với giống cây trồng.

– Cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng ghi nhận việc cấp Bằng bảo hộ và nội dung Bằng bảo hộ vào Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ và lưu giữ các thông tin đó.

Quyết định về việc cấp, cấp lại, đình chỉ, hủy bỏ, sửa đổi Bằng bảo hộ giống cây trồng được cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng công bố trên tạp chí chuyên ngành về giống cây trồng trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định (Điều 173 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005).

3.2 Cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng (Điều 20 Nghị định 88/2010/NĐ-CP):

– Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định cấp bằng bảo hộ giống cây trồng đối với giống cây trồng đăng ký bảo hộ đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 159, 161, 162 của Luật Sở hữu trí tuệ và khoản 19, 20 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày, kể từ ngày ký, Quyết định cấp bằng bảo hộ phải công bố trên tạp chí chuyên ngành về giống cây trồng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

– Bằng bảo hộ giống cây trồng chỉ được cấp một (01) bản.

– Người nộp đơn phải nộp các khoản phí và lệ phí cho việc cấp bằng bảo hộ giống cây trồng theo quy định. Trường hợp bằng bảo hộ bị rách, hỏng, mất hoặc đổi chủ sở hữu, chủ sở hữu bằng bảo hộ giống cây trồng có quyền yêu cầu cấp lại hoặc đổi và phải trả phí theo quy định.

3.3. Cấp lại Bằng bảo hộ giống cây trồng (khoản 2 Điều 172 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, Điều 19 Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT):

Chủ bằng bảo hộ có quyền đề nghị Cục Trồng trọt cấp lại Bằng bảo hộ trong các trường hợp sau (khoản 1 Điều 19 Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT):

– Bằng bảo hộ bị mất;

– Bằng bảo hộ bị hỏng, rách, bẩn, phai mờ đến mức không sử dụng được.

3.4. Sửa đổi Bằng bảo hộ giống cây trồng

Chủ bằng bảo hộ có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thay đổi, sửa chữa sai sót liên quan đến tên và địa chỉ của chủ bằng bảo hộ với điều kiện phải nộp phí, lệ phí. Trong trường hợp những sai sót này là do cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng gây ra thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng phải sửa chữa, chủ bằng bảo hộ không phải nộp phí, lệ phí (khoản 1 Điều 172 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005)

Chủ bằng bảo hộ có quyền đề nghị Cục Trồng trọt thay đổi, sửa chữa sai sót về tên và địa chỉ của chủ bằng bảo hộ (khoản 1 Điều 18 Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT).

3.5. Hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng

Bằng bảo hộ giống cây trồng bị hủy bỏ hiệu lực trong các trường hợp sau đây (khoản 1 Điều 171 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005):

– Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng do người không có quyền đăng ký đứng tên, trừ trường hợp quyền đối với giống cây trồng được chuyển lại cho người có quyền đăng ký;

– Giống cây trồng được bảo hộ không đáp ứng các điều kiện về tính mới hoặc tính khác biệt tại thời điểm cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng;

– Giống cây trồng không đáp ứng các điều kiện về tính đồng nhất hoặc tính ổn định trong trường hợp Bằng bảo hộ giống cây trồng được cấp dựa trên kết quả khảo nghiệm kỹ thuật do người đăng ký thực hiện.

Trong thời hạn hiệu lực của Bằng bảo hộ giống cây trồng, mọi tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng. Căn cứ vào kết quả xem xét đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng và ý kiến của các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng ra thông báo từ chối hủy bỏ hoặc ra quyết định hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng (khoản 2 Điều 171 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005).

Trong trường hợp Bằng bảo hộ giống cây trồng bị hủy bỏ, mọi giao dịch phát sinh trên cơ sở giống cây trồng được cấp Bằng bảo hộ đó bị vô hiệu. Việc xử lý giao dịch vô hiệu thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự (khoản 3 Điều 171 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005).

Lưu ý: 

– Trong thời hạn hiệu lực của Bằng bảo hộ, bất cứ bên thứ ba nào cũng có quyền gửi một (01) bộ hồ sơ đề nghị huỷ bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ cho Cục Trồng trọt nếu thấy có dấu hiệu vi phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 171 Luật Sở hữu trí tuệ (khoản 1 Điều 22 Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT).

3.6. Đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng (Điều 170 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005):

Bằng bảo hộ giống cây trồng có thể bị đình chỉ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

– Giống cây trồng được bảo hộ không còn đáp ứng điều kiện về tính đồng nhất và tính ổn định như tại thời điểm cấp Bằng;

– Chủ bằng bảo hộ không nộp lệ phí duy trì hiệu lực theo quy định;

– Chủ bằng bảo hộ không cung cấp tài liệu, vật liệu nhân giống cần thiết để duy trì và lưu giữ giống cây trồng theo quy định;

– Chủ bằng bảo hộ không thay đổi tên giống cây trồng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng.

Trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 170 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng ra quyết định đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng.

Trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 170 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, khi hết thời hạn nộp lệ phí duy trì hiệu lực, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng ra quyết định đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng kể từ ngày đầu tiên của năm hiệu lực tiếp theo mà lệ phí duy trì hiệu lực không được nộp.

Trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 170 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, mọi tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng. Căn cứ vào kết quả xem xét đơn yêu cầu đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng và ý kiến của các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng ra thông báo từ chối đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ hoặc ra quyết định đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ.

Lưu ý: Trong thời hạn hiệu lực của Bằng bảo hộ, bất cứ bên thứ ba nào cũng có quyền gửi một (01) bộ hồ sơ đề nghị đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ cho Cục Trồng trọt với lý do giống cây trồng được bảo hộ không đáp ứng tính đồng nhất và tính ổn định như tại thời điểm cấp Bằng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 170 Luật Sở hữu trí tuệ (khoản 1 Điều 20 Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT).

3.7. Phục hồi hiệu lực Bằng bảo họ giống cây trồng (khoản 5 Điều 170 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005):

Trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 170 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng đăng thông báo trên tạp chí chuyên ngành và nêu rõ lý do đình chỉ, đồng thời gửi thông báo cho chủ bằng bảo hộ. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày thông báo, chủ bằng bảo hộ có quyền gửi đơn đề nghị được khắc phục các lý do bị đình chỉ cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng và nộp lệ phí để phục hồi hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng.

Trong thời hạn chín mươi ngày kể từ ngày nộp đơn, chủ bằng bảo hộ phải khắc phục những lý do bị đình chỉ đối với các trường hợp quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 170 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng xem xét phục hồi hiệu lực Bằng bảo hộ và thông báo trên tạp chí chuyên ngành.

Trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 170 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng sẽ được phục hồi sau khi chủ sở hữu chứng minh được giống đã đáp ứng các điều kiện về tính đồng nhất và tính ổn định và được cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng xác nhận.

Lưu ý: 

– Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày Cục trưởng Cục Trồng trọt ký thông báo đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ, chủ bằng bảo hộ có quyền gửi 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị phục hồi hiệu lực Bằng bảo hộ cho Cục Trồng trọt (khoản 1 Điều 21 Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT).

4. Xử phạt vi phạm hành chính

Theo khoản 2 Điều 13 Nghị định 31/2016/NĐ-CP: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng Bằng bảo hộ giống cây trồng đã hết hiệu lực, bị đình chỉ hoặc hủy bỏ hiệu lực để thực hiện quyền đối với giống cây trồng.

Hình thức xử phạt bổ sung khoản 3 Điều 13 Nghị định 31/2016/NĐ-CP: Tịch thu Bằng bảo hộ giống cây trồng.

Kết luận: Chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng có yêu cầu cấp lại, sửa đổi, phục hồi hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng; bất cứ bên thứ ba nào có yêu cầu đình chỉ hiệu lực, hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng nộp hồ sơ đến Cục trồng trọt theo trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật (Điều 18, 19, 20, 21 và 22 Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT).

Chi tiết trình tự thủ tục, hồ sơ, mẫu đơn xem tại đây:

Cấp lại, sửa đổi, hủy bỏ, phục hồi hiệu lực, đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng