CHẤM DỨT HIỆU LỰC VĂN BẰNG BẢO HỘ

Posted on

Văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực trong một số trường hợp. Khi đó, chủ văn bằng bảo hộ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần thực hiện thủ tục Chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019)Nghị định 122/2010/NĐ-CPNghị định 99/2013/NĐ-CP, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, Thông tư 13/2010/TT-BKHCNThông tư 18/2011/TT-BKHCNThông tư 05/2013/TT-BKHCN, Thông tư 16/2016/TT-BKHCN  Thông tư 263/2016/TT-BTC.

1. Khái niệm

– Theo khoản 25 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005Văn bằng bảo hộ là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân nhằm xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; quyền đối với giống cây trồng.

– Văn bằng bảo hộ ghi nhận chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu (sau đây gọi là chủ văn bằng bảo hộ); tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; đối tượng, phạm vi và thời hạn bảo hộ.

– Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý ghi nhận tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tính chất đặc thù về điều kiện địa lý và khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý.

– Văn bằng bảo hộ gồm Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý (Điều 92 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).

2. Hiệu lực của văn bằng bảo hộ

Theo Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

– Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn.

– Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn.

– Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết năm năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần năm năm.

– Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau đây:

+ Kết thúc mười năm kể từ ngày nộp đơn;

+ Kết thúc mười năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới;

+ Kết thúc mười lăm năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí.

– Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.

– Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp.

3. Các trường hợp chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ

Theo Điều 95 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau:

– Chủ văn bằng bảo hộ không nộp lệ phí duy trì hiệu lực hoặc gia hạn hiệu lực theo quy định;

– Chủ văn bằng bảo hộ tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp;

– Chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại hoặc chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp;

– Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực;

– Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu tập thể không kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể;

– Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu chứng nhận vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc không kiểm soát, kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;

– Các điều kiện địa lý tạo nên danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bị thay đổi làm mất danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm đó.

Lưu ý:

– Trường hợp chủ văn bằng bảo hộ sáng chế không nộp lệ phí duy trì hiệu lực trong thời hạn quy định thì khi kết thúc thời hạn đó, hiệu lực văn bằng tự động chấm dứt kể từ ngày bắt đầu năm hiệu lực đầu tiên mà lệ phí duy trì hiệu lực không được nộp. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ghi nhận việc chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.

– Trường hợp chủ văn bằng bảo hộ tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ kể từ ngày nhận được tuyên bố của chủ văn bằng bảo hộ.

– Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với các trường hợp quy định tại các điểm c, d, đ, e và g khoản 1 Điều 95 Luật này với điều kiện phải nộp phí và lệ phí.

– Căn cứ kết quả xem xét đơn yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ và ý kiến của các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ hoặc thông báo từ chối chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ.

– Quyết định chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định (theo Điều 99 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).

– Theo Điều 107 Luật Sở hữu trí tuệ 2005việc uỷ quyền tiến hành các thủ tục liên quan đến việc chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ phải được lập thành giấy uỷ quyền. Giấy uỷ quyền phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

+ Tên, địa chỉ đầy đủ của bên uỷ quyền và bên được uỷ quyền;

+ Phạm vi uỷ quyền;

+ Thời hạn uỷ quyền;

+ Ngày lập giấy uỷ quyền;

+ Chữ ký, con dấu (nếu có) của bên uỷ quyền.

Giấy uỷ quyền không có thời hạn uỷ quyền được coi là có hiệu lực vô thời hạn và chỉ chấm dứt hiệu lực khi bên uỷ quyền tuyên bố chấm dứt uỷ quyền.

4. Xử lý yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ

Theo điểm 21.3 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 20 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN), Điều 14 Nghị định 103/2006/NĐ-CP:

– Trường hợp người thứ ba yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ, trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo bằng văn bản về ý kiến của người thứ ba cho chủ văn bằng bảo hộ trong đó ấn định thời hạn là 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để chủ văn bằng bảo hộ có ý kiến. Cục Sở hữu trí tuệ có thể tổ chức việc trao đổi ý kiến trực tiếp giữa người thứ ba và chủ văn bằng bảo hộ liên quan.

Trên cơ sở xem xét ý kiến của các bên, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ hoặc thông báo từ chối chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ theo quy định.

– Thời hạn ra quyết định và thông báo nêu tại điểm này là 03 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn 02 tháng nêu trên mà chủ văn bằng không có ý kiến hoặc kể từ ngày nhận được ý kiến của chủ văn bằng. Thời hạn này có thể kéo dài thêm tối đa 03 tháng nếu chủ văn bằng có ý kiến khác với chủ đơn yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ.

– Trong trường hợp chủ văn bằng tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 95 của Luật Sở hữu trí tuệ, thời hạn nêu trên là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Thời gian thực hiện các thủ tục liên quan khác cần thiết để giải quyết yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ không được tính vào thời hạn nêu trên.

– Nếu không đồng ý với nội dung quyết định, thông báo xử lý yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ nêu trên, người yêu cầu hoặc tổ chức, cá nhân là chủ đơn và tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến các quyết định, thông báo này mà có căn cứ cho rằng quyết định, thông báo này là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình có quyền khiếu nại quyết định hoặc thông báo đó theo thủ tục quy định tại điểm 22 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 21 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN).

– Quyết định chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ được ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định.

Lưu ý chung:

Theo điểm a khoản 2khoản 3 Điều 5 Nghị định 99/2013/NĐ-CP:

Hành vi cung cấp thông tin, chứng cứ sai lệch trong quá trình thực hiện thủ tục yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Hành vi giả mạo giấy tờ để thực hiện hành vi vi phạm trên bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Kết luận: Việc thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ cần tuân thủ các quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019), Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, Thông tư 16/2016/TT-BKHCN.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ