CHẤP THUẬN VIỆC DẠY VÀ HỌC TIẾNG NÓI, CHỮ VIẾT CỦA DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG VÀ TRUNG TÂM GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN

Posted on

Thủ tục chấp thuận việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên được thực hiện theo Nghị định 82/2010/NĐ-CP, Thông tư 50/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ gửi đến bạn đọc một số lưu ý về vấn đề này:

1. Một số khái niệm cơ bản

“Dân tộc thiểu số” là những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (khoản 2 Điều 4 Nghị định 05/2011/NĐ-CP)

Theo quy định tại Mục 4 Nội dung chỉ tiêu thống kê ngành giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư 19/2017/TT-BGDĐT thì: Trung tâm giáo dục thường xuyên là cơ sở giáo dục thường xuyên thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trung tâm giáo dục thường xuyên bao gồm trung tâm giáo dục thường xuyên quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện); trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh).

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông được ban hành kèm theo Thông tư 14/2017/TT-BGDĐT, thì: Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở (giai đoạn giáo dục cơ bản) và giáo dục trung học phổ thông (giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp).

2. Điều kiện tổ chức dạy học

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 82/2010/NĐ-CP và Điều 2 Thông tư 50/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC như sau:

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là UBND cấp tỉnh), căn cứ thực tế việc sử dụng tiếng dân tộc thiểu số tại địa phương, chỉ đạo và phối hợp với chính quyền các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội để xác định nguyện vọng, nhu cầu học tiếng dân tộc thiểu số của người dân tộc thiểu số.

– Bộ chữ tiếng dân tộc thiểu số được dạy và học trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên phải đảm bảo: Là bộ chữ cổ truyền đã xuất hiện lâu đời ở Việt Nam, được cộng đồng dân tộc thiểu số sử dụng, được cơ quan chuyên môn xác nhận hoặc được UBND cấp tỉnh phê chuẩn. Đối với các tiếng dân tộc thiểu số có nhiều bộ chữ thì việc lựa chọn bộ chữ phải căn cứ vào tính phổ biến của bộ chữ đã và đang được sử dụng trong sáng tác văn học, ghi chép văn học dân gian, ở địa phương.

– Chương trình, sách giáo khoa và tài liệu tiếng dân tộc thiểu số được tổ chức biên soạn và thẩm định theo quy định hiện hành của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo viên đạt trình độ chuẩn đào tạo của cấp học tương ứng về tiếng dân tộc thiểu số theo quy định; giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số chưa đạt chuẩn đào tạo dạy tiếng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng ngắn hạn để có chứng chỉ giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số.

Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tiếng dân tộc thiểu số đảm bảo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể:

+ Các lớp dạy tiếng dân tộc thiểu số được trang bị cơ sở vật chất như các lớp học thông thường khác ở cấp học tương ứng;

+ Thiết bị dạy học tiếng dân tộc thiểu số được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tại danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho từng chương trình dạy tiếng dân tộc thiểu số. Khuyến khích giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số tự làm đồ dùng dạy học để nâng cao chất lượng dạy học.

3. Chấp thuận việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên

Theo Điều 4 Nghị định 82/2010/NĐ-CP, quy trình đưa tiếng dân tộc thiểu số vào dạy như sau:

– Trên cơ sở nguyện vọng của người dân tộc thiểu số và Điều kiện tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn.

– Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét các Điều kiện về dạy học tiếng dân tộc thiểu số theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; thông báo kết luận bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thời gian 30 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị dạy học tiếng dân tộc thiểu số.

– Nếu được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận, UBND cấp tỉnh ra quyết định về việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Lưu ý:

Hình thức tổ chức dạy học được quy định tại Điều 5 Nghị định 82/2010/NĐ-CP như sau:

– Tiếng dân tộc thiểu số là môn học trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

– Việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số được thực hiện theo các hình thức tổ chức dạy học ở các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

+  Nếu tất cả số học sinh trong một lớp học theo cấp học đều có nguyện vọng học một thứ tiếng dân tộc thiểu số và cùng một trình độ thì lớp học tiếng dân tộc thiểu số đồng thời với lớp theo cấp học;

+ Trường hợp số học sinh có nguyện vọng học tiếng dân tộc thiểu số trong một lớp học theo cấp học không đủ để thành lập lớp học tiếng dân tộc thiểu số thì tổ chức lớp học tiếng dân tộc thiểu số bao gồm học sinh các lớp học khác nhau trong cùng trường, có nguyện vọng học cùng một thứ tiếng dân tộc thiểu số và cùng một trình độ; số học sinh của lớp học tiếng dân tộc thiểu số tối thiểu không dưới 10 học sinh/lớp.

Kết luận: Thủ tục chấp thuận việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên là một thủ tục quan trọng, tuân thủ các quy định tại Nghị định 82/2010/NĐ-CP, Thông tư 50/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC.

 Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Thủ tục chấp thuận việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên