CHUYỂN NƠI HƯỞNG TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP (CHUYỂN ĐẾN)

Posted on

Chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp (chuyển đến) là những quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động khi có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp. Việc giải quyết thủ tục  này được thể hiện theo Nghị định 28/2015/NĐ-CP và Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể những nội dung như sau:

1. Điều kiện để được chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp:

Căn cứ khoản 1 Điều 22 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, để được chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có nhu cầu, người lao động cần phải thỏa mãn hai điều kiện sau:

  • Đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp theo quy định;
  • Phải làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu số 10 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH và gửi trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Lưu ý:

– Căn cứ khoản 3 Điều 22 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, khi nhận được hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động trả lại thẻ bảo hiểm y tế cho tổ chức bảo hiểm xã hội nơi đang chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.

– Căn cứ khoản 7 Điều 22 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp do người lao động chuyển đến, trung tâm dịch vụ việc làm gửi văn bản đề nghị Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh nơi chuyển đến để tiếp tục thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động kèm theo bản chụp quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Văn bản này được thực hiện theo mẫu số 13 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH.

– Căn cứ khoản 5 Điều 10 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH, trường hợp ngày thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm của người lao động nằm trong khoảng thời gian làm thủ tục chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP thì người lao động không phải thực hiện việc thông báo về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm.

Ví dụ 15: Bà Nguyễn Lan Y có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian 03 tháng. Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ nhất từ ngày 02/7/2015 đến ngày 01/8/2015, tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ hai từ ngày 02/8/2015 đến ngày 01/9/2015, tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ ba từ ngày 02/9/2015 đến ngày 01/10/2015. Sau khi hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên, ngày 28/7/2015 bà Y làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp trong khi ngày thông báo về việc tìm kiếm việc làm tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ hai của bà Y là ngày 03 đến ngày 05/8/2015. Như vậy, bà Y không phải thực hiện việc thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng với trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đi cũng như nơi chuyển đến mà không bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.

2. Các trường hợp ngoại lệ:

Theo quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 22 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, kể từ ngày người lao động nhận được hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải nộp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đến trong thời hạn 10 ngày làm việc trừ các trường hợp sau

– Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;

– Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;

– Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Lưu ý: 

– Người lao động nộp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp quá thời hạn theo quy định tại Khoản 5 Điều này nhưng nhiều nhất không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Kết luận:  Chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp (chuyển đến) là một quyền lợi của người lao động khi có yêu cầu. Khi thực hiện người lao động cần xem quy định tại Nghị định 28/2015/NĐ-CP và Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH.