COVID-19: ‘Cú sốc’ làm thay đổi nhận thức trong chuyển đổi số

Posted on

 Phát triển số với việc tạo tăng trưởng dựa trên yếu tố đầu vào là công nghệ số và dữ liệu số đã trở thành một trong những phương thức phát triển chủ đạo mới để cộng đồng doanh nghiệp có thể phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, việc phổ cập chuyển đổi số trong doanh nghiệp đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) Nguyễn Văn Thân, hiện nay phần lớn DNNVV đang hoạt động bằng vốn tự có và từ trước đến nay thường làm theo định tính, thủ công nên việc tiếp cận đối với công nghệ khoa học nói chung và chuyển đổi số nói riêng vẫn còn khá thờ ơ.

“Bởi vì họ chưa hiểu nên để họ tự nguyện bỏ tiền ra học là rất khó. Thậm chí nhiều khi Chính phủ hỗ trợ 50% kinh phí, doanh nghiệp đóng nửa tiền còn lại người ta vẫn lười đi học về chuyển đổi số, đây là thực tế của các DNNVV Việt Nam hiện nay”, ông Thân chia sẻ.

Chuyển đổi số được ví như “cánh tay đòn”, nâng cao năng lực cạnh tranh và đặc biệt là giúp doanh nghiệp thích ứng linh hoạt trong mọi biến động, tăng khả năng hồi phục sau những “cú sốc” như đại dịch COVID-19. Chúng ta đã thấy rõ điều này khi vừa qua có rất nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn, đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng ngược lại có một số doanh nghiệp vẫn duy trì được ổn định và nhanh chóng hồi phục mạnh mẽ bởi vì họ có công cụ hỗ trợ là công nghệ số.

Ông Thân cho rằng, phải có sức ép như thế thì người ta mới thấy việc chuyển đổi số là rất quan trọng. Bởi vì bán hàng trực tiếp thì không làm được vì mọi người bị cách ly, mà muốn tồn tại thì phải thông qua kinh tế số, thông qua công nghệ, cho nên buộc phải chuyển đổi số. COVID-19 tuy có rất nhiều tác hại nhưng cũng có tác dụng rất lớn là các DNNVV, kể cả các hộ kinh doanh cá thể phải chủ động chuyển đổi số. Ví dụ: Bán hàng qua mạng, hay việc các DNNVV muốn xuất khẩu phải xây dựng các webside của riêng họ…

Thời gian tới, Hiệp hội DNNVV sẽ cử các chuyên gia đến các tỉnh như: Bắc Kạn, Thái Bình, Vĩnh Phúc…để triển khai làm mẫu về đào tạo chuyển đổi số. Các Chi hội địa phương sẽ cùng tham khảo sau đó sẽ nhân rộng mô hình ở nhiều tỉnh thành. Việc này Hiệp hội là một phần nhưng phải có sự đồng hành của cả Chính phủ thì mới làm được, ông Thân cho biết.

Với số lượng gần 800.000 doanh nghiệp và đóng góp khoảng 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), DNNVV là một động lực quan trọng trong nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta. Chính vì vậy “sức khoẻ” của DNNVV sẽ tỷ lệ thuận với sự phục hồi nhanh và phát triển bền vững của cả nền kinh tế.

(Nguồn: https://media.chinhphu.vn/)