ĐĂNG KÝ CHẤM DỨT GIÁM HỘ CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

Posted on

Đăng ký chấm dứt giám hộ có yếu tố nước ngoài là thủ tục hành chính mà cá nhân cần thực hiện. Việc thực hiện thủ tục này được thể hiện theo Bộ luật dân sự, Luật hộ tịch và Thông tư 15/2015/TT-BTP. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể những nội dung như sau:

1. Trường hợp chấm dứt giám hộ có yếu tố nước ngoài và hậu quả của việc chấm dứt việc giám hộ:

Căn cứ Điều 682 Bộ luật dân sự quy định, các vấn đề về giám hộ có yếu tố nước ngoài được áp dụng pháp luật của nước nơi người giám hộ cư trú điều chỉnh.

Lưu ý: Trường hợp người giám hộ trong quan hệ giám hộ có yếu tố nước ngoài cư trú tại Việt Nam, vấn đề chấm dứt việc giám hộ được quy định như sau:

a) Trường hợp chấm dứt giám hộ có yếu tố nước ngoài

Căn cứ Điều 62 Bộ luật dân sự quy định, việc giám hộ được chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Người được giám hộ đã có năng lực hành vi đầy đủ

– Người được giám hộ chết

– Cha mẹ của người được giám hộ là người chưa thành niên đã có đủ điều kiện thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình

– Người được giám hộ được nhận làm con nuôi.

b) Hậu quả chấm dứt việc giám hộ:

Căn cứ quy định tại Điều 63 Bộ luật dân sự:

+ Trường hợp người được giám hộ đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày chấm dứt việc giám hộ, người giám hộ thanh toán tài sản với người được giám hộ, chuyển giao quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch dân sự vì lợi ích của người được giám hộ cho người được giám hộ.

+ Trường hợp người được giám hộ chết thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt việc giám hộ, người giám hộ thanh toán tài sản với người thừa kế hoặc giao tài sản cho người quản lý di sản của người được giám hộ, chuyển giao quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch dân sự vì lợi ích của người được giám hộ cho người thừa kế của người được giám hộ; nếu hết thời hạn đó mà chưa xác định được người thừa kế thì người giám hộ tiếp tục quản lý tài sản của người được giám hộ cho đến khi tài sản được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ.

+ Trường hợp chấm dứt việc giám hộ quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 62 của Bộ luật dân sự 2015 thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày chấm dứt việc giám hộ, người giám hộ thanh toán tài sản và chuyển giao quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch dân sự vì lợi ích của người được giám hộ cho cha, mẹ của người được giám hộ.

+ Việc thanh toán tài sản và chuyển giao quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều này được lập thành văn bản với sự giám sát của người giám sát việc giám hộ.

2. Một số vấn đề cần lưu ý đối với thủ tục đăng ký chấm dứt giám hộ có yếu tố nước ngoài:

Căn cứ Điều 42 Luật hộ tịch quy định, “thủ tục đăng ký chấm dứt giám hộ giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài được áp dụng theo quy định tại Điều 22 của Luật này”, tức là áp dụng pháp luật Việt Nam điều chỉnh.

Lưu ý: Căn cứ khoản 2 Điều 2 Thông tư 15/2015/TT-BTP quy định, việc ủy quyền đăng ký chấm dứt giám hộ phải được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật;

+ Phạm vi uỷ quyền có thể gồm toàn bộ công việc theo trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận kết quả đăng ký hộ tịch.

+ Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người uỷ quyền.

Kết luận: Đăng ký chấm dứt giám hộ có yếu tố nước ngoài là thủ tục hành chính mà  cá nhân cần thực hiện. Khi thực hiện cá nhân cần xem quy định tại Bộ luật dân sựLuật hộ tịch và Thông tư 15/2015/TT-BTP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây: Đăng ký chấm dứt giám hộ có yếu tố nước ngoài.