Đăng ký khai sinh cho trẻ em không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của những cá nhân, tổ chức có trách nhiệm. Sau đây Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể vấn đề trên thông qua Luật hộ tịch năm 2014; Bộ luật Dân sự 2015; Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em năm 1959; Luật trẻ em 2016; Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ;Thông tư số 15/2015/TT-BTP ;
1. Một số khái niệm
– Khai sinh là thủ tục pháp lý đầu tiên do cha mẹ hoặc người giám hộ thực hiện cho đứa trẻ vừa sinh ra. Cha mẹ hoặc người giám hộ có nghĩa vụ khai báo và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận đứa trẻ được sinh. Khai sinh là một trong những sự kiện hộ tịch để xác định đứa trẻ là thực thể của tự nhiên, của xã hội.
– Đăng ký khai sinh là Đăng ký sự kiện sinh cho đứa trẻ mới sinh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Phải được tiến hành trong thời hạn luật định kể từ ngày đứa trẻ được sinh ra.
– Cá nhân khi sinh ra có quyền được khai sinh ( Khoản 1, Điều 30, Bộ luật Dân sự 2015 )
– Ngoài ra Điều 7 Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em năm 1959 còn ghi nhận: “ trẻ em phải được đăng ký ngay lập tức sau khi sinh ra và có quyền có họ tên có quốc tịch và trong chừng mực cụ thể có quyền được biết cha mẹ mình và được cha mẹ mình chăm sóc”
– Nguyên tắc 3 trong Tuyên ngôn của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em năm 1959 nêu rõ: “Trẻ em sinh ra có quyền được khai sinh”
– Bên cạnh đó, Điều 13 Luật trẻ em 2016 có hiệu lực thi hành ngày 01/6/2017 còn quy định: “ Trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch”
2. Về đăng ký khai sinh
Theo quy định tại Điều 13 của Luật Hộ Tịch quy định: “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh”. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Lưu ý:
+ Theo Khoản 2, Điều 3 , Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì trường hợp người yêu cầu nộp giấy tờ là bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính thì người tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu xuất trình bản chính; nếu người yêu cầu chỉ nộp bản chụp và xuất trình bản chính thì người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, đối chiếu bản chụp với bản chính và ký vào bản chụp xác nhận về việc đã đối chiếu nội dung giấy tờ đó, không được yêu cầu người đi đăng ký nộp bản sao có chứng thực giấy tờ đó.
+ Theo Khoản 2, Điều 3, Thông tư số 15/2015/TT-BTP quy định người tiếp nhận có trách nhiệm tiếp nhận đúng, đủ hồ sơ đăng ký hộ tịch theo quy định của pháp luật hộ tịch, không được yêu cầu người đăng ký hộ tịch nộp thêm giấy tờ mà pháp luật hộ tịch không quy định phải nộp.
+ Cũng theo Khoản 3, Điều 3, Thông tư số 15/2015/TT-BTP thì trường hợp pháp luật quy định xuất trình giấy tờ khi đăng ký hộ tịch, người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ xuất trình, đối chiếu với thông tin trong Tờ khai và trả lại cho người xuất trình, không được yêu cầu người đăng ký hộ tịch nộp thêm bản sao giấy tờ đó. Người tiếp nhận có thể chụp 01 bản giấy tờ xuất trình hoặc ghi lại thông tin của giấy tờ xuất trình để lưu hồ sơ.
– Bên cạnh đó, Khoản 2, Điều 2, Thông tư số 15/2015/TT-BTP nêu rõ Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật; phạm vi uỷ quyền có thể gồm toàn bộ công việc theo trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận kết quả đăng ký hộ tịch.
Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người uỷ quyền.
– Theo Nghị quyết 58 của Chính phủ, từ ngày 04/07/2018, cha mẹ đi khai sinh cho con không cần xuất trình giấy chứng nhận kết hôn. Nếu đăng kí khai sinh cho con trong vòng 60 ngày kể từ ngày sinh, cha mẹ sẽ không bị tính phí.
3. Thủ tục đăng ký khai sinh cho con trong những trường hợp khác
– Khoản 3 điều 16 Luật hộ tịch 2014 quy định: Chính phủ quy định chi tiết việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha,mẹ, trẻ em sinh ra do mang thai hộ; việc xác định quê quán của trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ.
– Đăng ký khai sinh cho trẻ sinh ra ở nước ngoài có bố hoặc mẹ là công dân Việt Nam: Trường hợp này, UBND cấp huyện nơi cư trú của trẻ sẽ là nơi thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ.
– Đăng ký khai sinh cho con sinh ra ở Việt Nam có cả bố và mẹ là người nước ngoài: Người đi đăng ký khai sinh phải nộp thêm văn bản thỏa thuận của cha mẹ về việc chọn quốc tịch cho con. Nếu cha mẹ chọn cho con quốc tịch nước ngoài thì phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của đất nước mà cha hoặc mẹ là công dân.
– Điều 14 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP về đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi: Trẻ đăng ký giấy khai sinh tại UBND cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi. Trước đó, UBND cấp xã sẽ niêm yết tại trụ sở trong vòng 7 ngày liên tục, nếu qua thời gian này vẫn không có thông tin về cha hoặc mẹ thì tổ chức/cá nhân đang tạm thời nuôi dưỡng sẽ là người đăng ký khai sinh cho trẻ.
– Đăng ký khai sinh cho trẻ ngoài giá thú: Nếu không xác định được bố của trẻ thì có thể để trống phần thông tin về bố. Trường hợp trẻ có bố nhận nuôi thì UBND sẽ kết hợp giải quyết việc nhận nuôi và đăng ký khai sinh cho con
– Điều 15 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP cũng quy định về đăng ký khai sinh cho trẻ cưa xác định được cha mẹ UBND cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ. . Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.
– Cũng theo Điều 16 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP đăng ký khai sinh cho trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ: Người đăng ký khai sinh cho con phải nộp thêm giấy tờ của cơ sở y tế xác nhận về việc mang thai hộ. Phần kê khai bố mẹ trong giấy khai sinh được xác định theo tên của cặp vợ chồng nhờ mang thai.
Kết luận: Nhà nước đảm bảo quyền được đăng ký khai sinh cho trẻ em; cá nhân, tổ chức làm tròn nghĩa vụ đăng ký khai sinh của mình sẽ góp phần phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Chính vì vậy, cần phải tuân theo những thủ tục luật định khi thực hiện khai sinh cho trẻ dựa trên Luật hộ tịch năm 2014; Bộ luật Dân sự 2105; Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em năm 1959; Luật trẻ em 2016; Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ;Thông tư số 15/2015/TT-BTP ;
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây: Đăng ký khai sinh