Kiểu dáng công nghiệp muốn được bảo hộ bởi quyền sở hữu công nghiệp thì cần được tiến hành thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể về nội dung này theo quy định tại Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019), Nghị định 103/2006/NĐ-CP, Nghị định 119/2010/NĐ-CP, Nghị định 122/2010/NĐ-CP, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, Thông tư 13/2010/TT-BKHCN, Thông tư 18/2011/TT-BKHCN, Thông tư 05/2013/TT-BKHCN, Thông tư 16/2016/TT-BKHCN.
1. Khái niệm
Theo khoản 13 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005: Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.
Theo khoản 4 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005: Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Theo điểm a khoản 3 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ 2005: Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Điều kiện bảo hộ
Điều kiện bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp (Điều 63 Luật sở hữu trí tuệ 2005):
Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Có tính mới;
– Có tính sáng tạo;
– Có khả năng áp dụng công nghiệp
Lưu ý: Những đối tượng thuộc trường hợp quy định tại Điều 64 Luật sở hữu trí tuệ 2005 không được bảo hộ dưới danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp bao gồm:
– Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;
– Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;
– Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.
3. Tác giả và quyền của tác giả kiểu dáng công nghiệp
Theo Điều 122 Luật sở hữu trí tuệ 2005:
– Tác giả kiểu dáng công nghiệp người trực tiếp sáng tạo ra đối tượng sở hữu công nghiệp; trong trường hợp có hai người trở lên cùng nhau trực tiếp sáng tạo ra đối tượng sở hữu công nghiệp thì họ là đồng tác giả.
– Quyền nhân thân của tác giả:
+ Được ghi tên là tác giả trong Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp;
+ Được nêu tên là tác giả trong các tài liệu công bố, giới thiệu về sáng chế.
– Quyền tài sản của tác giả kiểu dáng công nghiệp là quyền nhận thù lao theo quy định tại Điều 135 Luật sở hữu trí tuệ 2005, cụ thể: Chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả theo quy định sau, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
+ Mức thù lao tối thiểu mà chủ sở hữu phải trả cho tác giả:
10% số tiền làm lợi mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;
15% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.
+ Trong trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được nhiều tác giả tạo ra, mức thù lao quy định trên là mức dành cho tất cả các đồng tác giả; các đồng tác giả tự thoả thuận việc phân chia số tiền thù lao do chủ sở hữu chi trả.
+ Nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tồn tại trong suốt thời hạn bảo hộ của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.
Lưu ý: Theo Điều 18 Nghị định 103/2006/NĐ-CP:
– Quyền nhân thân của tác giả được bảo hộ vô thời hạn.
– Quyền nhận thù lao của tác giả được bảo hộ trong suốt thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.
– Nếu giữa chủ sở hữu và tác giả không có thoả thuận khác, việc thanh toán tiền thù lao phải được thực hiện không muộn hơn ba mươi ngày, kể từ ngày chủ sở hữu nhận được tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng hoặc kể từ ngày chủ sở hữu thu được lợi sau mỗi đợt sử dụng kiểu dáng công nghiệp; nếu kiểu dáng công nghiệp được sử dụng liên tục thì mỗi đợt thanh toán không được quá sáu tháng, kể từ ngày kết thúc đợt thanh toán trước.
4. Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
– Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp một Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho nhiều kiểu dáng công nghiệp trong các trường hợp sau đây:
+ Các kiểu dáng công nghiệp của một bộ sản phẩm gồm nhiều sản phẩm thể hiện ý tưởng sáng tạo chung duy nhất, được sử dụng cùng nhau hoặc để thực hiện chung một mục đích;
+ Một kiểu dáng công nghiệp kèm theo một hoặc nhiều phương án là biến thể của kiểu dáng công nghiệp đó, theo ý tưởng sáng tạo chung duy nhất, không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp đó (theo khoản 3 Điều 101 Luật sở hữu trí tuệ 2005).
– Yêu cầu đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp (Điều 103 Luật sở hữu trí tuệ 2005):
+ Tài liệu xác định kiểu dáng công nghiệp cần bảo hộ trong đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp gồm bản mô tả kiểu dáng công nghiệp và bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp. Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp gồm phần mô tả kiểu dáng công nghiệp và phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.
+ Phần mô tả kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
Bộc lộ đầy đủ tất cả các đặc điểm tạo dáng thể hiện bản chất của kiểu dáng công nghiệp và nêu rõ các đặc điểm tạo dáng mới, khác biệt so với kiểu dáng công nghiệp ít khác biệt nhất đã biết, phù hợp với bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ;
Trường hợp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp gồm nhiều phương án thì phần mô tả phải thể hiện đầy đủ các phương án và chỉ rõ các đặc điểm khác biệt giữa phương án cơ bản với các phương án còn lại;
Trường hợp kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn đăng ký là kiểu dáng của bộ sản phẩm thì phần mô tả phải thể hiện đầy đủ kiểu dáng của từng sản phẩm trong bộ sản phẩm đó.
+ Phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp phải nêu rõ các đặc điểm tạo dáng cần được bảo hộ, bao gồm các đặc điểm mới, khác biệt với các kiểu dáng công nghiệp tương tự đã biết.
+ Bản tóm tắt sáng chế phải bộc lộ những nội dung chủ yếu về bản chất của sáng chế.
Lưu ý:
– Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho kiểu dáng công nghiệp trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.
- Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đối tượng của một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo thoả thuận của tất cả những người nộp đơn; nếu không thoả thuận được thì các đối tượng tương ứng của các đơn đó bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ (theo khoản 14 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ 2009).
Kết luận: Thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp thực hiện theo quy định tại Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019), Nghị định 103/2006/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Đăng ký kiểu dáng công nghiệp