ĐĂNG KÝ MẪU CHỨNG CHỈ BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TRƯỚC KHI ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

Posted on

Trong quá trình hoạt động, các cá nhận, tổ chức có thể thực hiện thủ tục đăng ký mẫu chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006, Nghị định 28/2020/NĐ-CP,  Nghị định 38/2020/NĐ-CPThông tư 21/2007/TT-BLĐTBXH, Quyết định 20/2007/QĐ-BLĐTBXH.

1. Một số khái niệm cơ bản

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam, có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động, đi làm việc ở nước ngoài theo quy định (khoản 1 Điều 3 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006)

Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp với người lao động về quyền, nghĩa vụ của các bên trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (khoản 3 Điều 3 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006)

2. Quy định chung

  • Mẫu chứng chỉ

Theo quy định tại Điều 1 Quyết định 20/2007/QĐ-BLĐTBXH, có những quy đinh chung về mẫu chứng chỉ như sau:

Mẫu chứng chỉ được áp dụng thống nhất trong cả nước.

Mẫu chứng chỉ được quy định như sau:

– Kích thước 10,5cm x 15cm;

– Mặt sau là bìa chứng chỉ có nền màu trắng.

– Mặt trước là ruột chứng chỉ có nội dung thống nhất theo Mẫu Chứng chỉ ban hành kèm theo Quyết định này, dòng chữ “CHỨNG CHỈ BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT” màu xanh, các nội dung khác màu đen;

– Biểu tượng của doanh nghiệp, tổ chức (nếu có) được phép in ở góc trên bên trái của chứng chỉ, phía trên tên doanh nghiệp, tổ chức;

– Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết, sau đây gọi là chứng chỉ được in trên loại giấy bìa.

Lưu ý:

Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đăng ký Mẫu chứng chỉ tại Cục Quản lý lao động ngoài nước.

2.2 Nội dung bồi dưỡng kiến thức

Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết, kiểm tra và cấp chứng chỉ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo các nội dung quy định tại Điều 65 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006 bao gồm các nội dung sau:

– Truyền thống, bản sắc văn hoá của dân tộc;

– Những nội dung cơ bản liên quan về pháp luật lao động, hình sự, dân sự, hành chính của Việt Nam và của nước tiếp nhận người lao động;

– Nội dung hợp đồng ký giữa doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài với người lao động;

– Kỷ luật lao động, an toàn và vệ sinh lao động;

– Phong tục tập quán, văn hoá của nước tiếp nhận người lao động;

– Cách thức ứng xử trong lao động và đời sống;

– Sử dụng các phương tiện giao thông đi lại, mua bán, sử dụng các dụng cụ, thiết bị phục vụ sinh hoạt đời sống hằng ngày;

– Những vấn đề cần chủ động phòng ngừa trong thời gian sống và làm việc ở nước ngoài.

2.3 Điều kiện cấp chứng chỉ

Người lao động sau tham gia khóa bồi dưỡng kiến thức phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 3 Quyết định 20/2007/QĐ-BLĐTBXH như sau mới được cấp chứng chỉ:

– Đã tham gia ít nhất 80% thời gian khóa học theo quy định;

– Có bài kiểm tra cuối khóa đạt yêu cầu.

3. Thẩm quyền cấp chứng chỉ

Người đứng đầu các doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài  theo quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006, Điều 2 Quyết định 20/2007/QĐ-BLĐTBXH  có trách nhiệm tổ chức cấp, in và quản lý phôi chứng chỉ.

Lưu ý:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Quyết định 20/2007/QĐ-BLĐTBXH thì chứng chỉ bị thu hồi trong các trường hợp sau:

– Chứng chỉ cấp cho người không đủ điều kiện theo quy định về điều kiện cấp;

– Chứng chỉ do người không có thẩm quyền cấp;

– Chứng chỉ bị tẩy xoá, sửa chữa.

4. Xử phạt hành chính

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 44 Nghị định 28/2020/NĐ-CP thì được quy định về việc phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với doanh nghiệp, tổ chức có hành vi không đăng ký mẫu chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết cấp cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định.

Kết luận: Khi thực hiện đăng ký mẫu chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài cần gửi hồ sơ qua bưu điện hoặc trực tiếp tại trụ sở cơ quan hành chính nhà nước (Cục Quản lý lao động ngoài nước). Đồng thời lưu ý các yêu cầu quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006, Nghị định 28/2020/NĐ-CP, Nghị định 38/2020/NĐ-CP, Thông tư 21/2007/TT-BLĐTBXH, Quyết định 20/2007/QĐ-BLĐTBXH.

Chi tiết trình tư, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây:

Đăng ký mẫu chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài