ĐĂNG KÝ NHẬN CHĂM SÓC THAY THẾ CHO TRẺ EM ĐỐI VỚI CÁ NHÂN, NGƯỜI ĐẠI DIỆN GIA ĐÌNH NHẬN CHĂM SÓC THAY THẾ KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI THÂN THÍCH CỦA TRẺ EM

Posted on

Đăng ký nhận chăm sóc thay thế cho trẻ em đối với cá nhân, người đại diện gia đình nhận chăm sóc thay thế không phải là người thân thích của trẻ em là thủ tục bắt buộc để Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét và quyết định. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật trẻ em 2016, Nghị định 56/2017/NĐ-CP.

1. Một số khái niệm cơ bản

Chăm sóc thay thế là việc tổ chức, gia đình, cá nhân nhận trẻ em về chăm sóc, nuôi dưỡng khi trẻ em không còn cha mẹ; trẻ em không được hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ; trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang nhằm bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em (khoản 3 Điều 4 Luật trẻ em 2016)

Người chăm sóc trẻ em là người đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc trẻ em, bao gồm người giám hộ của trẻ em; người nhận chăm sóc thay thế hoặc người được giao trách nhiệm cùng với cha, mẹ của trẻ em cấp dưỡng, chăm sóc, bảo vệ trẻ em (khoản 4 Điều 4 Luật trẻ em 2016)

2. Các trường hợp trẻ em cần chăm sóc thay thế

Các trường hợp trẻ em cần chăm sóc thay thế bao gồm Điều 62 Luật trẻ em 2016:

– Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em không nơi nương tựa.

– Trẻ em không thể sống cùng cha, mẹ vì sự an toàn của trẻ em; cha, mẹ không có khả năng bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em hoặc chính là người xâm hại trẻ em.

– Trẻ em bị ảnh hưởng của thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang cần được ưu tiên bảo vệ.

– Trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ.

3. Điều kiện chăm sóc thay thế

Theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Luật trẻ em 2016 quy định điều kiện đối với các Cá nhân, gia đình muốn nhận chăm sóc thay thế như sau:

– Cá nhân, người đại diện gia đình là người cư trú tại Việt Nam; có sức khỏe và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có tư cách đạo đức tốt; không bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên; không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính về các hành vi xâm hại trẻ em; không bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác, ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình, dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật, mua, bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em;

Có chỗ ở và Điều kiện kinh tế phù hợp, bảo đảm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em;

Tự nguyện nhận chăm sóc trẻ em; có sự đồng thuận giữa các thành viên trong gia đình về việc nhận chăm sóc trẻ em; các thành viên trong gia đình không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính về các hành vi xâm hại trẻ em;

Người thân thích nhận trẻ em chăm sóc thay thế phải là người thành niên; các trường hợp khác phải hơn trẻ em từ 20 tuổi trở lên.

Lưu ý:

Cá nhân, người đại diện gia đình là người nước ngoài phải cư trú tại Việt Nam ít nhất 06 tháng và còn thời hạn cư trú tại Việt Nam ít nhất 12 tháng vào thời điểm đăng ký. (khoản 3 Điều 39 Nghị định 56/2017/NĐ-CP)

4. Đăng ký và quyết định giao, nhận trẻ em

Cá nhân, gia đình có nguyện vọng và đủ Điều kiện nhận trẻ em về chăm sóc thay thế đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo quy định tại Điều 42 Nghị định 56/2017/NĐ-CP:

– Ủy ban nhân dân cấp xã lập danh sách cá nhân, gia đình đăng ký nhận chăm sóc thay thế có đủ Điều kiện và gửi đến cơ quan lao động – thương binh và xã hội cấp huyện.

– Cơ quan lao động – thương binh và xã hội cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý danh sách, Điều phối việc lựa chọn cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế trên địa bàn khi có trường hợp trẻ em cần chăm sóc thay thế.

– Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, lập, lưu trữ danh sách cá nhân, gia đình có nguyện vọng nhận chăm sóc thay thế; hằng quý cập nhật danh sách gửi cơ quan lao động – thương binh và xã hội cấp huyện để thực hiện trách nhiệm điều phối việc lựa chọn cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế.

– Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã có trách nhiệm lựa chọn hình thức, cá nhân, gia đình chăm sóc thay thế phù hợp với trẻ em; xác minh điều kiện của cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế; cung cấp thông tin về cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế cho trẻ em và lấy ý kiến của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên.

Thứ tự ưu tiên lựa chọn hình thức chăm sóc thay thế:

+ Chăm sóc thay thế bởi cá nhân, gia đình không phải là người thân thích;

+ Chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội.

Thứ tự ưu tiên chọn cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế:

+ Cá nhân, người đại diện gia đình nhận chăm sóc thay thế nơi trẻ em cư trú;

+ Công dân Việt Nam cư trú trong nước;

+ Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế có trách nhiệm ban hành quyết định giao, nhận trẻ em cho cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay; tổ chức việc giao, nhận trẻ em giữa Ủy ban nhân dân cấp xã và cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định. (khoản 7 Điều 42 Nghị định 56/2017/NĐ-CP)

Lưu ý:

Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã có trách nhiệm xác minh điều kiện của cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế. (khoản 1 Điều 42 Nghị định 56/2017/NĐ-CP)

5. Báo cáo quá trình phát triển của trẻ

Cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế sau khi được giao chăm sóc thay thế thì tùy trường hợp phải báo cáo quá trình phát triển của trẻ theo quy định tại Điều 43 Nghị định 56/2017/NĐ-CP như sau:

– Cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của trẻ em được chăm sóc thay thế khi có yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã nơi cư trú.

Sau 01 tháng, 03 tháng kể từ ngày cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã nơi cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế cư trú có trách nhiệm theo dõi, đánh giá điều kiện sống, tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của trẻ em với cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế; định kỳ 06 tháng hoặc khi trẻ em phải chuyển đổi hình thức, chuyển đổi cá nhân, gia đình chăm sóc thay thế báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã.

– Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế có trách nhiệm thông báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em được nhận chăm sóc thay thế cư trú hoặc nơi xảy ra vụ việc xâm hại trẻ em, trẻ em bị bỏ rơi về tình hình của trẻ em được nhận chăm sóc thay thế khi có yêu cầu.

Lưu ý:

Theo quy định tại Điều 69 Luật trẻ em 2016 quy định về các trường hợp chấm dứt việc chăm sóc thay thế như sau:

– Cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế không còn đủ Điều kiện chăm sóc trẻ em;

– Cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế gây tổn hại cho trẻ em được nhận chăm sóc thay thế;

– Cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế đề nghị chấm dứt việc chăm sóc trẻ em;

– Trẻ em đang được chăm sóc thay thế có hành vi cố ý xâm phạm nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cá nhân, thành viên gia đình nhận chăm sóc thay thế;

Trẻ em trở về đoàn tụ gia đình khi gia đình bảo đảm an toàn, có đủ Điều kiện thực hiện quyền của trẻ em.

Kết luận: Cá nhân, tổ chức muốn nhận trẻ em chăm sóc thay thế mà không phải là người thân thích phải tiến hành các thủ tục đăng ký với Uỷ ban nhân dân xã nơi cư trú theo các quy định tại Luật trẻ em 2016, Nghị định 56/2017/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây:

Đăng ký nhận chăm sóc thay thế cho trẻ em đối với cá nhân, người đại diện gia đình nhận chăm sóc thay thế không phải là người thân thích của trẻ em