ĐĂNG KÝ SÁNG CHẾ THEO HIỆP ƯỚC PCT CÓ CHỈ ĐỊNH VIỆT NAM

Posted on

Tổ chức, cá nhân có thể thực hiện quyền đăng ký sáng chế có chỉ định Việt Nam theo theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 20092019), Nghị định 103/2006/NĐ-CP, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, Thông tư 13/2010/TT-BKHCN, Thông tư 18/2011/TT-BKHCN, Thông tư 05/2013/TT-BKHCN, Thông tư 16/2016/TT-BKHCN, Thông tư 263/2016/TT-BTC.

1. Khái niệm

– Theo khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.

– Theo điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định 103/2006/NĐ-CPĐơn PCT được hiểu là Đơn đăng ký sáng chế nộp theo Hiệp ước PCT, bao gồm:

+ Đơn có yêu cầu bảo hộ tại Việt Nam, được nộp tại bất kỳ nước Thành viên nào của Hiệp ước PCT, kể cả Việt Nam (sau đây gọi là Đơn PCT có chỉ định hoặc có chọn Việt Nam);

+ Đơn được nộp tại Việt Nam, trong đó có yêu cầu bảo hộ tại bất kỳ nước thành viên nào của Hiệp ước PCT, kể cả Việt Nam (sau đây gọi là Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam).

2. Nguyên tắc nộp đơn đăng kí sáng chế

2.1. Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên

Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên quy định tại khoản 14 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ:

– Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các sáng chế trùng hoặc tương đương với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho sáng chế  trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.

Lưu ý:

Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký quy định tại khoản 1 Điều này cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đối tượng của một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo thoả thuận của tất cả những người nộp đơn; nếu không thoả thuận được thì các đối tượng tương ứng của các đơn đó bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ (khoản 14 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ).

2.2. Nguyên tắc quyền ưu tiên

Quyền ưu tiên đối với đơn đăng ký sáng chế được áp dụng như sau (Điều 91 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Điều 10 Nghị định 103/2006/NĐ-CP):

2.2.1. Trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế muốn hưởng quyền ưu tiên theo quy định của Công ước Paris

Trong trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế muốn hưởng quyền ưu tiên theo quy định của Công ước Paris, yêu cầu hưởng quyền ưu tiên của người nộp đơn sẽ được chấp nhận nếu đáp ứng các điều kiện sau đây (khoản 1 Điều 10 Nghị định 103/2006/NĐ-CP):
–  Người nộp đơn là công dân Việt Nam hoặc công dân của nước Thành viên của Công ước Paris hoặc cư trú, có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc tại nước Thành viên Công ước đó;
– Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại nước Thành viên của Công ước Paris và đơn đó có chứa phần tương ứng với yêu cầu hưởng quyền ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế;
– Đơn đăng ký được nộp trong thời hạn sau đây kể từ ngày nộp đơn đầu tiên: mười hai tháng đối với đơn đăng ký sáng chế;

– Trong đơn đăng ký sáng chế, người nộp đơn có nêu rõ yêu cầu hưởng quyền ưu tiên và có nộp bản sao đơn đầu tiên nêu tại điểm b khoản này trong trường hợp nộp tại nước ngoài, trong đó có xác nhận của Cơ quan nhận đơn đầu tiên;

–  Nộp đủ lệ phí yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

2.2.2. Trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế muốn hưởng quyền ưu tiên theo điều ước quốc tế khác

Trong trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế muốn hưởng quyền ưu tiên theo điều ước quốc tế khác, yêu cầu hưởng quyền ưu tiên sẽ được chấp nhận nếu đáp ứng các điều kiện về quyền ưu tiên quy định trong điều ước đó (khoản 2 Điều 10 Nghị định 103/2006/NĐ-CP).

3. Đơn quốc tế có chỉ định Việt Nam

Theo quy định tại điểm 27.4 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 25 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN), nếu trong đơn quốc tế có chỉ định Việt Nam thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ là Cơ quan được chỉ định. Trong trường hợp này, để được vào giai đoạn quốc gia, trong thời hạn 31 tháng kể từ ngày nộp đơn quốc tế hoặc kể từ ngày ưu tiên (nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên) người nộp đơn phải nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ:

– 02 Tờ khai đăng ký sáng chế, làm theo Mẫu 01-SC quy định tại Phụ lục A của Thông tư này;

– Bản sao đơn quốc tế (trường hợp người nộp đơn yêu cầu vào giai đoạn quốc gia trước ngày công bố quốc tế);

– 01 Bản dịch ra tiếng Việt của bản mô tả và bản tóm tắt trong đơn quốc tế (bản công bố hoặc bản gốc nộp ban đầu, nếu đơn chưa được công bố và bản sửa đổi và bản giải thích phần sửa đổi, nếu đơn quốc tế có sửa đổi theo Điều 19 của Hiệp ước);

– Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ);

– Giấy ủy quyền (trường hợp đơn nộp qua đại diện). Người nộp đơn có thể nộp giấy ủy quyền với thời hạn quy định tại điểm 27.7.a của Thông tư này và thời hạn bổ sung giấy ủy quyền không tính vào thời hạn thẩm định đơn.

Lưu ý:

Cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp xem xét Đơn PCT có chỉ định Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau đây (khoản 2 Điều 11 Nghị định 103/2006/NĐ-CP):

– Người nộp đơn tiến hành các thủ tục đăng ký sáng chế tại cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp của Việt Nam (Giai đoạn quốc gia) theo quy định của Hiệp ước PCT trong thời hạn ba mươi mốt tháng kể từ ngày nộp đơn quốc tế hoặc kể từ ngày ưu tiên (nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên);

– Nộp phí, lệ phí về sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật.

4. Xử lý đơn quốc tế trong giai đoạn quốc gia

– Theo điểm 27.7 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, việc sửa đổi, bổ sung tài liệu trong giai đoạn quốc gia phải phù hợp với Quy tắc 51bis của Quy chế thi hành Hiệp ước, người nộp đơn phải nộp giấy uỷ quyền, giấy chuyển nhượng quyền nộp đơn trong giai đoạn quốc tế (nếu có) trong thời hạn 34 tháng kể từ ngày ưu tiên.

Phù hợp với Điều 28 và Điều 41 của Hiệp ước và Quy tắc 52.1(b) và 78.1(b) của Quy chế thi hành Hiệp ước, người nộp đơn có thể sửa đổi, bổ sung các tài liệu của đơn trong giai đoạn quốc gia. Ngay tại thời điểm vào giai đoạn quốc gia, người nộp đơn cũng có thể sửa đổi, bổ sung bản mô tả. Việc sửa đổi, bổ sung nói trên phải phù hợp với quy định tại điểm 17 của Thông tư này.

– Thời điểm bắt đầu xử lý đơn quốc tế có chỉ định Việt Nam ở giai đoạn quốc gia kể từ ngày đầu tiên của tháng thứ ba mươi hai kể từ ngày ưu tiên, nếu người nộp đơn không có văn bản yêu cầu vào giai đoạn quốc gia sớm hơn các thời hạn nêu trên.

– Sau khi vào giai đoạn quốc gia, đơn quốc tế được thẩm định hình thức và thẩm định nội dung theo thủ tục quy định đối với đơn đăng ký sáng chế thông thường. Nếu người nộp đơn có văn bản yêu cầu thẩm định đơn trước thời hạn và nộp phí theo quy định, đơn quốc tế sẽ được thẩm định trước thời hạn quy định tại điểm 27.7.b Thông tư này phù hợp với quy định tại Điều 23(2) của Hiệp ước.

Lưu ý: Các tài liệu bổ sung, sửa đổi do người nộp đơn nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ phải được làm bằng tiếng Việt.

Kết luận: Khi đăng ký sáng chế theo Hiệp ước PCT có chỉ định Việt Nam thì cá nhân, tổ chức cần lưu ý các quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 20092019), Nghị định 103/2006/NĐ-CP, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, Thông tư 16/2016/TT-BKHCN.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Đăng ký sáng chế theo Hiệp ước PCT có chỉ định Việt Nam