Đăng ký tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đối với nhà thầu, nhà đầu tư là thủ tục hành chính mà doanh nghiệp cần phải thực hiện để được tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Luật Đấu thầu 2013, Nghị định 63/2014/NĐ-CP, Nghị định 25/2020/NĐ-CP, Nghị định 50/2016/NĐ-CP.
1. Một số khái niệm cơ bản
Đấu thầu qua mạng là đấu thầu được thực hiện thông qua việc sử dụng hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (khoản 13 Điều 4 Luật Đấu thầu 2013)
Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là hệ thống công nghệ thông tin do cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu xây dựng và quản lý nhằm mục đích thống nhất quản lý thông tin về đấu thầu và thực hiện đấu thầu qua mạng (khoản 26 Điều 4 Luật Đấu thầu 2013).
Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia (sau đây gọi là Trung tâm) thuộc Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Tổ chức vận hành Hệ thống theo quy định tại Điều 85 của Luật đấu thầu, cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số sử dụng trên Hệ thống và cung cấp Tổng đài hỗ trợ người dùng để giải đáp, hướng dẫn cho người dùng trong quá trình đăng ký tham gia Hệ thống, cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng (khoản 2 Điều 3 Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT)
2. Trách nhiệm của nhà thầu, nhà đầu tư
Theo quy định tại Điều 21 Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT thì ghi nhận trách nhiệm của nhà thầu, nhà đầu tư như sau:
Nhà thầu, nhà đầu tư phải đăng ký tham gia Hệ thống và được phê duyệt theo quy định trước khi xét duyệt trúng thầu để bảo đảm tư cách hợp lệ. Trường hợp trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, bên mời thầu phát hiện nhà thầu, nhà đầu tư chưa đăng ký tham gia Hệ thống thì bên mời thầu phải yêu cầu nhà thầu, nhà đầu tư hoàn thành việc đăng ký
Cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu trên Hệ thống, bảo đảm tuân thủ các quy định
3. Thời gian trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư
Theo Điều 7 Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định các mốc thời gian trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư cụ thể:
– Thời gian thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư tối đa là 20 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ trình duyệt; thời gian phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư tối đa là 10 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định.
– Thời gian tối thiểu để nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ năng lực, kinh nghiệm và đăng ký thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất là 30 ngày kể từ ngày danh mục dự án được đăng tải.
– Hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được phát hành sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày đầu tiên đăng tải thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc gửi thư mời thầu đến trước thời điểm đóng thầu.
– Thời gian chuẩn bị hồ sơ dự sơ tuyển tối thiểu là 30 ngày, kể từ ngày đầu tiên phát hành hồ sơ mời sơ tuyển cho đến ngày có thời điểm đóng thầu. Nhà đầu tư phải nộp hồ sơ dự sơ tuyển trước thời điểm đóng thầu.
– Thời gian chuẩn bị hồ sơ đề xuất tối thiểu là 30 ngày, kể từ ngày đầu tiên phát hành hồ sơ yêu cầu cho đến ngày có thời điểm đóng thầu. Nhà đầu tư phải nộp hồ sơ đề xuất trước thời điểm đóng thầu.
– Thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu là 60 ngày đối với đấu thầu trong nước hoặc 90 ngày đối với đấu thầu quốc tế, kể từ ngày đầu tiên phát hành hồ sơ mời thầu cho đến ngày có thời điểm đóng thầu. Nhà đầu tư phải nộp hồ sơ dự thầu trước thời điểm đóng thầu.
– Thời gian gửi văn bản (đồng thời theo đường bưu điện và fax, thư điện tử hoặc gửi trực tiếp) sửa đổi hồ sơ mời sơ tuyển đến các nhà đầu tư nhận hồ sơ mời sơ tuyển tối thiểu là 10 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu. Thời gian gửi văn bản sửa đổi hồ sơ mời thầu đến các nhà đầu tư đã nhận hồ sơ mời thầu tối thiểu là 15 ngày đối với đấu thầu trong nước và 25 ngày đối với đấu thầu quốc tế trước ngày có thời điểm đóng thầu; đối với sửa đổi hồ sơ yêu cầu tối thiểu là 10 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu. Trường hợp thời gian gửi văn bản sửa đổi hồ sơ không đáp ứng quy định tại khoản này, bên mời thầu thực hiện gia hạn thời điểm đóng thầu tương ứng bảo đảm quy định về thời gian gửi văn bản sửa đổi hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
– Thời hạn bên mời thầu gửi văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư đến các nhà đầu tư tham dự thầu theo đường bưu điện, fax không muộn hơn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà đầu tư được phê duyệt.
– Trường hợp dự án áp dụng sơ tuyển, người có thẩm quyền, người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển, danh sách ngắn chịu trách nhiệm về tiến độ các hoạt động trong quá trình sơ tuyển.
– Đối với các thời hạn khác trong quá trình đấu thầu, người có thẩm quyền quyết định theo quy định và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng các hoạt động trong lựa chọn nhà đầu tư.
4. Xử lý hành chính
Theo quy định tại Điều 124 Nghị định 63/2014/NĐ-CP thì:
– Bồi thường thiệt hại do vi phạm pháp luật về đấu thầu
– Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại và các quy định khác của pháp luật liên quan.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 23 Nghị định 50/2016/NĐ-CP:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
– Tham gia hoạt động đấu thầu với tư cách cá nhân khi chưa đủ điều kiện quy định;
– Lập hồ sơ sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu không trung thực.
Kết luận: Đăng ký tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đối với nhà thầu, nhà đầu tư là thủ tục hành chính mà các nhà thầu, nhà đầu tư cần phải thực hiện để được tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Trình tự, thủ tục cụ thể sẽ được quy định tại Luật Đấu thầu 2013, Nghị định 63/2014/NĐ-CP, Nghị định 25/2020/NĐ-CP, Nghị định 50/2016/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây:
Đăng ký tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đối với nhà thầu, nhà đầu tư