Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư quy định về y tế trường học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Dự thảo nêu rõ các điều kiện bảo đảm công tác y tế trường học gồm: Cán bộ y tế; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; vệ sinh, môi trường học tập; công trình vệ sinh, thu gom và xử lý chất thải, phế liệu; bảo đảm các điều kiện về an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Trong đó, cán bộ y tế phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên. Căn cứ điều kiện thực tiễn, cơ sở giáo dục nghề nghiệp bố trí số lượng cán bộ y tế phù hợp và đáp ứng quy định về trình độ chuyên môn hoặc ký hợp đồng với Trạm Y tế xã, phường, thị trấn (Trạm Y tế xã) hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ hình thức phòng khám đa khoa trở lên để chăm sóc sức khỏe người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động.
Nhiệm vụ; tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ y tế thực hiện theo quy định tại Điều 10 Mục 3 Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 27/5/2015 của liên Bộ Y tế và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sỹ, bác sỹ y học dự phòng, y sỹ.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, theo dự thảo, phải có phòng thực hiện chuyên môn y tế riêng, bảo đảm diện tích 12m2 trở lên, ở vị trí thuận tiện cho công tác sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động. Căn cứ điều kiện thực tiễn, cơ sở giáo dục nghề nghiệp bố trí phòng thực hiện chuyên môn y tế, hoặc ký hợp đồng với Trạm Y tế xã, hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ.
Phòng thực hiện chuyên môn y tế được trang bị tối thiểu 1 giường khám bệnh và lưu bệnh nhân, bàn làm việc, ghế, tủ đựng dụng cụ, thiết bị làm việc thông thường và một số trang thiết bị, thuốc thiết yếu phục vụ cho công tác sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động.
Đảm bảo các điều kiện an toàn, vệ sinh thực phẩm
Ngoài ra, cần bảo đảm các điều kiện về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Cụ thể, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có bếp ăn nội trú, bán trú phải bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất về an toàn vệ sinh thực phẩm theo khoản 1, khoản 2, khoản 3 Mục VI và yêu cầu vệ sinh đối với hoạt động bảo quản, chế biến thực phẩm theo khoản 5 Mục VI của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 07:2010/BYT) về phòng chống bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Thông tư số 46/2010/TT-BYT ngày 29/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Bếp ăn, nhà ăn, căng tin trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 05/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Người làm việc tại nhà ăn, bếp ăn phải bảo đảm các yêu cầu tối thiểu về sức khỏe theo quy định tại khoản 4 Mục VI ban hành kèm theo Thông tư số 46/2010/TT-BYT ngày 29/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có bếp ăn nội trú, bán trú ký hợp đồng với các cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm để cung cấp thức ăn; căng tin phải bảo đảm yêu cầu tại Điều 4 Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 05/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.
Khuyến khích các bếp ăn nhà ăn, căng tin trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp dán nhãn công bố lượng calo cho thức ăn chế biến, có sẵn tại các nhà ăn nhằm giúp cho người học, người tập nghề nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp kiểm soát được lượng calo nạp vào cơ thể, từ đó có chế độ ăn uống hợp lý.
Theo baochinhphu.vn