Theo các chuyên gia và nhà quản lý, áp lực lạm phát đang khá lớn, tuy nhiên, với các biện pháp điều hành đúng hướng của Chính phủ thì mục tiêu lạm phát dưới 4% là khả thi. Các diễn biến vẫn đang nằm trong kịch bản và trong tầm kiểm soát của công tác quản lý.
Đây là ý kiến các chuyên gia trao đổi tại toạ đàm “Vòng xoáy lạm phát – Kiểm soát chi phí đẩy” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 4/4 tại Hà Nội.
Nhận diện các áp lực
Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I/2022 tăng 1,92% so với năm 2021. Đây là mức tăng cao nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy cao hơn mức tăng 0,29% của năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn mức tăng của các năm từ 2017-2020. CPI quý I/2022 của Việt Nam được kiểm soát tốt trong bối cảnh nhiều quốc gia chịu “bão” giá xăng dầu.
Trong tháng 2, một số đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ có chỉ số giá tăng 7,9%, Anh 6,22%, Đức 5,1%, Ý 5,7%, Trung Quốc và Nhật Bản tăng 0,9%. Trong khi đó các nước ASEAN có chỉ số giá tăng tương đồng với Việt Nam, như Malaysia, Indonesia tăng khoảng 2%, trừ Thái Lan tăng cao hơn ở mức 5,3%.
So sánh cho thấy, quý I/2022, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam tăng 1,9% dù đây là mức cao nhưng vẫn kiểm soát tốt trong “vòng xoáy” giá vừa qua.
Trong quý I, giá xăng dầu tăng tác động làm CPI tăng 1,76%. Ngoài ra, giá gas tăng 21,04%, giá vật liệu nhà cửa tăng 8,08%, giá gạo tăng 1,1% là những nguyên nhân chính làm CPI quý I tăng 1,92%.
Ngược lại, chỉ số CPI giảm ở một số nhóm hàng hoá như thực phẩm giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước làm CPI giảm 0,26%, trong đó giá thịt lợn giảm mạnh. Bên cạnh đó, dịch vụ giao dịch giảm 4,24%, giá thuê nhà ở quý I giảm 15,14% so với cùng kỳ. Những con số này cho thấy, quý I/2022 mức giá tăng nhưng đã được quản lý tốt.
Về CPI thời gian tới, ông Nguyễn Trung Tiến cho rằng Việt Nam đang trở lại trạng thái bình thường mới, học sinh quay lại học tập, sản xuất kinh doanh mở lại sẽ tăng mức tiêu thụ lương thực thực phẩm, nhóm này sẽ tác động lên giá tiêu dùng nhiều vì nhóm hàng ăn chiếm đến 33,36%.
“Đây là nguy cơ tác động đến tăng giá tiêu dùng lớn nhất trong thời gian tới”, ông Nguyễn Trung Tiến nhận định.
Ông Nguyễn Trung Tiến phân tích thêm bên cạnh đó, giá sản xuất hàng hoá chịu áp lực tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng từ quý II, quý III/2021 nhưng giá sản xuất hàng hoá chưa tăng do cầu yếu. Vì vậy, đây cũng là áp lực tăng giá trong những tháng tiếp theo bởi đặc thù nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, gia công vẫn chiếm tỷ trọng lớn khi nguồn cung thế giới đứt gãy nên giá nguyên vật liệu tăng cao.
Diễn biến vẫn nằm trong các kịch bản điều hành
Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Đặng Công Khôi khẳng định công tác quản lý vẫn đang nằm trong kịch bản và trong tầm kiểm soát. Dù vậy, không thể chủ quan mà vẫn cần cập nhật những thông tin kịp thời để phân tích đánh giá. Từ đó, có những dự báo và điều chỉnh linh hoạt các kịch bản điều hành phù hợp để hướng đến mục tiêu kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu Chính phủ, Quốc hội giao.
Tổng cầu cũng đang dần phục hồi và trở lại bình thường trong giai đoạn tới. Đây là điều đáng mừng vì chứng tỏ “sức khỏe” của nền kinh tế đang bắt đầu hồi phục. Các chính sách của Chính phủ về vĩ mô đã phát huy tác dụng tích cực đến nền kinh tế.
Còn chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh “phải kiểm soát được yếu tố lạm phát kỳ vọng”.
Trong thời gian vừa qua theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ ngành đã tăng cường trao đổi, tham gia các diễn đàn để cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời và trung thực nhất, nắm được diễn biến và nguyên nhân, để từ đó sẽ hạn chế được yếu tố lạm phát kỳ vọng. “Bối cảnh các khoản chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh cũng chịu áp lực như vậy. Việc kiểm soát được yếu tố lạm phát kỳ vọng cũng một thành công rất lớn”, ông Lê Xuân Nghĩa nói.
Về mục tiêu bình quân lạm phát 4%, ông Nguyễn Đức Trung, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM phân tích theo các cấu phần.
Với cấu phần tiền tệ, ông Trung cho rằng “không lo lắng lắm”, bởi lẽ với sự điều hành của ngân hàng trung ương thì vấn đề tỉ giá rõ ràng, chống chịu được những cú sốc từ bên ngoài, tiền tệ rất ổn định.
Tuy nhiên, về phần năng lượng, rất khó có thể kiểm soát được do phụ thuộc nhiều vào tình hình quốc tế nên có thể dẫn tới kịch bản không tốt. Khi giá xăng dầu tăng mạnh, lên tới 100 USD/thùng thì lạm phát cũng tăng.
Bên cạnh đó, lương thực, thực phẩm cũng bị ảnh hưởng vì chiếm tỉ trọng lớn trong rổ hàng hoá. Vì vậy đạt mục tiêu 4% là “khó khăn và áp lực cho những người điều hành”.
Ông Nguyễn Đức Trung gợi ý cần cập nhật, điều chỉnh phù hợp mục tiêu 4% để tránh kích hoạt tâm lý kỳ vọng lạm phát.
Ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay trong các kịch bản điều hành, bao giờ cũng sẽ có 3 kịch bản, kịch bản tốt nhất, kịch bản vừa và kịch bản xấu nhất. Chính phủ luôn luôn quan tâm vấn đề này để công tác điều hành giá linh hoạt thận trọng và không chủ quan.
“Trong kịch bản xấu nhất, chúng tôi cũng đã tính đến mức giá xăng dầu bình quân sẽ tăng rất cao, khoảng 40%. Lúc đó yếu tố kiểm soát lạm phát sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên khi có tác động như vậy chúng tôi sẽ phải kịp thời báo cáo để có giải pháp khả thi và có điều chỉnh linh hoạt”, ông Đặng Công Khôi nói.
Nêu giải pháp để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng hiện mới tính tác động của giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu đầu vào, lương thực, thực phẩm và điều này chưa đủ để bao quát vòng xoáy giá đằng sau đó.
“Đặc điểm của lạm phát chi phí đẩy là nếu nó làm cho chi phí tăng lên và sản xuất bị đình trệ thì cung lại giảm. Lúc này vấn đề lại trở thành vừa có lạm phát cao, vừa đình trệ sản xuất”, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa phân tích.
Ở góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng, Vụ Dự báo thống kê, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng nếu kiểm soát được lạm phát thì chúng ta mới có khả năng giảm được lãi suất. Ngược lại, trường hợp không kiểm soát được lạm phát thì khó giảm lãi suất.
Trong 2 năm qua, các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn vì COVID-19. Do đó, các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước là cố gắng đáp ứng vốn cho nền kinh tế, bao gồm cả vấn đề lãi suất (3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành cũng như trần lãi suất cho vay…).
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để chủ động giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Thực tế, trong 2 năm qua, mặt bằng lãi suất cho vay khá thấp. Điều này hỗ trợ rất tích cực cho doanh nghiệp. “Qua theo dõi ,thì chúng tôi thấy rằng đa phần vốn đi vào sản xuất kinh doanh. Như vậy, tín dụng đang tạo điều kiện và hỗ trợ cho nền kinh tế, cũng như khả năng phục hồi của nền kinh tế”, ông Nguyễn Đức Long chia sẻ.
(Nguồn: https://baochinhphu.vn/)