Với 18 – 20 triệu người lao động, làm công ăn lương hàng năm, nguồn thu đoàn phí công đoàn và kinh phí công đoàn khoảng 24.000 tỷ đồng/năm. Với doanh nghiệp lớn con số này có thể lên tới vài chục tỷ đồng mỗi năm. Đây là gánh nặng không nhỏ đối với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19…
Gánh nặng không nhỏ
Theo quy định tại Luật Công đoàn, kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) trích nộp là 2% quỹ tiền lương đơn vị. Người lao động (NLĐ) đóng tiền đoàn phí công đoàn là 1% tiền lương. Mức này cao hơn nhiều so với các tổ chức đoàn thể khác như: Đảng phí (0.5% -1% lương đóng BHXH), đoàn phí đoàn thanh niên (60.000 đồng/người năm), Hội phụ nữ (20.000/năm).
Theo tính toán của các chuyên gia, với mức đóng nộp như hiện nay thì cả nước với 18-20 triệu NLĐ làm công ăn lương thì nguồn thu đoàn phí công đoàn và kinh phí công đoàn là khoảng 24.000 tỷ đồng/năm. Trong khi Đảng phí 0.5%-1% của trên 4 triệu đảng viên (gần 2.000 tỷ đồng/năm).
“Tổ chức bộ máy gần tương đương và công đoàn cơ sở hầu hết do các DN trả lương. Theo nguyên tắc số đông thì Công đoàn phí ít nhất phải thấp hơn Đảng phí 5 lần (tức là nên 0.2% -0.5 % thay vì 3% như hiện nay mới là phù hợp)…” – ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đề xuất
Theo tính toán của VASEP, DN nhỏ và vừa với 2.000 NLĐ phải đóng khoảng 2 tỷ đồng/năm, DN lớn khoảng 21 tỷ đồng/năm. “Số tiền này nhiều hơn cả tiền thuế!” – ông Nam nói. Không chỉ là gánh nặng với DN, theo đại diện VASEP, khoản phí này còn nghịch lý ở chỗ DN càng tạo nhiều công ăn việc làm càng phải nộp phí cao. “Trong bối cảnh khó khăn chung của DN, Nhà nước, Chính phủ đã và đang nỗ lực hỗ trợ tối đa thông qua cải cách thủ tục hành chính (TTHC, cắt giảm thuế, phí, lãi vay cho DN, thì kinh phí công đoàn vẫn đang đè nặng nhiều thập kỷ lên đôi vai DN và NLĐ…” – ông Nam nêu vấn đề.
Phí công đoàn – Thuế hay phí?
Trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), đã dành một đầu mục riêng để kiến nghị miễn đóng kinh phí công đoàn đến hết năm 2021, thay vì hoãn đóng một số tháng như các giải pháp đang được thực thi. “Đây là kiến nghị xuất phát từ mọi hiệp hội và trong nhiều tháng qua. Chính sách này, nếu được ban hành sẽ là biện pháp hỗ trợ rất lớn cho DN, cả về mục tiêu duy trì dòng vốn cũng như tiết giảm thời gian, công sức đối với các quy trình TTHC…” – bản kiến nghị nêu.
Theo báo cáo của Ban IV, qua khảo sát DN diện rộng và trao đổi trực tiếp với các Hiệp hội DN, đến nay, hầu như không DN nào tiếp cận chính sách lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 theo Công văn 245/TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN). Lý do chủ yếu là do các DN không đủ điều kiện “có 50% số lao động đóng BHXH phải nghỉ việc”.
Theo tập hợp ý kiến DN gửi Ban IV, các DN đã chọn cách hoạt động cầm chừng, giãn việc, giảm lương… nên không đủ điều kiện để được lùi đóng phí công đoàn. Chưa kể, để chứng minh thiệt hại cả về người và tài sản, DN phải trải qua rất nhiều TTHC, nhất là với các DN sử dụng nhiều lao động trong ngành dệt may, da giày, vận tải hàng hóa, đường bộ, logistics, hàng không… Đó là lý do Ban IV đề xuất Chính phủ giao Bộ KH&ĐT, Bộ LĐ TB&XH làm việc với TLĐLĐVN để đánh giá tính cấp thiết và ý nghĩa của việc miễn đóng kinh phí công đoàn trong cả năm 2020 đến năm 2021.
“Chính sách cho phép lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn theo Công văn của TLĐLĐVN là chính sách khuyến khích DN sa thải lao động thì đúng hơn!” – TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh. Chuyên gia này cho biết, khi nghiên cứu về quy định này trong Luật Công đoàn, Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã đặt câu hỏi: Khoản kinh phí công đoàn 2% mà Luật Công đoàn quy định có bản chất như một loại thuế, chứ không phải phí?
“Phí công đoàn là khoản 1% công đoàn viên phải nộp, đó là phí. Còn khoản 2% này, với cách thiết kế như hiện nay, theo tôi có bản chất như thuế, bắt buộc phải nộp, bất kể có dùng dịch vụ hay không. Đề nghị Quốc hội xem xét tính hợp lý, phù hợp của quy định này!”- ông Cung phân tích và đề nghị bỏ quy định này ra khỏi Luật Công đoàn.
Chuyên gia này quả quyết, trong bối cảnh DN đang khó khăn như hiện nay, đây là giải pháp thiết thực nhất và phù hợp với nguyện vọng của cộng đồng DN. “Chỉ cần dừng nộp phí công đoàn, DN có ngay dòng tiền mà không cần phải mất thời gian và TTHC để được giãn thuế, giảm thuế hay giảm lãi vay ngân hàng…” – ông Cung nhấn mạnh.
Liên quan đến chương trình cho vay lãi suất 0% đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc quy mô 16.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ, theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước, đơn vị này đã ban hành đầy đủ cơ sở pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện và đã sẵn sàng nguồn vốn 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho NHCSXH vay. Tuy nhiên đến nay chỉ có 1 DN được UBND tỉnh phê duyệt danh sách đủ điều kiện vay vốn, nhưng DN đã tự cân đối nguồn trả lương cho NLĐ. Theo Bộ LĐTB&XH, nguyên nhân DN chưa chủ động lập hồ sơ vay vốn, xác nhận các chế độ hỗ trợ cho NLĐ do e ngại việc chứng minh khó khăn tài chính có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Chính phủ đã khống chế tốt dịch đợt 1, các DN cho lao động nghỉ việc luân phiên, không có lao động ngừng việc liên tục một tháng nên không đủ điều kiện được UBND tỉnh phê duyệt danh sách vay vốn theo quy định.
Doanh nghiệp muốn đóng góp ý kiến vào Luật Công đoàn (sửa đổi)
Ngày 15/9/2020, các Hiệp hội DN gồm: Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam (VEIA), Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA), Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS), Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM), Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) và Hiệp hội các DN Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã có công văn 15092020/CĐDN gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; TLĐLĐVN; Bộ LĐTB&XH; Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đề nghị lấy ý kiến xây dựng Luật Công đoàn sửa đổi từ cộng đồng DN.
Theo đó, các Hiệp hội cho biết dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn dự kiến được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020), thông qua tại kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa XIV vào năm 2021. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các Hiệp hội chưa nhận được bất cứ thông tin nào về Dự thảo hay được đề nghị, yêu cầu tham gia đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi từ Ban soạn thảo, trong khi DN là đối tượng chịu tác động lớn của Luật này. Các Hiệp hội đề nghị các cơ quan, tổ chức,.. chủ trì soạn thảo lấy ý kiến xây dựng Luật Công đoàn sửa đổi từ cộng đồng DN và được nhận Dự thảo Luật để được đóng góp ý kiến, góp phần xây dựng, hoàn thiện luật này.
“Các nước khác trên thế giới (trừ Trung Quốc) không có các quy định thu kinh phí công đoàn như ở Việt Nam mà đều theo nguyên tắc: người sử dụng lao động không chi trả chi phí cho các tổ chức đại diện của NLĐ.
Việc thu phí công đoàn không những là gánh nặng đối với các DN hiện nay mà cũng làm giảm sức cạnh tranh của DN Việt Nam và giảm sức thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các nước đang dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc (cũng có mức kinh phí công đoàn tương đương Việt Nam) sang các nước khác…”.- Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP
“Về nguyên tắc, để xác định thu phí như thế nào, bao nhiêu, cần dựa trên hoạt động, chức năng, nhiệm vụ cụ thể của tổ chức công đoàn. Mức phí này nên quy định ở quy chế hoạt động của các tổ chức đó. Người nào gia nhập thì sẽ nộp phí, chứ không áp đặt mức thu chung cho tất cả, bất kể có tổ chức công đoàn hay không.
Quy định này cũng để chuẩn bị cho việc hình thành tổ chức của NLĐ tại DN tới đây. Tổ chức nào hoạt động tốt, cung cấp nhiều dịch vụ phù hợp với NLĐ, được NLĐ ủng hộ, thì sẽ nhận được sự tham gia đông đảo, sẽ thu được khoản kinh phí lớn để hoạt động. Tôi tin, khi đó sẽ không phải đau đầu đi xin miễn giảm kinh phí công đoàn như hiện tại…”.- TS. Nguyễn Đình Cung, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ
Theo baophapluat.vn