GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI LIÊN QUAN ĐẾN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Posted on

Người có quyền khiếu nại liên quan đến sở hữu công nghiệp có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại liên quan đến sở hữu công nghiệp. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019), Luật Khiếu nại 2011, Nghị định 103/2006/NĐ-CP, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, Thông tư 13/2010/TT-BKHCN, Thông tư 18/2011/TT-BKHCN, Thông tư 05/2013/TT-BKHCN, Thông tư 16/2016/TT-BKHCN, Thông tư 263/2016/TT-BTC.

1. Các khái niệm cơ bản

Theo khoản 1, 11 Điều 1 Luật Khiếu nại 2011:

Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật Khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Giải quyết khiếu nại là việc thụ lý, xác minh, kết luận và ra quyết định giải quyết khiếu nại.

Theo khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005: Quyền sở hữu công nghiệlà quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

2. Người có quyền khiếu nại và đối tượng bị khiếu nại

Căn cứ tại khoản 21 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung Điều 22 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN:

– Người có quyền khiếu nại liên quan đến sở hữu công nghiệp là chủ đơn và tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến các quyết định, thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ mà có căn cứ cho rằng quyết định, thông báo đó là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Các quyết định, thông báo có thể bị khiếu nại là các quyết định, thông báo chính thức của Cục Sở hữu trí tuệ về từng thủ tục trong quá trình xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp theo các quy định tương ứng.

– Đối tượng của quyết định, thông báo bị khiếu nại được đưa ra xem xét là đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp ở tình trạng tại thời điểm ban hành quyết định, thông báo đó.

Lưu ý:

Những nội dung trong đơn khiếu nại không thuộc phạm vi giải quyết khiếu nại và không được chấp nhận trong quá trình giải quyết khiếu nại được quy định như sau:

– Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp là đối tượng của quyết định, thông báo bị khiếu nại;

– Tình tiết mới chưa được người nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp là đối tượng của quyết định, thông báo bị khiếu nại đưa ra trong quá trình thẩm định đơn, mà có thể làm thay đổi quyết định, thông báo bị khiếu nại;

– Tình tiết mới trong đơn khiếu nại mà không thuộc phạm vi trách nhiệm tra cứu, kiểm tra của Cục Sở hữu trí tuệ trong thủ tục thẩm định đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với trường hợp người khiếu nại không phải là người nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp là đối tượng của quyết định, thông báo bị khiếu nại. Trong trường hợp này, người khiếu nại có thể yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định bổ sung tình tiết mới và phải nộp phí thẩm định bổ sung theo quy định.

Các trường hợp nêu trên nếu đáp ứng các điều kiện quy định liên quan đến quyền sửa đổi, bổ sung tài liệu và có yêu cầu, chứng cứ xác đáng chứng minh tình trạng sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình trong phạm vi thời hạn thì có thể được giải quyết theo thủ tục tại các quy định đó.

Quyết định, thông báo bị coi là trái pháp luật trong các trường hợp sau đây:

– Quyết định, thông báo được ban hành trái quy định về thể thức, trình tự, thủ tục hoặc trái thẩm quyền;

– Quyết định, thông báo có nhận định, kết luận không phù hợp với các tình tiết, chứng cứ của vụ việc hoặc áp dụng sai pháp luật;

– Quyết định, thông báo được ban hành căn cứ vào kết quả thẩm định hoặc kết quả giám định trong đó áp dụng sai pháp luật.

3. Thời hiệu thực hiện quyền khiếu nại liên quan đến sở hữu công nghiệp

Căn cứ tại Khoản 4 Điều 14 Nghị định 103/2006/NĐ-CP, quyền khiếu nại chỉ được thực hiện trong thời hiệu sau đây, không kể thời gian có trở ngại khách quan khiến người khiếu nại không thể thực hiện được quyền khiếu nại:

– Thời hiệu khiếu nại lần đầu là chín mươi ngày, kể từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định hoặc thông báo về việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp;

– Thời hiệu khiếu nại lần thứ hai là ba mươi ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu liên quan đến việc cấp, sửa đổi, chấm dứt, huỷ bỏ, gia hạn hiệu lực của Văn bằng bảo hộ (cụ thể là trong thời hạn mười ngày) mà khiếu nại đó không được giải quyết hoặc tính từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

4. Một số lưu ý

– Nội dung khiếu nại phải được thể hiện bằng đơn khiếu nại, trong đó phải nêu rõ họ và tên, địa chỉ của người khiếu nại; số, ngày ký, nội dung thông báo hoặc quyết định bị khiếu nại; nội dung khiếu nại, lập luận, dẫn chứng chứng minh cho khiếu nại; đề nghị cụ thể về việc sửa chữa hoặc hủy bỏ thông báo hoặc quyết định liên quan (khoản 3 Điều 14 Nghị định 103/2006/NĐ-CP).

– Theo điểm 22.5.b Thông tư 01/2007/TT-BKHCN  (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 21 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN), Đơn khiếu nại không được thụ lý giải quyết trong các trường hợp sau:

+ Đối tượng bị khiếu nại không phải là các quyết định hoặc thông báo chính thức quy định tại điểm 22.1.b của Thông tư này;

+ Quyết định, thông báo bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;

+ Việc nộp đơn khiếu nại không theo đúng quy định về đại diện;

+ Đơn khiếu nại không có chữ ký và con dấu (nếu có) hoặc điểm chỉ của người khiếu nại;

+ Đơn khiếu nại nộp ngoài thời hiệu quy định, trừ trường hợp quy định tại điểm 9.4 của Thông tư này;

+ Việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;

+ Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án;

+ Người khiếu nại tiếp tục khiếu nại khi đã hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại theo quy định tại Điều 10 và khoản 8 Điều 11 của Luật Khiếu nại;

+ Đơn khiếu nại không chỉ ra yếu tố trái pháp luật của quyết định, thông báo bị khiếu nại và chỉ có yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn là đối tượng của quyết định, thông báo đó.

– Theo điểm 22.5 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đơn khiếu nại, người giải quyết khiếu nại phải:

+ Ra thông báo từ chối thụ lý giải quyết đơn khiếu nại nếu đơn thuộc một trong các trường hợp Đơn khiếu nại không được thụ lý giải quyết, trong đó nêu rõ lý do từ chối; hoặc

+ Ra thông báo thụ lý giải quyết đơn khiếu nại nếu đơn không thuộc các trường hợp Đơn khiếu nại không được thụ lý giải quyết, trong đó ghi nhận ngày thụ lý đơn và xác định phí tra cứu và/hoặc phí thẩm định phục vụ việc giải quyết khiếu nại tương ứng với nội dung khiếu nại (nếu có) và ấn định thời hạn 01 tháng để người khiếu nại nộp phí.

–  Theo điểm 22.4 Thông tư này, vào bất kỳ thời điểm nào, người khiếu nại có thể gửi văn bản thông báo việc rút đơn khiếu nại. Nếu việc rút đơn khiếu nại được thực hiện theo sự ủy quyền của người nộp đơn thì việc ủy quyền rút đơn khiếu nại phải được nêu rõ trong giấy ủy quyền;

Đơn đã rút bị coi như không được nộp. Người khiếu nại không được hoàn trả đơn khiếu nại và các khoản phí cung cấp dịch vụ để giải quyết khiếu nại đã nộp, trừ trường hợp đơn khiếu nại được rút trước ngày ra thông báo về việc thụ lý hoặc từ chối thụ lý đơn;

Người giải quyết khiếu nại ra quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại trong các trường hợp sau:

+ Người khiếu nại rút đơn khiếu nại;

+ Người giải quyết khiếu nại đã 02 lần thông báo mời đối thoại hoặc yêu cầu làm rõ nội dung khiếu nại mà người khiếu nại không phản hồi.

Kết luận: Việc giải quyết khiếu nại liên quan đến sở hữu công nghiệp cần xem xét các quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019), Luật Khiếu nại 2011, Nghị định 103/2006/NĐ-CP, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, Thông tư 16/2016/TT-BKHCN.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện:

Giải quyết khiếu nại liên quan đến sở hữu công nghiệp