Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp số điều khoản thay đổi không nhiều nhưng hết sức quan trọng…
Ngày 18-12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến về triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (có hiệu lực từ 1-1-2021).
Với điểm cầu trung ương và 63 điểm cầu trên cả nước, hội nghị có sự tham dự của đại diện TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội… cùng nhiều lãnh đạo cơ quan, đơn vị địa phương.
Đáp ứng yêu cầu đấu tranh với tham nhũng
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp bổ sung một điều, bốn khoản và bốn điểm; sửa đổi, bổ sung tám điều, 22 khoản và chín điểm với chín nội dung mới cơ bản.
Những nội dung cơ bản được sửa đổi bổ sung như: Phạm vi của giám định tư pháp; quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp; quy định về trưng cầu giám định tư pháp; thời hạn giám định tư pháp; quyền và nghĩa vụ của người trưng cầu giám định…
Luật cũng cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, UBND cấp tỉnh đối với công tác giám định tư pháp; trách nhiệm của TAND tối cao, VKSND tối cao đối với công tác giám định tư pháp.
Đọc tham luận tại hội nghị, ông Vũ Quốc Thắng, Phó chánh Văn phòng cơ quan điều tra Bộ công an cho hay luật này đã góp phần tháo gỡ cơ bản những khó khăn trong ngành. Việc tháo gỡ này đáp ứng yêu cầu mới trong thực tiễn giám định tư pháp, đặc biệt là yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng.
VKSND Tối cao thì tâm đắc việc luật đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND Tối cao. Theo cơ quan này, tuy là đơn vị cấp phòng nhưng phòng này có vị trí đặc biệt, tách bạch và độc lập so với các đơn vị khác để đảm bảo tính khách quan.
TP.HCM đề nghị cơ chế tốt hơn với giám định viên
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho hay hoạt động giám định tư pháp của thành phố ngày càng được củng cố và nề nếp.
“Dù thành phố có nhiều cố gắng trong bổ sung người làm giám định tư pháp nhưng số lượng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Một trong nhiều lý do là công việc của họ đặc thù, trách nhiệm pháp lý cao mà chế độ đãi ngộ chưa tương xứng” – bà Hạnh nói.
Từ đó, bà Hạnh kiến nghị Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ở Trung ương kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế ưu đãi đối với cá nhân, tổ chức khoa học công nghệ (theo Nghị định 54/2016) cho cá nhân, tổ chức giám định tư pháp. Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm ban hành đầy đủ các quy chuẩn chuyên môn thực hiện giám định trong các lĩnh vực…
Bộ Tư pháp sẽ tháo gỡ những vướng mắc
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ tư pháp Phan Chí Hiếu nhận xét công tác giám định tư pháp còn nhiều điều cần tháo gỡ nên nhận được nhiều sự quan tâm.
Thứ trưởng cho rằng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp số điều khoản thay đổi không nhiều nhưng hết sức quan trọng, nhất là đối với công tác thi hành Luật Phòng chống tham nhũng.
Ông đề nghị mọi người nghiên cứu sâu để nắm bắt toàn diện tinh thần, nội dung của những điểm mới.
Ông cho rằng các cơ quan trung ương cần hết sức phối hợp với địa phương trong công tác giám định. Nếu có khó khăn thì phải kịp thời báo về Bộ Tư pháp.
Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan thực hiện tốt, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành luật. Từ đó tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn cho công tác giám định và công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay.
Theo báp plo.vn.