GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC TÔN ĐỨC THẮNG BỊ TÌNH NGHI VU KHỐNG

Posted on

Tiến sĩ Phạm Đình Quý, 39 tuổi, giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng, bị cảnh sát đưa từ Sài Gòn ra Đăk Lăk vì bị cho “liên quan vụ án Vu khống”.

Ngoài ông Quý, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đăk Lăk cũng mời ông Hoàng Minh Tuấn (40 tuổi, ngụ huyện Cư Kuin) lên làm việc, do liên quan đến vụ án Vu khống khởi tố hôm 19/9 theo Điều 156 BLHS 2015, trung tá Hoàng Thành Trung (Trưởng phòng Tham mưu) cho biết chiều 29/9.

“Quá trình làm việc với hai ông này, cơ quan điều tra đã thực hiện đúng quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự”, người phát ngôn Công an tỉnh Đăk Lăk nói, từ chối cung cấp thông tin việc vu khống liên quan đến cá nhân, tổ chức nào vì “đang trong quá trình điều tra”.

Ông Phạm Đình Quý quê Bình Thuận, là tiến sĩ Huấn luyện thể dục thể thao, từng là vận động viên tuyển quốc gia, kiện tướng quốc gia môn võ cổ truyền. Còn ông Hoàng Minh Tuấn là học trò của ông Quý, cũng là võ sư. Từ tháng 4/2019, ông Quý chuyển sang công tác tại khoa Khoa học Thể thao, Đại học Tôn Đức Thắng.

Trong đơn kêu cứu gửi đến Công an TP HCM, Công an tỉnh Đăk Lăk cùng một số cơ quan ban ngành, anh ruột ông Quý là Phạm Đình Phú (ngụ Bình Thuận) cho biết vợ chồng em mình bị Công an Đăk Lăk khống chế khi đang đi ăn ở đường D1 (quận 7, TP HCM – gần Đại học Tôn Đức Thắng) lúc 18h ngày 23/9. Vợ chồng ông Quý được đưa đến Công an TP HCM ở quận 1. Đến sáng 24/9, vợ ông Quý được cho về.

“Hiện gia đình tôi vẫn chưa nhận được thông báo chính thức nào từ Công an Đăk Lăk về việc mời, tạm giữ em trai tôi để làm việc”, ông Phú trình bày.

Tương tự, đại diện Đại học Tôn Đức Thắng cho biết, đến chiều 29/9 trường chưa nhận được thông báo từ phía Công an tỉnh Đăk Lăk liên quan đến ông Phạm Đình Quý. “Chúng tôi sẽ gửi văn bản đến cơ quan này để được cung cấp chính thức thông tin, từ đó có phương án bố trí nhân sự giảng dạy”, đại diện trường nói.

Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP HCM), trường hợp ông Quý bị Công an tỉnh Đăk Lăk “mời” là thực hiện việc bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp, theo khoản 1 Điều 110 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) 2015. “Tuy nhiên, ông Quý nếu liên quan đến vụ án Vu khống, nếu xác định có hành vi này, hình phạt cao nhất là 7 năm, cơ quan điều tra không cần thiết phải áp dụng biện pháp tố tụng mạnh như vậy”, luật sư nêu quan điểm.

Còn theo quy định tại Điều 118 BLTTHS 2015 về thời hạn tạm giữ, không quá 3 ngày kể từ khi cơ quan điều tra nhận người bị giữ, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn thêm 2 lần trong trường hợp cần thiết và trường hợp đặc biệt, mỗi lần không quá 3 ngày.

Như vậy, cơ quan điều tra có thể gia hạn thời hạn tạm giữ 2 lần, và thời hạn tạm giữ tối đa đối với ông Quý là không quá 9 ngày. Sau ngày này, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can, cơ quan điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ, theo quy định tại khoản 3 Điều 118 BLTTHS 2015.

Còn nếu có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan này sẽ ra quyết định khởi tố bị can, đề nghị VKS cùng cấp phê chuẩn. Trường hợp ông Quý bị khởi tố bị can thì có thể bị tạm giam, nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 119 BLTTHS 2015, hoặc có thể được tại ngoại bằng các biện pháp ngăn chặn khác.

Theo vnexpress.net