Gửi thỏa ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp là thủ tục hành chính mà người sử dụng lao động cần thực hiện khi ký kết thỏa ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp. Việc thực hiện thủ tục này được thể hiện theo Bộ Luật lao động, Nghị định 05/2015/NĐ-CP và Thông tư 29/2015/TT-BLĐTBXH. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể những nội dung như sau:
1.Thỏa ước lao động tập thể:
a) Khái niệm:
Căn cứ Điều 73 Bộ luật lao động, thỏa ước lao động tập thể là:
– Định nghĩa: là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể.
– Nội dung thoả ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.
— Phân loại: Thỏa ước lao động tập thể gồm thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành và hình thức thỏa ước lao động tập thể khác do Chính phủ quy định.
b) ký kết thỏa ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp:
Căn cứ Điều 74, Điều 83 Bộ luật lao động và Điều 18 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, việc ký kết thỏa ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp được quy định như sau:
– Thỏa ước lao động tập thể được ký kết giữa đại diện tập thể lao động là đại diện tập thể lao động tại cơ sở với người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động. Cụ thể:
+ Bên tập thể lao động là Chủ tịch công đoàn cơ sở hoặc Chủ tịch công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở;
+ Bên người sử dụng lao động là người đại diện theo pháp luật quy định tại điều lệ của doanh nghiệp, hợp tác xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
Lưu ý: Trường hợp người ký kết thỏa ước lao động tập thể quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định 05/2015/NĐ-CP không trực tiếp ký kết thỏa ước lao động tập thể thì ủy quyền hợp pháp bằng văn bản cho người khác ký kết thỏa ước lao động tập thể. Người được ủy quyền không được tiếp tục ủy quyền cho người khác ký kết thỏa ước lao động tập thể.
– Thỏa ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp chỉ được ký kết khi:
+ Các bên đã đạt được thỏa thuận tại phiên họp thương lượng tập thể và:
+ Có trên 50% số người của tập thể lao động biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạt được trong trường hợp ký thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp;
Lưu ý:
-Theo khoản 3 Điều 74 Bộ luật lao động quy định, khi thoả ước lao động tập thể được ký kết, người sử dụng lao động phải công bố cho mọi người lao động của mình biết.
-Theo khoản 2 Điều 83 Bộ luật lao động: Thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp phải làm thành 05 bản, trong đó:
+ Mỗi bên ký kết giữ 01 bản;
+ 01 bản gửi cơ quan nhà nước theo quy định tại Điều 75 của Bộ luật lao động 2012;
+ 01 bản gửi công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở
+ 01 bản gửi tổ chức đại diện người sử dụng lao động mà người sử dụng lao động là thành viên.
c) Sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp:
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 77 Bộ luật lao động:
– Các bên có quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung thoả ước lao động tập thể trong thời hạn sau đây:
+ Sau 03 tháng thực hiện đối với thoả ước lao động tập thể có thời hạn dưới 01 năm;
+ Sau 06 tháng thực hiện đối với thoả ước lao động tập thể có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm.
– Trong trường hợp quy định của pháp luật thay đổi mà dẫn đến thỏa ước lao động tập thể không còn phù hợp với quy định của pháp luật, thì hai bên phải tiến hành sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể trong vòng 15 ngày, kể từ ngày quy định của pháp luật có hiệu lực.
Lưu ý: Trong thời gian tiến hành sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp thì quyền lợi của người lao động được thực hiện theo quy định của pháp luật.
-Theo khoản 3 Điều 77 Bộ luật lao động quy định, việc sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp được tiến hành như việc ký kết thoả ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp.
2. Ngày có hiệu lực,thời hạn của thỏa ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp và thỏa ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp vô hiệu:
a) Ngày có hiệu lực của thoả ước lao động tập thể:
Căn cứ Điều 76 Bộ luật lao động quy định, ngày có hiệu lực của thoả ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp được ghi trong thoả ước. Trường hợp thoả ước lao động tập thể không ghi ngày có hiệu lực thì có hiệu lực thì có hiệu lực kể từ ngày các bên ký kết.
b) Thời hạn thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp:
Theo quy định tại Điều 85 Bộ luật lao động, thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm.
Lưu ý:
– Đối với doanh nghiệp lần đầu tiên ký kết thoả ước lao động tập thể, thì có thể ký kết với thời hạn dưới 01 năm.
– Trường hợp thoả ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp hết hạn:
+Theo quy định tại Điều 81 Bộ luật lao động, trong thời hạn 03 tháng trước ngày thoả ước lao động tập thể hết hạn, hai bên có thể thương lượng để kéo dài thời hạn của thoả ước lao động tập thể hoặc ký kết thoả ước lao động tập thể mới.
+ Khi thoả ước lao động tập thể hết hạn mà hai bên vẫn tiếp tục thương lượng, thì thoả ước lao động tập thể cũ vẫn được tiếp tục thực hiện trong thời gian không quá 60 ngày.
c)Thỏa ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp vô hiệu:
Theo Điều 78 Bộ luật lao động quy định:
– Thoả ước lao động tập thể vô hiệu từng phần khi một hoặc một số nội dung trong thoả ước trái pháp luật.
– Thoả ước lao động tập thể vô hiệu toàn bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Có toàn bộ nội dung trái pháp luật;
+ Người ký kết không đúng thẩm quyền;
+ Việc ký kết không đúng quy trình thương lượng tập thể.
Lưu ý: Theo Điều 20 Nghị định 05/2015/NĐ-CP: Khi thanh tra hoặc giải quyết khiếu hại, tố cáo về lao động, nếu phát hiện thỏa ước lao động tập thể có một trong các trường hợp quy định tại Điều 78 của Bộ luật Lao động, Trưởng đoàn, thanh tra hoặc thanh tra viên lao động độc lập hoặc người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành lập biên bản về thỏa ước lao động tập thể vô hiệu, đồng thời có văn bản yêu cầu Tòa án nhân dân tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu.
– Theo quy định tại Điều 79 Bộ luật lao động, Tòa án nhân dân là cơ quan có thẩm quyền tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu.
– Căn cứ Điều 80 Bộ luật lao động quy định về việc xử lý thoả ước lao động tập thể vô hiệu: Khi thoả ước lao động tập thể bị tuyên bố vô hiệu thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên ghi trong thoả ước tương ứng với toàn bộ hoặc phần bị tuyên bố vô hiệu được giải quyết theo quy định của pháp luật và các thoả thuận hợp pháp trong hợp đồng lao động.
Lưu ý: Quy định tại Điều 86 Bộ luật lao động: Thực hiện thoả ước lao động tập thể trong trường hợp chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý, quyền sử dụng doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp:
– Trong trường hợp chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý, quyền sử dụng doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp thì người sử dụng lao động kế tiếp và đại diện tập thể lao động căn cứ vào phương án sử dụng lao động để xem xét lựa chọn việc tiếp tục thực hiện, sửa đổi, bổ sung thoả ước lao động tập thể cũ hoặc thương lượng để ký thoả ước lao động tập thể mới.
– Trong trường hợp thoả ước lao động tập thể hết hiệu lực do người sử dụng lao động chấm dứt hoạt động thì quyền lợi của người lao động được giải quyết theo quy định của pháp luật về lao động.
3. Gửi thỏa ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước:
a) Đối với người sử dụng lao động:
Căn cứ khoản 1 Điều 75 Bộ luật lao động quy định:
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký kết, người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động phải gửi một bản thỏa ước lao động tập thể đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.
b) Đối với cơ quan có thẩm quyền:
Theo Điều 19 Nghị định 05/2015/NĐ-CP và Điều 5 Thông tư 29/2015/TT-BLĐTBXH quy định:
–Tiếp nhật thỏa ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp do người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động gửi đến.
– Lập sổ quản lý thỏa ước lao động tập thể theo mẫu được quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 29/2015/TT-BLĐTBXH.
– Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thỏa ước lao động tập thể, cơ quan quản lý nhà nước về lao động có trách nhiệm rà soát nội dung của thỏa ước lao động tập thể, nếu phát hiện có nội dung trái pháp luật hoặc ký kết không đúng thẩm quyền thì thực hiện như sau:
+ Đối với thỏa ước lao động tập thể chưa có hiệu lực thi hành: cơ quan quản lý nhà nước về lao động có văn bản gửi cho các bên ký kết thỏa ước lao động tập thể yêu cầu tiến hành thương lượng sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể và gửi bản thỏa ước lao động tập thể đã được các bên thương lượng, sửa đổi, bổ sung đến cơ quan quản lý nhà nước theo quy định;
+ Đối với thỏa ước lao động tập thể đã có hiệu lực thi hành: cơ quan quản lý nhà nước về lao động có văn bản yêu cầu Tòa án nhân dân tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu, đồng thời gửi cho hai bên ký kết thỏa ước lao động tập thể biết.
Lưu ý: Theo quy định tại Điều 82 Bộ luật lao động: Mọi chi phí cho việc thương lượng, ký kết, sửa đổi, bổ sung, gửi và công bố thoả ước lao động tập thể do người sử dụng lao động chi trả.
4. Xử phạt hành chính
Theo điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 95/2013/NĐ-CP nếu doanh nghiệp không gửi thỏa ước lao động đến cơ quan nhà nước sẽ bị xử phạt như sau:
“Điều 12. Vi phạm quy định về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không gửi thỏa ước lao động tập thể đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh;”
Kết luận: Gửi thỏa ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp là thủ tục hành chính mà người sử dụng lao động cần thực hiện khi ký kết thỏa ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp. Khi thực hiện, người sử dụng lao động cần xem quy định tại Bộ Luật lao động, Nghị định 05/2015/NĐ-CP và Thông tư 29/2015/TT-BLĐTBXH.