KHI NÀO “KHAI TỬ” HÓA ĐƠN GIẤY?

Trong khi nhiều doanh nghiệp cho biết đang rất “hoang mang” do cơ quan thuế mỗi địa phương hướng dẫn mỗi kiểu, đến nay Tổng cục Thuế vẫn chưa thông báo chính thức về thời hạn “khai tử” hóa đơn giấy để chuyển sang hóa đơn điện tử.

Việc “khai tử” hóa đơn giấy để chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) từ ngày 1-11-2020, theo quy định của nghị định 119 (năm 2018), hay từ ngày 1-7-2022, theo quy định của Luật quản lý thuế mới, là thắc mắc cũng là lo lắng của nhiều doanh nghiệp (DN), bởi thời hạn quy định tại nghị định 119 đang cận kề.

Trả lời các DN, cơ quan thuế nhiều địa phương hướng dẫn “nước đôi” rằng thời hạn loại bỏ hóa đơn giấy là từ ngày 1-11-2020, đồng thời yêu cầu DN… chờ nghị định hướng dẫn thực hiện Luật quản lý thuế mới, trong đó quy định thời hạn “khai tử” hóa đơn giấy là từ ngày 1-7-2022!

Doanh nghiệp lo không trở tay kịp

Chị Hà Thị Minh – chủ hộ kinh doanh quần áo trên đường Đội Cấn, Hà Nội – cho biết chưa nhận được hướng dẫn về HĐĐT, trong khi có thông tin là từ ngày 1-11 năm nay sẽ “khai tử” hóa đơn giấy và người bán hàng phải xuất HĐĐT.

“Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là đến hạn mà tui không biết ứng dụng HĐĐT như thế nào, bởi nghe bảo hình thức này khác hoàn toàn với việc mua và sử dụng hóa đơn giấy như lâu nay” – chị Minh băn khoăn.

Tương tự, một chủ cửa hàng bán vật liệu xây dựng trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) cũng lo lắng rằng nếu hóa đơn giấy bị “khai tử” từ ngày 1-11, cửa hàng không thể xuất hóa đơn giấy trong khi chưa biết việc sử dụng HĐĐT như thế nào. Trong khi đó, nếu không có hóa đơn để xuất cho khách hàng, chắc chắn sẽ có khách hàng từ chối mua hàng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn K. – giám đốc Công ty TNHH TNV Vina (Hà Nội) – cho biết đơn vị này đã sử dụng HĐĐT nhiều năm nay và thấy rất thuận tiện, tiết kiệm được nhiều chi phí, in ấn, lưu giữ, vận chuyển so với hóa đơn giấy.

Chẳng hạn, chỉ cần gửi qua email, khách hàng có thể nhận được ngay sau 1-3 giây. Trong khi đó, chưa kể thời gian và chi phí khi sử dụng hóa đơn giấy, DN rất lo ngại chuyện hóa đơn bị thất lạc.

Tuy nhiên, theo ông K., việc nhận và xuất HĐĐT đồng loạt từ ngày 1-11 với tất cả hoạt động kinh doanh bán hàng sẽ khó đảm bảo sự thông suốt, nhất là khi nhiều DN vẫn đang rất lúng túng, chưa kể hệ thống của ngành thuế khó đảm bảo không xảy ra nghẽn mạng để xác thực kịp thời khi tiếp nhận hóa đơn gửi lên.

Trong khi đó, ông T.H.P. – kế toán một công ty dệt nước ngoài tại TP.HCM – cho biết số hóa đơn giấy đã được đơn vị này in sẵn dự kiến dùng đến giữa năm 2021 mới hết.

Sau khi nghe thông tin về việc sắp “khai tử” hóa đơn giấy, DN này cũng tìm hiểu để chuyển sang dùng HĐĐT và được cảnh báo là hệ thống bị trục trặc, ảnh hưởng đến việc kinh doanh. “Nhiều DN cho biết việc sử dụng HĐĐT cũng gặp không ít phiền phức, nhất là nguy cơ nghẽn mạng, hoạt động của DN sẽ bị đình trệ” – ông T.H.P. lo lắng.

Theo nhiều chuyên gia, việc sử dụng HĐĐT mang lại nhiều lợi ích cho các DN như tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm an toàn và bảo mật hơn.

Tuy nhiên, việc sử dụng thống nhất HĐĐT đòi hỏi hệ thống phải thông suốt, tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các DN. Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Được – tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín – cho rằng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cần sớm có văn bản hướng dẫn rõ ràng để DN yên tâm.

Mỗi nơi hướng dẫn mỗi kiểu

Nhưng điều khiến các DN “rối” nhất hiện nay là thời hạn “khai tử” hóa đơn giấy, bởi thông tin chưa thống nhất. Nhiều DN đã gửi văn bản đến cơ quan thuế để tìm hiểu nhưng mỗi nơi cơ quan thuế hướng dẫn mỗi kiểu khiến DN hết sức hoang mang. Trong khi đó, Tổng cục Thuế lại chưa có văn bản nào khẳng định rõ ràng thời hạn áp dụng để DN yên tâm.

Chẳng hạn, trong văn bản trả lời cho chi nhánh một ngân hàng nước ngoài, Tổng cục Thuế cho rằng từ ngày 1-11-2020 sẽ “khai tử” hóa đơn giấy và áp dụng HĐĐT căn cứ theo nghị định 119thông tư số 68.

Tuy nhiên, cũng trong văn bản này, Tổng cục Thuế cho biết để triển khai Luật quản lý thuế mới, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế nghị định 119 quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử.

Trong khi đó, tại văn bản trả lời cho một DN ở TP.HCM về thời điểm bắt buộc dùng HĐĐT, Cục Thuế TP.HCM cho biết thời điểm áp dụng là ngày 1-7-2022, đồng thời dẫn quy định tại thông tư 68 hướng dẫn nghị định 119 (sắp bị thay thế) rằng đến ngày 31-10-2020, khi các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng, cơ quan thuế sẽ thông báo cho DN chuyển đổi sang HĐĐT theo quy định tại nghị định 119.

Ngày 9-10 vừa qua, trong văn bản hướng dẫn về hóa đơn cho Công ty TNHH thực phẩm PEPSICO VN, Cục Thuế tỉnh Bình Dương cho biết từ sau ngày 1-11, các DN phải thực hiện chuyển đổi sang HĐĐT và hủy những hóa đơn giấy còn tồn (nếu có).

Thông tin này khiến nhiều DN khá hoang mang, do chưa nhận được hướng dẫn chính thức và cụ thể của Bộ Tài chính hoặc Tổng cục Thuế. “Nếu hủy hóa đơn giấy nhưng sau đó cơ quan thuế vẫn chưa “khai tử” loại hóa đơn này, ai sẽ đền cho DN?” – chủ một DN lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Thức – phó tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán Đông Nam Á – cũng cho rằng lẽ ra Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính phải có văn bản khẳng định rõ ràng thời hạn buộc phải áp dụng HĐĐT thay vì để DN hoang mang khi các cơ quan thuế địa phương chỉ trả lời chung chung về lộ trình, rồi mỗi nơi hướng dẫn mỗi kiểu.

“Chưa kể nhiều đơn vị kinh doanh, các trang mạng lợi dụng tình trạng thiếu rõ ràng hiện nay để suy diễn, thậm chí lắp ghép các thông tin hướng dẫn theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, khiến cho DN hoang mang, tưởng rằng từ ngày 1-11 tới sẽ buộc phải khai tử hóa đơn giấy để chuyển sang HĐĐT” – ông Thức nói.

Chưa “khai tử” hóa đơn giấy?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Tổng cục Thuế cho biết Chính phủ sẽ sớm ban hành nghị định hướng dẫn Luật quản lý thuế sửa đổi, thay thế nghị định 119 về HĐĐT. Theo đó, thời gian áp dụng HĐĐT sẽ được thực hiện từ ngày 1-7-2022 như quy định tại Luật quản lý thuế sửa đổi.

Do đó, theo vị này, người kinh doanh yên tâm bởi không có chuyện “khai tử” hóa đơn giấy từ ngày 1-11-2020. Riêng việc sử dụng HĐĐT đối với các hộ và cá nhân kinh doanh, Tổng cục Thuế cũng cho biết đang nghiên cứu để có những giải pháp phù hợp với quy mô và điều kiện của đối tượng này. Nguyên tắc là phương thức sử dụng HĐĐT thật sự thuận tiện và dễ dàng.

Thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết tính đến hết tháng 8-2020, cả nước có khoảng 300.000 DN đã sử dụng HĐĐT, chưa kể hơn 300 DN đã phát hành HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế.

Luật sư Trần Xoa (giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang):

Phải áp dụng theo Luật quản lý thuế mới

Về nguyên tắc, phải áp dụng văn bản có tính chất pháp lý cao hơn, đó là Luật quản lý thuế mới và khi có nghị định hướng dẫn Luật quản lý thuế mới, đương nhiên nghị định 119 hết hiệu lực.

Nhưng đến nay, nghị định hướng dẫn Luật quản lý thuế mới vẫn chưa ban hành, nên việc “khai tử” hóa đơn giấy chưa thể thực hiện từ ngày 1-11-2020 như lo lắng của nhiều DN.

Trong khi đó, nếu đọc trên các trang thông tin chính thức về thuế thời gian gần đây, sẽ dễ dàng bắt gặp các thông tin như cục thuế địa phương này, thành phố kia đặt mục tiêu phấn đấu 100% DN trên địa bàn sử dụng HĐĐT…

Điều này đã gây áp lực lên các DN. Tại một số khóa đào tạo về thuế do tôi đứng lớp, kế toán và nhiều DN cho biết đã bị “ép” sử dụng HĐĐT dù chưa đến hạn và nhiều DN còn tồn nhiều hóa đơn tự in.

Theo tuoitre.vn

Liên quan