Hiện nay, một số cá nhân lấy tên của con người đặt cho vật nuôi. Vậy hành vi này có vi phạm pháp luật?
Pháp luật Việt Nam không có bất kỳ quy định nào nghiêm cấm việc lấy tên của con người đặt cho vật nuôi.
Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2015 ghi nhận quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín như sau:
– Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
– Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
– Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
– Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.
– Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Như vậy, nếu việc lấy tên người đặt cho vật nuôi nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác có thể bị xử lý.
Cần lưu ý: Thẩm quyền xác định có hay không hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín thuộc về cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Nếu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín thì có thể bị xử phạt như sau:
– Về hành chính: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác;
+ Tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
(khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
– Về hình sự: Người có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật Hình sự) với mức hình phạt cao nhất là 02 năm tù.
– Trách nhiệm bồi thường thiệt hại: người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bao gồm:
– Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
– Thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài ra còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.