Việc Miễn nhiệm giám định viên tư pháp cần phải được tiến hành theo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật giám định tư pháp 2012, Nghị định 85/2013/NĐ-CP, Thông tư 35/2014/TT-BKHCN, như sau:
1. Một số khái niệm cơ bản
Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này (khoản 1 Điều 2 Luật giám định tư pháp 2012).
Giám định viên tư pháp là người đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật giám định tư pháp 2012, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm để thực hiện giám định tư pháp (khoản 6 Điều 2 Luật giám định tư pháp 2012).
Miễn nhiệm là việc cán bộ, công chức được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm (khoản 6 Điều 7 Luật cán bộ, công chức 2008).
2. Các trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp(khoản 6 Điều 1 Luật giám định tư pháp sửa đổi 2020)
2.1. Không còn đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật giám định tư pháp 2012, cụ thể như sau:
– Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt;
– Có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên.
– Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự đã trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn từ đủ 03 năm trở lên.
– Đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự phải có chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định.
2.2. Thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật giám định tư pháp 2012, cụ thể:
– Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
– Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.
– Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
– Bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên hoặc bị xử phạt hành chính do cố ý vi phạm quy định của pháp luật về giám định tư pháp.
2.3. Thực hiện một trong các hành vi quy định tại Điều 6 Luật giám định tư pháp 2012, cụ thể:
– Từ chối đưa ra kết luận giám định tư pháp mà không có lý do chính đáng.
– Cố ý đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật.
– Cố ý kéo dài thời gian thực hiện giám định tư pháp.
– Lợi dụng việc thực hiện giám định tư pháp để trục lợi.
– Tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết được khi tiến hành giám định tư pháp.
– Xúi giục, ép buộc người giám định tư pháp đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật.
– Can thiệp, cản trở việc thực hiện giám định của người giám định tư pháp.
2.4. Có quyết định nghỉ hưu hoặc quyết định thôi việc, trừ trường hợp có văn bản thể hiện nguyện vọng tiếp tục tham gia hoạt động giám định tư pháp và cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp có nhu cầu sử dụng phù hợp với quy định của pháp luật;
2.5. Chuyển đổi vị trí công tác hoặc chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không còn điều kiện phù hợp để tiếp tục thực hiện giám định tư pháp;
2.6. Theo đề nghị của giám định viên tư pháp. Trường hợp giám định viên tư pháp là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì phải được sự chấp thuận của cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp;
2.7. Giám định viên tư pháp được bổ nhiệm để thành lập Văn phòng giám định tư pháp nhưng sau thời hạn 01 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm không thành lập Văn phòng hoặc sau thời hạn 01 năm, kể từ ngày có quyết định cho phép thành lập Văn phòng mà không đăng ký hoạt động.
3. Thẩm quyền miễn nhiệm giám định viên tư pháp
Thẩm quyền miễn nhiệm gáim định viên tư pháp quy định tại khoản 6 Điều 1 Luật giám định tư pháp sửa đổi 2020
– Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế miễn nhiệm giám định viên pháp y thuộc thẩm quyền quản lý.
– Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an miễn nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự thuộc thẩm quyền quản lý.
– Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ miễn nhiệm giám định viên tư pháp hoạt động tại các cơ quan ở trung ương ở lĩnh vực giám định thuộc thẩm quyền quản lý theo đề nghị của Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được giao quản lý hoạt động giám định tư pháp.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh miễn nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp sau khi thống nhất ý kiến với Giám đốc Sở Tư pháp.
Kết luận: Miễn nhiệm giám định viên tư pháp được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật giám định tư pháp 2012, Nghị định 85/2013/NĐ-CP, Thông tư 35/2014/TT-BKHCN.
Chi tiết thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện tại đây:
Miễn nhiệm giám định viên tư pháp