Người thành niên, chưa thành niên là người bao nhiêu tuổi?

Posted on

Việc xác định một người đã thành niên hay chưa có ý nghĩa trong việc có hiệu lực của giao dịch dân sự, chịu trách nhiệm hình sự,… Vậy người thành niên, chưa thành niên là người bao nhiêu tuổi?

1. Người thành niên là người bao nhiêu tuổi?

– Theo quy định tại Điều 20 Bộ luật Dân sự 2015 thì người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.

– Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nếu không rơi vào một trong 03 trường hợp sau:

+ Mất năng lực hành vi dân sự;

+ Có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

+ Hạn chế năng lực hành vi dân sự.

2. Người chưa thành niên là người bao nhiêu tuổi?

– Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 thì người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

– Người chưa thành niên được chia thành 03 nhóm:

+ Người chưa đủ sáu tuổi: Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

+ Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi: Khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

+ Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi: Tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.