NGUỒN TIỀN NÀO ĐỂ CÔNG AN TRAO THƯỞNG CHO NGƯỜI DÂN?

Posted on

Việc cơ quan công an treo thưởng số tiền nhất định cho người dân cung cấp thông tin có giá trị nhằm phá nhanh trọng án là cần thiết và phù hợp.

Liên quan đến vụ này có một tình tiết đáng chú ý là một ngày sau khi vụ án xảy ra, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an tỉnh có Thông báo số 06 treo thưởng số tiền 100 triệu đồng cho người dân nào cung cấp thông tin chính xác, giúp cơ quan công an phá án nhanh. Theo thông báo, người cung cấp thông tin sẽ được đảm bảo an toàn và những thông tin cung cấp sẽ được tuyệt đối giữ bí mật.

Tiền thưởng lấy từ quỹ phòng chống tội phạm

Đây không phải là lần đầu cơ quan công an treo thưởng nóng để người dân giúp lực lượng này phá án nhanh, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về các quy định liên quan đến việc này

Theo TS Lê Nguyên Thanh, Trưởng bộ môn Tội phạm học, Trường ĐH Luật TP.HCM, việc cơ quan công an kêu gọi người dân cung cấp thông tin có giá trị để phát hiện tội phạm là cần thiết, góp phần giải quyết vụ án được nhanh chóng. Việc treo thưởng là một trong những biện pháp khuyến khích người dân cung cấp thông tin tội phạm.

Ngày 22-1-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 04/2019 về việc thành lập, quản lý và sử dụng quỹ phòng chống tội phạm (PCTP) (thay thế Quyết định 47/2012 trước đây). Tuy nhiên, theo quyết định này, việc treo thưởng, thưởng nóng chủ yếu là cho những người trong ngành công an (và các cơ quan tương tự), đối với người dân thì chưa quy định rõ. Do vậy, việc treo thưởng cho người dân cần được quy định cụ thể và chi tiết hơn.

Luật sư (LS) Lê Văn Thanh (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng nội dung Thông báo số 06 của Công an tỉnh Bình Dương không thể hiện rõ số tiền treo thưởng cho người dân sẽ được trích từ nguồn cụ thể nào. Tuy nhiên, thông thường tiền thưởng sẽ được lấy từ quỹ PCTP do UBND tỉnh lập ra dựa trên Quyết định số 04/2019 nói trên.

Cụ thể, theo Điều 3 Quyết định 04/2019, quỹ PCTP là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở trung ương (gọi là quỹ PCTP trung ương) và ở các tỉnh, TP trực thuộc trung ương (gọi chung là phòng PCTP cấp tỉnh) để hỗ trợ cho công tác PCTP.

Việc lập dự toán, thanh toán, quyết toán, kiểm toán đối với quỹ PCTP được thực hiện theo các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị định số 163/2016 (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước). Do đó, việc cơ quan công an treo thưởng cho người dân như trong vụ án này là phù hợp với quy định và kinh phí sẽ lấy từ quỹ PCTP tùy theo cấp trung ương hoặc địa phương. 

Cung cấp thông tin gì thì được thưởng?

Theo TS Lê Nguyên Thanh, thông thường cơ quan treo thưởng sẽ thưởng cho người cung cấp thông tin có giá trị, tức là thông tin đó có tính chất quyết định đến việc phá án (nếu không có thông tin này thì hoạt động khởi tố, điều tra có thể rơi vào bế tắc).

Còn việc bắt nghi phạm, bất kỳ người nào cũng được quyền bắt nhưng chỉ trong trường hợp bắt người phạm tội quả tang (Điều 111 BLTTHS) và bắt người đang bị truy nã (Điều 112 BLTTHS). Các trường hợp bắt người còn lại phải do người có thẩm quyền thực hiện.

TS Lê Nguyên Thanh nói: “Treo thưởng chỉ có thể được thực hiện trong trường hợp bắt người đang bị truy nã. Còn bắt người phạm tội quả tang thì không phù hợp với việc treo thưởng. Bắt người phạm tội có nguy hiểm, cần nghiệp vụ hay không (ví dụ bắt người bị truy nã) còn phụ thuộc vào đặc điểm của người bị bắt.

Tuy nhiên, để an toàn cho người dân chỉ nên treo thưởng trong trường hợp cung cấp thông tin có giá trị, còn thực hiện việc bắt thì hãy để cho cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành cho an toàn và hiệu quả”.

Cũng theo TS Lê Nguyên Thanh, treo thưởng cho người cung cấp thông tin tội phạm, người phạm tội có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động khởi tố, điều tra tội phạm; đẩy mạnh phong trào toàn dân phát hiện, đấu tranh, tố giác tội phạm nên rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề này cần được quy định một cách hợp lý, chặt chẽ để tránh bị lợi dụng hoặc lạm dụng.

LS Lê Văn Thanh thì cho rằng về nguyên tắc, việc treo thưởng áp dụng cho cá nhân/tổ chức có thành tích xuất sắc trong việc PCTP, không phân biệt có trực tiếp bắt người hay không.

Về mức thưởng, đối với quỹ PCTP trung ương, bộ trưởng Bộ Công an tùy từng trường hợp mà đánh giá và quyết định mức thưởng nhưng tối đa không quá 5 triệu đồng/cá nhân/trường hợp, không quá 20 triệu đồng tập thể/trường hợp (khoản 1 Điều 5 Quyết định 04/2019). Đối với quỹ PCTP của các tỉnh, TP thì tùy địa phương cân đối các nguồn thu tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Theo Plo.vn.