NHÂN VIÊN LÁI XE CÓ PHẢI KÝ LẠI HỢP ĐỒNG THEO NGHỊ ĐỊNH 161?

Posted on

Theo phản ánh của bà Trần Ngọc Hà (Sơn La), căn cứ quy định tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP thì từ tháng 7/2019, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP phải ký kết lại hợp đồng lao động. Bà Hà hỏi, lái xe đang công tác tại Văn phòng huyện uỷ có phải ký kết lại hợp đồng lao động hay không?

Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:

Theo Điều 3 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thì trường hợp lái xe đang ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP công tác tại Văn phòng huyện ủy thuộc đối tượng phải ký kết lại hợp đồng lao động.

Về hình thức hợp đồng và mẫu hợp đồng làm những công việc quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, đề nghị thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 03/2019/TT-BNV.

Mức lương khi ký lại hợp đồng không thấp hơn lương tối thiểu vùng

Về mức lương ký hợp đồng lao động đề nghị thực hiện như sau:

– Đối với trường hợp đang ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và đang xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP thì chuyển sang ký hợp đồng lao động mới theo quy định của Bộ luật Lao động. Mức lương trong hợp đồng lao động mới được xác định không thấp hơn mức tiền lương hiện hưởng tại thời điểm ký hợp đồng lao động mới (mức tiền lương hiện hưởng được xác định bằng hệ số lương hiện hưởng nhân với mức lương cơ sở cộng với các khoản phụ cấp theo đúng quy định của Đảng và của pháp luật đang hưởng tại thời điểm ký hợp đồng lao động mới).

Ngoài căn cứ vào mức tiền lượng hiện hưởng để ký hợp đồng lao động mới nêu trên, do đối tượng này không phải là cán bộ, công chức, viên chức mà là đối tượng được áp dụng ký kết hợp động lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, vì vậy mức lương trong hợp đồng lao động mới còn phải không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng (nơi đối tượng làm việc) do Chính phủ quy định tại thời điểm ký kết hợp đồng lao động mới.

Theo đó, nếu trường hợp mức tiền lương hiện hưởng thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì còn được điều chỉnh theo mức lương tối thiểu vùng (không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng).

– Đối với trường hợp phát sinh mới (sau thời điểm có hiệu lực của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP và chưa xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP) thì thực hiện ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của Bộ luật Lao động (mức lương trong hợp đồng lao động không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng).

Mức lương trong hợp đồng lao động của 2 đối tượng nêu trên do người có thẩm quyền quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP quyết định cụ thể, bảo đảm tương quan hợp lý giữa người ký trước và ký sau đối với từng công việc cụ thể.

Mức lương trong hợp đồng lao động khi thực hiện Nghị định số 161/2018/NĐ-CP nêu trên được dùng làm căn cứ tính đóng, hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật; đồng thời, đối tượng thôi hưởng các chế độ phụ cấp (trong đó có phụ cấp công vụ, phụ cấp công tác đảng – đoàn thể) kể từ ngày ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP.

Theo baochinhphu.vn.