Từ tháng 10-2020, nhiều quy định, chính sách mới có hiệu lực thi hành. Dữ liệu pháp lý giới thiệu một số quy định quan trọng này.
Không được gọi điện quảng cáo trước 8 giờ sáng và sau 5 giờ chiều
Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ban hành ngày 14-8 của Chính phủ quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác có hiệu lực từ ngày 1-10.
Nghị định đã quy định tám biện pháp chống, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, như: Xây dựng, triển khai các hệ thống chống, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; Xây dựng Bộ tiêu chí nhận diện tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; Theo dõi, giám sát, chia sẻ thông tin, dữ liệu về nguồn phát tán tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác…
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định chỉ được gửi tin nhắn quảng cáo trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, gọi điện thoại quảng cáo từ 8 giờ đến 17 giờ mỗi ngày trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với chủ thuê bao.
Tổ chức có hành vi gọi điện thoại quảng cáo ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 17 giờ mỗi ngày mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng…
Vi phạm quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày 10-10, Nghị định 96/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là 50 triệu đồng.
Trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Trường hợp người Việt Nam vào khu vực biên giới đất liền không mang theo CMND/CCCD/Hộ chiếu; Tạm trú, lưu trú, đi lại trong khu vực biên giới đất liền không đúng quy định; Không thông báo, khai báo, đăng ký hoặc che giấu, giúp đỡ người khác đi lại, lưu trú, tạm trú trái phép trong khu vực biên giới đất liền sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 300 – 500.000 đồng.
Tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường trong vận chuyển hàng không
Theo Nghị định 97/2020 về tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển trong vận chuyển bằng đường hàng không, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của hành khách tăng từ 100.000 đơn vị tính toán lên thành 128.821 đơn vị tính toán cho mỗi hành khách.
Đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm tăng từ 4.150 đơn vị tính toán lên thành 5.346 đơn vị tính toán cho mỗi hành khách.
Đối với vận chuyển hành lý, bao gồm cả hành lý ký gửi và hành lý xách tay, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm tăng từ 1.000 đơn vị tính toán lên thành 1.288 đơn vị tính toán cho mỗi hành khách.
Đối với vận chuyển hàng hoá, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm tăng từ 17 đơn vị tính toán lên thành 22 đơn vị tính toán cho mỗi kg hàng hoá.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15-10
Vi phạm kinh doanh đa cấp sẽ bị phạt đến 200 triệu đồng
Nghị định 98/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định cụ thể mức phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Cụ thể, phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện một trong các hành vi: Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó;…
Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định trên trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên…
Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 15-10.
Đối tượng, điều kiện mua hàng miễn thuế
Nghị định 100/2020 về kinh doanh hàng miễn thuế đã quy định cụ thể đối tượng và điều kiện mua hàng miễn thuế.
Theo đó, người xuất cảnh, quá cảnh sau khi hoàn thành thủ tục xuất cảnh, quá cảnh, hành khách trên các chuyến bay quốc tế xuất cảnh từ Việt Nam hoặc người chờ xuất cảnh được mua hàng miễn thuế.
– Hành khách trên các chuyến bay quốc tế xuất cảnh từ Việt Nam được mua hàng miễn thuế trên tàu bay xuất cảnh. Hành khách trên các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam được mua hàng miễn thuế trên tàu bay đang thực hiện chuyến bay quốc tế đến Việt Nam.
– Người nhập cảnh được mua hàng miễn thuế tại cửa hàng miễn thuế đặt tại khu vực hạn chế của cảng hàng không dân dụng quốc tế ngay sau khi hoàn thành thủ tục nhập cảnh, không được mua hàng miễn thuế sau khi đã ra khỏi khu vực hạn chế tại cảng hàng không dân dụng quốc tế.
– Đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam được mua hàng miễn thuế tại cửa hàng miễn thuế trong nội địa. Khi mua hàng miễn thuế cho tổ chức phải xuất trình sổ định mức hàng miễn thuế. Khi mua hàng miễn thuế cho cá nhân phải xuất trình sổ định mức hàng miễn thuế kèm chứng minh thư do Bộ Ngoại giao cấp hoặc hộ chiếu….
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ 15-10.
Ngoài ra, các quy định về quản lý gỗ nhập khẩu, xuất khẩu; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí; quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện… cũng có hiệu lực trong tháng 10 này.
Theo plo.vn