Trường hợp NLĐ đã hết ngày phép năm nếu có việc đột xuất phải nghỉ không lương thì được nghỉ bao nhiêu ngày?
1. Số ngày nghỉ không phép của NLĐ là bao nhiêu?
Theo Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
Trường hợp này thì NLĐ không phải xin phép NSDLĐ nhưng phải có thông báo (tin nhắn, cuộc gọi, email,…).
Ngoài ra, NLĐ còn có thể thỏa thuận với NSDLĐ để nghỉ không hưởng lương. Trường hợp này tùy thuộc vào thỏa thuận của 2 bên mà số ngày nghỉ không lương có thể dài, ngắn khác nhau. Nếu NSDLĐ không cho nghỉ thì NLĐ không được tự ý nghỉ.
2. Không cho NLĐ nghỉ không lương theo quy định có bị phạt?
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP:
Điều 18. Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật;
Như vậy, nếu không cho NLĐ nghỉ không lương theo quy định thì NSDLĐ có thể bị phạt tới 5 triệu đồng (nếu NSDLĐ là tổ chức thì bị phạt tới 10 triệu đồng).
3. NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng có thể chịu rủi ro
Theo điểm e khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019, NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên thì NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Còn theo khoản 4 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 quy định hình thức xử lý kỷ luật sa thải được NSDLĐ áp dụng trong trường hợp NLĐ tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.