Nóng: TP.HCM KÉO DÀI THỰC HIỆN CHỈ THỊ 16 TỚI 1-8 VỚI CÁC GIẢI PHÁP MẠNH HƠN NỮA

Posted on

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 1-8 với các giải pháp mạnh hơn nữa

Chiều 23-7, báo cáo tại hội nghị sơ kết 15 ngày thực Chỉ thị 16, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, thực hiện Chỉ thị 12 của Thành ủy TP.HCM ngày 22-7, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16 đến ngày 1-8 với các giải pháp mạnh hơn nữa.

Mục tiêu là nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch. Đồng thời, giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao với mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới và tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong.

Theo Phó Chủ tịch Dương Anh Đức, đối với các biện pháp tăng cường  tổng thể, TP.HCM sẽ thu hẹp diện các nhóm đối tượng hoạt động trong thời gian thực hiện cách ly toàn TP. Trong đó: tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động của các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách.

Ngân hàng, chứng khoán bảo đảm hoạt động mức độ duy trì công suất để cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết, riêng đối với các chi nhánh hoặc phòng giao dịch, có thể hoạt động luân phiên, bố trí nhân sự làm việc trực tiếp theo ca kíp, thực hiện nghiêm giãn cách.

TP.HCM cũng siết chặt hoạt động của doanh nghiệp: chỉ những doanh nghiệp dịch vụ thiết yếu về y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và bảo đảm an toàn. Các doanh nghiệp sản xuất khác chỉ được phép hoạt động với điều kiện phải bảo đảm an toàn; kiên quyết dừng ngay lập tức và xử phạt nghiêm đối với các trường hợp hoạt động không bảo đảm các yêu cầu công tác phòng, chống dịch.

Cơ quan nhà nước tổ chức làm việc luân phiên cách ngày hoặc buổi trong ngày tại cơ quan; gương mẫu, chấp hành nghiêm Chỉ thị số 16, chỉ ra đường trong trường hợp có việc cấp thiết.

TP tiếp tục huy động các tổ chức chính trị – xã hội từ TP đến cơ sở tiếp tục tăng cường phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng cho đoàn viên, hội viên, các chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo và Nhân dân thực hiện nghiêm và tích cực tham gia công tác phòng, chống dịchCOVID-19; vận động, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn; tiếp tục vận động các nguồn lực, kịp thời chăm lo cho người dân, nhất là các hoàn cảnh khó khăn, yếu thế.

Đây là lần thứ 5 kể từ đợt bùng phát dịch lần thứ tư đến nay (từ ngày 27-5), TP.HCM thay đổi các biện pháp giãn cách xã hội về phòng chống dịch COVID-19.

Lý do kéo dài thực hiện Chỉ thị 16 là vì tình hình dịch tại TP.HCM vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Trong đó, số ca nhiễm hàng ngày ở mức rất cao, nhất là trong các khu phong tỏa, khu cách ly; số đang điều trị, số ca nặng, tử vong ngày càng tăng; nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư thiết bị phục vụ phòng, chống dịch đã quá tải…

Trong ngày hôm qua, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã ký chỉ thị khẩn số 12 về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng trong tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp.

Chỉ thị yêu cầu TP.HCM thực hiện triệt để phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người“, phát tờ rơi hướng dẫn thực hiện giãn cách và các biện pháp phòng, chống dịch. Người dân trong khu phong tỏa chỉ được phép ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp cứu, mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị, chợ trong khu phong tỏa (2 lần/tuần, sử dụng phiếu đi chợ/siêu thị do chính quyền địa phương cấp).

Trong các khu cách ly, người đang thực hiện cách ly phải tuyệt đối chấp hành quy định, không được ra khỏi phòng và không được tiếp xúc trực tiếp với người khác (trừ trường họp cấp cứu y tế).

Các khu nhà trong các hẻm nhỏ, chằng chịt, đông người, mật độ dân số cao, thực hiện triệt đế yêu cầu giãn cách giữa cá nhân với cá nhân.

Cùng với đó, tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động của các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách.

Hoạt động của các doanh nghiệp cũng được siết chặt. Chỉ những doanh nghiệp dịch vụ thiết yếu về y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và bảo đảm an toàn…

Như PLO đã thông tin, từ ngày 27-5 đến nay, TP.HCM đã 5 lần thay đổi các biện pháp giãn cách xã hội về phòng chống dịch COVID-19. Ngày 31-5, TP.HCM bắt đầu áp dụng Chỉ thị 15 trên toàn thành phố và Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12).

Ngày 14-6, TP.HCM kết thúc đợt giãn cách đầu tiên nhưng số ca nhiễm không giảm. Do đó, TP.HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 15 trên toàn địa bàn toàn thành phố thêm hai tuần.

Đến ngày 20-6, do số ca nhiễm COVID-19 vẫn tăng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký và ban hành Chỉ thị 10 về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM. Trong đó có các giải pháp mạnh như dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát; không tụ tập trên 3 người tại nơi công cộng; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 1,5m; dừng chợ tự phát…

Đến ngày 9-7, do mầm bệnh trong cộng đồng vẫn còn, một lần nữa Chủ tịch Nguyễn Thành Phong quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn thành phố, thời gian áp dụng trong 15 ngày.

Theo plo.vn