17. Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân
Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân là một thủ tục hành chính mà cá nhân thực hiện nhằm mục đích nhận được thẻ bảo hiểm y tế. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên theo Luật Bảo hiểm y tế 2008, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014, Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
1. Một số khái niệm
Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện. (Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014):
Nguyên tắc bảo hiểm y tế được quy định tại Điều 3 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 như sau:
– Bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế.
– Mức đóng bảo hiểm y tế được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội (sau đây gọi chung là tiền lương tháng), tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương cơ sở.
– Mức hưởng bảo hiểm y tế theo mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi và thời gian tham gia bảo hiểm y tế.
– Chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm y tế và người tham gia bảo hiểm y tế cùng chi trả.
– Quỹ bảo hiểm y tế được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm cân đối thu, chi và được Nhà nước bảo hộ.
Thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân thuộc đối tượng được tham gia bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước đóng theo quy định tại Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014.
Đối tượng do ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế là thân nhân của cán bộ, chiến sĩ, gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học phổ thông. (Điểm a Khoản 2 Điều 3 Thông tư 57/2019/TT-BCA)
Kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho than nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân do ngân sách nhà nước đảm bảo. (Điểm a Khoản 2 Điều 4 Thông tư 57/2019/TT-BCA)
Phương thức đóng bảo hiểm y tế đối với thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân như sau: Hằng quý, Công an đơn vị, địa phương chuyển kinh phí đóng bảo hiểm y tế của đối tượng này đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ bảo hiểm y tế. Chậm nhất đến tháng 11 hằng năm phải thực hiện xong việc chuyển kinh phí đóng bảo hiểm y tế của năm đó. (Khoản 2 Điều 5 Thông tư 57/2019/TT-BCA)
2. Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân
Đối với đối tượng là thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng từ ngày người tham gia nộp tiền đóng bảo hiểm y tế. Giá trị sử dụng của thẻ bảo hiểm y tế tương ứng số tiền đóng bảo hiểm y tế theo quy định, trừ đối tượng là trẻ em dưới 6 tuổi. (Khoản 8 và Khoản 9 Điều 13 Nghị định 146/2018/NĐ-CP)
Kê khai cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân căn cứ theo Điểm b Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 57/2019/TT-BCA được quy định như sau: Cán bộ, chiến sĩ và công nhân công an đại diện cho thân nhân kê khai các thông tin trên tờ khai tham gia bảo hiểm y tế nộp cho đơn vị quản lý trực tiếp. Trường hợp một người là thân nhân của nhiều cán bộ, chiến sĩ, công nhân công an hoặc một người vừa là thân nhân của cán bộ, chiến sĩ, công nhân công an vừa là thân nhân của quân nhân tại ngũ hoặc người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách nhà nước hoặc công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội, hoặc người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu thì thực hiện kê khai theo thứ tự lần lượt như sau:
– Trường hợp một người đồng thời vừa là thân nhân của cán bộ, chiến sĩ vừa là thân nhân của công nhân công an thì kê khai một lần duy nhất theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự như sau: thân nhân của cán bộ, chiến sĩ; thân nhân của công nhân công an hưởng lương từ ngân sách nhà nước; thân nhân của công nhân công an không hưởng lương từ ngân sách nhà nước;
– Tại thời điểm kê khai, thân nhân ở cùng cán bộ, chiến sĩ, công nhân công an nào thì cán bộ, chiến sĩ, công nhân công an đó có trách nhiệm kê khai; nếu không ở cùng hoặc ở cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ, công nhân công an thì trách nhiệm kê khai theo thứ tự: con trai, con gái, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp (nếu cùng hàng trong thứ tự thì người con lớn tuổi nhất kê khai);
– Thân nhân là con đẻ, con nuôi hợp pháp có cả cha và mẹ đều là cán bộ, chiến sĩ hoặc công nhân công an hoặc một người là cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, người kia là quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; hoặc một người là công nhân công an, người kia là công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội hoặc người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu thì người mẹ có trách nhiệm kê khai;
– Trường hợp không thực hiện theo thứ tự như quy định nêu trên thì cán bộ, chiến sĩ hoặc công nhân công an nào thực hiện kê khai phải báo cáo cụ thể cho đơn vị kê khai và nêu rõ lý do.
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 8 Thông tư 57/2019/TT-BCA:
– Đơn vị quản lý trực tiếp có trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp, độ chính xác thông tin trên tờ khai tham gia bảo hiểm y tế và gửi hồ sơ đến Phòng Tổ chức cán bộ (hoặc đơn vị có chức năng thực hiện công tác tổ chức cán bộ) thuộc Công an đơn vị, địa phương.
– Sau khi tiếp nhận tờ khai tham gia bảo hiểm y tế do đơn vị quản lý trực tiếp chuyển đến, Phòng Tổ chức cán bộ (hoặc đơn vị có chức năng thực hiện công tác tổ chức cán bộ) thuộc Công an đơn vị, địa phương có trách nhiệm lập danh sách trình Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương (nơi có con dấu) gửi cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định.
– Trường hợp hết thời hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, đối tượng quy định tại Điều 3 Thông tư này không phải khai lại tờ khai tham gia bảo hiểm y tế (trừ trường hợp có thay đổi về thông tin trên thẻ). Công an đơn vị, địa phương có trách nhiệm rà soát, lập danh sách đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ để thực hiện gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo quy định.
3. Xử lý vi phạm hành chính
Vi phạm quy định về lập, chuyển danh sách cấp thẻ bảo hiểm y tế căn cứ theo Điều 62 Nghị định 176/2013/NĐ-CP bị xử lý như sau:
– Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Lập và chuyển danh sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm quản lý chậm hơn thời gian quy định nhưng chưa làm thiệt hại đến quyền lợi của đối tượng tham gia bảo hiểm y tế;
+ Lập và chuyển danh sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm quản lý không đủ số người theo quy định nhưng chưa làm thiệt hại đến quyền lợi của đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.
– Phạt tiền đối với hành vi lập và chuyển danh sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm quản lý chậm hơn thời gian quy định làm thiệt hại đến quyền lợi của đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo một trong các mức sau đây:
+ Từ 500.000 đồng đến 700.000 đồng đối với trường hợp chậm dưới 10 ngày làm việc theo quy định của pháp luật;
+ Từ 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với trường hợp chậm từ 10 ngày làm việc trở lên theo quy định của pháp luật.
– Phạt tiền đối với hành vi lập và chuyển danh sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm quản lý không đủ số người theo quy định làm thiệt hại đến quyền lợi của đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo một trong các mức sau đây:
+ Từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với trường hợp danh sách thiếu dưới 50 người;
+ Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với trường hợp danh sách thiếu từ 50 người đến dưới 100 người;
+ Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp danh sách thiếu từ 100 người đến dưới 500 người;
+ Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp danh sách thiếu từ 500 người đến dưới 1.000 người;
+ Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp danh sách thiếu từ 1.000 người trở lên.
– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hoàn trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế mà đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đã phải tự chi trả (nếu có) đối với hành vi quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này. Trường hợp không hoàn trả được cho đối tượng thì nộp vào ngân sách nhà nước.
Vi phạm quy định về cấp, cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 4 Điều 63 Nghị định 176/2013/NĐ-CP bị xử lý như sau:
– Cảnh cáo đối với trường hợp cấp, cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế chậm dưới 10 ngày làm việc so với thời gian theo quy định của pháp luật.
– Phạt tiền đối với hành vi cấp thẻ bảo hiểm y tế chậm hơn từ 10 ngày làm việc trở lên so với thời gian quy định theo một trong các mức sau đây:
+ Từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với trường hợp cấp chậm dưới 50 thẻ;
+ Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với trường hợp cấp chậm từ 50 thẻ đến dưới 100 thẻ;
+ Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp cấp chậm từ 100 thẻ đến dưới 500 thẻ;
+ Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp cấp chậm từ 500 thẻ đến dưới 1.000 thẻ;
+ Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp cấp chậm từ 1.000 thẻ trở lên.
– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hoàn trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế mà đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đã phải tự chi trả (nếu có) đối với hành vi quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này. Trường hợp không hoàn trả được cho đối tượng thì nộp vào ngân sách nhà nước.
Kết luận: Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân là một thủ tục hành chính mà cá nhân thực hiện nhằm mục đích nhận được thẻ bảo hiểm y tế. Khi thực hiện thủ tục này, các cá nhân cần phải tuân thủ theo quy định tại Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014, Nghị định 176/2013/NĐ-CP, Nghị định 146/2018/NĐ-CP, Thông tư 57/2019/TT-BCA.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây: