13. Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân
Ngày nay, ngày càng có nhiều trẻ em được sinh ra có bố/mẹ là người nước ngoài hoặc được sinh ra tại nước ngoài, giấy khai sinh là giấy tờ pháp lý đầu tiên công nhận quyền công dân của một cá nhân, để phát sinh các quyền học tập, làm việc và sinh sống sau này . Đặc biệt là thủ tục khai sinh có yếu tố nước ngoài cho người đã có giấy tờ, hồ sơ cá nhân. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ gửi đến bạn đọc một số lưu ý căn cứ dựa trên Luật hộ tịch năm 2014; Luật hôn nhân và gia đình 2014; Nghị định 123/2015/NĐ-CP; Nghị định 82/2020/NĐ-CP, Thông tư 04/2020/TT-BTP.
1. Một số khái niệm
– Theo Khoản 25 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.”
– Sinh con có yếu tố nước ngoài được hiểu là đứa trẻ có cha hoặc mẹ là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc người không có quốc tịch, còn người kia là công dân Việt Nam.
2. Đăng ký khai sinh sinh có yếu tố nước ngoài cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân
Theo Điều 8, Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định rằng:
– Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hiện tại thực hiện việc đăng ký khai sinh cho công dân Việt Nam cư trú trong nước, sinh trước ngày 01 tháng 01 năm 2016, chưa đăng ký khai sinh nhưng đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân (bản chính hoặc bản sao hợp lệ) như: giấy tờ tùy thân theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP; Sổ hộ khẩu; Sổ tạm trú; giấy tờ khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
– Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú trước khi xuất cảnh thực hiện việc đăng ký khai sinh cho người Việt Nam định cư tại nước ngoài, chưa đăng ký khai sinh, nếu có hồ sơ, giấy tờ cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này, trong đó có ghi nơi sinh tại Việt Nam.
– Hồ sơ đăng ký khai sinh đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này gồm có: Tờ khai đăng ký khai sinh, văn bản cam đoan về việc chưa đăng ký khai sinh; các giấy tờ theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 26 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP.
-Trình tự giải quyết, nội dung đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 5 Điều 26 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.
3. Một số lưu ý
Để đảm bảo các thủ tục sau khi sinh con có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam được thực hiện một cách thuận lợi nhất thì cần chú ý một số vấn đề sau:
– Cha mẹ của đứa trẻ thực hiện đúng quy định pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài về việc kết hôn:
+ Đối với pháp luật Việt Nam về điều kiện cũng như quy định kết hôn theo Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
• Nữ từ đủ 18 tuổi, nam từ đủ 20 tuổi
• Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định.
• Không bị mất năng lực hành vi dân sự
• Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định
+ Đối với người định cư nước ngoài hoặc người nước ngoài thì cần phải tuân thủ theo quy định pháp luật, tôn giáo, đặc tính riêng của nước đó về điều kiện kết hôn (Điều 126 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014)
+ Nếu bố mẹ đứa trẻ sinh con ra trong trường hợp hai người đã đủ điều kiện kết hôn mà không kết hôn thì phải hoàn thành thủ tục đăng kí kết hôn trước khi làm thủ tục khai sinh cho con để hợp pháp hóa quan hệ cha mẹ con trong giấy khai sinh.
+ Trường hợp cha mẹ đứa trẻ chưa đăng kí kết hôn được thì phải có giấy tờ chứng minh quan hệ huyết thống: Giấy xét nghiệm ADN.
– Điều kiện đăng ký khai sinh:
+ Trẻ em được sinh ra tại Việt Nam:
Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;
Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
Có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
Có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;
+ Trẻ em được sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam:
Có cha và mẹ là công dân Việt Nam;
Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam.đối với trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam;
– Ngoài ra, khi thực hiện thủ tục khai sinh có yếu tố nước ngoài cần lưu ý: Điều 10 Luật hộ tịch 2014 giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc xác nhận để sử dụng cho việc đăng ký hộ tịch tại Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
– Theo đó, Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP cũng có quy định giấy tờ bằng tiếng nước ngoài sử dụng để đăng ký hộ tịch tại Việt Nam phải được dịch ra tiếng Việt và công chứng bản dịch hoặc chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật.
– Bên cạnh đó, Điều 2 Thông tư 04/2020/TT-BTP nêu rõ việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật; phạm vi uỷ quyền có thể gồm toàn bộ công việc theo trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận kết quả đăng ký hộ tịch.
Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người uỷ quyền.
– Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP bản sao toàn bộ hồ sơ, giấy tờ của người yêu cầu hoặc hồ sơ, giấy tờ, tài liệu khác trong đó có thông tin liên quan đến nội dung khai sinh, gồm: Giấy chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu; Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, giấy tờ chứng minh về nơi cư trú; Bằng tốt nghiệp, Giấy chứng nhận, Chứng chỉ, Học bạ, Hồ sơ học tập do cơ quan đào tạo, quản lý giáo dục có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận; Giấy tờ khác có thông tin về họ, chữ đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh của cá nhân; Giấy tờ chứng minh quan hệ cha con, mẹ con.
4. Xử phạt hành chính
Căn cứ quy định tại Điều 37 Nghị định 82/2020/NĐ-CP thì:
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh;
b) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh;
c) Sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
– Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
– Biện pháp khắc phục hậu quả:
Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy khai sinh đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này; giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.
Kết luận: Việc đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân là một thủ tục rất quan trọng, là một trong những thông tin đầu vào của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Chính vì vậy khi thực hiện các thủ tục này cần phải đáp ứng các điều kiện của pháp luật về Luật hộ tịch năm 2014; Luật hôn nhân và gia đình 2014; Nghị định 123/2015/NĐ-CP; Nghị định 82/2020/NĐ-CP, Thông tư 04/2020/TT-BTP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân