1. Giải quyết khiếu nại về quyết định hành chính, hành vi hành chính của công dân đối với lực lượng Công an nhân dân
Khi công dân nhận thấy các quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm phạm đến quyền lợi của mình thì có thể thực hiện thủ tục khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền. Pháp luật Việt Nam quy định việc giải quyết khiếu nại về quyết định hành chính, hành vi hành chính của công dân đối với lực lượng Công an nhân dân. Sau đây, Dữ liệu Pháp lý sẽ cụ thể hóa thủ tục này thông qua quy định của Luật Khiếu nại 2011, Thông tư 68/2013/TT-BCA, Nghị định 124/2020/NĐ-CP.
1. Định nghĩa khiếu nại.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011 thì khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Khoản 1 Điều 5 Thông tư 68/2013/TT-BCA quy định khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an là việc người khiếu nại theo thủ tục do pháp luật về khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong Công an nhân dân xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Lưu ý: Các khiếu nại của công dân về quyết định hành chính, hành vi hành chính không được thuộc vào các trường hợp khiếu nại không được thụ lý giải quyết quy định tại Điều 11 Luật Khiếu nại 2011, cụ thể:
– Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định.
– Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.
– Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp.
– Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại.
– Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại.
– Thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng.
– Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.
– Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại.
– Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Toà án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án.
Như vậy, nếu đơn khiếu nại thuộc vào các trường hợp này, người có thẩm quyền xử lý đơn khiếu nại sẽ không thụ ký đơn khiếu nại, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do không thụ lý cho người khiếu nại biết.
2. Các hình thức khiếu nại.
Điều 8 Luật Khiếu nại 2011 quy định về các hình thức khiếu nại như sau:
– Khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại: khi đó, trong đơn khiếu nại, công dân phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.
– Người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp: khi đó, người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại.
Lưu ý: Trong trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì thực hiện như sau:
– Trường hợp nhiều người đến khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại.
– Trường hợp nhiều người khiếu nại bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại, có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại.
– Trường hợp khiếu nại được thực hiện thông qua người đại diện thì người đại diện phải là một trong những người khiếu nại, có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc đại diện và thực hiện khiếu nại theo quy định của Luật này.
3. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
Điều 9 Thông tư 68/2013/TT-BCA quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại của công dân như sau:
– Trưởng Công an cấp phường, bao gồm: Trưởng Công an thị trấn trong biên chế Công an nhân dân, Trưởng đồn Công an, Trưởng Công an phường giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình và của cán bộ, chiến sĩ do mình quản lý trực tiếp.
– Trưởng Công an cấp huyện, bao gồm: Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết:
+ Khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình và của cán bộ, chiến sĩ do mình quản lý trực tiếp, trừ khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của trưởng Công an cấp phường.
+ Khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính mà Trưởng Công an cấp phường đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn theo quy định nhưng chưa được giải quyết.
– Trưởng phòng và Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp phòng thuộc Công an, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám thị trại giam; Hiệu trưởng trường giáo dưỡng; Giám đốc cơ sở giáo dục giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình và của cán bộ, chiến sĩ do mình quản lý trực tiếp.
– Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ hoặc trực thuộc Tổng cục giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình và hành vi hành chính của cán bộ, chiến sĩ do mình quản lý trực tiếp.
– Tổng cục trưởng, Giám đốc Công an, Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết:
+ Khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình và của cán bộ, chiến sĩ do mình quản lý trực tiếp.
+ Khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính mà Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn theo quy định nhưng chưa được giải quyết.
– Bộ trưởng giải quyết:
+ Khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình và của cán bộ không giữ chức vụ (nếu có) do mình quản lý trực tiếp;
+ Khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính mà Tổng cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Công an, Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn theo quy định nhưng chưa được giải quyết.
+ Khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính có nội dung thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Công an mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn theo quy định nhưng chưa được giải quyết.
4. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại.
Khi đơn có đơn khiếu nại được gửi đến, cơ quan Công an có thẩm quyền sẽ tiếp nhận, phân loại đơn khiếu nại và nếu đơn đó là đơn khiếu nại về quyết định hành chính, hành vi hành chính của công dân thì sẽ được xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 68/2013/TT-BCA:
– Khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp nào (đơn khiếu nại không thuộc trường hợp không được thụ lý giải quyết) thì cán bộ xử lý đề xuất Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp đó thụ lý để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Nếu khiếu nại thuộc một trong các trường hợp không được thụ lý giải quyết thì không thụ lý nhưng phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do không thụ lý cho người khiếu nại biết.
– Trường hợp khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính không thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng Công an cấp mình, nhưng thuộc trách nhiệm giải quyết của Công an nhân dân thì cán bộ xử lý căn cứ thẩm quyền giải quyết đơn khiếu nại để đề xuất Thủ trưởng Công an cấp mình chuyển khiếu nại đến Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền xem xét, giải quyết và phải thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến. Đồng thời thông báo việc chuyển đơn cho tổ chức Thanh tra Công an cùng cấp với cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại để giúp Thủ trưởng cùng cấp theo dõi, quản lý kết quả giải quyết.
– Trường hợp cơ quan, đơn vị Công an nhận được khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng Công an cấp dưới trực tiếp, nhưng quá thời hạn theo quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết, nếu đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật Khiếu nại năm 2011 thì cán bộ xử lý đề xuất Thủ trưởng Công an nhận được khiếu nại thụ lý giải quyết; đồng thời thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến.
Theo đó, khoản 1 Điều 33 Luật Khiếu nại 2011 quy định về thời hạn khiếu nại lần hai: trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu quy định tại Điều 28 Luật Khiếu nại 2011 (không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý) mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
* Giải quyết khiếu nại lần đầu:
Sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại của công dân, cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện các thủ tục sau:
– Thụ lý giải quyết khiếu nại quy định tại Điều 27 Luật Khiếu nại 2011, Điều 16 Nghị định 124/2020/NĐ-CP
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền giải quyết mà không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 của Luật Khiếu nại thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần hai phải thụ lý giải quyết. Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung và cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại thì thụ lý khi trong đơn khiếu nại có đầy đủ chữ ký của những người khiếu nại và có văn bản cử người đại diện theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này. Trường hợp không thụ lý giải quyết thi phải nêu rõ lý do trong văn bản thông báo cho người khiếu nại.
Đối với khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thông báo việc thụ lý hoặc không thụ lý bằng văn bản đến người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến (nếu có) và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết. Đối với khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức thì văn bản thông báo việc thụ lý hoặc không thụ lý được gửi cho người khiếu nại. Trường hợp nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung và cử người đại diện để thực hiện việc khiếu nại thì văn bản thông báo việc thụ lý hoặc không thụ lý được gửi đến một trong số những người đại diện.
Thông báo việc thụ lý giải quyết khiếu nại thực hiện theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định này. Thông báo việc không thụ lý giải quyết khiếu nại thực hiện theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị định này.
– Xác minh nội dung khiếu nại theo quy định theo quy định tại Điều 29 Luật Khiếu nại 2011. Cụ thể: kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp, nếu khiếu nại đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay.
Theo Điều 17 Nghị định 124/2020/NĐ-CP:, thì sau khi thụ lý khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại.
Đối với khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải trực tiếp kiểm tra lại hoặc phân công người có trách nhiệm kiểm tra lại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị khiếu nại.
-Nội dung kiểm tra lại bao gồm:
- a) Căn cứ pháp lý ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính, ban hành quyết định kỷ luật cán bộ, công chức;
- b) Thẩm quyền ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính, ban hành quyết định kỷ luật cán bộ, công chức;
- c) Nội dung của quyết định hành chính, việc thực hiện hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức;
- d) Trình tự, thủ tục ban hành, thể thức và kỹ thuật trình bày quyết định hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức;
đ) Các nội dung khác (nếu có).
-Sau khi kiểm tra lại, nếu thấy khiếu nại là đúng thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay. Nếu thấy chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiến hành xác minh.
Đối với khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, nếu xét thấy nội dung khiếu nại có căn cứ thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại yêu cầu Hội đồng kỷ luật cán bộ, công chức xem xét, đề nghị người có thẩm quyền giải quyết.
-Việc xác minh được tiến hành theo quy định tại Mục 2 Nghị định 124/2020/NĐ-CP bao gồm các công việc sau:
+Làm việc trực tiếp với người khiếu nại, người đại diện, người được ủy quyền, luật sư, trợ giúp viên pháp lý của người khiếu nại; (Điều 19 Nghị định 124/2020/NĐ-CP)
+Làm việc trực tiếp với người có quyền, lợi ích liên quan và người bị khiếu nại (Điều 20 Nghị định 124/2020/NĐ-CP)
+Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng (Điều 21 Nghị định 124/2020/NĐ-CP)
+Tiếp nhận, xử lý thông tin, tài liệu, bằng chứng (Điều 22 Nghị định 124/2020/NĐ-CP)
+Xác minh thực tế (Điều 23 Nghị định 124/2020/NĐ-CP)
+ Trưng cầu giám định (Điều 24 Nghị định 124/2020/NĐ-CP)
+Làm việc với các bên có liên quan trong quá trình xác minh nội dung khiếu nại (Điều 25 Nghị định 124/2020/NĐ-CP)
+Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại (Điều 26 Nghị định 124/2020/NĐ-CP)
+Báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại (Điều 27 Nghị định 124/2020/NĐ-CP)
– Tổ chức đối thoại theo quy định tại Điều 30 Luật Khiếu nại 2011 trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ
Theo quy định tại Điều 29 Nghị định 124/2020/NĐ-CP thì căn cứ quy định của pháp luật, kết quả xác minh nội dung khiếu nại, kết quả đối thoại (nếu có), người giải quyết khiếu nại ban hành quyết định giải quyết khiếu nại người giải quyết khiếu nại ban hành quyết định giải quyết khiếu nại. Nội dung của quyết định này được quy định khoản 2 Điều 31 Luật Khiếu nại 2011:
+ Ngày, tháng, năm ra quyết định.
+ Tên, địa chỉ người khiếu nại, người bị khiếu nại.
+ Nội dung khiếu nại.
+ Kết quả xác minh nội dung khiếu nại.
+ Kết quả đối thoại (nếu có).
+ Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại.
+ Kết luận nội dung khiếu nại.
+ Giữ nguyên, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại; giải quyết các vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại.
+ Việc bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại (nếu có).
+ Quyền khiếu nại lần hai, quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
Lưu ý: khoản 3 Điều 31 Luật Khiếu nại 2011 quy định đối với trường hợp giải quyết khiếu nại của nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, kết luận nội dung khiếu nại và căn cứ vào kết luận đó để ra quyết định giải quyết khiếu nại cho từng người hoặc ra quyết định giải quyết khiếu nại kèm theo danh sách những người khiếu nại.
– Gửi quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định hành chính, hành vi hành chính: Theo khoản 2 Điều 29 Nghị định 124/2020/NĐ-CP, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại; người giải quyết khiếu nại lần hai, người có quyền, nghĩa vụ liên quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
* Giải quyết khiếu nại lần hai:
Nếu hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định của pháp luật mà khiếu nại về quyết định hành chính, hành vi hành chính của công dân không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết thì họ có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính lần hai. Thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai như sau:
– Thụ lý giải quyết khiếu nại lần hai theo quy định tại Điều 36 Luật Khiếu nại 2011, Điều 16 Nghị định 124/2020/NĐ-CP:
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết mà không thuộc một trong các trường hợp khiếu nại không được thụ lý giải quyết của Luật khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai phải thụ lý giải quyết.
Khoản 2 Điều 36 Luật Khiếu nại 2011, Điều 11 Thông tư 68/2013/TT-BCA quy định về việc thành lập Hội đồng tư vấn đối với vụ việc khiếu nại phức tạp. Cụ thể, nếu cần thiết, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai thành lập Hội đồng tư vấn để tham khảo ý kiến giải quyết khiếu nại.
Thành phần Hội đồng tư vấn gồm người có chuyên môn về lĩnh vực liên quan đến nội dung khiếu nại và những người khác mà người giải quyết khiếu nại thấy cần thiết. Ý kiến của Hội đồng tư vấn là một trong những căn cứ để Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai xem xét, kết luận nội dung khiếu nại.
– Xác minh nội dung khiếu nại lần thứ hai theo quy định tại Điều 38 Luật Khiếu nại 2011, Mục 2 Nghị định 124/2020/NĐ-CP Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai căn cứ vào nội dung, tính chất của việc khiếu nại, tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cho người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại và kiến nghị giải quyết khiếu nại.
– Tổ chức đối thoại lần hai theo quy định tại Điều 39 Luật Khiếu nại 2011, Điều 28 Nghị định 124/2020/NĐ-CP: Người chủ trì đối thoại phải tiến hành đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại và người có quyền, lợi ích liên quan. Người chủ trì đối thoại khi đối thoại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, bổ sung thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình. Người chủ trì đối thoại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới người tham gia đối thoại gồm người khiếu nại, người đại diện (trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung) người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan về thời gian, địa điểm, nội dung đối thoại.
*Lưu ý: Việc đối thoại được lập thành biên bản, ghi rõ thời gian, địa điểm, thành phần tham gia (ghi rõ người dự và người vắng mặt; trường hợp người khiếu nại không tham gia đối thoại thì ghi rõ có lý do hoặc không có lý do), nội dung, ý kiến của những người tham gia, những nội dung đã được thống nhất, nhũng vấn đề còn có ý kiến khác nhau và có chữ ký của các bên. Biên bản được lập thành ít nhất ba bản, mỗi bên giữ một bản. Biên bản đối thoại được thực hiện theo Mẫu số 14 ban hành kèm theo Nghị định này.
– Theo Điều 40 Luật Khiếu nại 2011, Điều 29 Nghị định 124/2020/NĐ-CP thì căn cứ quy định của pháp luật, kết quả xác minh nội dung khiếu nại, kết quả đối thoại (nếu có), người giải quyết khiếu nại ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Quyết định này phải có các nội dung sau:
+ Ngày, tháng, năm ra quyết định.
+ Tên, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại.
+ Nội dung khiếu nại.
+ Kết quả giải quyết khiếu nại của người giải quyết khiếu nại lần đầu.
+ Kết quả xác minh nội dung khiếu nại.
+ Kết quả đối thoại.
+ Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại.
+ Kết luận nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ.
Trường hợp khiếu nại là đúng hoặc đúng một phần thì yêu cầu người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại sửa đổi, hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại. Trường hợp kết luận nội dung khiếu nại là sai toàn bộ thì yêu cầu người khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan thực hiện nghiêm chỉnh quyết định hành chính, hành vi hành chính.
+ Việc bồi thường cho người bị thiệt hại (nếu có).
+ Quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án.
Lưu ý: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu; người có quyền, nghĩa vụ liên quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.(điểm a khoản 2 Điều 29 Nghị định 124/2020/NĐ-CP)
5. Hiệu lực của quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định hành chính, hành vi hành chính của công dân.
Điều 12 Thông tư 68/2013/TT-BCA quy định hiệu lực của quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định hành chính, hành vi hành chính của công dân như sau:
– Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu có hiệu lực pháp luật sau ba mươi ngày, kể từ ngày ban hành mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai.
– Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực pháp luật sau ba mươi ngày, kể từ ngày ban hành. Đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.
– Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
– Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật có hiệu lực thi hành ngay.
Kết luận: Khi giải quyết khiếu nại về quyết định hành chính, hành vi hành chính của công dân, lực lượng Công an nhân dân cần tuân thủ theo các quy định của Luật Khiếu nại 2011, Nghị định 124/2020/NĐ-CP, Thông tư 68/2013/TT-BCA, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân.
Chi tiết trình tự, thủ tục, biểu mẫu xem tại đây: Giải quyết khiếu nại về quyết định hành chính, hành vi hành chính của công dân đối với lực lượng Công an nhân dân