4. Giải quyết chế độ trợ cấp một lần đối với người được cử làm chuyên gia sang giúp Lào, Căm – pu – chia.
Công dân Việt nam được cử làm chuyên gia sang giúp Lào, Căm – pu – chi-a được hưởng chế độ trợ cấp một lần theo quy định pháp luật. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của Quyết định 57/2013/QĐ-TTg, Quyết định số 62/2015/QĐ-TTg, Thông tư liên tịch 17/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC
1. Quy định chung
Đối tượng được cử làm chuyên gia theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 62/2015/QĐ-TTg là người làm việc trong cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cử làm chuyên gia sang giúp Lào và Căm-pu-chi-a theo yêu cầu của bạn và công nhân viên đi làm nhiệm vụ phục vụ chuyên gia trên đất bạn (sau đây gọi là chuyên gia), gồm:
– Người đã nghỉ hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động nhưng chưa được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 Quyết định số 87-CT ngày 01 tháng 3 năm 1985 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về chế độ, chính sách đối với cán bộ sang giúp Lào và Căm-pu-chi-a;
– Người đang công tác hoặc người nghỉ việc chờ hưởng chế độ hưu trí hoặc người đã thôi việc
2. Chế độ trợ cấp một lần đối với người được cử làm chuyên gia sang giúp Lào, Căm-pu-chi-a
Quy định chế độ trợ cấp một lần đối với người được cử làm chuyên gia sang giúp Lào và Căm-pu-chi-a theo Điều 3 Quyết định 57/2013/QĐ-TTg như sau:
– Đối tượng được cử làm chuyên gia có thời gian làm việc thực tế tại Lào và Căm-pu-chi-a từ đủ 12 tháng trở lên (kể cả cộng dồn) được hưởng trợ cấp một lần, cứ một năm (đủ 12 tháng) được trợ cấp là 3.000.000 đồng, nhưng tối đa không quá 36.000.000 đồng.
– Trường hợp, khi tính thời gian hưởng trợ cấp một lần, nếu có tháng lẻ thì đủ 6 tháng trở lên được tính tròn một năm, dưới 6 tháng được tính bằng nửa (1/2) năm (khoản 2 Điều 3 Quyết định 57/2013/QĐ-TTg)
Lưu ý: Không áp dụng chế độ trợ cấp đối với các đối tượng theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Quyết định 57/2013/QĐ-TTg sau đây:
– Đối tượng hưởng trợ cấp đã chết và không còn vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, bố đẻ, mẹ đẻ hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp;
– Cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Căm-pu-chi-a
Hồ sơ xét hưởng trợ cấp một lần đối với người được cử làm chuyên gia sang giúp Lào, Căm-pu-chi-a bao gồm những giấy tờ theo quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch 17/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC:
– Tờ khai của người hưởng trợ cấp (01 bản) lập theo mẫu số 01a ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.
+ Trường hợp người hưởng trợ cấp đã chết thì thân nhân trực tiếp của người hưởng trợ cấp lập Tờ khai của thân nhân người hưởng trợ cấp (01 bản) theo mẫu số 01b ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.
+ Trường hợp người hưởng trợ cấp đã chết có từ 02 thân nhân trực tiếp trở lên thì người đứng tên lập Tờ khai phải có Giấy ủy quyền hợp pháp của các thân nhân trực tiếp còn lại.
Thân nhân trực tiếp của người hưởng trợ cấp bao gồm: vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, bố đẻ, mẹ đẻ hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp của người hưởng trợ cấp.
– Quyết định cử đi và Quyết định về nước của cơ quan có thẩm quyền (bản chính hoặc bản sao của cơ quan có thẩm quyền) đối với người được cử làm chuyên gia sang giúp Lào giai đoạn từ ngày 01 tháng 5 năm 1975 đến ngày 31 tháng 12 năm 1988, sang giúp Căm-pu-chi-a giai đoạn từ ngày 01 tháng 01 năm 1979 đến ngày 31 tháng 8 năm 1989.
+ Trường hợp người hưởng trợ cấp bị thất lạc hoặc không có đủ Quyết định cử đi, Quyết định về nước nêu trên thì phải có Giấy xác nhận thời gian làm chuyên gia tại Lào, Căm-pu-chi-a theo quy định sau đây:
Đối với người hưởng trợ cấp đang công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội thì Giấy xác nhận thời gian làm chuyên gia tại Lào, Căm-pu-chi-a của đối tượng phải do thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị đang công tác căn cứ vào hồ sơ quản lý ký, đóng dấu xác nhận.
Đối với người hưởng trợ cấp không thuộc đối tượng quy định tại điểm a nêu trên thì phải có Giấy xác nhận thời gian làm chuyên gia tại Lào, Căm-pu-chi-a lập theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này do thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp cử đi ký, đóng dấu xác nhận.
+ Trường hợp người hưởng trợ cấp do nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau cử đi thì phải có Giấy xác nhận thời gian làm chuyên gia tại Lào, Căm-pu-chi-a do thủ trưởng của các cơ quan, đơn vị trực tiếp cử đi ký, đóng dấu xác nhận.
+ Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác nhận đã sáp nhập hoặc giải thể thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị mới được thành lập sau sáp nhập hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan đã giải thể xác nhận.
– Quyết định nghỉ hưu (bản chính hoặc bản sao của cơ quan có thẩm quyền) đối với người đã nghỉ hưu hoặc Quyết định nghỉ việc do mất sức lao động (bản chính hoặc bản sao của cơ quan có thẩm quyền) đối với người nghỉ việc do mất sức lao động của cơ quan có thẩm quyền mà tại Quyết định chưa có khoản trợ cấp theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 Quyết định số 87-CT ngày 01 tháng 3 năm 1985 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về chế độ, chính sách đối với cán bộ sang giúp Lào và Căm-pu-chi-a.
+ Trường hợp thất lạc Quyết định nghỉ hưu hoặc Quyết định nghỉ việc do mất sức lao động thì người hưởng trợ cấp liên hệ với cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh nơi hưởng lương hưu hoặc hưởng trợ cấp mất sức lao động để sao lại Quyết định nghỉ hưu hoặc Quyết định nghỉ việc do mất sức lao động.
– Quyết định nghỉ việc chờ hưởng chế độ hưu trí đối với người nghỉ việc chờ hưởng chế độ hưu trí, Quyết định thôi việc đối với người đã thôi việc của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi người hưởng trợ cấp nghỉ việc chờ hưởng chế độ hưu trí hoặc thôi việc và hồ sơ lý lịch khai trước khi nghỉ việc chờ hưởng chế độ hưu trí hoặc thôi việc có xác nhận của cơ quan quản lý (bản chính hoặc bản sao của cơ quan có thẩm quyền).
+ Trường hợp không có Quyết định nghỉ việc chờ hưởng chế độ hưu trí thì thay thế bằng Giấy chứng nhận chờ hưởng chế độ hưu trí của cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh hoặc Sổ Bảo hiểm xã hội đã được cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh chốt sổ.
+ Trường hợp không có Quyết định thôi việc thì thay thế bằng Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi người hưởng trợ cấp thôi việc.
3. Thẩm quyền giải quyết
Quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định 57/2013/QĐ-TTg như sau:
– Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ ưu đãi, tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) thông qua Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội;
– Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội rà soát, tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) thông qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội;
– Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xét duyệt, tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp đối với đối tượng đủ điều kiện.
Kết luận: Công dân Việt nam được cử làm chuyên gia sang giúp Lào, Căm – pu – chi-a được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định tại Quyết định 57/2013/QĐ-TTg, Quyết định số 62/2015/QĐ-TTg, Thông tư liên tịch 17/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC
Chi tiết, trình tự hồ sơ xem tại đây: