9. Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài tại khu vực biên giới

Posted on

Đăng ký khai sinh là một thủ tục cần thiết khi trẻ được sinh ra, đặc là việc đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài tại khu vực biên giới. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa vấn đề trên thông qua Luật Hộ tịch 2014Nghị định số 123/2015/NĐ-CPNghị định 82/2020/NĐ-CP, Thông tư 04/2020/TT-BTP.

1. Một số khái niệm liên quan

– Hiện nay chưa có 1 quy định cụ thể nào về khái niệm khai sinh nhưng có thể hiểu: “Khai sinh là khai báo và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận một cá nhân được sinh ra; là một trong những sự kiện hộ tịch để xác định cá nhân là thực thể của tự nhiên, của xã hội.”

Đăng ký khai sinh là đăng ký sự kiện sinh cho đứa trẻ mới sinh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Phải được tiến hành trong thời hạn luật định kể từ ngày đứa trẻ được sinh ra.

Cá nhân khi sinh ra có quyền được khai sinh (Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Dân sự 2015)

=> Vì vậy thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ nói chung và trong trường hợp đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài nói riêng đều rất quan trọng và cần thiết.

2. Nội dung đăng ký khai sinh tại khu vực biên giới

Theo Khoản 1 điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Luật Hộ tịch 2014 và quy định sau đây:

+ Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán;

+  Quốc tịch của trẻ em được xác định theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

+ Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh được cấp khi đăng ký khai sinh. Thủ tục cấp số định danh cá nhân được thực hiện theo quy định của Luật Căn cước công dân và Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân, trên cơ sở bảo đảm đồng bộ với Luật Hộ tịch và Nghị định này;

+ Ngày, tháng, năm sinh được xác định theo Dương lịch. Nơi sinh, giới tính của trẻ em được xác định theo Giấy chứng sinh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì xác định theo giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch 2014.

Đối với trẻ em sinh tại cơ sở y tế thì nơi sinh phải ghi rõ tên của cơ sở y tế và tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi có cơ sở y tế đó; trường hợp trẻ em sinh ngoài cơ sở y tế thì ghi rõ tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi trẻ em sinh ra.

+ Quê quán của người được đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 của Luật Hộ tịch 2014.

– Ngoài ra, theo Khoản 1 Điều 17 Nghị định 123/2015/NĐ-CP về đăng ký khai sinh tại khu vực biên giới như sau: Ủy ban nhân dân xã ở khu vực biên giới đăng ký khai sinh cho trẻ sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại địa bàn xã đó còn mẹ hoặc cha là công dân nước láng giềng thường trú tại đơn vị hành chính tương đương cấp xã của Việt Nam tiếp giáp với xã ở khu vực biên giới của Việt Nam nơi công dân Việt Nam thường trú.

– Bên cạnh đó theo điểm b Khoản 2 Điều 17 Nghị đinh 123/2015/NĐ-CP khi thực hiên đăng ký khai sinh tại khu vực biên giới cần phải có văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 của Luật Hộ tịch;

– Theo đó, Khoản 1 Điều 36 Luật hộ tịch 2014 quy định trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con.

Trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân.

Lưu ý:

– Khoản 2 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP: Người yêu cầu đăng ký khai sinh phải nộp bản chính Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch 2014.

– Ngoài ra, Khoản 3 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP: Giấy tờ bằng tiếng nước ngoài sử dụng để đăng ký hộ tịch tại Việt Nam phải được dịch ra tiếng Việt và công chứng bản dịch hoặc chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước có chung đường biên giới với Việt Nam (sau đây gọi là nước láng giềng) lập, cấp, xác nhận sử dụng để đăng ký hộ tịch theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 của Luật Hộ tịch được miễn hợp pháp hóa lãnh sự; dịch ra tiếng Việt và có cam kết của người dịch về việc dịch đúng nội dung.

Trẻ em sinh ra mà sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu. (Khoản 3 Điều 30 Bộ Luật dân sự 2015)

Kết luận: Luật Hộ tịch năm 2014; Nghị định 82/2020/NĐ-CP, Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định khá chi tiết về thủ tục cũng như nội dung và những lưu ý khi thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài tại khu vực biên giới. Thể hiện được tính chặt chẽ cũng như những chính sách pháp luật ngày càng tiến bộ của nhà nước.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài tại khu vực biên giới