9. Đổi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương

Posted on

Việc đổi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương được Dữ Liệu Pháp Lý tổng hợp dựa trên các căn cứ pháp lý như sau: Luật Đầu tư 2020,  Nghị định 31/2021/NĐ-CPNghị định 122/2021/NĐ-CPThông tư 03/2021/TT-BKHĐT.

1. Quy định chung

1.1. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản, bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư. (khoản 11 Điều 3 Luật Đầu tư 2020)

1.2. Các dự án phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (khoản 2 Điều 77 Luật Đầu tư 2020):

– Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;

– Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại Điều 37 của  Luật Đầu tư 2020. Theo đó, tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;

+ Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;

+ Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.

1.3. Các dự án không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (khoản 2 Điều 36 Luật Đầu tư 2020):

– Dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước;

– Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật Đầu tư 2020. Theo đó, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.;

– Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế.

1.4. Các trường hợp thực hiện dự án đầu tư sau khi được quyết định chủ trương đầu tư (khoản 3 Điều 36 Luật Đầu tư 2020)

Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội (Điều 30 Luật Đầu tư 2020): Trừ những dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội theo pháp luật về đầu tư công, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sau đây:

– Dự án ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm:

+ Nhà máy điện hạt nhân;

+ Chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 héc ta trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 héc ta trở lên.

– Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 héc ta trở lên;

– Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác;

– Dự án có yêu cầu phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (Điều 31 Luật Đầu tư 2020): Trừ những dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo pháp luật về đầu tư công và các dự án quy định tại Điều 30 Luật Đầu tư 2014, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sau đây:

– Dự án không phân biệt nguồn vốn thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác;

+ Xây dựng và kinh doanh cảng hàng không; vận tải hàng không;

+ Xây dựng và kinh doanh cảng biển quốc gia;

+ Thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí;

+ Hoạt động kinh doanh cá cược, đặt cược, casino;

+ Sản xuất thuốc lá điếu;

+ Phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu chức năng trong khu kinh tế;

+ Xây dựng và kinh doanh sân gôn;

– Dự án không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên;

– Dự án của nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, trồng rừng, xuất bản, báo chí, thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ 100% vốn nước ngoài;

– Dự án khác thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật.

Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Điều 32  Luật Đầu tư 2020): Trừ những dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo pháp luật về đầu tư công và các dự án quy định tại Điều 30 và Điều 31 Luật Đầu tư 2020, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sau đây:

– Dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng; dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất;

– Dự án có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.

Lưu ý:

– Dự án đầu tư quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32  Luật Đầu tư 2020 thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt không phải trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư. (khoản 2 Điều 32 Luật Đầu tư 2020)

Nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Đầu tư 2020: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2014 thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

2. Đổi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương

2.1. Yêu cầu, điều kiện thực hiện

Nhà đầu tư có dự án đầu tư được cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương được cấp trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành. (khoản 1 Điều 61 Nghị định 31/2021/NĐ-CP)

2.2. Trường hợp đồng thời có yêu cầu đổi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay cho Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương, nhà đầu tư phải (khoản 3 Điều 61  Nghị định 31/2021/NĐ-CP):

– Đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 61  Nghị định 31/2021/NĐ-CP;

– Đổi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 61  Nghị định 31/2021/NĐ-CP (hồ sơ cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 61  Nghị định 31/2021/NĐ-CP và hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 61 Nghị định 31/2021/NĐ-CP).

2.3. Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61  Nghị định 31/2021/NĐ-CP kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp quy định tại Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong đó có các quyền và nghĩa vụ đối với dự án đầu tư; nhà đầu tư quy định tại Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với dự án đầu tư với tư cách là thành viên, cổ đông trong doanh nghiệp. (khoản 4 Điều 61  Nghị định 31/2021/NĐ-CP)

2.4. Chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương cấp trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành được chuyển sang hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp. Hồ sơ, thủ tục đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện theo quy định tương ứng tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61  Nghị định 31/2021/NĐ-CP. (khoản 5 Điều 61  Nghị định 31/2021/NĐ-CP)

2.5. Doanh nghiệp có trách nhiệm cập nhật, bổ sung thông tin đăng ký doanh nghiệp và không bắt buộc thực hiện thủ tục cấp đổi Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp, tạm ngừng kinh doanh, thông báo mẫu dấu; thành lập, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện. (khoản 6 Điều 61  Nghị định 31/2021/NĐ-CP)

3. Xử lý vi phạm

– Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi lập hồ sơ dự án đầu tư không trung thực, không chính xác để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư. (khoản 2 Điều 17 Nghị định 122/2021/NĐ-CP)

– Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện hoạt động đầu tư theo đúng nội dung trong hồ sơ đăng ký đầu tư (đối với trường hợp không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) hoặc Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư. (khoản 2 Điều 72 Nghị định 122/2021/NĐ-CP)

– Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi triển khai thực hiện dự án khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư. ( Điều 19 Nghị định 122/2021/NĐ-CP)

Kết luận: Việc đổi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật sau: : Luật Đầu tư 2020,  Nghị định 31/2021/NĐ-CPNghị định 122/2021/NĐ-CPThông tư 03/2021/TT-BKHĐT.

Chi tiết trình tự thủ tục, hồ sơ, mẫu đơn xem tại đây:

Đổi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương.