25. Cấp giấy phép vào khu vực cấm, khu vực biên giới cho người nước ngoài tại Công an cấp tỉnh
Việc cấp giấy phép vào khu vực cấm, khu vực biên giới cho người nước ngoài tại công an cấp tỉnh cần đáp ứng các quy định tại Luật 47/2014/QH13; Nghị định số 71/2015/NĐ-CP; Nghị định số 34/2014/NĐ-CP;Quyết định số 160/2004/QĐ-TTg; Thông tư 04/2015/TT-BCA; Thông tư 97/2011/TT-BTC (được thay thế bởi Thông tư 157/2015/TT-BTC). Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ gửi đến bạn đọc một số thông tin sau:
- Khu vực cấm, địa điểm cấm
– Điều 2 Quyết định số 160/2004/QĐ-TTG nêu rõ: Khu vực cấm, địa điểm cấm gồm:
+ Các công trình phòng thủ biên giới, phòng thủ vùng trời, phòng thủ vùng biển.
+ Các khu vực công nghiệp quốc phòng, công an; các khu quân sự, khu công an, doanh trại quân đội nhân dân, doanh trại công an nhân dân, sân bay quân sự, quân cảng, kho vũ khí của quân đội nhân dân, công an nhân dân.
+ Các kho dự trữ chiến lược quốc gia.
+ Các công trình, mục tiêu đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội.
+ Khu vực biên giới (trừ các thị xã, thị trấn và các điểm du lịch đã được Chính phủ cho phép; các trường hợp có giấy tờ hợp lệ xuất nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ, đường sắt, các trường hợp công dân nước thứ ba được qua lại theo Hiệp định về Quy chế biên giới mà Việt Nam đã tham gia ký kết).
+ Khi có tình huống đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và trong trường hợp có thảm họa do thiên nhiên, con người, có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô lớn, đe dọa nghiêm trọng, tính mạng, sức khoẻ, tài sản của nhân dân, Nhà nước, mà Nhà nước chưa ban bố tình trạng khẩn cấp thì Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) được quyền xác định khu vực cấm, địa điểm cấm tạm thời đối với công dân Việt Nam và người nước ngoài.
Lưu ý:
– Điều 3 Quyết định số 160/2004/QĐ-TTG . Các khu vực, địa điểm được xác định là khu vực cấm, địa điểm cấm phải cắm biển “khu vực cấm”, “địa điểm cấm”. Mẫu biển “khu vực cấm”, “địa điểm cấm” theo quy định thống nhất do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
– Điều 5, Khoản 2 Quyết định số 160/2004/QĐ-TTG : Người nước ngoài vào khu vực cấm, địa điểm cấm phải có giấy phép của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh cấp. Nếu vào khu vực quân sự, khu vực công an do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý phải được Thủ trưởng đơn vị quản lý khu vực đó cho phép.
=> Khu vực cấm, địa điểm cấm thuộc phạm vi bí mật Nhà nước được thiết lập để bảo vệ, quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của người, phương tiện nhằm duy trì trật tự, an ninh và phòng, chống các hành vi xâm nhập, phá hoại, thu thập bí mật Nhà nước trong khu vực, địa điểm đó. Người nước ngoài muốn vào khu vực cấm, địa điểm cấm phải được phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Khu vực biên giới
a, Khu vực biên giới biển
– Khoản 1 Điều 3 Nghị định 71/2015/NĐ-CP quy định: Khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây viết gọn là khu vực biên giới biển) tính từ biên giới quốc gia trên biển vào hết địa giới hành chính xã, phường, thị trấn (sau đây viết chung là cấp xã) giáp biển và đảo, quần đảo.
– Bên cạnh đó, Khoản 3, Điều 3 Nghị định 71/2015/NĐ-CP còn nêu rõ: Hoạt động của người, phương tiện Việt Nam và nước ngoài trong khu vực biên giới biển là ra, vào, cư trú, trú đậu, đi lại, sản xuất, kinh doanh, xây dựng các công trình; thăm dò, thực hiện các dự án khai thác tài nguyên; nghiên cứu khoa học biển; nuôi trồng, thu mua, khai thác và chế biến thủy sản, hải sản; giao thông vận tải; môi trường; cứu hộ, cứu nạn và các hoạt động khác liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên biển và an ninh, trật tự khu vực biên giới biển.
– Ngoài ra tại Khoản 4, Điều 3 Nghị định 71/2015/NĐ-CP cũng quy định: Vùng cấm trong khu vực biên giới biển là phần lãnh thổ nằm trong địa giới hành chính cấp xã giáp biển, đảo, quần đảo và trong nội thủy được thiết lập để quản lý, bảo vệ, duy trì an ninh, trật tự; phòng, chống, ngăn chặn các hành vi xâm nhập, phá hoại, khai thác, thu thập bí mật nhà nước.
– Quy định về người nước ngoài đến, hoạt động hoặc làm việc, học tập trong khu vực biên giới biển tại Điều 7 Nghị định 71/2015/NĐ-CP
+ Người nước ngoài thường trú, tạm trú ở Việt Nam khi đến khu vực biên giới biển hoặc đến các đảo, quần đảo (trừ khu du lịch, dịch vụ, khu kinh tế) phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hợp lệ và có thị thực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp (trừ trường hợp được miễn thị thực), giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam và giấy phép vào khu vực biên giới biển của Công an cấp tỉnh nơi người đó thường trú, tạm trú hoặc Công an cấp tỉnh nơi đến cấp; trường hợp ở qua đêm phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành cơ sở lưu trú để đăng ký lưu trú tại Công an cấp xã sở tại.
+ Cơ quan, tổ chức Việt Nam đưa người nước ngoài vào khu vực biên giới biển phải có giấy giới thiệu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đồng thời phải thông báo bằng văn bản cho Công an, Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh nơi đến biết trước ít nhất 24 giờ; trường hợp người nước ngoài đi trong đoàn đại biểu, đoàn cấp cao vào khu vực biên giới biển, cơ quan, tổ chức của Việt Nam (cơ quan, tổ chức mời hoặc làm việc với đoàn) phải thông báo bằng văn bản cho Công an, Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh nơi đến biết trước ít nhất 12 giờ.
+ Người nước ngoài làm việc, học tập, hoạt động đầu tư, kinh doanh tại khu kinh tế nằm trong khu vực biên giới biển hoặc có một phần địa giới thuộc khu vực biên giới biển và các thành viên gia đình họ được cư trú, tạm trú có thời hạn trong khu kinh tế theo quy định của pháp luật về lao động, nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
+ Người nước ngoài làm việc tại khu kinh tế trong khu vực biên giới biển hoặc có một phần địa giới thuộc khu vực biên giới biển, doanh nghiệp sử dụng lao động, đối tác phía Việt Nam hoặc đại diện của tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong thời hạn 24 giờ kể từ ngày bắt đầu làm việc phải thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Công an cấp xã, đồn Biên phòng sở tại về họ tên, tuổi, quốc tịch, số hộ chiếu, ngày bắt đầu, ngày kết thúc làm việc, nội dung công việc, nơi làm việc, tên và địa chỉ của cơ quan, tổ chức người nước ngoài làm việc
b, Khu vực biên giới đất liền
– Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Nghị định 34/2014/NĐ-CP: Khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây viết gọn là khu vực biên giới đất liền) bao gồm xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) có một phần địa giới hành chính trùng hợp với đường biên giới quốc gia trên đất liền.
– Khoản 2, Điều 6 Nghị định 34/2014/NĐ-CP quy định:
+ Người nước ngoài thường trú, tạm trú ở Việt Nam vào khu vực biên giới đất liền phải có giấy phép của cơ quan Công an cấp tỉnh nơi người đó thường trú, tạm trú hoặc Công an tỉnh biên giới đất liền nơi đến cấp;
+ Cơ quan, tổ chức Việt Nam đưa người nước ngoài vào khu vực biên giới đất liền phải có giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức chủ quản; cán bộ đi cùng phải có giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này, đồng thời cơ quan, tổ chức phải thông báo cho Công an và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh nơi đến biết trước ít nhất 24 giờ;
+ Trường hợp người nước ngoài đi trong các đoàn đại biểu, đoàn cấp cao vào khu vực biên giới đất liền, cơ quan, tổ chức của Việt Nam (cơ quan mời hoặc làm việc với Đoàn) phải thông báo bằng văn bản cho Công an và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh nơi đến biết, đồng thời cử cán bộ đi cùng để hướng dẫn.
- Một số lưu ý
Các trường hợp đủ điều kiện cấp giấy phép khu vực cấm, khu vực biên giới
+ Người nước ngoài có hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu kèm theo thị thực, chứng nhận tạm trú do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phù hợp với mục đích hoạt động tại Việt Nam đang cư trú tại Việt Nam và không thuộc diện “Chưa được xuất/ nhập cảnh” theo quy định của pháp luật Việt Nam.
+ Tổ chức bảo lãnh cho người nước ngoài phải có chương trình làm việc cụ thể đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động, có người hướng dẫn đi cùng.
+ Thân nhân cư trú trong khu vực cấm, khu vực biên giới bảo lãnh cho người nước ngoài phải có giấy tờ chứng minh quan hệ.
– Theo quy định tại Khoản 14, 15 điều 2 Thông tư 04/2015/TT-BCA quy định mẫu giấy tờ dùng cho cơ quan, tổ chức và cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam về công văn đề nghị cấp giấy phép vào khu vực cấm, khu vực biên giới (NA14), đơn xin phép cho thân nhân vào khu vực cấm, khu vực biên giới (NA15).
– Ngoài ra, khoản 11 điều 4 Thông tư 04/2015/TT-BCA còn quy định về mẫu giấy phép vào khu vực cấm, khu vực biên giới (NC10).
– Người nước ngoài xin cấp giấy phép vào khu vực cấm, khu vực biên giới tại Việt Nam phải thông qua cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh để làm thủ tục với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh.
– Trường hợp người nước ngoài xin cấp giấy phép vào khu vực cấm, khu vực biên giới để giải quyết việc riêng của cá nhân người đó thì có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh.
Kết luận: Cấp giấy phép vào khu vực cấm, khu vực biên giới cho người nước ngoài tại công an cấp tỉnh là một thủ tục rất quan trọng và cần thiết. Vì thế khi thực hiện thủ tục này cần lưu ý những quy định của pháp luật về Luật 47/2014/QH13; Nghị định số 71/2015/NĐ-CP; Nghị định số 34/2014/NĐ-CP;Quyết định số 160/2004/QĐ-TTg; Thông tư 04/2015/TT-BCA; Thông tư 97/2011/TT-BTC.