64. Khai phí, lệ phí khác thuộc ngân sách nhà nước
Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH12; Nghị định số 83/2013/NĐ-CP; Điều 19 Thông tư số 156/2013/TT-BTC; Thông tư số 110/2015/TT-BTC; Thông tư số 47/2019/TT-BTC quy định chi tiết về thủ tục khai phí, lệ phí khác thuôc ngân sách nhà nước. Sau đây, Dữ liệu Pháp lý sẽ trình bày rõ hơn về vấn đề này:
1. Một số khái niệm
– Khái niệm phí được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 3 Luật phí và lệ phí 2015 như sau:
Phí là một khoản tiền mà cá nhân, tổ chức phải trả nhằm bù đắp cơ bản các chi phí, đồng thời mang tính chất phục vụ khi cá nhân, tổ chức được cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được ban hành theo quy định của pháp luật. Có danh mục các loại phí phải nộp được ghi nhận tại mục A Phụ lục 01 ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí 2015.
– Lệ phí được quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật phí và lệ phí 2015, theo đó:
Lệ phí được xác định là một khoản tiền đã được cơ quan Nhà nước, tổ chức có thẩm quyền ấn định mức thu mà các cá nhân, tổ chức bắt buộc phải nộp khi được các cơ quan nhà nước cung cấp các dịch vụ công, các công việc phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí được ghi nhận tại mục B Phụ lục 01 ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí 2015.
2. Về khai, phí, lệ phí khác thuộc ngân sách nhà nước
– Điều 6 Thông tư số 47/2019/TT-BTC nêu rõ:
+ Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc nhà nước.
+ Tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp số tiền phí, lệ phí thu được theo tháng, quyết toán năm theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 19, khoản 2 Điều 26 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ.
– Bên cạnh đó Điều 20 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP cũng có quy định về kê khai phí, lệ phí, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước
+ Khai theo tháng áp dụng đối với các loại phí, lệ phí trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
+ Khai theo từng lần phát sinh áp dụng đối với lệ phí trước bạ;
+ Khai quyết toán năm hoặc khai quyết toán đến thời điểm chấm dứt hoạt động đối với các trường hợp quy định tại điểm a khoản này;
+ Khai lệ phí hải quan thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.
– Ngoài ra, khai phí, lệ phí khác thuộc ngân sách nhà nước còn được quy định tại Khoản 3 Điều 19 Thông tư 156/2013/TT-BTC:
+ Cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước nộp hồ sơ khai phí, lệ phí cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
+ Khai phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước là loại khai theo tháng và khai quyết toán năm.
+ Hồ sơ khai phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước theo tháng là Tờ khai phí, lệ phí theo mẫu số 01/PHLP ban hành kèm theo Thông tư này.
– Hồ sơ khai quyết toán năm phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước là Tờ khai quyết toán phí, lệ phí năm theo mẫu số 02/PHLP ban hành kèm theo Thông tư này.
– Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: trường hợp người nộp thuế lựa chọn và gửi hồ sơ đến cơ quan thuế thông qua giao dịch điện tử thì phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
3. Vi phạm quy định phí, lệ phí phạt tới 50 triệu đồng
Theo Nghị định 109/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 49/2016/NĐ-CP, theo đó mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý phí, lệ phí lên tới 50 triệu đồng.
Một số hành vi vi phạm thường gặp và mức xử phạt tương ứng như sau:
– Không đăng ký, kê khai thu, nộp phí, lệ phí phạt tiền từ 3 triệu đồng – 5 triệu đồng;
– Gian lận, trốn nộp phí, lệ phí phạt tối đa 50 triệu đồng;
– Khai man, khai khống hồ sơ để được áp dụng quy định miễn, giảm phí, lệ phí, mức phạt là 20% tính trên số tiền được miễn giảm. Mức phạt tối thiểu là 500 nghìn đồng, mức phạt tối đa là 50 triệu đồng.
Ngoài các mức phạt tiền nêu trên, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc hoàn trả toàn bộ tiền phí, lệ phí do thực hiện sai quy định; Buộc nộp đủ số phí, lệ phí gian lận, trốn nộp…
Kết luận: Trên đây là một số thông tin lưu ý về việc khai phí, lệ phí khác thuộc ngân sách nhà nước mà Dữ liệu Pháp lý gửi đến bạn đọc căn cứ trên Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH12; Nghị định số 83/2013/NĐ-CP; Điều 19 Thông tư số 156/2013/TT-BTC; Thông tư số 110/2015/TT-BTC; Thông tư số 47/2019/TT-BTC.
Chi tiết trình tự, thủ tục, biểu mẫu xem tại đây: Khai phí, lệ phí khác thuộc ngân sách nhà nước