1. Xem hàng hoá trước khi khai hải quan

Posted on

Để bảo đảm việc khai hải quan được chính xác, minh bạch thì trước khi khai hải quan, người khai hải quan có quyền đề nghị để được xem trước hàng hoá, lấy mẫu hàng hoá dưới sự giám sát của công chức hải quan. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ làm rõ nội dung trên theo Luật Hải quan 2014, Nghị định 08/2015/NĐ-CP,, Nghị định 59/2018/NĐ-CP và Thông tư 38/2015/TT-BTC

1. Một số khái niệm liên quan

– Căn cứ theo quy định tại Khoản 6, Khoản 14 và Khoản 23 Điều 3 Luật Hải quan 2014 thì các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

Hàng hóa bao gồm động sản có tên gọi và mã số theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hoặc được lưu giữ trong địa bàn hoạt động hải quan.

+ Người khai hải quan bao gồm: chủ hàng hóa; chủ phương tiện vận tải; người điều khiển phương tiện vận tải; đại lý làm thủ tục hải quan, người khác được chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải ủy quyền thực hiện thủ tục hải quan.

+ Thủ tục hải quan là các công việc mà người khai hải quan và công chức hải quan phải thực hiện theo quy định của Luật này đối với hàng hóa, phương tiện vận tải.

– Bên cạnh đó, tại Điều 5 Nghị định 08/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 59/2018/NĐ-CP) có nêu rõ về người khai hải quan, cụ thể người khai hải quan gồm:

+ Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trường hợp chủ hàng hóa là thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam thì phải thực hiện thủ tục hải quan thông qua đại lý làm thủ tục hải quan;

+ Chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hoặc người được chủ phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh ủy quyền;

+ Người được chủ hàng hóa ủy quyền trong trường hợp hàng hóa là quà biếu, quà tặng của cá nhân; hành lý gửi trước, gửi sau chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa nhập khẩu để thực hiện dự án đầu tư miễn thuế;

+ Người thực hiện dịch vụ quá cảnh hàng hóa, trung chuyển hàng hóa;

+ Đại lý làm thủ tục hải quan;

+ Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế trừ trường hợp chủ hàng có yêu cầu khác.

2.Quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan

a) Quyền của người khai hải quan

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Luật Hải quan 2014 thì người khai hải quan có những quyền như sau:

Được cơ quan hải quan cung cấp thông tin liên quan đến việc khai hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải, hướng dẫn làm thủ tục hải quan, phổ biến pháp luật về hải quan;

Yêu cầu cơ quan hải quan xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa khi đã cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cho cơ quan hải quan;

Xem trước hàng hóa, lấy mẫu hàng hóa dưới sự giám sát của công chức hải quan trước khi khai hải quan để bảo đảm việc khai hải quan được chính xác;

Yêu cầu cơ quan hải quan kiểm tra lại thực tế hàng hóa đã kiểm tra, nếu không đồng ý với quyết định của cơ quan hải quan trong trường hợp hàng hóa chưa được thông quan;

Sử dụng hồ sơ hải quan để thông quan hàng hóa, vận chuyển hàng hóa, thực hiện các thủ tục có liên quan với các cơ quan khác theo quy định của pháp luật;

Khiếu nại, tố cáo hành vi trái pháp luật của cơ quan hải quan, công chức hải quan;

Yêu cầu bồi thường thiệt hại do cơ quan hải quan, công chức hải quan gây ra theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

b) Nghĩa vụ của người khai hải quan

Tại Khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan 2014 có quy định về nghĩa vụ của người khai hải quan là chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải như sau:

Khai hải quan và làm thủ tục hải quan theo quy định của Luật này;

Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin để cơ quan hải quan thực hiện xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa;

Chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình; về sự thống nhất nội dung thông tin giữa hồ sơ lưu tại doanh nghiệp với hồ sơ lưu tại cơ quan hải quan;

Thực hiện quyết định và yêu cầu của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải;

Lưu giữ hồ sơ hải quan đối với hàng hóa đã được thông quan trong thời hạn 05 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; lưu giữ sổ sách, chứng từ kế toán và các chứng từ khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan trong thời hạn do pháp luật quy định; xuất trình hồ sơ, cung cấp thông tin, chứng từ liên quan khi cơ quan hải quan yêu cầu kiểm tra theo quy định tại các điều 32, 79 và 80 của Luật này;

Bố trí người, phương tiện thực hiện các công việc liên quan để công chức hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải;

Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Lưu ý: Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Luật Hải quan 2014 thì: “Người khai hải quan là đại lý làm thủ tục hải quan, người khác được chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải ủy quyền thực hiện nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b, c, d, e và g khoản 2 Điều này trong phạm vi được ủy quyền. Người khai hải quan là người điều khiển phương tiện vận tải thực hiện nghĩa vụ quy định tại các điểm a, c, d, e và g khoản 2 Điều này.”.

3.Xem hàng hoá, lấy mẫu hàng hóa trước khi khai hải quan

Căn cứ theo quy định tại Điều 17 Thông tư 38/2015/TT-BTC thì việc xem hàng hoá trước khi khai hải quan quy định tại điểm c khoản 1 Điều 18 Luật Hải quan và lấy mẫu hàng hóa để phục vụ khai hải quan được thực hiện như sau:

Sau khi được người vận chuyển hàng hóa hoặc người lưu giữ hàng hóa (hãng tàu, hãng hàng không, đường sắt, doanh nghiệp chuyển phát nhanh, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bưu chính, chủ kho ngoại quan,…) chấp thuận, chủ hàng thông báo cho Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa để giám sát theo quy định, đồng thời thông báo cho doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi để phối hợp.

– Khi xem trước hàng hóa, Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa phải lập biên bản chứng nhận, có xác nhận của chủ hàng. Biên bản được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

– Trường hợp người khai hải quan đề nghị lấy mẫu để phục vụ việc khai hải quan thì thực hiện theo quy định tại Điều 31 Thông tư này.

– Sau khi xem trước hàng, lấy mẫu, công chức hải quan thực hiện niêm phong lô hàng. Trường hợp hàng hoá không thể niêm phong được thì trong biên bản chứng nhận nêu tại khoản 2 Điều này phải thể hiện được tình trạng hàng hoá và ghi rõ người đang giữ hàng hoá chịu trách nhiệm giữ nguyên trạng hàng hoá. Khi khai hải quan, chủ hàng ghi rõ kết quả xem trước, lấy mẫu hàng hóa trên tờ khai hải quan.

4.Các hành vi nghiêm cấm trong lĩnh vực hải quan đối với người khai hải quan, tổ chức và cá nhân

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Luật Hải quan 2014 thì các hành vi nghiêm cấm trong lĩnh vực hải quan đối với người khai hải quan, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải bao gồm:

– Thực hiện hành vi gian dối trong việc làm thủ tục hải quan;

– Buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;

– Gian lận thương mại, gian lận thuế;

– Đưa hối lộ hoặc thực hiện hành vi khác nhằm mưu lợi bất chính;

– Cản trở công chức hải quan thi hành công vụ;

– Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin hải quan;

– Hành vi khác vi phạm pháp luật về hải quan.

Lưu ý: Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt theo Nghị định 127/2013/NĐ-CP.

Kết luận: Người khai hải quan khi thực hiện thủ tục xem hàng hóa trước khi khai hải quan thì cần phải tuân thủ theo quy định tại Luật Hải quan 2014, Nghị định 08/2015/NĐ-CP,, Nghị định 59/2018/NĐ-CP và Thông tư 38/2015/TT-BTC

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Xem hàng hoá trước khi khai hải quan