15. Thủ tục đối với hàng hóa nhập khẩu hoặc hàng hóa xuất khẩu đóng ghép với hàng hóa quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế
Nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng hóa một cách nhanh chóng qua hải quan đã phát sinh nên thủ tục đối với hàng hóa nhập khẩu hoặc hàng hóa xuất khẩu đóng ghép với hàng hóa quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý xin được cụ thể nội dung trên theo Luật hải quan 2014, Luật Bưu chính 2010, Luật Thương mại 2005, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Nghị định 47/2011/NĐ-CP, Thông tư 38/2015/TT-BTC, Thông tư 191/2015/TT-BTC và Thông tư 56/2019/TT-BTC như sau:
1. Một số khái niệm cơ bản
Thủ tục hải quan là các công việc mà người khai hải quan và công chức hải quan phải thực hiện theo quy định của Luật này đối với hàng hóa, phương tiện vận tải (khoản 23 Điều 4 Luật Hải quan 2014).
Hàng hóa bao gồm động sản có tên gọi và mã số theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hoặc được lưu giữ trong địa bàn hoạt động hải quan (khoản 6 Điều 4 Luật Hải quan 2014).
2. Nguyên tắc đóng ghép:
Hàng hóa nhập khẩu hoặc hàng hóa xuất khẩu đóng ghép chung xe chuyên dụng, toa xe đường sắt chuyên dụng với hàng hóa quá cảnh phải thỏa mãn các điều kiện: (khoản 1 Điều 18 Thông tư 191/2015/TT-BTC):
– Phải được đóng gói riêng biệt (kiện, thùng, bao bì…) để phân biệt hàng hóa quá cảnh đóng ghép với hàng nhập khẩu; và hàng hóa quá cảnh đóngghép với hàng xuất khẩu trong trường hợp hàng đóng ghép được chia tách nhiều lần, đảm bảo công tác giám sát, quản lý của cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng liên quan;
– Hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; trừ hàng hóa quá cảnh phải có giấy phép quá cảnh theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 242 Luật Thương mại 2005;
– Phải có cùng điểm xuất phát và cùng điểm đích vận chuyển, cụ thể:
+ Trường hợp hàng hóa nhập khẩu khi đóng ghép với hàng hóa quá cảnh phải cùng điểm xuất phát là cửa khẩu nhập và cùng điểm đích là địa điểm làm thủ tục hải quan cho hàng hóa nhập khẩu và là nơi lưu giữ, chia tách, đóng ghép hàng hóa quá cảnh;
+ Trường hợp hàng hóa xuất khẩu khi đóng ghép với hàng hóa quá cảnh phải cùng điểm xuất phát là địa điểm làm thủ tục hải quan và cùng điểm đích là cửa khẩu xuất.
– Chỉ được đóng ghép chung trong một xe chuyên dụng (container) hoặc một toa xe lửa.
Lưu ý: Thực hiện theo quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh chia tách, đóng chung container, toa xe chở hàng với hàng hóa xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan, hàng hóa dự kiến nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh tại khoản 29 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC (Khoản 17 Điều 2 Thông tư 56/2019/TT-BTC).
3. Thủ tục đối với hàng hóa nhập khẩu hoặc hàng hóa xuất khẩu đóng ghép với hàng hóa quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế.
3.1. Trách nhiệm của doanh nghiệp (khoản 2 Điều 18 Thông tư 191/2015/TT-BTC):
– Gửi cơ quan Hải quan văn bản đề nghị đóng ghép hàng xuất khẩu hoặc nhập khẩu với hàng quá cảnh quy định tại khoản 1 Điều 18 Thông tư 191/2015/TT-BTC: 02 bản chính;
– Trường hợp được cơ quan Hải quan chấp nhận, khai báo tờ khai vận chuyển độc lập theo quy định tại Điều 17 Thông tư 191/2015/TT-BTC và thực hiện:
– Trường hợp hàng hóa quá cảnh đóng ghép với hàng hóa xuất khẩu và thực xuất tại cùng cửa khẩu, khai trên 01 tờ khai vận chuyển độc lập;
– Trường hợp hàng hóa quá cảnh đóng ghép với hàng hóa nhập khẩu, khai trên 02 tờ khai vận chuyển độc lập. Khi hàng hóa quá cảnh đến điểm đích, người khai hải quan khai tiếp tờ khai vận chuyển độc lập để vận chuyển hàng hóa ra cửa khẩu xuất.
– Tiêu chí “Ghi chú 2” ghi số tờ khai vận chuyển độc lập của hàng hóa đã đóng ghép.
3.2. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan nơi hàng hóa được vận chuyển đi
– Tiếp nhận và kiểm tra các điều kiện đóng ghép quy định tại khoản 1 Điều 18 Thông tư 191/2015/TT-BTC:
– Trường hợp không phù hợp: không chấp nhận việc đóng ghép, hoặc hướng dẫn bổ sung;
– Trường hợp phù hợp: phê duyệt văn bản đề nghị đóng ghép; giám sát việc chia tách, đóng ghép và thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 17 Thông tư 191/2015/TT-BTC;
– Ghi cùng 01 số hiệu niêm phong hải quan trên Thông báo phê duyệt khai báo vận chuyển, hoặc trên Bản kê hàng hóa (nếu có) của hàng quá cảnh và hàng nhập khẩu hoặc xuất khẩu đóng ghép.
3.3. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan nơi hàng hóa được vận chuyển đến
– Công chức hải quan đối chiếu tình trạng niêm phong, số hiệu niêm phong hải quan trên Thông báo phê duyệt khai báo vận chuyển hoặc trên Bản kê hàng hóa (nếu có) với thực tế hàng hóa để xác nhận trên Hệ thống hoặc Bản kê hàng hóa;
– Cập nhật thông tin hàng hóa vận chuyển đến đích vào hệ thống.
– Lưu giữ hồ sơ gồm 01 Thông báo phê duyệt khai báo vận chuyển, 01 Bản kê hàng hóa (nếu có), 01 Biên bản ghi nhận và ảnh chụp (nếu có).
– Kiểm tra tờ khai vận chuyển độc lập được ghi tại tiêu chí “Ghi chú 2” trên tờ khai vận chuyển độc lập đóng ghép để xác nhận 02 tờ khai trên hệ thống theo quy định.
Lưu ý: Đối với hàng hóa xuất khẩu, việc nộp tờ khai hải quan được thực hiện sau khi đã tập kết hàng hóa tại địa điểm do người khai hải quan thông báo và chậm nhất 04 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh; đối với hàng hóa xuất khẩu gửi bằng dịch vụ chuyển phát nhanh thì chậm nhất là 02 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh; (điểm a khoản 8 Điều 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC).
Kết luận: Khi thực hiện thủ tục Thủ tục đối với hàng hóa nhập khẩu hoặc hàng hóa xuất khẩu đóng ghép với hàng hóa quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Luật hải quan 2014, Luật Bưu chính 2010, Luật Thương mại 2005, Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Nghị định 47/2011/ NĐ-CP, Thông tư 38/2015/TT-BTC, Thông tư 191/2015/TT-BTC và Thông tư 56/2019/TT-BTC.
Chi tiết trình tự thủ tục, hồ sơ thực hiện xem tại:
Thủ tục đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu đóng ghép với hàng hóa quá cảnh gửi dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế