12. Báo cáo tình hình sử dụng tem rượu, quyết toán tem rượu và báo cáo mất tem rượu

Posted on

Báo cáo tình hình sử dụng tem rượu, quyết toán tem rượu và báo cáo mất tem rượu là một thủ tục quan trọng và cần thiết đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh, sản xuất rượu. Sau đây, căn cứ Nghị định số 105/2017/NĐ-CP; Thông tư số 160/2013/TT-BTC Dữ liệu Pháp lý sẽ trình bày rõ hơn về vấn đề này.

 1. Đối tượng áp dụng

– Theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 160/2013/TT-BTC

+ Sản phẩm rượu sản xuất trong nước để tiêu thụ, lưu hành trên thị trường từ ngày 01/01/2014 và sản phẩm rượu nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải dán tem trên bao bì sản phẩm.

+ Các trường hợp không phải dán tem trên bao bì sản phẩm

Rượu sản xuất thủ công để bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu;

Sản phẩm rượu sản xuất để xuất khẩu, chào hàng, triển lãm ở nước ngoài;

Rượu nhập khẩu trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế theo quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Báo cáo tình hình sử dụng tem rượu, quyết toán tem rượu và báo cáo mất tem rượu.

– Việc báo cáo tình hình sử dụng tem rượu được quy định chi tiết tại Khoản 4, Điều 6 Thông tư số 160/2013/TT-BTC, cụ thể như sau:

+ Hàng quý tổ chức, cá nhân sản xuất rượu tiêu thụ trong nước sử dụng tem phải lập và gửi Báo cáo tình hình sử dụng tem rượu đến Cơ quan Thuế quản lý trực tiếp (theo Mẫu số 06, Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này); thời hạn gửi báo cáo đến Cơ quan Thuế chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau.

3. Xử lý tem rượu của các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu ngừng sản xuất, giải thể, phá sản; chia, tách, sáp nhập

– Khoản 5, Điều 6 Thông tư số 160/2013/TT-BTC quy định như sau: Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu trong nước khi ngừng sản xuất, giải thể, phá sản phải thực hiện quyết toán tem và thực hiện hủy số tem còn lại không có nhu cầu sử dụng trong vòng năm (05) ngày làm việc kể từ ngày tổ chức, cá nhân thông báo ngừng sản xuất hoặc ngày Quyết định giải thể, phá sản.

Trường hợp tổ chức, cá nhân sáp nhập: Cơ quan Thuế thực hiện chuyển số tem còn tồn tại tổ chức, cá nhân sáp nhập sang tên, mã số thuế của tổ chức, cá nhân sau sáp nhập.

Trường hợp tổ chức, cá nhân chia tách: Cơ quan Thuế thực hiện chuyển số tem còn tồn khi chia tách cho tên, mã số thuế tổ chức, cá nhân sau chia tách theo đề nghị của tổ chức, cá nhân chia tách.

Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân chuyển nhượng, bán (trừ Cơ quan Thuế), cho vay, cho mượn tem rượu cho tổ chức, cá nhân khác.

4. Xử lý trong trường hợp mất, hư hỏng tem rượu

Khoản 6, Điều 6 Thông tư số 160/2013/TT-BTC quy định về trường hợp mất, hư hỏng tem rượu như sau:

Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu tiêu thụ trong nước phát hiện mất tem phải lập Báo cáo về việc mất tem, gửi đến Cơ quan Thuế quản lý trực tiếp (theo Mẫu số 03, Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này) chậm nhất không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày phát hiện việc mất tem.

Các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu tiêu thụ trong nước có tem rượu hư hỏng (rách, hỏng…), tem không có nhu cầu sử dụng phải có văn bản kèm Bảng kê chi tiết đăng ký huỷ với Cơ quan Thuế quản lý trực tiếp; Bộ Tài chính ủy quyền cho Cục trưởng Cục Thuế kiểm tra có văn bản chấp thuận cho hủy tại đơn vị. Đơn vị tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về số tem đã hủy.

5. Xử phạt vi phạm hành chính về dám tem sản phẩm rượu

Theo Điều 43 Nghị định số 183/2015/NĐ-CP:

– Đối với hành vi kinh doanh sản phẩm rượu sản xuất trong nước không dán tem sản phẩm rượu sản xuất trong nước theo quy định, mức phạt tiền như sau:

+ Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

Phạt tiền gấp hai lần quy định tại khoản 1 Điều này đối với người sản xuất có hành vi không dán tem sản phẩm rượu sản xuất trong nước theo quy định.

– Hình thức xử phạt bổ sung:

+ Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và 2 Điều này;

+ Tước quyền sử dụng giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Kết luận: Trên đây là một số lưu ý mà Dữ liệu Pháp lý căn cứ trên quy định của Nghị định số 105/2017/NĐ-CP; Thông tư số 160/2013/TT-BTC gửi đến bạn đọc về thủ tục báo cáo tình hình sử dụng tem rượu.

Chi tiết trình tự, thủ tục, biểu mẫu xem tại đây: Báo cáo tình hình sử dụng tem rượu, quyết toán tem rượu và báo cáo mất tem rượu